Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Để có một đô thị hiện đại

Long Hà| 26/04/2013 07:01

(HNM) - Bangkok, Jakarta, Singapore, ba đô thị - ba quy mô khác nhau, ba kiểu phát triển khác nhau. Nhưng cảm nhận chung nhất về vóc dáng một đô thị hiện đại thì vẫn không hề khác nhau


Từ "cái gì ra cái nấy"...

Bangkok nổi tiếng là một trong những thành phố có nguy cơ tắc đường cao. Suốt những ngày chúng tôi ở đây, anh bạn phiên dịch tiếng Thái có tên gọi ngắn gọn là Siam - luôn thúc chúng tôi phải “dự phòng” thời gian khi di chuyển trên đường, vì "nếu tắc đường, bị lỡ việc - em không chịu đâu nhé"! Và thực tế, ngày nào di chuyển trên đường ô tô của đoàn chúng tôi đều nhiều lần phải nhích 4-5 nhịp đèn tín hiệu mới bò qua được một ngã tư. Nhưng ngắm kỹ, vẫn không thể không ấn tượng với hệ thống giao thông được xây dựng khá hài hòa của Bangkok với đủ loại hình: Từ cầu vượt cho người đi bộ, đường cao tốc cho ô tô, tới hệ thống tàu điện trên cao, tàu điện ngầm cùng tàu thủy chạy trên sông để vận chuyển khách công cộng.

Tổ hợp công trình Marina Bay Sands hôm nay trông rất thoáng đãng.



Khi trao đổi với chúng tôi về câu chuyện này, Tiến sĩ Kriengpol Padhanarath, Giám đốc Sở Quy hoạch đô thị thành phố Bangkok, bộc bạch: "Bangkok có diện tích 1.568,7km2, với 5 quận và 7 huyện, nhưng dân số tới 6,5 triệu người. Cộng thêm với hàng triệu khách du lịch và số người ngoại tỉnh ra vào thủ đô kiếm sống, sức ép về giao thông rất lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, thành phố rất chú trọng quy hoạch hệ thống giao thông vận tải theo các mục tiêu: Hình thành các tuyến đường vành đai trên cao nối trung tâm Bangkok với bên ngoài; phát triển các loại hình vận tải công cộng; quy định tất cả nhà hàng, khách sạn, khu chung cư trong nội thành phải bố trí chỗ đỗ xe ngầm hoặc trên cao...".

Bangkok hiện có 3 tuyến đường sắt trên cao (trong đó có một tuyến nối sân bay Suvamabhumi với trung tâm thành phố) và một tuyến tàu điện ngầm. Các tuyến đường sắt đô thị này được thiết kế đi qua hầu hết các điểm du lịch nổi tiếng, những trung tâm mua sắm sầm uất... nên đã trở thành phương tiện đi lại khá phổ biến của người dân địa phương cũng như khách du lịch. Các sông ngòi và kênh rạch ở Bangkok cũng được khai thác tối đa để phát triển vận tải đường thủy, sẵn sàng "chia lửa" với các tuyến đường bộ.

Bởi thế, cùng với những tòa nhà cao vút, những tuyến đường uốn lượn đan xoắn vào nhau trên cao cũng tạo cho Bangkok một hình ảnh đẹp và đủ sức chịu tải cho hơn 6 triệu phương tiện (trong đó 50% là ô tô) lưu thông hằng ngày. Dấu ấn hiện đại không chỉ có vậy, mà còn tỉ mỉ tới từng chi tiết ở bên dưới những "con rồng bê tông" với mục tiêu khá rõ ràng: Ưu tiên số một cho thảm cỏ, cây xanh; sau đó mới đến những hoạt động có lợi ích chung khác như sử dụng để quảng cáo. Những trụ đỡ các tuyến đường cao tốc trên cao nơi thì được "bọc" bằng cây xanh khá thẩm mỹ, nơi lại được lắp panô hộp quảng cáo rất đẹp, ban đêm có điện chiếu sáng. "Cách một số nội dung quảng cáo về hàng hóa hay hoạt động của doanh nghiệp lại đan xen một số panô tuyên truyền về chính trị" - Siam giải thích cho chúng tôi về sự khác biệt của những mẫu panô được thực hiện theo kiểu "xã hội hóa" ở đây.

