Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản

Hiền Chi| 29/06/2021 06:43

(HNM) - Xác định thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị là việc quan trọng trong năm 2021, thành phố Hà Nội cùng các sở, ngành, 12 quận và thị xã Sơn Tây đã chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản, thận trọng những phần việc cần thiết theo quy định. Đây là tiền đề để bảo đảm khi vận hành chính quyền đô thị, tổ chức bộ máy của UBND các phường tinh gọn, ổn định, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Bộ phận “một cửa” của UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) đầu tư các trang thiết bị thuận tiện cho công dân đến làm thủ tục hành chính. Ảnh: Hiền Thu

Bảo đảm đầy đủ các điều kiện

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Vũ Thu Hà, trên cơ sở chỉ đạo thống nhất của Thành ủy, các cấp chính quyền đã chủ động chuẩn bị, bảo đảm đầy đủ các điều kiện để thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị như: Phối hợp với các cơ quan trung ương xây dựng nghị định của Chính phủ hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội"; rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy các phường; rà soát, hoàn thiện quy định phân cấp của thành phố với các quận, thị xã, phường; tổ chức tuyên truyền mô hình chính quyền đô thị…

“UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 12-4-2021 về việc triển khai thực hiện Nghị định số 32/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 97/2019/QH14 ngày 27-11-2019 của Quốc hội về "Thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội", trong đó đã phân công các công việc cần triển khai tới các cơ quan, đơn vị của thành phố. Cụ thể, Sở Nội vụ nghiên cứu xây dựng quy chế làm việc mẫu của UBND phường; Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu xây dựng quy định về phân cấp của UBND thành phố đối với UBND các quận, thị xã, UBND các phường trong điều kiện thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị…”, bà Vũ Thu Hà nói.

Để thuận lợi cho các phường trong việc triển khai, ngày 22-4-2021, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 1184/UBND-NC về hướng dẫn nội dung chủ tịch UBND phường ủy quyền cho công chức giữ chức danh tư pháp - hộ tịch thực hiện ký chứng thực và đóng dấu UBND phường đối với các giấy tờ, văn bản theo quy định tại Khoản 3, Điều 7 Nghị định số 32/2021/NĐ-CP. Thành phố cũng đã ban hành quy chế làm việc mẫu của UBND phường khi thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. 

Quy chế quy định rõ nguyên tắc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, phương thức giải quyết công việc và quan hệ công tác của UBND phường với các cơ quan, tổ chức liên quan, cũng như về chế độ hội họp, giải quyết công việc, quản lý văn bản của UBND phường…

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ nhất vừa qua, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI đã thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu giữa ngân sách quận, thị xã, phường khi áp dụng thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, việc điều chỉnh phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ điều tiết của ngân sách các quận, thị xã và phường phù hợp với các quy định của pháp luật, không làm thay đổi, ảnh hưởng đến khả năng cân đối ngân sách của 12 quận, thị xã Sơn Tây và thành phố.

Giám đốc Sở Nội vụ Vũ Thu Hà nhận định, với các phần việc đã được triển khai thực hiện, Hà Nội đã bảo đảm đủ các điều kiện để vận hành thí điểm mô hình chính quyền đô thị từ ngày 1-7-2021.

Sẵn sàng vận hành

Cùng với quyết tâm chính trị của thành phố và các cấp, ngành, 12 quận, thị xã Sơn Tây và các phường cũng tích cực triển khai các phần việc của đơn vị mình. 

Bí thư Quận ủy Ba Đình Hoàng Minh Dũng Tiến khẳng định, để triển khai hiệu quả Nghị định số 32/2021/NĐ-CP, quận Ba Đình đã thành lập Ban Chỉ đạo quận để có sự thống nhất chung trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời, tổ chức tuyên truyền, quán triệt, thống nhất nhận thức về chính quyền đô thị để cùng thực hiện tốt, bảo đảm ổn định ở cơ sở.

Cùng với đó, các phường cũng đã hoàn tất công việc và sẵn sàng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Chủ tịch UBND phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) Trịnh Lê Đức cho biết: “Phường đã bám sát sự chỉ đạo của thành phố và quận. Hiện tất cả cán bộ, công chức của UBND phường đã thông qua quy trình 5 bước để báo cáo với Phòng Nội vụ, Ban Tổ chức Quận ủy xem xét, chỉ định bổ nhiệm lại đối với các trường hợp đủ điều kiện”.

Phó Chủ tịch UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) Đoàn Kim Thanh nói: “Chúng tôi tin tưởng việc thí điểm mô hình chính quyền đô thị sẽ giúp giải quyết hồ sơ nhanh hơn và thuận tiện cho công dân. Đặc biệt là hiện nay, UBND phường Quán Thánh đã có 3 tháng triển khai mô hình “Ngày không chờ” với kết quả khá khả quan nên khi thực hiện chính quyền đô thị, cán bộ tư pháp - hộ tịch được ủy quyền ký hồ sơ chứng thực thì càng tạo thêm thuận lợi cho tổ chức, công dân”.

Theo Chủ tịch UBND phường Lê Lợi (thị xã Sơn Tây) Nguyễn Mạnh Hùng, phường Lê Lợi đã đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn, tinh thần là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, đóng góp ý kiến để hoàn thiện cách quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.

Chia sẻ về việc sắp tới sẽ được nhận ủy quyền từ lãnh đạo để ký và đóng dấu của UBND phường đối với việc chứng thực bản sao từ bản chính, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, công chức Tư pháp - Hộ tịch của UBND phường Quán Thánh (quận Ba Đình) cho biết: “Tôi hiểu rằng đây là trọng trách, song với kinh nghiệm nhiều năm làm công chức tư pháp - hộ tịch và sự chuẩn bị kỹ, tôi sẵn sàng tiếp nhận. Tôi sẽ cố gắng thực hiện bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất để bảo đảm giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng, đúng quy định, mang lại sự hài lòng cho người dân”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.