Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Hóa giải những khoản nợ

Hương Ly| 21/10/2015 07:38

(HNM) - Khó khăn về tài chính, thậm chí rơi vào tình trạng nợ nần là tình cảnh của không ít DN trước khi thực hiện cổ phần hóa (CPH). Chuyển nhiều tỷ đồng tiền nợ thành vốn chủ sở hữu hay hợp tác với các chủ nợ, mời họ mua cổ phần của DN và trở thành một trong những đồng sở hữu DN là giải pháp được

Chuyển nợ xấu thành vốn góp

Giải quyết hàng loạt khoản nợ lớn trước khi CPH là "bài toán" khó với nhiều DN. Bởi lẽ, trong bối cảnh tài chính khó khăn, việc bán đấu giá cổ phần ra công chúng, hay mời gọi các nhà đầu tư góp vốn để vực dậy DN sau khi CPH là vấn đề không đơn giản. Nhưng trên thực tế, nhiều DN và các "chủ nợ" đã chủ động bắt tay hợp tác, chuyển các khoản nợ thành vốn góp. Với thỏa thuận này, chủ nợ thay vì phải thu hồi tiền đã cho DN vay sẽ lấy chính khoản nợ phải thu để mua cổ phần. Khi đã là cổ đông, chủ nợ sẽ có quyền trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào quản lý, hoạch định phương hướng sản xuất kinh doanh (SXKD), qua đó góp phần giúp DN từng bước khôi phục. Về phần DN, việc chuyển nợ thành vốn góp sẽ giải phóng họ khỏi gánh nặng nợ nần, cải thiện khả năng thanh toán và đẩy nhanh tiến trình CPH DN theo kế hoạch. Đặc biệt, với lý lịch "đẹp" và không còn nợ nần, các DN sẽ dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay mới để đầu tư vào SXKD. Như vậy, với việc chuyển nợ thành vốn góp, nợ xấu của DN sẽ được hóa giải, thay vào đó sẽ là phần vốn điều lệ thuộc quyền sở hữu của các chủ nợ.

Bianfishco đã dần hồi phục sau khi quá trình chuyển nợ thành vốn góp.



Phương án chuyển nợ thành vốn góp trên thực tế đã được nhiều DNNN áp dụng. Trước khi CPH, năm 2014, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) phải đối mặt với khoản nợ hàng chục nghìn tỷ đồng. Nhiều công ty thành viên đứng bên bờ vực phá sản, việc CPH của DN dường như rơi vào bế tắc. Trước thực tế này, Bộ GT-VT đã trình Chính phủ đề án tái cơ cấu nợ của Vinalines, trong đó tập trung vào giải pháp chuyển nợ thành vốn góp. Cùng với các phương án khác, Vinalines đã xử lý được hơn 3.500 tỷ đồng nợ xấu. Ngay sau đó, 12 công ty thành viên của Vinalines đã CPH đều đấu giá cổ phần thành công. Tỷ lệ bán cổ phần đều trên 60% và về đích sớm trước một năm so với kế hoạch đề ra.

Mới đây, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ngỏ lời với Bộ GT-VT về việc tham gia làm đối tác chiến lược tại Công ty CP Cảng Vinalines Đình Vũ, nơi Vinalines đang chiếm cổ phần chi phối với tỷ lệ vốn góp 51%, tương đương khoảng 102 tỷ đồng. VietinBank mong muốn tiếp nhận toàn bộ số cổ phần của Vinalines để trừ vào số nợ còn hơn 2.300 tỷ đồng tại VietinBank. Trước đó, VietinBank cũng có nguyện vọng đổi nợ thành cổ phần khi Vinalines chuẩn bị bán đấu giá cổ phần tại Cảng Hải Phòng cũng như bán tiếp vốn tại Cảng Đà Nẵng. Đề xuất trước đó của VietinBank đã nhận được sự đồng ý về nguyên tắc của Ngân hàng Nhà nước nhằm giúp cho Vinalines và các công ty thành viên giảm bớt khó khăn.

Một phương án hiệu quả

Trên thực tế, giải pháp chuyển nợ thành vốn góp đã giúp một số DN vượt qua khủng hoảng. Công ty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) là một ví dụ. Giai đoạn 2011-2012, Bianfishco gặp khó khăn do nguồn nguyên liệu đầu vào thiếu ổn định, chi phí tài chính tăng cao, ngân hàng ngưng cấp tín dụng, quản trị điều hành DN yếu kém khiến hoạt động SXKD bị đình trệ. Công ty rơi vào tình trạng thua lỗ, số dư nợ đọng ngân hàng và người dân nuôi cá lớn. Trước thực trạng bi đát này, chủ nợ chính là các ngân hàng đã cùng phối hợp tái cấu trúc lại hoạt động của Bianfishco thông qua việc chuyển nợ thành vốn góp cổ phần. Với thỏa thuận này, Ngân hàng SHB chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Bianfishco, sở hữu 25 triệu cổ phần, bằng 50% vốn điều lệ tương đương 250 tỷ đồng và tham gia vào quá trình tái cấu trúc toàn diện công ty. Hoạt động SXKD của Bianfishco đã dần hồi phục sau khi quá trình chuyển nợ thành vốn góp.

Năm 2006, quá trình CPH của Công ty Sadico Cần Thơ (SDG) gặp nhiều khó khăn do mất cân đối tài chính trầm trọng, kinh doanh thua lỗ và ngập trong nợ nần. Công ty TNHH Mua bán nợ - DATC (Bộ Tài chính) đã vào cuộc bằng cách mua nợ xấu ngân hàng để xử lý tồn tại tài chính gắn với tái cơ cấu và chuyển đổi DN thành công ty cổ phần với vốn điều lệ 50 tỷ đồng (DATC sở hữu 51% theo cơ chế chuyển nợ thành vốn góp). Sau khi chuyển nợ thành vốn góp, các món nợ xấu đã được loại bỏ, SDG dần ổn định hoạt động và kinh doanh có lãi.

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 60/2015/CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 58/2012/CP hướng dẫn Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, có hiệu lực từ ngày 1-9-2015. Nghị định 60 cho phép phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy phần vốn góp của DN; đồng thời phát hành cho chủ nợ để chuyển nợ thành vốn góp. Theo các chuyên gia tài chính, việc chuyển nợ thành vốn góp sẽ giúp DN giảm bớt trách nhiệm phải trả nợ ngay lập tức, đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng để tiếp tục duy trì hoạt động SXKD. Ngoài ra, DN cũng được nâng hạng tín nhiệm, ra khỏi nhóm nợ xấu ngân hàng. Tuy nhiên, chuyển nợ thành vốn góp cũng chỉ là một trong những phương án nhằm đẩy nhanh tiến trình CPH. Phát biểu tại "Diễn đàn Kinh tế mùa xuân 2015", ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, mục tiêu phải CPH 432 DNNN còn xa vời là do Quốc hội chưa có nghị quyết chuyên đề về CPH DNNN. Những quy định về CPH mới chỉ xuất hiện đan xen đâu đó, nên chưa đúng tầm. Cần phải có một nghị quyết của Quốc hội về vấn đề này thì tiến trình CPH mới đạt được đúng mục tiêu như mong muốn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Hóa giải những khoản nợ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.