(HNM) - Dăm năm trở lại đây, mỗi khi đề cập đến những vụ việc có liên quan đến đạo đức của học sinh (HS), người ta hay nhắc tới giá trị sống (GTS) và kỹ năng sống (KNS). Những khái niệm được
Còn trong các nhà trường, GTS và KNS cũng đã được đề cập trong nhiệm vụ trường học: "Dạy chữ, dạy người"; trong mục tiêu giáo dục: đức, trí, thể, mỹ; trong các khẩu hiệu: "Tiên học lễ, hậu học văn"; trong nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động mà mới đây nhất là "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực". Nhưng dường như HS hiện nay mới được học cách để "làm" nhằm chuẩn bị cho cuộc mưu sinh, còn chưa được dạy để biết nên "sống" thế nào?
Trang bị cho học sinh kiến thức về giá trị sống để các em biết yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh. Ảnh: Phương An |
Giá trị là "gốc", kỹ năng là "ngọn"
Xã hội hiện đại có sự thay đổi toàn diện cả về kinh tế, văn hóa, xã hội và lối sống với tốc độ nhanh, làm nảy sinh những vấn đề trước đây chưa gặp phải, chưa từng trải nghiệm, chưa phải ứng phó và đương đầu. Cuộc sống phức tạp, khó khăn và đầy thách thức hiện nay buộc con người phải có KNS, tức là những khả năng làm cho hành vi và sự thay đổi của mình có thể thích nghi và giải quyết có hiệu quả các yêu cầu cũng như thách thức của cuộc sống. Xưa nay, KNS thường được hình thành qua quá trình trải nghiệm nhưng giờ đây, theo quan điểm giáo dục hiện đại, giáo dục KNS đã được coi là một nhiệm vụ của nhà trường.
Giáo dục KNS đã được các tổ chức của Liên hợp quốc đưa vào nước ta từ những năm 90 của thế kỷ trước và khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ đã triển khai các chương trình giáo dục KNS thông qua các bộ, ngành, đoàn thể, với nội dung khác nhau cho cả HS trong nhà trường lẫn ngoài cộng đồng dân cư, với phương pháp và hình thức tổ chức đa dạng. Tuy nhiên, các hoạt động này còn nhỏ lẻ và manh mún, mới mang tính thử nghiệm lẻ tẻ ở các địa phương, tập trung vào một số nội dung như phòng chống HIV/AIDS, sức khỏe sinh sản vị thành niên và cũng mới dừng ở mức trang bị kiến thức, chưa đủ thời gian biến kiến thức thành kỹ năng.
GTS lại còn mới lạ hơn nữa và trong một chừng mực nào đó được đồng nhất với giá trị đạo đức. Trong khi đó, theo các chuyên gia, GTS mới là cái nền, bởi nói một cách nôm na, dạy cho trẻ KNS tức là giúp các em biết "nói không với cái xấu" nhưng nếu chúng lại xem "cái xấu" là GTS thì sao? TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định: Nếu con người không có nền tảng GTS rõ ràng và vững chắc, dù cho được học nhiều KNS đến đâu cũng sẽ không biết cách sử dụng nguồn tri thức ấy sao cho hợp lý, mang lại lợi ích cho bản thân và cho xã hội. Không có nền tảng giá trị, sẽ không biết cách tôn trọng bản thân và người khác, không biết cách hợp tác, không biết cách xây dựng và duy trì tình đoàn kết trong mối quan hệ, không biết cách thích ứng trước những đổi thay.
Định hướng giá trị và những kỹ năng cần có
Thực tế cho thấy, thiếu nền tảng GTS vững chắc, con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi những giá trị vật chất rồi mau chóng định hình chúng thành mục đích sống, đôi khi đưa đến kiểu hành vi thiếu trung thực, bất hợp tác, vị kỷ cá nhân. Theo các chuyên gia tâm lý, GTS giúp người ta cân bằng lại những mục tiêu vật chất. Những GTS tích cực là "cái neo" giúp con người ổn định, vững chãi giữa những biến động của cuộc đời, có thể sẽ không dễ dàng gì nhưng ta vẫn vượt qua được mà không cảm thấy bị thua thiệt, mất mát.
Nhưng, dưới tác động theo hướng tiêu cực của kinh tế thị trường, sự hội nhập của các nền văn hóa, sự hấp dẫn của đời sống đô thị, GTS đã có nhiều biến đổi. Định hướng giá trị của các thành viên trong xã hội cũng đang vận động và tác động lớn tới GTS của HS lứa tuổi cuối THCS, đầu THPT còn non nớt nhưng lại đang muốn làm người lớn. Đặc biệt, xu hướng lấy tiền làm thước đo cho mọi loại giá trị ngày càng trở nên phổ biến; lối sống hưởng thụ và tâm lý tiêu dùng đã dần lấn át các giá trị truyền thống khiến không ít người lười nhác, ỉ lại, ích kỷ, thiếu trách nhiệm, thiếu lòng nhân hậu, không biết cảm thông, yêu thương chính những người thân yêu nhất, không biết lắng nghe, nhường nhịn, vị tha…
Kết quả điều tra trên đối tượng là học sinh THCS, THPT, sinh viên năm thứ nhất của một số trường ĐH, CĐ ở Hà Nội về thực trạng KNS để thiết kế một chương trình giáo dục KNS phù hợp cũng cho thấy, với 1.043 phiếu hỏi, có hơn 95% các em nhận thức chưa đúng về KNS; 77,7% chưa bao giờ được đào tạo, tập huấn về nội dung này; 76,4% trả lời rất cần được tập huấn kiến thức về KNS. Theo bà Đỗ Thị Hải, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu môi trường và các vấn đề xã hội thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, chỉ trong hai tháng đầu năm 2010, Tổng đài tư vấn 1900.58.58.89 của Viện đã chia sẻ và giải đáp 1.500 cuộc gọi tư vấn (chiếm hơn 60% tổng số cuộc gọi) của HS hỏi về KNS.
Cũng theo một cuộc khảo sát về thực trạng và nhu cầu được đào tạo KNS của nhóm trẻ vị thành niên tại các trường trên địa bàn Hà Nội do Viện này thực hiện, chỉ 5,8% học sinh, sinh viên cho biết được học KNS nhiều lần, hơn 12% trả lời được học một lần và 82% các em nói rằng chưa bao giờ được học. Hầu hết các em lúng túng khi trả lời hoặc chưa biết cách xử lý các tình huống thường gặp trong cuộc sống chứ chưa nói gì đến kỹ năng xác định GTS để hiểu giá trị nào là cơ bản, là quan trọng đối với con người, biết xác định những giá trị riêng của bản thân, thấy được giá trị này chi phối hành vi của mỗi con người; có kỹ năng giao tiếp để biết trình bày một cách dễ hiểu, thuyết phục, biết lắng nghe và cảm thông; có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực để nhận thức được mâu thuẫn và hiểu rằng đó là một phần cuộc sống, từ đó bình tĩnh trước những mâu thuẫn, xung đột và biết cách giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình; có kỹ năng ứng phó với cảm xúc, căng thẳng để sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thử thách trong cuộc sống và tìm cách giải quyết nó.
Thực tế trên cho thấy, đã là muộn khi đưa nội dung giáo dục GTS, KNS vào chương trình chính khóa từ năm học 2010-2011 như tuyên bố của Bộ GD-ĐT. Nhưng muộn còn hơn không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.