Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Doanh nghiệp phải chủ động… " bơi"

Hồng Sơn| 17/11/2015 06:50

(HNM) - Bên cạnh việc mở ra một thị trường rộng lớn và hấp dẫn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng đặt ra những yêu cầu rất khắt khe, không dễ thực hiện, bắt buộc các nước thành viên phải chấp thuận.

Nhiều doanh nghiệp thủy sản đã phải đối diện với rất nhiều rào cản thương mại - kỹ thuật tại thị trường nhập khẩu. Ảnh: Phương Thảo


Nói cách khác, đã vào "cuộc chơi" thì phải tuân thủ "luật chơi", không có cách nào khác, không có sự nhân nhượng, chiếu cố. Từ đó, TPP tạo ra gánh nặng cho hoạt động quản lý nhà nước bên cạnh khả năng phát sinh những rủi ro, nguy cơ đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Sức ép từ yêu cầu cải cách

TPP quy định nguyên tắc sòng phẳng về thương mại và mở cửa tự do cho hàng hóa, dịch vụ của DN các nước nội khối. Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, việc tham gia TPP đặt ra áp lực rất lớn về cải cách thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước ở tất cả các cấp, các ngành, các địa phương; trong khi đây lại là điểm hạn chế của các cơ quan điều hành. Ông Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: Nếu cơ quan quản lý không hỗ trợ, đáp ứng được yêu cầu hoạt động, phát triển của DN thì không thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập quốc tế nói chung và TPP nói riêng.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Cơ quan chức năng chưa làm được gì nhiều cho DN trong phòng vệ thương mại, trong khi chính các đơn vị sản xuất, kinh doanh lại đang lúng túng, bị động trước việc bị DN nước ngoài cạnh tranh không lành mạnh. TPP cũng đặt ra những yêu cầu khắt khe và đòi hỏi phản ứng nhanh nhạy của Chính phủ, các bộ, ngành theo chuẩn mực quốc tế về thủ tục hành chính (nhất là về thuế, hải quan…). Việt Nam sẽ phải thực hiện đấu thầu quốc tế đối với hoạt động mua sắm của các cơ quan Chính phủ cũng như minh bạch hóa thông tin. Bên cạnh đó, do Việt Nam thực hiện cam kết mở cửa thị trường với tốc độ nhanh, độ mở lớn sẽ tạo ra thời cơ để DN nước ngoài tăng cường xuất khẩu hàng hóa, chủ yếu là nguyên liệu, vật tư; thiết bị - máy móc, dây chuyền công nghiệp đồng bộ… vào Việt Nam - là nguy cơ khiến nhập siêu gia tăng. Thực tế này đòi hỏi sự điều hành hết sức linh hoạt của Chính phủ, các ngành chức năng.

Cải cách DN nhà nước sẽ là vấn đề đầy khó khăn vì đây thật sự là điểm yếu của Việt Nam. Trong đó, tất cả DN nhà nước sẽ phải hoạt động theo cơ chế thị trường, tức là phải từ bỏ sự độc quyền như đã tồn tại từ hàng chục năm nay. Như vậy cũng đồng nghĩa với việc Nhà nước sẽ mất đi một công cụ điều tiết vĩ mô quan trọng, là quyền lợi và cũng là một cách can thiệp thị trường. Đây là sự thay đổi hoàn toàn mới, theo đúng tập quán quốc tế và cũng là sự đáp ứng theo cam kết của Việt Nam khi đàm phán Hiệp định TPP.

Phải chủ động để tồn tại

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương nhận định: Sức ép cạnh tranh sẽ tăng cao và diễn ra nhanh, có thể gây khó khăn, thiệt hại cho một số DN; thậm chí nhiều DN sẽ phá sản. Đó là sự đào thải bình thường theo quy luật thị trường và phải chấp nhận như một sự đương nhiên. Ngoài ra, cần xác nhận một nguyên tắc là Nhà nước chỉ quản lý, không hỗ trợ DN như trước, nên DN phải "tự bơi".

Theo giới chuyên gia kinh tế, mỗi DN phải điều chỉnh, tìm cách "lớn lên" nếu không sẽ gục ngã. Tuy vậy, cũng cần điểm danh một số lĩnh vực mà ngay từ bây giờ đã có thể nhận thấy sự đuối sức để tìm biện pháp chống đỡ càng sớm càng tốt như chăn nuôi, sản phẩm sữa, dược phẩm… Ngành chăn nuôi sẽ đứng trước rủi ro rất lớn và là mắt xích yếu nhất trong số các ngành, lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Nguyên nhân chủ yếu do quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, sử dụng công nghệ lạc hậu và thiếu quy chuẩn. Đặc biệt, hoạt động chăn nuôi luôn bị động do ảnh hưởng của diễn biến thời tiết vốn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất thường; đồng thời chưa tiếp cận, du nhập để tiến tới nuôi đại trà các loại giống gia súc, gia cầm có năng suất và giá trị cao. Việc các chủ trại nuôi gà miền Đông Nam Bộ phải điêu đứng, không thể đối phó với giá đùi gà Mỹ rẻ bằng 1/3 đến 2/3 giá trong nước cách đây không lâu là bài học, cũng là sự cảnh báo về nguy cơ thua cuộc.

Mặt khác, sự cải thiện về sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi cũng cần một quá trình nhằm từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong một diễn biến khác, mới đây Bộ Công thương cho biết, sức ép cạnh tranh đối với ngành chăn nuôi Việt Nam chưa diễn ra ngay và ngành này cũng còn khoảng 10 năm để chủ động vươn lên. Các DN cũng đứng trước những yêu cầu phải đáp ứng quy định chung, phải thực hiện theo nguyên tắc bình đẳng. Đó là, phải công khai, minh bạch các thông tin về kết quả kinh doanh, các thông số liên quan đến sản phẩm, đặc biệt nhấn mạnh về tiêu chuẩn môi trường, bảo vệ người tiêu dùng, mức tiêu hao năng lượng, xuất xứ nguồn nguyên liệu đầu vào; nguồn nhân công… Quan trọng hơn cả là sự minh bạch số liệu về nghĩa vụ thuế, với báo cáo tài chính rõ ràng theo thông lệ quốc tế. Đây là thách thức chung và rất lớn đối với cộng đồng DN Việt Nam vì phần lớn DN chưa quen với vấn đề này.

Nhìn chung Việt Nam sẽ phải đấu với các nước có thế mạnh, trình độ phát triển cao hơn mình. Theo Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, DN phải chuẩn bị tâm thế "tự cứu lấy mình" và chấp nhận cạnh tranh sòng phẳng trên một thị trường mở. Trước hết cần nắm vững thông tin hội nhập, phân tích tác động của tiến trình hội nhập đối với DN và sản phẩm của mình; chuẩn bị kế hoạch hành động chủ động và tích cực trên các phương diện như định hướng thị trường, đối tác, khách hàng kết hợp đổi mới phương thức sản xuất, công nghệ và năng lực quản trị…

Về phía mình, cộng đồng DN mong muốn Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển và hậu thuẫn cho đội ngũ doanh nhân. Vấn đề cải cách không chỉ nằm ở khuôn khổ pháp luật, chính sách vĩ mô từ trung ương mà còn trông đợi rất nhiều vào các địa phương, các bộ phận thực thi pháp luật. Thách thức lớn nhất của công cuộc cải cách là phải giải quyết được những tồn tại, hạn chế này. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Doanh nghiệp phải chủ động… " bơi"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.