Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Cực chẳng đã và hệ lụy kép

Bảo Chân| 15/07/2011 07:02

(HNM) - Chia tay những công nhân lao động còn nhiều lam lũ, chia tay xóm trọ đông đúc, tôi lại nhớ câu nói đầy chua xót của một công nhân tại Khu Thăng Long (Kim Chung, Đông Anh):

"Đến bây giờ chúng em không hề biết mình có những quyền lợi gì, đã được thực hiện đúng luật chưa? Chưa kể, có những bức xúc về tiền lương, thời gian làm việc, công nhân cũng không có ai để nhờ cậy, thương lượng. Chúng em chẳng khác gì cái máy, làm việc hết giờ là họ hết trách nhiệm. Cực chẳng đã mới phải đình công".

Một góc thư viện trong ký túc xá cho công nhân do Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam đầu tư xây dựng tại Khu công nghiệp Cẩm Giàng (Hải Dương).



"Vũ khí cuối cùng" của công nhân


Nói về quan hệ lao động hài hòa tại doanh nghiệp, Tiến sỹ Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học lao động, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng: Doanh nghiệp phải xem người lao động là tài sản của mình, phải có chế độ đãi ngộ hợp lý, môi trường lao động phải hài hòa mới có thể giữ chân người lao động và khuyến khích họ tăng năng suất lao động. Và đó cũng chính là nguồn lực để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển một cách bền vững. Ngẫm ra, điều này cực kỳ hợp lý và có thể coi là một chuẩn mực đối với các doanh nghiệp trong mọi thời kỳ.

Theo các chuyên gia về lao động, mặc dù thị trường lao động của ta mới đang hình thành, cung luôn lớn hơn cầu. Song nghịch lý ở chỗ, lao động thừa mà doanh nghiệp vẫn thiếu người làm. Giải thích vấn đề này, có người cho rằng: Do nhiều lao động của ta chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhưng nhìn ở góc độ khác mới thấy, nhiều doanh nghiệp chưa đánh giá đúng giá trị của sức lao động cũng như giá trị của người lao động. Điều đó cũng lý giải, vì sao thời gian gần đây, có quá nhiều vụ tranh chấp lao động, quá nhiều vụ đình công xảy ra. Thống kê chưa đầy đủ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, chưa hết 6 tháng đầu năm 2011, cả nước đã xảy ra 440 cuộc ngừng việc tập thể, đình công tại 23 tỉnh, thành phố, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2010. Nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu vẫn là do thu nhập quá thấp so với cường độ, thời gian mà người lao động phải bỏ ra. Một nguyên nhân khác là chủ doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động và Luật Công đoàn, không thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, không giải quyết kiến nghị hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa và Khu công nghiệp Quốc Oai và Thạch Thất, với 47 doanh nghiệp hoạt động thu hút gần 4.700 lao động nhưng mới chỉ có 16 doanh nghiệp thành lập công đoàn cơ sở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc chỉ có 16 thỏa ước lao động tập thể được thành lập. "Đây là thiệt thòi rất lớn cho người lao động". Bởi thông qua thỏa ước tập thể, quyền lợi của công nhân như cam kết về việc làm và bảo đảm việc làm; thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi; tiền lương, tiền thưởng và phụ cấp lương; an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội; cách thức giải quyết tranh chấp lao động, tiền ăn giữa ca, đồng phục, xe đưa đón công nhân... đều được cụ thể hóa. Thông qua đó, người lao động hiểu được họ có quyền lợi gì, nghĩa vụ gì. Và lương thấp, muốn thương lượng với chủ doanh nghiệp tăng lương, họ cũng không có người đại diện cho mình. Khi ấy, đình công, ngừng việc đã được người lao động xem là thứ vũ khí cuối cùng để tự bảo vệ mình.

