(HNM) - Trong 5 thành phố trực thuộc trung ương, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học của cả nước, có quy mô lớn về diện tích, dân số và kinh tế.
Mặt khác, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, tại các vùng nông thôn, khu vực ngoại thành đã và đang hình thành các khu đô thị hiện đại. Vì thế, việc hình thành nhiều đô thị hay chuỗi đô thị vệ tinh trong hai thành phố Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là một hiện thực trong tương lai, để phát triển xứng tầm với vị trí vốn có của đô thị đặc biệt. Tương tự như vậy, với các đô thị trực thuộc trung ương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ đều mang những nét đặc thù riêng biệt, đòi hỏi có mô hình tổ chức chính quyền phù hợp.
Sự khác biệt của chính quyền đô thị
Để thực hiện nhiệm vụ "Tổng kết, đánh giá mô hình tổ chức và chất lượng hoạt động của chính quyền địa phương nhằm xác lập mô hình tổ chức phù hợp, bảo đảm phân định đúng chức năng, trách nhiệm, thẩm quyền, sát thực tế, hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng mô hình chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn phù hợp" được nêu trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chính phủ đã xây dựng đề án và trình Quốc hội thông qua Nghị quyết số 26/2008/QH12. Theo đó, sẽ thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận, 483 phường ở 10 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Qua gần 4 năm thực hiện thí điểm, Bộ Nội vụ nhận định: Việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường đã giúp phân biệt sự khác nhau giữa chính quyền đô thị và chính quyền nông thôn về tổ chức bộ máy, nhiệm vụ, quyền hạn. Theo kết quả điều tra xã hội của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội (Ban Tuyên giáo Trung ương), đa số người được hỏi đều cho rằng nên sửa đổi Hiến pháp năm 1992 theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường (tại những địa phương thí điểm có 79% ý kiến đồng ý; những địa phương không thí điểm có 70% ý kiến đồng ý). Sở dĩ có nhiều ý kiến đồng thuận với chủ trương không tổ chức HĐND huyện, quận, phường là do tổ chức này không thực hiện hết chức năng của mình. Cụ thể, HĐND có chức năng quyết định những chủ trương, biện pháp để phát huy tiềm năng địa phương và thực hiện chức năng giám sát. Nhưng trên thực tế, chính quyền các cấp này không thể quyết định được những nhiệm vụ kinh tế - xã hội mang tính đặc thù mà đều phải theo một quy hoạch chiến lược phát triển chung của cấp trên. Hơn nữa, ở nước ta, đơn vị hành chính thì nhỏ nhưng cấp hành chính thì rất nhiều là điều không cần thiết. Đặc biệt, khi trình độ dân trí ngày càng cao hơn thì việc phát huy dân chủ trực tiếp là đương nhiên và sẽ giảm dân chủ đại diện nên đã đến lúc không cần thiết tồn tại tổ chức HĐND ở tất cả các cấp hành chính.
Nhiều nhà nghiên cứu phân tích, các đô thị ở Việt Nam có những nét khác biệt so với các quốc gia khác. Điển hình như trong đơn vị hành chính đô thị có đơn vị hành chính nông thôn trực thuộc (huyện, xã, thị trấn); trong đơn vị hành chính nông thôn có đơn vị hành chính đô thị trực thuộc (thị xã, thành phố thuộc tỉnh); nhiều đô thị, phần nông thôn (huyện, xã) chiếm tỷ trọng lớn về diện tích tự nhiên và dân số. Ví dụ như ở Hà Nội hiện có 10 quận nhưng có tới 18 huyện và 1 thị xã; có 400 xã và 155 phường. Hay như Hải Phòng có 7 quận, 8 huyện; 70 phường nhưng có tới 143 xã… Điều đó đã tạo nên những bất cập trong mô hình tổ chức quản lý.