Khác với Bangkok, có lẽ một phần do điều kiện kinh tế chưa được như ý muốn, việc đầu tư phát triển ở thủ đô Jakarta của Indonesia lộ rõ khoảng cách không đồng đều, khiến cảm giác như có "Hai Jakarta": Một là những khu phố cũ, phố cổ còn in đậm dấu nét xuống cấp trước thời gian và một là khu trung tâm với những tòa tháp cao vút, những đại lộ hiện đại. Nhưng dù là cũ hay mới, cảm giác về trật tự xây dựng đô thị ở khắp thành phố này đều giống nhau - cái gì ra cái nấy. Nhà cổ, phố cổ chưa cải tạo, trùng tu thì xin cứ y nguyên dấu ấn thời gian cổ xưa. Nếu cải tạo, trùng tu dứt khoát phải theo đúng các quy định tương ứng với từng khu vực cần bảo tồn. Chúng tôi gặp rất nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang giữa lòng thành phố vì chủ nhà bị phá sản, không có khả năng đầu tư kinh doanh tiếp. Ngược lại, ở đâu xây dựng mới thì đều khang trang, hài hòa. Ngay cả ven khu biệt thự cao cấp của các tỷ phú Indonesia ở cửa biển gần đại lộ Lodan, nơi có khung cảnh tự nhiên đẹp tuyệt vời, chúng tôi cũng gặp hai dãy nhà cao gần 50 tầng đang xây dựng dở, giờ bỏ cho rêu phủ. "Ông chủ đầu tư tòa nhà này đã bị phá sản, nên chưa biết đến bao giờ hoàn chỉnh được" - Jerry, anh bạn dẫn đường cho chúng tôi giới thiệu. Quy luật của kinh tế thị trường là vậy, nhà nước chỉ có thể "giải cứu" cho những gì thuộc phúc lợi xã hội chung, còn trong kinh doanh thì phải đúng theo quy luật của thị trường mà vận hành. Giao thông ở Jakarta cũng giống như ở Bangkok, tuy đông đúc song vẫn khá trật tự. Tuyến đường dành riêng xe bus nhanh (BRT) luôn được tôn trọng, cho dù các làn đường khác dày đặc xe xếp hàng.

Nhưng có lẽ câu chuyện quy hoạch ấn tượng hơn cả vẫn là ở quốc gia - thành phố Singapore. Theo ông Seow Kah Ping, Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế, Cơ quan tái thiết đô thị Singapore (URA), đất đai tại Singapore có 80% thuộc sở hữu nhà nước và 20% thuộc sở hữu tư nhân. Nhưng dù là đất của tư nhân cũng sẽ phải chịu sự điều chỉnh của Luật Quy hoạch để phục vụ mục đích quy hoạch chung. Nếu công trình cố tình không tuân thủ luật pháp sẽ phải phá dỡ.

URA là cơ quan tham mưu chính cho Chính phủ Singapore việc sử dụng các loại đất này sao cho hiệu quả cao nhất. Toàn bộ công tác quy hoạch này được ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng và tính toán theo 2 cấp độ. Cấp độ chiến lược là "Quy hoạch ý tưởng" cho giai đoạn 50 năm do chính phủ phê duyệt, nhưng cứ sau 10 năm một lần sẽ được đánh giá, rà soát lại xem có còn phù hợp không, có bảo đảm sử dụng đất hài hòa giữa các mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, môi trường và các yếu tố dân số, đất đai hay không. Cấp độ ngắn hạn hơn là "Quy hoạch tổng thể" chính là bước triển khai của quy hoạch ý tưởng, do Bộ trưởng Bộ Phát triển quốc gia phê duyệt và được rà soát, điều chỉnh 5 năm một lần. Quy hoạch này tập trung quy hoạch chi tiết các khu vực gắn với các yếu tố đất phục vụ phát triển kinh tế, sản xuất và dành cho mở rộng trong tương lai... được công bố rộng rãi trong nhân dân. Tại từng ô đất, quy hoạch này thể hiện rõ về kế hoạch sử dụng đất cho từng thời hạn 5, 10, 20 năm.

