(HNM) - Đã có thửa lớn, có quy hoạch vùng sản xuất, có hệ thống giao thông, thủy lợi… thế nhưng việc trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao vẫn là vấn đề nan giải đối với cả chính quyền và người nông dân.
Rõ lợi nhuận…
Xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) là địa phương đi đầu trong công tác DĐĐT. Vượt qua rất nhiều khó khăn, xã đã giảm được từ 19 thửa/hộ xuống còn 1 đến 2 thửa, cá biệt là 3 thửa/hộ. Nhiều hộ đã bỏ tiền thuê máy ủi san phẳng các gò đống thành những thửa ruộng bằng phẳng. Việc đồng áng nhàn hơn, năng suất lúa tăng từ 50 tạ/ha lên 60 tạ/ha. Theo ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng, sau DĐĐT, người dân trong xã đã có điều kiện phát triển mạnh các ngành nghề thương mại, dịch vụ. Cả xã có 1.200 người làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp. Trưởng thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng Nguyễn Văn Sơn nói: "Nhà tôi có 11 khẩu nhưng chính thức làm 7 sào ruộng, chỉ có vợ tôi làm vì các khâu đã được cơ giới hóa. Các con trai, con dâu đều đi làm trong các công ty và mở xưởng mộc tại nhà".
Trên cánh đồng bãi xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên, từ hơn 1 năm nay măng tây đã “bén rễ” và mô hình này đang được nhân rộng. "Măng tây cho thu nhập một năm không dưới 1 tỷ đồng/ha, trong khi đó, hàng trăm héc ta đất bãi bồi ven sông người dân vẫn quen trồng ngô, đậu, mỗi năm thu về cùng lắm chỉ được vài chục triệu đồng/ha. Năm nay trồng đậu, sâu rất nhiều, thu nhập của người nông dân không đáng kể" - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hồng Thái Tạ Đình Căn cho biết.
Theo báo cáo của BCĐ Chương trình 02 Hà Nội, sau DĐĐT, nhiều cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao đã hình thành ở hầu hết các huyện có quy hoạch sản xuất lúa. Bên cạnh đó, các mô hình chuyển đổi từ lúa, ngô, sắn… sang các loại cây, con có giá trị cao hơn xuất hiện ngày càng nhiều như mô hình trồng hoa ở xã Song Phượng, Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng) đạt từ 1 đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm; mô hình cây ăn quả ở vùng bãi xã Cao Viên, Viên An (huyện Thanh Oai), Vạn Phúc (huyện Thanh Trì), Đông Dư, Cổ Bi (huyện Gia Lâm)… đạt từ 500 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng/ha/năm...
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Xuân Việt:Liên kết “4 nhà” chưa thật sự bền chặt Các mô hình chuyển đổi từ trồng lúa sang sản xuất rau, hoa, quả đã cho hiệu quả cao ở nhiều địa phương nhưng việc mở rộng rất chậm. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh; giá cả vật tư, con giống, nhiên liệu đầu vào đến đầu ra cho sản phẩm nông, lâm, thủy sản thiếu ổn định. Đặc biệt, mối liên kết "4 nhà" chưa thực sự bền chặt, chưa tạo được sự đồng thuận, thống nhất với nhau... Trong khi đó, điều kiện sống của người nông dân còn không ít khó khăn, rất khó để có vốn lớn đầu tư vào sản xuất. |
… nhưng vẫn lúng túng
Theo Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Trương Thế Cầu, Phú Xuyên có nhiều vùng chuyên canh rau. Vào những dịp rau chính vụ, giá rất rẻ, một xe rau chở ra chợ bán chỉ đủ tiền đổ xăng, ăn sáng… Nếu không chuyển đổi được cơ cấu cây trồng thì người nông dân không thể làm giàu được. Đó chính là lý do thôi thúc huyện tìm những cây trồng vật nuôi mới, hiệu quả kinh tế cao đưa vào sản xuất, thay thế các cây trồng truyền thống. Đầu năm 2013, huyện đã tổ chức cho cán bộ xã Hồng Thái đi học tập mô hình trồng măng tây xanh để đưa về địa phương. Mặc dù, huyện hỗ trợ giống nhưng tuyên truyền mãi, vẫn không hộ nào dám trồng thử. Người dân e dè, đặt câu hỏi trồng ra rồi đem bán ở đâu? Không bán được thì ai chịu trách nhiệm? Với sự chỉ đạo của huyện, xã tháo gỡ bằng cách giao cho cán bộ làm trước, người dân nhìn thấy lợi ích thật sự sẽ làm theo.
Tuy vậy, không phải địa phương nào, cán bộ nào cũng năng nổ, dám nghĩ, dám làm như ở Hồng Thái. Việc chọn cây, con phù hợp vẫn là cả vấn đề. Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Hoàng Mạnh Sơn thừa nhận dù huyện đã hoàn thành DĐĐT nhưng việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trên địa bàn còn rất lúng túng. Năm 2014, thay vì triển khai dàn trải, huyện chỉ tập trung vào 2 mô hình trọng điểm là phát triển 20ha trồng cây ăn quả có múi và chuyển chăn nuôi ra xa khu dân cư. Còn tại Phúc Thọ, theo Bí thư Huyện ủy Ngọ Duy Hiểu, trên địa bàn huyện gần đây đã xuất hiện một số mô hình trồng hoa như mô hình trồng ly ở Tam Thuấn, giá trị thu nhập lên tới 5 tỷ đồng/ha, gấp 60 lần so với trồng lúa. Tuy nhiên, dù cho kết quả "siêu lợi nhuận" nhưng mô hình này khó nhân rộng bởi không chỉ thiếu vốn mà tâm lý người dân vẫn quen với cách làm truyền thống, ngại đầu tư và sợ rủi ro… Đi tiên phong trong việc chuyển lúa sang trồng hoa trên địa bàn xã Tam Thuấn (huyện Phúc Thọ), anh Đỗ Huy Nghĩa, thôn Táo 2 cho biết, từ năm 2008 đến nay, vừa trồng vừa rút kinh nghiệm, khu trồng hoa của gia đình đã phát triển thành 1,5ha. Hiện tại, đầu ra của hoa ly rất thuận lợi, thương lái đến tận ruộng thu mua với giá 35 nghìn đồng/cây. Tuy nhiên, anh Nghĩa không dám mở rộng diện tích bởi chưa yên tâm với thị trường tiêu thụ. "Những vụ vừa qua, nghe nói thương lái mua hoa để xuất khẩu sang Trung Quốc nên hàng được giá. Nếu thị trường này biến động, tôi sẽ chịu rủi ro rất lớn bởi đầu tư cho giống và kỹ thuật chăm sóc hoa ly rất cao" - Anh Nghĩa cho biết.
Rõ ràng, để người dân làm giàu được từ nông nghiệp thì sản xuất phải ngày càng hiện đại, nhưng nếu không có những giải pháp thiết thực để khắc phục những khó khăn, tồn tại hiện nay không thể nhân rộng các mô hình có giá trị kinh tế cao. Chưa kể tới việc tính toán nhu cầu thị trường và quy hoạch vùng sản xuất để sản phẩm nông nghiệp làm ra không bị tồn đọng, mất giá; rồi việc liên kết giữa các nhà: Nhà nông - nhà khoa học - doanh nghiệp nhằm tạo sự yên tâm, tin tưởng cho người dân khi đầu tư vào sản xuất…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.