(HNM) - Lịch sử như một dòng chảy bất tận. Tiếp bước truyền thống Đoàn Thanh niên Cứu quốc Thành Hoàng Diệu của thế hệ chống Pháp, năm 1964, đứng trước sự tồn vong của đất nước, do tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ, từ đất thiêng Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội, Thành đoàn Hà Nội đã khởi xướng và phát động
Thanh niên tích cực hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng”. |
Khi Tổ quốc cần
Vào những ngày đầu tháng 8-1964, sau khi gây ra "sự kiện Vịnh Bắc bộ", đế quốc Mỹ cho không quân đánh phá một số điểm trên lãnh thổ miền Bắc Việt Nam (Vinh, Thanh Hóa, Quảng Ninh…) mở đầu cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, xâm phạm chủ quyền một quốc gia độc lập. Cả nước căm phẫn trước tội ác leo thang chiến tranh của Mỹ. Ở đâu thanh niên cũng sục sôi khí thế sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lịch sử. Lúc này, tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã dấy lên phong trào "Tam bất kỳ" với nội dung: "Đi bất kỳ nơi đâu mà Tổ quốc cần đến; Làm bất kỳ việc gì mà Đảng và nhân dân yêu cầu; Bất kỳ chế độ đãi ngộ nào cũng chấp nhận". Đông đảo sinh viên của các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Y khoa và công nhân Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Ô tô Hòa Bình đã tình nguyện đi chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trước tinh thần hăng hái, sục sôi của tuổi trẻ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lam thời đó nhận định: "Cách mạng đã chuyển giai đoạn, để đáp ứng nguyện vọng của tuổi trẻ Hà Nội, nên có một phong trào thể hiện được khí phách của thanh niên". Ngay sau đó, Thành đoàn Hà Nội họp và thống nhất phát động phong trào "Ba sẵn sàng" với 3 nội dung: Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm; Sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến. Tại hội trường Bộ Công nghiệp nặng (nay là Bộ Công thương), ngọn lửa truyền thống được tuổi trẻ thắp lên khi Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội kêu gọi đoàn viên và thanh niên xung kích đi đầu trong chiến đấu, lao động và học tập, kiên quyết thực hiện "Ba sẵn sàng". Đêm 9-8-1964, 26 nghìn thanh niên Thủ đô Hà Nội đã xuống đường lên án hành động phiêu lưu chiến tranh của Mỹ. Từ Quảng trường Nhà hát Lớn thành phố (nay là Quảng trường Cách mạng Tháng Tám) lớp lớp thanh niên công nhân, nông dân, trí thức, học sinh… ba lô trên vai, lá ngụy trang đầy người rầm rộ diễu hành qua các đường phố Tràng Tiền, Hai Bà Trưng, Lý Thái Tổ… biểu thị quyết tâm sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ của Đảng và Tổ quốc giao cho.
Ngay trong đêm ấy, cả Hà Nội sôi động, nhiều cơ sở Đoàn họp khẩn cấp, kêu gọi thanh niên tình nguyện "Ba sẵn sàng"; nhiều đơn vị, cá nhân và tập thể tình nguyện xin nhập ngũ, xin được đi đánh giặc ở bất cứ nơi nào mà Tổ quốc cần đến. Hàng ngàn thanh niên chuẩn bị nhập ngũ, nhiều người khai tăng tuổi, bỏ thêm gạch, đá vào người để đủ cân; nhiều em không được duyệt khóc nức nở đòi bố, mẹ đến bảo lãnh... Khí thế phong trào rèn luyện dâng cao trong tuổi trẻ Thủ đô.
Tháng 5-1965, Đoàn Thanh niên các cơ quan trung ương đã tổ chức Đại hội sơ kết phong trào "Ba sẵn sàng", vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến dự và động viên. Đánh giá cao phong trào "Ba sẵn sàng", Bác đã khen ngợi: "Các cháu là thế hệ anh hùng của thời đại anh hùng". Bác khẳng định: "Với một thế hệ thanh niên hăng hái và kiên cường, chúng ta nhất định thành công trong sự nghiệp bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, Bác rất tự hào, sung sướng như thấy mình trẻ lại, thấy tương lai của dân tộc ta vô cùng vững chắc và vẻ vang". Trong thư gửi thanh niên nhân dịp kỷ niệm 20 năm Quốc khánh (2-9-1965), Bác viết: "Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước hiện nay, theo tiếng gọi của Tổ quốc, thanh niên cả nước đã giương cao ngọn cờ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều thành tích xuất sắc… Hàng triệu thanh niên miền Bắc đã hăng hái tham gia phong trào "Ba sẵn sàng", hàng vạn cháu trai, cháu gái đã tình nguyện vào các đội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước".
Tinh thần, khí phách của phong trào "Ba sẵn sàng" được thể hiện qua kết quả 10 năm tuyển quân ở Hà Nội (1965-1975). Tổng số chỉ tiêu là 80.108 người nhưng trên thực tế, số thanh niên nhập ngũ là 86.064 người, vượt gần 10%. Đặc biệt, thanh niên Thủ đô tòng quân nhập ngũ trong năm 1965 (thời kỳ đầu của phong trào "Ba sẵn sàng") đạt con số cao nhất so với 9 năm còn lại (15.329 người/1.061.000 dân số Thủ đô năm 1965), cho thấy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc khi có giặc xâm lăng của thanh niên Thủ đô thật lớn lao.