Nghỉ việc: Hệ quả tất yếu

Hậu quả của các cuộc đình công, ngừng việc tập thể dường như đã được nhiều công nhân dự tính trước: Hoặc là được tăng lương, hoặc họ sẽ bị sa thải ngay lập tức. Đã có nhiều doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thăng Long, sau những vụ đình công, có tới hàng trăm công nhân phải nghỉ việc. Một số công ty khác sau khi đấu tranh bằng ngừng việc, đình công, lương cơ bản và một số chế độ khác đã được nâng lên nhưng cũng chỉ ở mức 300-400 nghìn đồng, như ở Công ty Giai Đức là một ví dụ điển hình. Vì vậy, nhiều công nhân đã lựa chọn giải pháp an toàn là tự nghỉ việc. Theo thống kê mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, những tháng đầu năm 2011 đã có hàng ngàn công nhân, lao động đơn phương xin chấm dứt hợp đồng lao động do điều kiện lao động khó khăn, thu nhập quá thấp không đủ chi tiêu cho cuộc sống bản thân và gia đình, thời gian làm việc căng thẳng, giá cả tiêu dùng liên tục tăng cao… Điều này đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khủng hoảng thiếu lao động một cách trầm trọng. Việc công nhân bỏ việc, doanh nghiệp thiếu lao động đã gây ra nhiều tác động trái chiều trong thị trường lao động: Thừa vẫn thừa, thiếu vẫn thiếu.

Nhằm bảo đảm đời sống cho người lao động, đặc biệt là tại các khu công nghiệp, đã có nhiều tỉnh, thành phố (trong đó có Hà Nội) xây dựng các khu ký túc xá cho công nhân. Ở đó có khu vui chơi, sinh hoạt văn hóa, nhà trẻ.... Đến nay, mặc dù đã có 24 dự án xây nhà cho công nhân được khởi công với tổng vốn đầu tư khoảng 2.600 tỷ đồng, tổng diện tích sàn 753.000 mét vuông. Theo dự kiến, khi đưa vào sử dụng, 24 dự án này sẽ đáp ứng chỗ ở cho 125.000 công nhân. Tuy nhiên, tính đến thời điểm này, mới chỉ có 9 dự án hoàn thành bàn giao, tổng diện tích 200 nghìn mét vuông, giải quyết chỗ ở cho 27 nghìn công nhân, trong đó Hà Nội có một dự án, TP Hồ Chí Minh có 8 dự án.

Có thể nói, việc luôn gia tăng các cuộc đình công, ngừng việc tập thể thời gian gần đây liên tục diễn ra bởi doanh nghiệp và người lao động chưa tìm được tiếng nói chung, chưa xây dựng được cơ chế thương lượng về lương và các chế độ khác. Và nếu cơ chế thương lượng còn yếu kém; doanh nghiệp vẫn chưa coi trọng giá trị của sức lao động thì chắc chắn câu chuyện thiếu thừa cũng như tình trạng tranh chấp lao động vẫn còn dài dài, khó có thể đi đến hồi kết.

Riêng về phía cơ quan chức năng, trong buổi họp báo Chính phủ mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo: Chính phủ cũng nhìn nhận rằng, lạm phát, lãi suất còn cao, khiến cho đời sống công nhân lao động gặp nhiều khó khăn. Do đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, trong thời gian tới phải ổn định an sinh xã hội là mục tiêu hàng đầu. Liên quan đến vấn đề tăng lương, bảo đảm đời sống cho công nhân lao động, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cũng cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề nghị Chính phủ tăng lương tối thiểu sớm cho khối doanh nghiệp trước một quý so với lộ trình. Việc điều chỉnh lương tối thiểu dịp này là do tình hình thực tế thu nhập của người lao động, người làm công ăn lương giảm sút. Theo dự kiến, Bộ LĐ-TB&XH sẽ đề nghị Chính phủ tăng lương theo 4 vùng với các mức: Vùng 1: 1,9 triệu đồng; vùng 2: 1,73 triệu đồng; vùng 3: 1,55 triệu đồng; vùng 4: 1,44 triệu đồng. Song ông Huân cũng cho biết thêm, dự kiến là thế, nhưng Bộ vẫn phải lấy ý kiến của doanh nghiệp nhằm tính toán khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Chính phủ đã có nhiều cố gắng, nhiều biện pháp nhằm tăng cường đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động. Nhưng cái khó vẫn ở khâu thực hiện khi phía đại diện người lao động vẫn cho rằng, cái "lưới đỡ" (mức lương tối thiểu) vẫn còn ở mức quá thấp. Điều này đã khiến doanh nghiệp vin vào đó để chối bỏ sự quan tâm, đầu tư chăm lo đời sống của những người hằng ngày tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vậy là mọi khó khăn vẫn dồn lên vai người lao động. Hoặc họ phải đấu tranh tiêu cực hoặc phải chấp nhận nghỉ việc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Cực chẳng đã và hệ lụy kép

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.