Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Giảm trung gian, tăng liên kết

Bạch Thanh - Quỳnh Dung| 18/05/2011 07:06

(HNM) - Đội ngũ thương lái đang thao túng thị trường nông sản hàng hóa, nhưng trong tình trạng sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô nhỏ lẻ và manh mún như hiện nay, không thể thiếu vai trò của họ trong hệ thống lưu thông, phân phối.

Nông dân không muốn "cõng trên lưng" quá nhiều khâu trung gian, tự họ phải biết liên kết, nâng cao quy mô, thoát cảnh sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như hiện nay.

Sống chung với thương lái?



Theo nhiều chuyên gia kinh tế, cho dù trong thời gian qua, hệ thống đại lý thu mua nông sản bộc lộ không ít bất cập, hàng hóa kém chất lượng len lỏi vào các đại lý cấp 3, cấp 4; qua nhiều khâu trung gian, giá bị đội lên cao… Thế nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng từ lâu nông dân xem những đại lý này là bà đỡ của mình, từ chuyện cưới xin, tang lễ, lo cho con ăn học đến khó khăn lúc giáp hạt, từ phân bón đến thuốc trừ sâu, đều có hệ thống "ngân hàng nhân dân" một cách nói ví von của nhiều nông dân. Thực tế, các đại lý đã đầu tư sâu rộng ngay khi nông dân chưa có sản phẩm, trong khi hệ thống ngân hàng thương mại khó có thể thực hiện được điều này. Và do rất nhiều vấn đề về cơ chế ngân hàng chỉ có thể hỗ trợ khi nông dân có tài sản thế chấp. Chưa kể rất nhiều thủ tục rườm rà khiến nông dân cảm thấy rất mệt mỏi và họ chọn giải pháp nhanh nhất để thoát khỏi tình trạng này là "cậy nhờ" các đại lý.

Một thực tế nữa, mỗi tháng nông dân sản xuất được hàng nghìn tấn rau, củ quả, nhưng DN chỉ thu mua được 20-30%, còn lại họ phải tự tiêu thụ và tất cả đều qua tay thương lái. Các công ty thu mua nông sản lớn trong nước đều có mạng lưới "chân rết" thu mua sâu rộng. Giám đốc một nhà máy sản xuất và chế biến chè ở Sóc Sơn cho biết, hiện mỗi ngày công ty thu mua hàng tấn hoa nhài của nhân dân trên địa bàn huyện nhưng không thể mua trực tiếp của hàng nghìn hộ dân được mà phải qua 20-30 thương lái, họ gom cho công ty với số lượng lớn và thực tế công ty "tóm" vài chục thương lái này dễ hơn hàng nghìn hộ dân chấp nhận giá cao hơn 300-500 đồng/kg. Điều đó cho thấy thương lái là cánh tay không thể thiếu trong lưu thông hàng hóa. Nhà nước phải thừa nhận và có chính sách phù hợp để phát huy vai trò của họ, khắc phục những mặt bất lợi do cánh thương lái gây ra cho người sản xuất và nông dân.

Tăng cường liên kết

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, từ sản xuất đến hệ thống lưu thông phân phối nông sản, đang có nhiều vấn đề, do vậy cần phải được tổ chức lại. Từ nhiều năm nay, điệp khúc "được mùa rớt giá" và ngược lại cứ lặp đi lặp lại nhiều lần, ảnh hưởng không nhỏ đến thu nhập và đời sống người nông dân. Trong khi đó, kênh thị trường của chúng ta có quá nhiều khâu trung gian: từ nông dân đến thương lái cấp 1, thương lái cấp 2, 3 đến chế biến, và tiếp cận thị trường. Hơn nữa, một thực tế hiện nay là cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp của ta còn nhỏ lẻ, manh mún, hàng hóa sản xuất ra chưa đạt yêu cầu nên khó có thể bán giá cao ngay cả thị trường trong nước chứ chưa nói đến xuất khẩu.

Muốn sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp đạt yêu cầu chất lượng có giá trị cao, nông dân phải tham gia vào các tổ chức sản xuất theo mô hình HTX một cách khoa học và có tổ chức, giảm dần những khâu trung gian, tức là từ nông dân đến thẳng nhà máy và bán trực tiếp cho cơ sở chế biến, sử dụng. Nhưng muốn đạt được điều này DN và nông dân hoặc các tổ chức sản xuất phải có hợp đồng. Đây là điều kiện để có sự gắn kết chặt chẽ giữa DN và nông dân. Qua đó quy định những điều ràng buộc giữa họ với nhau từ quy hoạch vùng tập trung để sản xuất hàng hóa quy mô lớn đến việc hợp tác với ngân hàng để có nguồn vốn vay hợp lý phục vụ sản xuất… Nếu như DN và nông dân biết cách tổ chức lại sản xuất và phân phối lưu thông hàng hóa nông sản sẽ có lợi cho chính nông dân và cả người tiêu dùng từ việc giảm tối đa khâu trung gian phân phối.

Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Xuân Việt: Cần minh bạch giá nông sản
Để bảo đảm lợi ích hài hòa cho DN và nông dân, giá cả nông sản cần minh bạch, công khai. Nếu chợ đầu mối niêm yết giá nông sản công khai rõ thì giá bán lẻ cùng mặt hàng tại chợ dân sinh không thể tăng vô lý. Khi chưa có quy định cụ thể về việc niêm yết giá các mặt hàng này, chúng ta cần vận động người bán hàng thực hiện tốt việc niêm yết giá, tránh móc nối, thông đồng móc túi người tiêu dùng. Các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nâng giá tùy tiện. Về lâu dài, hàng hóa cần được đưa vào sàn giao dịch để định giá công bằng, tránh gây thiệt hại cho cả người sản xuất, người tiêu dùng và nhà phân phối; đồng thời, các đầu nậu trung gian cũng sẽ giảm bớt.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Giảm trung gian, tăng liên kết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.