Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Khó hoàn thành các chỉ tiêu

Nguyên Hoa| 10/09/2014 06:11

(HNM) - Tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ đời sống đồng bào DTTS là một trong những mục tiêu quan trọng của Kế hoạch 166/KH-UBND. Mặc dù đã được đầu tư trong gần hai năm qua, song do thiếu vốn nên hệ thống cơ sở hạ tầng của các xã khu vực miền núi vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập, khó bảo đảm đúng tiến độ.

Dân bức xúc, chính quyền lo lắng

Chủ tịch UBND xã Yên Trung (Thạch Thất) Hoàng Phương dẫn khách đi thăm công trình xây dựng bai mương dẫn nước thôn Luồng và dự án đường giao thông thôn Luồng trong tâm trạng rất băn khoăn. Hai dự án này được triển khai từ năm 2013 với tổng mức đầu tư hơn 6 tỷ đồng. Ngày đầu thi công, bà con phấn khởi trước sự quan tâm thiết thực của huyện và thành phố. Bởi một khi công trình hoàn thành, đồng ruộng sẽ không còn bị khô hạn, trẻ con đến trường không còn cảnh lầy lội. Thế nhưng, nhiều ngày tháng trôi qua mà hai công trình vẫn còn dang dở. Vì xây bai mương nên dòng chảy đã bị chặn lại khiến việc lấy nước vào ruộng của bà con gặp rất nhiều khó khăn, đường và mương bị đào bới ngổn ngang. Chủ tịch UBND xã Yên Trung Hoàng Phương cho biết: "Kế hoạch cấp vốn dự kiến đến tháng 6-2014 là 4 tỷ đồng nhưng hiện mới chỉ được cấp 3,3 tỷ đồng, dự án hiện đã thi công ước đạt 72% thì phải dừng lại. Chúng tôi mong được cấp tiếp vốn của năm 2014 là 2,1 tỷ đồng để hai công trình nhanh chóng được hoàn thành". Tình trạng công trình "treo" không phải là trường hợp cá biệt của xã Yên Trung mà 6 dự án đang thực hiện theo Kế hoạch 166 trên địa bàn huyện Thạch Thất đều trong tình trạng dang dở. Nguyên nhân được xác định là do vốn cấp cho các dự án này mới chỉ đạt 38 tỷ đồng trong khi tổng số vốn được duyệt là 56 tỷ đồng. Đấy là chưa kể 44 dự án khác đã được thành phố phê duyệt nhưng đang chờ vốn.

Tương tự, dự kiến công trình Trạm y tế xã Ba Vì (huyện Ba Vì) sẽ hoàn thành sau 9 tháng thi công nhưng đến nay sau hai năm với 80% khối lượng công việc đã xong mà vẫn chưa được bố trí thêm vốn và nhà thầu đã chuyển đi làm công trình khác. Theo Kế hoạch 166, huyện Ba Vì được đầu tư 87 dự án. Trong giai đoạn 2012 - 2014, có 16 dự án được bố trí vốn để thực hiện với tổng mức đầu tư khoảng 295 tỷ đồng. Nhưng đến nay, thành phố mới bố trí được gần 234 tỷ đồng khiến 11 dự án đang thực hiện đều bị dở dang, trong khi các dự án mới theo kế hoạch cũng không thể triển khai. Đặc biệt nhất là hai dự án trọng tâm bị chậm tiến độ là Trạm y tế xã Ba Vì và Trường Mầm non xã Ba Trại.

Công trình bị chậm tiến độ khiến người dân chịu nhiều thiệt thòi và bức xúc. Chị Hoàng Thị Hương ở xã An Phú (Mỹ Đức) chỉ vào đường Thanh Hà đang được cải tạo theo Kế hoạch 166 nói: "Đường cũ của chúng tôi bị người ta đào lên, rải đá cấp phối hai năm nay mà không rải nhựa. Mưa nắng nhiều chỗ giờ thành ổ gà, ổ voi vừa bụi bặm về ngày nắng, khó đi về ngày mưa".

Còn nhiều việc phải làm

Chủ tịch UBND xã An Phú (Mỹ Đức) Nguyễn Thế Nghĩa chia sẻ: "13 nhà văn hóa của các thôn trong xã một nửa đã xuống cấp, còn một nửa thiếu sân chơi nhưng vẫn chưa được cấp vốn để xây dựng. Kế hoạch 166 đề ra chỉ tiêu tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt 50% nhưng xã chúng tôi hiện chưa có trường học nào đạt chuẩn. Lý do là dân cư nằm rải rác nên xã có nhiều điểm trường, giờ xây trường chuẩn quy tụ về một điểm thì các cháu đi học xa. Nhưng nếu xây theo cụm như hiện nay thì thành phố không bố trí cấp vốn". Phó Chủ tịch UBND xã Đông Xuân (Quốc Oai) Bùi Văn Long lại trăn trở: "Hiện nay, trạm y tế xã và nhà văn hóa của các thôn đang xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn chưa được bố trí vốn để xây dựng lại. Đặc biệt, việc tiếp cận lưới điện quốc gia của nhiều hộ dân của xã Đông Xuân còn rất khó khăn bởi nhiều hộ dân sống xa trung tâm và đường trục chính nên họ vẫn phải tự kéo đường dây để sử dụng điện...".

Kế hoạch 166 của UBND thành phố chủ yếu là đầu tư cơ sở vật chất và các thiết chế văn hóa phục vụ sản xuất và sinh hoạt của đồng bào DTTS miền núi với 50 công trình về giáo dục đào tạo, 8 công trình cấp nước sạch, 56 công trình giao thông nông thôn, 26 công trình thủy lợi, 33 công trình văn hóa thể thao và một số lĩnh vực khác... Thời gian kết thúc kế hoạch chỉ còn hơn một năm nhưng hiện mới chỉ có 8 dự án hoàn thành và đưa vào sử dụng; nhiều dự án nằm trong kế hoạch đang dở dang hoặc đến nay chưa được bố trí vốn.

Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, thực hiện Kế hoạch 166, thành phố đã phê duyệt 186 dự án với tổng mức đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2013 - 2015. Tuy nhiên, lũy kế đến tháng 6 năm 2014, thành phố mới bố trí được 336,5 tỷ đồng để thực hiện 44 dự án (bằng 16,7% kế hoạch). Vì vậy, phần lớn các dự án mới chỉ thực hiện được 30 - 70% khối lượng công trình, trong đó, có tới 32 dự án hiện đang dở dang do thiếu vốn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Khó hoàn thành các chỉ tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.