(HNM) - Cùng với các chính sách của trung ương, nhằm hỗ trợ các địa phương đẩy nhanh công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, TP Hà Nội cũng đã ban hành một số chính sách hỗ trợ các mô hình chuyển đổi như Quyết định 16, Nghị quyết 25…
Chậm triển khai
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để đẩy mạnh Chương trình 02, Hà Nội đã xây dựng 8 chương trình, đề án trọng điểm phát triển sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên đến nay, các đề án được phê duyệt sớm cũng đã được 5 năm, muộn cũng đã qua 2 năm nhưng việc triển khai còn nhiều khó khăn và rất chậm. Tại huyện Sóc Sơn, thành phố đã quy hoạch vùng chăn nuôi thủy sản tập trung diện tích 80ha tại xã Tân Hưng (khu này, thực tế đã có sẵn 20 hộ tham gia sản xuất với diện tích 16ha) với kinh phí 100 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng gồm đường điện, nước sạch, hệ thống đường giao thông và kênh mương cho vùng chuyển đổi, người dân vô cùng phấn khởi. Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, dự án này vẫn chưa triển khai được gì do chưa bố trí được kinh phí. "Ở một góc khác, dự án chăn nuôi xa khu dân cư cũng được thành phố quy hoạch với diện tích 5ha tại xã Xuân Thu và 20ha tại xã Tân Hưng cũng giậm chân tại chỗ do chưa có hướng dẫn hỗ trợ của thành phố" - Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết.
Trong khi đó, theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Phùng Minh Chiến thì việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn huyện này cũng chưa có sự đột phá. Theo Đề án phát triển hoa, cây cảnh, thành phố sẽ xây dựng 170ha hoa hồng tại huyện Mê Linh với kinh phí khoảng 50 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay vẫn chưa triển khai được do thiếu vốn. Tương tự, đề án rau huyện Mê Linh có 20ha thuộc xã Tiến Thắng hiện cũng mới bắt đầu khởi động.
Ảnh: Phương An |
Chính sách chưa nhất quán
Nhiều địa phương cho biết, do vướng Nghị định 42 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa nên việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gặp khó khăn. Ông Phùng Minh Chiến, Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh dẫn chứng: "Nếu bám theo Nghị định số 42 của Chính phủ và Thông tư số 47 của Bộ NN&PTNT thì không cho phép chuyển đổi đất lúa sang các mô hình khác. Như vậy rất khó cho việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở địa phương. Do đó, đề nghị thành phố kiến nghị Chính phủ sửa đổi theo hướng tạo điều kiện cho nông dân chuyển đổi cây trồng linh hoạt hơn và tăng hỗ trợ cho việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, ứng dụng khoa học, kỹ thuật để nâng cao hiệu quả trồng lúa, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ngoài những hỗ trợ của trung ương, những năm gần đây, Hà Nội rất quan tâm đến công tác này. Tuy nhiên, quá trình triển khai, do nhiều nguyên nhân, những chính sách này áp dụng vào thực tế còn vướng mắc. Năm 2013, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND, trong đó có nội dung quan trọng khuyến khích phát triển vùng nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014-2020. Theo đó, Hà Nội chủ trương hỗ trợ giống, phòng chống dịch bệnh, xúc tiến thương mại và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng cơ sở hạ tầng… nhưng đến nay vẫn chưa ban hành được quyết định để cụ thể hóa chính sách này. Mặc dù vậy, khi áp dụng vào thực tiễn đã có không ít những bất cập.
Đại diện Phòng Kinh tế huyện Mê Linh chỉ ra rằng: Việc hỗ trợ theo Nghị quyết 25 là cần thiết. Tuy nhiên, về phương thức hỗ trợ, thay vì yêu cầu huyện hỗ trợ trực tiếp thông qua các hợp đồng cung ứng dịch vụ trên cơ sở kế hoạch và chỉ đạo của thành phố, thành phố nên giao cho huyện chủ động thực hiện ở các vùng chuyên canh tập trung, lập hồ sơ cần thiết theo quy định để giảm bớt thủ tục hành chính phải trình lên nhiều cấp. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc chỉ ra rằng, căn cứ theo Nghị quyết số 25, một số chính sách hỗ trợ Hà Nội đưa ra có khung thấp hơn so với chính sách hỗ trợ của trung ương. Cụ thể, với việc hỗ trợ giống mới không quá 50% và không quá 2 vụ. Tuy nhiên, chương trình khuyến nông quốc gia lại đang hỗ trợ các mô hình 100% giống và thời gian kéo dài trong 3 vụ. Việc hỗ trợ ít đi, nhiều ý kiến lo ngại khi rút hỗ trợ, mô hình khó thành công...
Tương tự, Quyết định 16/2012/QĐ-UBND của UBND thành phố ban hành năm 2012 (năm 2013 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Quyết định số 10) về "Thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn thành phố giai đoạn 2012-2016" được xây dựng với rất nhiều khoản hỗ trợ như: Hỗ trợ sản xuất giống cây trồng, vật nuôi; xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung; cơ giới hóa; kiên cố hóa đường giao thông… Tuy nhiên, việc áp dụng những hỗ trợ này vào thực tế rất khó và ít địa phương vận dụng được.
Ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục PTNT Hà Nội cho biết, quá trình thực hiện chỉ mới có Điều 4 và Điều 9 của Quyết định 16 là áp dụng được vào thực tế, còn các điều khác gần như không thực hiện được. Đơn cử như việc hỗ trợ cơ giới hóa, người dân mong muốn nhận được hỗ trợ trực tiếp bằng đồng vốn để mua máy móc thay vì hỗ trợ gián tiếp thông qua lãi suất ngân hàng rất phiền hà. Thực tế, tại huyện Phú Xuyên cho thấy nhờ huyện có thêm chính sách hỗ trợ trực tiếp cho cơ giới hóa nên tốc độ cơ giới hóa của huyện này cao hơn hẳn so với các địa phương khác. Không ít cán bộ quản lý cho rằng, nếu hỗ trợ trực tiếp cho người dân mua máy họ sẽ coi đó là máy của mình và có thể bán máy đi, làm thất thoát tiền của Nhà nước. Nhưng thực tế tại các huyện có hỗ trợ riêng về cơ giới hóa cho người dân đã cho thấy, việc bán máy không dễ bởi còn cả một hệ thống quản lý từ thôn đến HTX và chính quyền cấp xã, với những ràng buộc, cam kết khi hỗ trợ nên tình trạng này khó có thể diễn ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.