Nghệ thuật phát động phong trào
47 năm qua (1964-2011), mỗi lần gặp mặt, ôn lại truyền thống, khi suy ngẫm về phong trào "Ba sẵn sàng", cán bộ Đoàn các thời kỳ ở Hà Nội càng thấy trách nhiệm phải nâng niu, gìn giữ và truyền bá cho thế hệ trẻ. Tại một buổi gặp mặt gần đây, ông Vũ Hữu Loan, nguyên Bí thư Thành đoàn Hà Nội nhấn mạnh rằng, "Thanh niên, nhất là đội ngũ cán bộ Đoàn Hà Nội hôm nay phải "học thuộc" và nhận thức được rằng, "Ba sẵn sàng" ra đời và mau chóng đi vào cuộc sống của thanh niên, đó là thành công về nghệ thuật phát động quần chúng thanh niên".
Quả đúng như vậy, nghệ thuật "Ba sẵn sàng" đã động viên, tập hợp được hàng triệu đoàn viên thanh niên tiến lên hàng đầu thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ trọng yếu ngay từ những ngày đầu và sau này xuyên suốt cả cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại. Trong các trường học, nhà máy, khắp nội - ngoại thành Hà Nội ngày đó liên tiếp tổ chức nhiều buổi nói chuyện thời sự, học tập về tình hình nhiệm vụ, về lý tưởng và truyền thống cách mạng. Thanh niên tham gia học tập sôi nổi, hào hứng, viết quyết tâm thư, rèn luyện sức khỏe để chuẩn bị bước vào cuộc sống thời chiến. Kết thúc các đợt học tập là các buổi mít tinh, đốt đuốc truyền thống từ Nhà hát Lớn thành phố rồi xuống đường tuần hành hô vang khẩu hiệu "Ba sẵn sàng" trên khắp các đường phố Hà Nội. Phong trào "Chiếc gậy Trường Sơn" của thanh niên Hòa Xá, khẩu hiệu bừng bừng khí thế cách mạng của tuổi trẻ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", các phong trào của thanh niên xung phong với bao tấm gương chiến đấu và phục vụ chiến đấu, hy sinh quên mình trong những năm tháng ác liệt ở mọi chiến trường đều bắt nguồn từ phong trào Thanh niên "Ba sẵn sàng". Chính lớp thanh niên "Ba sẵn sàng" từ Hà Nội ra đi ngày ấy sau này đã sát cánh chiến đấu cùng lớp thanh niên "Năm xung phong" từ vùng mới giải phóng ở các thành thị và nông thôn miền Nam trong đội hình của Sư đoàn 9 - Sư đoàn chủ lực của Quân giải phóng trên chiến trường miền Đông Nam bộ. Đó là một hình ảnh đẹp, một bức tranh sinh động về sự đoàn kết chiến đấu của thanh niên cả nước, của các phong trào thanh niên trên tuyến đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Phong trào thanh niên "Ba sẵn sàng" là trường học lớn đã giáo dục sâu sắc cho thanh niên về lý tưởng và truyền thống cách mạng, truyền thống chống giặc ngoại xâm oanh liệt của dân tộc và của Thủ đô; những tấm gương chiến đấu "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh" của tự vệ Hà Nội, các đoàn quân Nam tiến năm 1946… Rất nhiều người ngày ấy vào chiến trường, trang bị và vũ khí nặng tới 34kg trên vai nhưng trong ba lô còn có cả: "Thép đã tôi thế đấy", "Ruồi trâu", "Truyện Kiều" và những bản quyết tâm thư viết bằng máu. Có những cảnh tượng không thể nào quên, như khi đoàn tàu đưa bộ đội vào chiến trường qua
Cửa Nam, người chiến sĩ chỉ kịp ném vội một mảnh giấy viết tay báo tin cho gia đình bởi đoàn tàu chỉ tạm dừng ở ga Hà Nội rồi đi ngay.
Phong trào "Ba sẵn sàng" đã lan tỏa, thẩm thấu, trở thành điểm xuất phát, là động lực, nguồn cổ vũ lớn lao cho hàng loạt phong trào khác của các tầng lớp nhân dân toàn miền Bắc nói chung, trên địa bàn Thủ đô nói riêng phát triển cả bề rộng và chiều sâu. Đó là phong trào "Ba đảm đang" của phụ nữ; "Tay búa tay súng" của công nhân, "Tay cày tay súng" của nông dân, "Mỗi người làm việc bằng hai, vì miền Nam ruột thịt"… của mọi người dân. Những phong trào thi đua trên tại Hà Nội đã động viên đến mức cao nhất lực lượng và trí tuệ của nhân dân Thủ đô, hợp thành thế trận lòng dân và chiến tranh nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp của toàn dân để đánh Mỹ và thắng Mỹ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.