(HNM) - Nghị quyết ĐH lần thứ XV Đảng bộ TP Hà Nội xác định hai khâu đột phá của nhiệm kỳ 2010-2015 là cải cách hành chính (CCHC) và tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật và xã hội. Để đưa NQ đi vào chiều sâu, ngoài việc đề ra chương trình hành động, các đảng bộ cần phân định mốc thời gian hoàn thành, đặc biệt là phân công cán bộ chỉ đạo thực hiện.
Hiện đại hóa bộ máy hành chính
Ứng dụng CNTT vào công tác giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận “một cửa” UBND quận Ba Đình. Ảnh: Huyền Linh
Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng được Đảng bộ huyện Chương Mỹ triển khai ngay sau khi kết thúc ĐH. Như nhiều đảng bộ quận, huyện khác, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) tuy đã có chuyển biến nhưng so với yêu cầu sự nghiệp CNH, HĐH, cần tiếp tục một sự đột phá mạnh mẽ hơn. Để khắc phục những "điểm nghẽn" TTHC cần những giải pháp đồng bộ từ nâng cấp cơ sở vật chất, tổ chức lại hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế "một cửa" nhằm giảm nguy cơ sách nhiễu, phiền hà.
Hiện thực hóa NQ của Huyện ủy, UBND huyện Chương Mỹ xây dựng đề án "Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ phận "một cửa", ''một cửa liên thông", trong đó xác định con người là đối tượng trung tâm. Phó Chánh Văn phòng UBND huyện kiêm Trưởng bộ phận "một cửa" Nguyễn Hợp Tiến cho biết, huyện dành 2,6 tỷ đồng nâng cấp trụ sở, đầu tư hệ thống phần mềm, cơ sở vật chất, xây dựng trang tin điện tử nhằm hiện đại hóa nền hành chính. Theo đề án này, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được xác định là số một, nhằm bảo đảm cán bộ của bộ phận "một cửa" thạo việc và có thái độ phục vụ tốt. Mọi việc đang gấp rút hoàn tất để trong năm 2011, huyện Chương Mỹ chính thức sử dụng hệ thống điện tử trong giải quyết các TTHC và áp dụng phần mềm quản lý hệ thống văn bản.
Quận ủy Thanh Xuân cũng xây dựng Đề án 01 về "Đẩy mạnh CCHC, tăng cường tinh thần trách nhiệm và hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức". Quận đã đưa 253 TTHC cấp quận lên cổng giao tiếp và triển khai 7 giải pháp. Theo Bí thư Quận ủy Nguyễn Thị Ngọc Minh, Quận ủy chú ý đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện CCHC. Ở cấp quận, Quận ủy giao cho đồng chí UVTV, phó chủ tịch UBND, cấp phường giao cho đồng chí chủ tịch UBND phụ trách thực hiện đề án. Đặc biệt, quận gắn nhiệm vụ CCHC với cải cách hoạt động của HĐND và các cơ quan chức năng. Ngay sau ĐH, quận lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra các phường, bảo đảm cho đề án được thực thi.
Nâng cao trình độ cho cán bộ là một trong hai khâu đột phá của Đảng bộ Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Theo Thiếu tướng, Chính ủy Lê Hùng Mạnh, Đảng bộ rà soát lại đội ngũ cán bộ, đánh giá thực chất, khách quan, công tâm, đặc biệt là cán bộ chủ trì. Trên cơ sở đó, quy hoạch đội ngũ cán bộ thành ba lớp: lớp hiện tại, lớp kế cận và lớp kế tiếp, mỗi lớp cách nhau 5 tuổi. Sau quy hoạch, Đảng bộ sẽ cử cán bộ đi học các trường trong, ngoài quân đội, để 100% trung đội trưởng được đào tạo cơ bản, 20% giáo viên trường quân sự có trình độ sau ĐH và 100% cán bộ chủ trì có trình độ ĐH, nâng cao chất lượng công tác.
Hoàn thiện hạ tầng đô thị
Nhìn một cách tổng thể, hạ tầng cơ sở của quận Thanh Xuân còn thiếu, chưa đồng bộ, nhất là cơ sở vật chất của ngành y tế, nơi sinh hoạt của cộng đồng. Trên địa bàn quận không có bệnh viện cấp TP, TƯ; chưa có một khu công viên, khu cây xanh; tiến độ triển khai các trung tâm thương mại chậm trễ. Tuy nhiệm kỳ 2005-2010, quận đã dồn sức xây dựng được 96km đường ngõ ngách, khởi công một số tuyến quan trọng như đường Vành đai 3, Vương Thừa Vũ… Song, giao thông đô thị của Thanh Xuân còn manh mún, chắp vá, thiếu đồng bộ.
Muốn kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, Thanh Xuân phải có sự bứt phá trong nhiệm kỳ này, đặc biệt là về hạ tầng đô thị - Bí thư Quận ủy Nguyễn Thị Ngọc Minh quả quyết. Ngoài việc huy động nội lực, Thanh Xuân sẽ tranh thủ nguồn vốn đầu tư của TP và đẩy mạnh xã hội hóa để trong nhiệm kỳ này đầu tư hoàn chỉnh các trục giao thông chính như đường Vành đai 2,5, đường Vương Thừa Vũ, đường Tôn Thất Tùng, các tuyến nội bộ đường liên khu, các chung cư cao tầng Thượng Đình, Thanh Xuân Bắc, Kim Giang... Ngay trong quý I-2011, quận sẽ chủ động đặt vấn đề với các sở, ngành, chủ dự án lập quy hoạch chi tiết các khu chức năng đô thị, quy hoạch chuyên ngành và tập trung khắc phục nhược điểm chắp vá. Quận đã lên danh mục 65 công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 2010 đến tháng 6-2013), lập quy hoạch chi tiết chức năng đô thị, xây dựng kế hoạch giải phóng mặt bằng. Đặc biệt, quận đã xây dựng kế hoạch đấu giá các khu đất xen kẹt, tạo nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật xã hội.
Cùng với Thanh Xuân, các quận Long Biên, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Tây Hồ… đều xây dựng chương trình hoặc đề án về lĩnh vực này, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị. Theo đề án của các quận, ngay trong năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm 2010-2015 sẽ tập trung chỉ đạo xây dựng các KDC và khu đô thị mới gắn với quản lý, điều chỉnh, phân bổ dân cư trên địa bàn cho hợp lý. Tất cả đều xác định, công tác quản lý đô thị, nhất là các lĩnh vực TTATGT, trật tự, kỷ cương, văn minh đô thị; vệ sinh môi trường… cần phải quản lý đồng bộ, chặt chẽ hơn. Có như vậy, bộ mặt đô thị mới thực sự hiện đại, văn minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.