(HNM) - Việc các đơn vị
Bên cạnh đó, do "lịch sử để lại" ở nhiều cơ quan, đơn vị số lượng người thì không thiếu nhưng lại rất thiếu người làm vì trình độ, năng lực chuyên môn của cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) còn hạn chế…
Năm 2012, biên chế khối cơ quan hành chính của Hà Nội được HĐND thành phố thông qua là 9.340 chỉ tiêu (trong đó có 54 biên chế dự phòng). Tuy nhiên, biên chế khối này theo quyết định được Bộ Nội vụ giao là 9.293 chỉ tiêu, thấp hơn con số đã tính toán và được thông qua là 47 biên chế. UBND thành phố đã phân bổ cho các đơn vị 9.293 biên chế, song trên sổ sách, tính đến ngày 1-7-2012, số thực hiện là 8.706 biên chế, thấp hơn so với số biên chế được giao 587 biên chế. Nguyên nhân là vì có một số cán bộ, công chức nghỉ hưu nhưng chưa tuyển đủ số lượng cần. Tương tự, biên chế các đơn vị sự nghiệp được UBND thành phố phân bổ là 138.906, nhưng tính đến ngày 1-7-2012, số biên chế hiện có của khối sự nghiệp chỉ là 134.497 người, tức là thiếu hơn 4.400 người so với con số biên chế đã được HĐND thành phố thông qua.
Đánh giá về vấn đề này, lãnh đạo Sở Nội vụ Hà Nội cho rằng: "Biên chế công chức trong các cơ quan, đơn vị mặc dù đã được tăng cường, năm sau thường cao hơn năm trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Nguyên nhân là do khối lượng và mức độ phức tạp của công việc ngày càng tăng". Tuy nhiên, như đã nêu, tổng số biên chế CBCCVC thực tế của các cơ quan hành chính, sự nghiệp đều thấp hơn con số cần thiết, như vậy việc quá tải ở từng vị trí công tác cũng là dễ hiểu.
Theo quy định của Chính phủ, cấp xã, phường có 8 chức vụ cán bộ và có 7 chức danh công chức. Số lượng cán bộ, công chức cấp xã, phường được bố trí theo loại đơn vị hành chính (loại 1, loại 2 và loại 3) với biên chế cho phép từ 21 đến 25 người. Cũng theo quy định, các đơn vị được quyền ký hợp đồng lao động và trả lương bằng nguồn ngân sách của đơn vị. Song, cán bộ hợp đồng không phải lúc nào cũng đảm đương được nhiệm vụ. Mặt khác, nguồn ngân sách của các đơn vị hạn chế nên nhiều phường, xã "lực bất tòng tâm", muốn ký thêm hợp đồng lao động nhưng lại quá eo hẹp về kinh phí.
Tình trạng định biên bất cập kiểu "cào bằng" cho các cấp, ngành, các khu vực đã dẫn đến có những vị trí công tác CBCCVC làm không hết việc, có chỗ "vừa làm, vừa chơi". Cụ thể, lãnh đạo phường Ô Chợ Dừa (quận Đống Đa) cho biết: "Một Phó Chủ tịch UBND phường là thành viên của 16 ban, chỉ riêng đi họp đã hết thời gian làm việc". Nhiều cán bộ văn phòng và "một cửa" cấp phường và quận đã than vãn phải kiêm nhiệm nhiều công việc "không tên" như tham gia hỗ trợ các cuộc họp, soạn thảo văn bản, giấy tờ, tài liệu với các bộ phận, lĩnh vực chuyên môn khác. Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Từ Liêm cho biết: "Hiện tất cả các xã trên địa bàn đều không có cán bộ chuyên trách tiếp dân, vì thế cán bộ tư pháp phải kiêm; không có cán bộ chuyên trách tôn giáo nên cán bộ văn hóa xã hội phải kiêm nhiệm. Trong khi đó, khối lượng công việc của mỗi cán bộ đã khá nhiều". Còn cán bộ tư pháp phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) khẳng định: "Với khối lượng công việc hiện nay, cán bộ tư pháp quay như chong chóng và có tận dụng hết thời gian "vàng" trong 8 giờ hành chính để làm việc cũng không xuể. Tình trạng quá tải dẫn đến công việc ùn ứ, chậm trễ thời gian". Tương tự, cán bộ quản lý đô thị các phường, xã thường xuyên phải làm đủ các khung giờ khác nhau mà không có người thay ca do mỗi phường chỉ có một chỉ tiêu biên chế lĩnh vực này.
Trái ngược với những dẫn chứng nêu trên, khi tìm hiểu về biên chế ở cơ sở, một cán bộ thanh tra xây dựng cấp phường thẳng thắn: "Phường tôi tập trung nhiều khu tập thể, chung cư, một năm, thậm chí vài năm, không có xây dựng công trình nhà cửa, hoặc hạng mục lớn, chỉ sửa chữa nhỏ, nên 4 cán bộ ở lĩnh vực này rất nhàn. Hoặc ở lĩnh vực quân sự, một năm cán bộ làm công việc này chỉ bận rộn trong hai kỳ tuyển quân - giao quân". Lại có những cơ quan sự nghiệp, cấp phòng, ban có 8 nhân viên thì có tới 4 lãnh đạo. Nguyên nhân là do "lịch sử để lại" sau thời điểm Hà Nội chính thức mở rộng địa giới hành chính. Công việc vẫn như cũ, lãnh đạo phòng, ban phải thay nhau chỉ đạo theo tuần, vậy là mỗi tháng chia việc ra, mỗi lãnh đạo chỉ bận rộn trong… 7 ngày. Thủ trưởng cơ quan này "tâm sự", họ đều có biên chế chính thức, giờ không sai phạm, không mắc khuyết điểm gì, vậy nên phải chờ cho tới khi họ… nghỉ hưu mới mong có sự thay đổi.
Cũng về sự không hợp lý giữa số lượng biên chế và chất lượng cán bộ, Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Phong cho biết: Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp toàn huyện là hơn 30.000ha, nhưng cán bộ được đào tạo chuyên về nông nghiệp, đất đai và chuyên ngành kiến trúc quy hoạch chỉ tính trên đầu ngón tay. Thậm chí, một xã có tới 20.000 dân nhưng không có cán bộ phụ trách nông nghiệp. Điều đó dẫn đến nhiều khó khăn trong triển khai xây dựng nông thôn mới.
Xin được nói thêm, trong năm 2012, tình trạng vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về đất đai, xây dựng cơ bản, quản lý đô thị… còn xảy ra ở nhiều nơi, liên quan tới trách nhiệm của một số CBCC. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, số công trình sai phép có chiều hướng gia tăng, qua kiểm tra 16.233 công trình, phát hiện tới 3.028 trường hợp vi phạm, nhiều nhất là công trình xây dựng không phép (1.688 trường hợp). Điều đáng nói là nhiều trường hợp vi phạm xảy ra ngay trên địa bàn các đơn vị đã được phân bổ đủ thanh tra xây dựng theo quy định.
Có thể thấy, sự bất cập giữa "cơ chế" phân bổ biên chế cũng như chất lượng của CBCCVC hiện nay đã dẫn đến công việc ở nhiều cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp chưa được "thông đồng, bén giọt", hiệu quả chưa cao, thậm chí chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế tình hình. Do đó, tại nhiều hội nghị, tọa đàm, bên cạnh những ý kiến nêu về tình trạng thiếu biên chế CBCCVC, quá tải về công việc, cũng có những phát biểu bức xúc cho rằng, 30% số CBCCVC trong bộ máy các cơ quan hành chính, sự nghiệp có cũng như… không.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.