Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Giá cả, chất lượng phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm hiệu trưởng

Quỳnh Hằng| 22/08/2013 07:04

(HNM) - Để trả lời câu hỏi vì sao các trường

Tùy tiện vì lợi ích nhóm

Có rất nhiều lý do mà các trường viện ra khi có sự thắc mắc về việc thay đổi mẫu mã đồng phục khiến cha mẹ học sinh phải chi thêm một khoản cần thiết. Ví như nhà may không tìm được loại vải của những năm trước nên đang mặc váy xanh, các cháu đành chuyển sang váy hồng, đang kẻ ca rô chuyển sang kẻ sọc. Hiệu trưởng mới được bổ nhiệm về trường thấy váy, quần soóc của trò màu xanh lá cây hơi "xa trung tâm" nên yêu cầu chuyển sang màu xanh Cửu Long. Cũng có khi, thấy cái áo sơ mi trắng có vẻ đơn điệu thì thêm cái nơ kẻ cho học sinh nữ, cà vạt cho học sinh nam. Một thay đổi dù nhỏ cũng khiến cha mẹ học sinh chỉ còn cách mua thêm đồng phục cho con để bằng chúng bạn. Trên thực tế, "tư duy nhiệm kỳ" cũng đã len lỏi vào việc may đồng phục cho học sinh bởi không ít tân hiệu trưởng thay đổi nhà may đồng phục khi nhậm chức và điều chỉnh đồng phục của học trò dù họ vẫn nói rằng "học sinh mặc đồng phục là để xây dựng hình ảnh và giữ gìn truyền thống của nhà trường".

Việc trang bị đồng phục cho học sinh đang được dư luận quan tâm.Ảnh: Đức Nghiêm


Một hiệu trưởng trường tiểu học quận nội thành đã "bật mí" về những "lợi ích nhóm" trong câu chuyện đồng phục học sinh. Các nhà may có sự cạnh tranh khá quyết liệt để giành được những hợp đồng béo bở này bởi may đồng phục để bán qua nhà trường thì khách hàng không có quyền từ chối và phải chấp nhận từ giá cả đến chất lượng. Trong cơ chế thị trường, ở loại hàng hóa này, quy luật "tiền nào, của nấy" đã chuyển thành "lương tâm, trách nhiệm của hiệu trưởng đến đâu thì giá cả, chất lượng của đồng phục đến đấy". Lợi nhuận của người cung cấp đồng phục gắn chặt với lợi ích của cá nhân hiệu trưởng hoặc tập thể nhà trường vì tỷ lệ hoa hồng phổ biến hiện nay từ 10% đến 15%. Đồng phục càng nhiều tiền, số lượng học sinh mua càng lớn thì cả hai càng có lợi.

Quản lý bó tay?

Tùy tiện trong việc may đồng phục cho học sinh, nên ít trường thông báo về việc may đồng phục mới vào thời điểm cuối năm học trước và lấy ý kiến cha mẹ học sinh. Với học sinh đầu cấp, lúc làm thủ tục nhập học cũng là lúc cha mẹ học sinh phải mua luôn đồng phục hoặc chí ít là đóng tiền. Cũng có nơi để tránh tiếng rằng nhà trường "canh ti" với doanh nghiệp cung cấp đồng phục, đồng thời bảo đảm công khai, dân chủ, việc này được Ban đại diện Hội Cha mẹ HS phối hợp với giáo viên chủ nhiệm đảm trách. Sau khi xin ý kiến của cha mẹ học sinh, ban đại diện sẽ tự liên hệ với nhà may đồng phục để cung cấp cho học sinh. Tuy nhiên, quy trình lấy ý kiến này thường bị bỏ qua hoặc làm theo kiểu "tự nguyện bắt buộc" bởi các cấp quản lý chưa thực sự quan tâm tới chuyện này. Cha mẹ học sinh hầu như không được tham vấn ý kiến về kiểu dáng, chất liệu cho trang phục của con mình. Vì nhiều lý do, đồng phục thường bị phụ huynh phàn nàn về chất lượng như vải quá nóng, quá mỏng, đường may ẩu không tương xứng với số tiền họ phải bỏ ra, nhiều em nhận đồng phục của mình mà như cầm nhầm của người khác. Không bằng lòng với chất lượng đồng phục, nhiều người đi mua hoặc đi may theo mẫu của trường cho con mặc, nhưng có những mẫu đồng phục có muốn cũng không thể bắt chước, bởi loại vải đó chỉ may do trường chọn mới có.

Những điều khiến học sinh và phụ huynh không hài lòng quanh bộ đồng phục học sinh không phải các cấp quản lý không biết. Cách đây khoảng 10 năm, Vụ Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD-ĐT) đã đưa vấn đề đồng phục ra và yêu cầu các địa phương tham khảo ý kiến các trường về việc tổ chức mặc đồng phục, có nên cho học sinh mặc giống nhau hay không, nếu có thì tiêu chí của đồng phục sẽ thế nào? Mỗi địa phương được đề nghị gửi cho Bộ một vài mẫu đồng phục được bình chọn là phù hợp nhất (về giá cả, mẫu mã, chất lượng). Hà Nội cũng đã tính đến giải pháp tổ chức thi thiết kế mẫu đồng phục chung, song không nhận được sự thống nhất bởi các trường cho rằng, đồng phục theo trường thì mới tạo dựng được hình ảnh và thương hiệu nhà trường, mới dễ dàng phân biệt học sinh trường này với học sinh trường khác, tiện cho việc quản lý. Khi xảy ra câu chuyện của Trường Tiểu học Văn Bình, cũng có nhiều ý kiến cho rằng đồng phục học sinh chỉ nên là "quần (váy) xanh sẫm, áo trắng" và cơ quan quản lý có quy định cụ thể hơn về vấn đề này, có giải pháp để cha mẹ học sinh có quyền tự quyết mua, may đồng phục cho con phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Giá cả, chất lượng phụ thuộc vào lương tâm, trách nhiệm hiệu trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.