(HNMO)- Các hồ chứa nước khu vực ngoại thành giữ vai trò rất quan trọng trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân, đặc biệt là người dân ở các vùng sâu, vùng xa, vùng núi, bán sơn địa hiện vẫn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Bên cạnh đó, nhiều hồ chứa còn có tiềm năng rất lớn để phát triển dịch vụ du lịch. Tuy nhiên, cho đến nay, tiềm năng này hầu như vẫn còn bỏ ngỏ, chưa được khai thác.
>>>Các hồ ngoại thành Hà Nội: Bao giờ được hồi sinh?
Hạn chế trong đầu tư nâng cấp
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, tại khu vực ngoại thành có khoảng 86 hồ, bai tập, trong đó tập trung nhiều nhất trên địa bàn của 2 huyện Ba Vì và Sóc Sơn. Riêng khu vực Hà Tây (cũ) có 29 hồ chứa nước loại vừa và nhỏ, với tổng dung tích hữu ích gần 167 triệu m3. Trong đó có 7 hồ chứa có dung tích trên 4 triệu m3, gồm: Đồng Mô- Ngải Sơn (61,9 triệu m3); Suối Hai (46,8 triệu m3); Quan Sơn (11,9 triệu m3); Đồng Sương (10,5 triệu m3); Văn Sơn (7 triệu m3); Xuân Khanh (6,2 triệu m3); Tân Xã (4 triệu m3).
Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Nghiêm Xuân Đông cho biết, hầu hết các hồ chứa được xây dựng, đưa vào quản lý, vận hành, khai thác đã hơn 30 năm nay. Bởi vậy, dưới tác động của thiên nhiên và con người, chúng đã và đang bị xuống cấp. Tại nhiều hồ, các công trình đầu mối, như: đập dâng, tràn xả lũ, cống lấy nước, kênh dẫn tưới bị hư hỏng, xuống cấp, lòng hồ bị bồi lắng, lấn chiếm làm giảm dung tích trữ nước của hồ. Cùng với đó, cảnh quan thiên nhiên, môi trường khu vực ngày càng bị suy giảm do tình trạng vi phạm công trình, chặt phá rừng đầu nguồn, hạn chế nguồn sinh thủy, giảm hiệu quả tưới và khả năng cắt lũ và an toàn của các công trình.
Các hồ chứa ngoại thành mới chỉ được đầu tư để xử lý hư hỏng nơi xung yếu... |
Trong quá trình đưa vào vận hành, khai thác, trung ương, thành phố cũng đã đầu tư vốn để sửa chữa, nâng cấp, khắc phục tình trạng xuống cấp của các hồ chứa nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư hạn chế nên chỉ đủ để tập trung xử lý những hư hỏng xung yếu đe dọa đến an toàn của các công trình, chưa đủ nguồn vốn để đầu tư nâng cấp hoàn thiện, thỏa mãn các yêu cầu lợi dụng tổng hợp các hồ chứa.
Vướng mắc cần tháo gỡ
Theo ông Nghiêm Xuân Đông, khai thác, sử dụng tổng hợp các hồ chứa nước khu vực ngoại thành để phục vụ các lợi ích đa mục tiêu là hết sức cần thiết và hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường, cũng như nhu cầu xã hội hiện nay. Trên thực tế, hầu hết các hồ chứa nước đều ở vùng núi, hoặc đồi gò có cảnh quan thiên nhiên đẹp, khí hậu thoáng mát, yên tĩnh. Thêm vào đó, phạm vi xung quanh các hồ chứa có nhiều điểm tham quan du lịch, đình chùa, di tích lịch sử được xếp hạng. Vì vậy, có thể thấy tiềm năng để phát triển kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng cuối tuần của các hồ ngoại thành là rất lớn. Tuy nhiên, đến nay, trong số các hồ chứa như: Suối Hai (Ba Vì), Đồng Mô- Ngải Sơn (Sơn Tây), Quan Sơn (Mỹ Đức)… đã và đang được khai thác dịch vụ du lịch, nhưng mới chỉ có hồ Đồng Mô- Ngải Sơn là thu được kết quả khả quan.
Sở dĩ tiềm năng phát triển dịch vụ du lịch của các hồ chứa ngoại thành chưa được khai thác, hoặc đã khai thác nhưng chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao là có nhiều nguyên nhân. Ông Trần Thanh Nhã, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho rằng, khó khăn lớn nhất trong khai thác tiềm năng du lịch tại các hồ hiện nay là việc giải quyết mâu thuẫn giữa yêu cầu đảm bảo nguồn nước tưới cho nông nghiệp với việc giữ nước ở mức cần thiết để tạo cảnh quan, môi trường, mặt nước phục vụ du khách tham quan và triển khai các dịch vụ du lịch trên mặt hồ. Theo quy trình vận hành, vào mùa mưa, các hồ chứa vừa đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ mùa, vừa tích nước đến cao trình thiết kế để tưới cho vụ Đông- Xuân hàng năm; đến mùa khô (từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau), các hồ lại xả nước để tưới, do vậy thông thường vào cuối vụ xuân, hầu hết các hồ đều cạn kiệt.
Tiềm năng du lịch của các hồ ngoại thành rất lớn, nhưng hầu như vẫn còn bỏ ngỏ |
Bên cạnh đó, theo quy định của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi, phần đất trong hành lang bảo vệ của các hồ chứa (phần đất này được tính từ cao trình đỉnh đập trở xuống lòng hồ) đều bị nghiêm cấm xây dựng các công trình kiến trúc. Việc xây dựng các công trình kiến trúc chỉ được phép thực hiện tại phần đất ven hồ ở phía trên cao trình đỉnh đập. Nhưng trên thực tế, phần diện tích này, các địa phương có hồ chứa đã giao cho các hộ quản lý và sử dụng. Thậm chí, ở một số hồ chứa, ngay cả phần đất trong hành lang bảo vệ cũng đang bị vi phạm hết sức nghiêm trọng qua nhiều năm mà vẫn chưa được chính quyền các địa phương giải tỏa.
Để khắc phục những khó khăn trên, từng bước khai thác, sử dụng các hồ chứa nước vào phát triển dịch vụ du lịch và nghỉ cuối tuần, theo ông Nhã, trước tiên phải sớm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch thủy lợi lưu vực tưới của các hồ chứa; hoạch định các công trình thay thế nguồn nước tưới cho các hồ nhằm chuyển đổi một số hồ chứa có nguồn nước thay thế sang phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ du lịch. Bên cạnh đó, tiến hành cải tạo, nâng cấp các công trình đầu mối của các hồ chứa để đảm bảo an toàn công trình, có kiến trúc phù hợp với cảnh quan môi trường khu vực. Ngoài ra, tiến hành quy hoạch lại đất đai trong khu vực và các vùng phụ cận, đồng thời có cơ chế phù hợp để đền bù thu hồi lại đất đã giao đưa vào sử dụng cho mục đích phát triển du lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.