(HNM) - Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình 04 của Thành ủy, những mô hình hay để quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời; giữ gìn vệ sinh công cộng, xây dựng
Việc triển khai xây dựng nếp sống văn minh đô thị theo Chương trình 04 tuy đã vào guồng, đã xuất hiện một số mô hình hay, nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo phản ánh của các địa phương, hầu hết đối tượng dán quảng cáo rao vặt (QCRV) trái quy định là lao động ở xa, chưa đến tuổi vị thành niên, không có giấy tờ tùy thân nên khi bắt được cũng chỉ có thể giữ lại vài giờ để hỏi thông tin, rất ít trường hợp có thể xử phạt nặng để răn đe. Việc xử lý vi phạm QCRV bằng cách cắt số điện thoại liên lạc tuy ít nhiều phát huy được hiệu quả song thủ tục rất phức tạp. Hệ thống bảng QCRV miễn phí vừa ít, vừa bố trí chưa hợp lý khiến một số nơi cần thì không có, nơi có lại không dùng. Hơn thế, hoạt động QCRV "tái xuất" với chiêu thức dùng miếng dán mỏng, có độ kết dính tốt dán lên các vị trí rất nguy hiểm (bốt điện, tủ điện, đường truyền điện, cột điện…), nếu không có sự tham gia liên ngành sẽ không thể bóc xóa được. Hệ thống biển hiệu phát triển đủ loại kích cỡ nhưng không thuộc sự điều chỉnh của các quy định về quảng cáo trước đây, do đó khó tránh khỏi sự lộn xộn. Mặt khác, số cửa hàng cho thuê chiếm tỷ lệ không nhỏ, nay chủ này, thời gian sau có thể là chủ khác, khiến cho việc tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không vi phạm các quy định của Luật Quảng cáo, không làm ảnh hưởng tới nếp sống văn minh đô thị không phải lúc nào cũng thực hiện được. "Hiện nay, chưa có chế tài nào xử phạt biển hiệu vi phạm các nội dung của Luật Quảng cáo (trừ trường hợp biển hiệu là phương tiện quảng cáo). Do vậy, chấn chỉnh dừng lại ở hình thức tuyên truyền, vận động, nhắc nhở sẽ rất khó thực hiện", ông Nguyễn Đức Hải, Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH,TT&DL) Hà Nội phản ánh.
Bóc gỡ, xóa quảng cáo, rao vặt trái phép trên địa bàn thành phố Hà Nội. Ảnh: Nhật Nam |
Một bất cập nữa là, theo quy định của Luật Quảng cáo, việc lắp dựng biển quảng cáo diện tích lớn hơn 20m2 không phải xin phép như trước đây, thay vào đó người có nhu cầu chỉ cần gửi hồ sơ đến Sở VH,TT&DL xin thỏa thuận. Trong hồ sơ gửi ngành văn hóa, giấy phép xây dựng là điều kiện quan trọng nhất để ngành căn cứ vào đó thỏa thuận cấp phép. Ngược lại, theo quy định của ngành xây dựng, các tổ chức, cá nhân có nhu cầu lắp biển quảng cáo chỉ được cấp phép xây dựng khi đã có thông báo thỏa thuận của ngành văn hóa. "Sự vênh này là một trong những nguyên nhân khiến hệ thống biển quảng cáo tấm lớn sai phép tồn tại nhiều năm chưa được giải quyết. Không những thế, Nghị định 158 ngày 12-1-2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo chậm được ban hành (sau gần 1 năm Luật Quảng cáo có hiệu lực) khiến cho việc xử lý vi phạm về quảng cáo ở cơ sở gặp nhiều lúng túng" - Ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng VH-TT quận Đống Đa nhận định.
Xây dựng văn minh đô thị trên nền tảng truyền thống
Được đánh giá là địa phương quản lý biển hiệu tốt nhất hiện nay, ông Bùi Trọng Duy, Trưởng phòng VH-TT quận Long Biên cho hay: Nếu chỉ tuyên truyền, hướng dẫn các hộ kinh doanh tự giác điều chỉnh nội dung, kích thước, lắp đặt biển hiệu ở những vị trí đúng quy định, họ sẽ nghe rồi bỏ đấy. Để người dân hiểu và "ngấm" các quy định, song song với công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục, quận Long Biên đã ký cam kết thực hiện nếp sống văn minh đô thị đến từng gia đình. Gia đình nào vi phạm các nội dung đã cam kết sẽ không được xét công nhận gia đình văn hóa. Để bảo đảm tính khách quan, quận Long Biên tổ chức kiểm tra chéo giữa các phường. Kết quả, tuyến phố Nguyễn Văn Cừ, Ngọc Lâm, Nguyễn Sơn, Long Biên 1, Long Biên 2… hiện nay đã đường thông, hè thoáng.
Chia sẻ bí quyết xây dựng thành công "Phường văn hóa", "Phường đạt chuẩn văn minh đô thị" đầu tiên trên địa bàn Thủ đô, ông Nguyễn Mạnh Trường, Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (Tây Hồ) vui mừng chia sẻ: Dù đã lên phường gần 20 năm nay, song giá trị truyền thống của một ngôi làng cổ bên bờ hồ Tây vẫn được chính quyền và nhân dân Quảng An gìn giữ. Hết đất nông nghiệp trong đê, người dân chuyển ra bãi sông Hồng canh tác, duy trì hoạt động của Hội Nông dân và HTX nông nghiệp. Cùng với truyền thống canh tác, nhiều người dân Quảng An giữ nghề ướp trà sen. Năm 2012, Trà sen Quảng An đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Tinh hoa trà Việt. Trong những năm tới, phường Quảng An sẽ triển khai nhân rộng giống sen quý để tô đậm thêm truyền thống quê hương. "Qua những công việc thường nhật, mỗi người dân Quảng An biết quý trọng sức lao động, nhận thức được những giá trị truyền thống của quê hương, từ đó có ý thức xây dựng và giữ gìn. Đó là cách giữ bản sắc văn hóa, xây dựng nếp sống văn minh hiệu quả nhất", ông Nguyễn Mạnh Trường khẳng định.
Còn đối với mỗi người dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm, hệ thống quy tắc ứng xử của người dân khu phố cổ với 5 tiêu chí cơ bản: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; giao tiếp, ứng xử có văn hóa; có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; trang phục gọn gàng, lịch sự, kinh doanh văn minh thương mại chính là cách làm thay đổi lối ứng xử trong gia đình và xã hội theo chiều hướng tích cực; hơn 200 tấn rác thải trên địa bàn được thu gom sạch sẽ mỗi ngày, phố phường nhờ thế khang trang hơn, hấp dẫn du khách hơn.
Một vài ví dụ trên cho thấy, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh luôn bắt đầu từ việc phát huy cái hay, nét đẹp trong lối sống, trong những việc làm thường nhật.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.