Tuy phân cấp như vậy song công tác kiểm soát quản lý, sử dụng đất đai của chính phủ được tiến hành rất chặt chẽ, bảo đảm theo đúng Quy hoạch tổng thể. Được ông Seow Kah Ping đưa đi tham quan mô hình quy hoạch đất nước Singapore, chúng tôi có dịp hiểu hơn tính khoa học và "cái tầm", cùng sự nghiêm minh trong quản lý quy hoạch toàn quốc gia này. Ở khu đô thị mới ven vịnh Marina, Tổ hợp khách sạn - sòng bài - trung tâm mua sắm Marina Bay Sands nổi tiếng với kiến trúc con tàu trên mái 3 tòa tháp trên thực tế có vẻ cách xa và rời rạc với không gian rộng lớn tới 101ha xung quanh. Nhưng trên quy hoạch của chính phủ, xung quanh công trình kiến trúc tuyệt vời này là hàng chục khối nhà cao thấp khác đã được định hình. Chỉ chờ các nhà đầu tư "chấm địa chỉ" rồi rót vốn vào đây, lúc đó Marina Bay Sands sẽ không còn bơ vơ, trống vắng nữa, mà lại trở thành mũi của một "đoàn tàu" đang hướng ra biển với một vẻ đẹp hiện đại khác!

... tới "thành phố trong vườn"

Vẻ đẹp đô thị của Bangkok, của Jakarta hay của Singapore ngoài đường nét và hình khối của đủ loại công trình kiến trúc còn được tôn vinh hơn bởi chính màu xanh đô thị. Màu xanh ấy là những tuyến phố cổ xanh mát được bảo tồn nghiêm ngặt, của những sông mương ôm ấp thành phố và của những thảm cỏ thoáng rộng ở trung tâm Bangkok cũng như Jakarta. Màu xanh ấy khiến ta phải ngẫm ngợi khi bắt gặp những hàng cây móng rồng được kết dàn với nhau tạo thành một phên che xanh dọc theo nhiều tuyến phố ở Bangkok. Hoặc có khi chỉ đơn giản là những mảng tường xanh, những vườn cây xanh trên nóc các tòa cao ốc ở cả hai thành phố thủ đô này.

Nhưng cả Bangkok và Jakarta đều chưa thể sánh được với Singapore về màu xanh. Từ phát triển "vườn trong phố" để tô điểm thành phố như Bangkok hay Jakarta đang làm, giờ đây Singapore đang vững bước tiến tới mục tiêu "thành phố trong một khu vườn" (City in garden).

Ý tưởng có phần lãng mạn này đã được Singapore từng bước hiện thực hóa với nhiều giải pháp khác nhau. Đi dọc con đường nối trung tâm thành phố với sân bay Changi, Lan Anh - cô hướng dẫn viên người Singapore gốc Việt - kể cho chúng tôi nghe vô số "huyền thoại" về đảo quốc Sư tử này. Nào chuyện Singapore phải đi mua cát của các quốc gia khác về để lấn biển được thêm hơn 200ha và ưu tiên xây dựng những công viên lớn. Nào là Singapore bỏ tiền để mua loại "cây mưa" với giá 3.000 USD/cây từ Nam Mỹ đem về trồng dọc nhiều tuyến đường chính. Nhưng bù lại, đây là loại cây rất thích hợp với điều kiện khắc nghiệt, cho bóng mát quanh năm và đặc biệt, đêm xuống thì những tán lá khép lại như cây xấu hổ để sáng ra hơi nước đọng lại thành sương rơi lắc rắc như mưa giữ ẩm cho đất nuôi cây. Nào là cách Singapore kết nối các công viên lại với nhau, rồi tiến hành chiến lược phủ xanh thành phố bằng các thảm xanh...