Tại các huyện ven đô của Hà Nội như Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì, Đông Anh, những năm qua tốc độ đô thị hóa lớn, công việc tăng theo cấp số nhân nhưng vẫn đang thực hiện điều hành theo mô hình quản lý cấp huyện. Điều đó dẫn tới việc bố trí nhân sự chưa hợp lý, nơi thừa, nơi thiếu, hiệu quả công việc không cao. Không ít huyện có chủ yếu diện tích đất nông nghiệp nhưng lại thiếu cán bộ có chuyên môn về nông nghiệp, thừa cán bộ đô thị; trong khi đó lại có nơi lại thiếu cán bộ đô thị, thừa cán bộ làm công tác dân tộc… Đó cũng là nguyên nhân khiến bộ máy chính quyền, bộ máy hành chính của chúng ta cồng kềnh, nhiều nấc nhưng hiệu quả và hiệu lực quản lý còn hạn chế.
Những đề xuất đáng lưu ý
Nhóm nghiên cứu của Quỹ Châu Á và Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP Hồ Chí Minh) cho rằng, những đô thị phát triển mạnh, nhanh ở Việt Nam, nhưng quản lý hành chính 3 cấp theo luật hiện hành là không phù hợp, có sự chồng chéo, mang tính cắt khúc, không thống nhất về quy hoạch không gian, lãnh thổ, nên phát triển vẫn chưa xứng tầm.
Cấu trúc đô thị là đơn nhất, nên chỉ có một bộ máy chính quyền duy nhất là hợp lý. Nếu là đô thị lớn thì thêm "cánh tay nối dài" là quận và phường. Cụ thể, quận và phường ở đây chỉ là cơ quan hành chính địa phương, là cấp chính quyền trung gian, không phải là cấp chính quyền đầy đủ như hiện nay gồm có HĐND và UBND. Đối với những đô thị đặc biệt như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, việc thành lập các khu đô thị mới phù hợp về đặc thù quy mô và quá trình đô thị hóa trên diện rộng là hợp lý. Dù nhiều đô thị trong thành phố nhưng vấn đề quy hoạch tổng thể về bố trí không gian lãnh thổ, quy hoạch phát triển ngành phải được thống nhất trong thành phố trực thuộc trung ương. Bởi vậy, nếu xây dựng chính quyền đô thị, thành phố trực thuộc trung ương cần có hội đồng quy hoạch, dưới nữa là đơn vị nghiên cứu tư vấn thực hiện các chức năng nghiên cứu phát triển đô thị và xây dựng quy hoạch tích hợp cho toàn địa bàn. Về công tác tổ chức, khi thực hiện chính quyền đô thị, các thành phố trực thuộc trung ương cần bố trí các sở, ngành chuyên môn cho phù hợp, nên để các sở, ngành như xây dựng, tài nguyên - môi trường, kế hoạch - đầu tư, giao thông - vận tải, y tế… có các văn phòng đại diện theo địa bàn quận, phường (thay cho các phòng chuyên môn của UBND quận hiện nay). Các sở quản lý tổng hợp như tài chính, nội vụ, kế hoạch, tư pháp không nhất thiết có các văn phòng đại diện trên địa bàn dân cư…
Nhóm nghiên cứu cũng đề xuất, các thành phố trực thuộc trung ương có vai trò và đặc thù riêng, vì thế Chính phủ cần trao quyền hay phân quyền rộng hơn trong cơ chế tài chính (thu, chi ngân sách địa phương), huy động các nguồn lực theo nhiều cách khác nhau nhằm phục vụ cho đầu tư phát triển của thành phố.
PGS.TS Vũ Hồng Anh (Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội): Trong điều kiện hiện nay, khi mô hình tổ chức đơn vị hành chính ở đô thị còn chưa đạt được sự thống nhất, để bảo đảm cho những quy định của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về chính quyền địa phương không trở thành rào cản đối với việc cải cách tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, chúng tôi cho rằng Dự thảo Hiến pháp sửa đổi chỉ nên quy định về đơn vị hành chính cấp tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương, còn đơn vị hành chính dưới cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên để mở cho luật quy định. Kinh nghiệm của một số nước có nền kinh tế chuyển đổi (Ba Lan, Liên bang Nga) và một số nước khác (Hàn Quốc, Nhật Bản) cho thấy, trong khi việc tổ chức chính quyền địa phương còn chưa rõ mô hình thì Hiến pháp nên điều chỉnh vấn đề này ở phạm vi hẹp bao gồm những vấn đề chung, cơ bản mang tính nguyên tắc. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.