"Ở Singapore, khi tiến hành quy hoạch hay cấp phép xây dựng, chúng tôi đều hết sức chú ý tới tỷ lệ "mảng xanh" của mỗi tòa nhà, công trình" - ông Seow Kah Ping, Giám đốc phụ trách hợp tác quốc tế URA cho biết - "Nếu không đủ tỷ lệ diện tích mảng xanh trên đất thì phải "xanh hóa" bằng mảnh vườn trên nóc nhà, hoặc phủ cây xanh ở các vách tường". Chính cách tạo màu xanh đa dạng này, cộng với việc duy trì các tầng thực vật cao thấp khác nhau, có khi cố tình để cho dây leo, tầm gửi bò bám lên những thân cây lớn... càng khiến cho cảm giác "đi lạc trong rừng" thật sự ùa đến khi chúng tôi đi qua nhiều tuyến phố của Singapore.

Và một cảm nhận đẹp không thể không nhắc đến khi đi qua 3 đô thị lớn, nét đẹp thích trồng cây và chăm lo trang trí cho đường phố, cho nhà mình bằng những chậu cây, những thảm xanh khác nhau. Nét đẹp ấy đều có chung ở người dân Bangkok, Jakarta hay Singapore!

Thay lời kết
Đến thời điểm này, thu nhập bình quân của người dân Thái Lan là 5.000 USD/người/năm, Indonesia thấp hơn nhưng cũng được trên 3.000 USD/người/năm. Còn Singapore thì ở một tầm khác hẳn - trên 40.000 USD/người/năm. Với trên 1.500 USD/người/năm, rõ ràng trong phát triển, Việt Nam còn những khoảng cách không nhỏ với các quốc gia này.

Đi sau có khó khăn, hạn chế; nhưng người đi sau lại có điều kiện để ngắm nhìn cách tiến lên của người đi trước. Và để học hỏi những kinh nghiệm, những bài học trong cách làm quy hoạch, cách quản lý thật tốt để phát triển theo đúng với những dự tính, cũng như sự kết hợp hài hòa giữa trân trọng quá khứ lịch sử và giải quyết các nhu cầu bức xúc của thực tế hôm nay... thì nhiều khi không cần phải chờ đợi gì.

Kinh nghiệm xử lý hài hòa trước những "ngã rẽ" để có được một con đường phát triển đúng hướng tại 3 nước mà chúng tôi vừa có dịp đặt chân đến, tưởng như một vấn đề không mới, nhưng để làm được lại cũng không hề đơn giản. Sự giàu đẹp và văn minh luôn gắn liền với một chiến lược dài hạn, chứ không phải các chiến thuật "được đến đâu, hay đến đấy" hay kiểu nóng vội tư duy ngắn hạn để rồi "đời trước vẽ xuôi, đời sau làm ngược"; càng không có chỗ cho kiểu quản lý kỷ cương, kỷ luật lỏng lẻo "trên bảo dưới không nghe"... Đó còn là bản lĩnh vượt khó khăn cùng chung sức kiên định và phải kiên quyết thực hiện cho được những mục tiêu trên con đường đã chọn.

Và đây cũng là ấn tượng đọng lại mãi trong lòng chúng tôi mỗi khi nghĩ về con đường phát triển ra sao để hướng tới một đô thị giàu đẹp, văn minh, hiện đại ở nước ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Để có một đô thị hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.