Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 18: Ra đi với niềm tin tất thắng

Triệu Dương| 11/10/2011 07:19

(HNM) - Để có được quyết định thay thế đồng đội vào vị trí cài đặt bộc phá cho nổ tàu 235 (tên gọi của tàu Phan Vinh) khi bị địch phát hiện, Trung tá Lê Duy Mai ở xã Hải Ninh, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa chỉ có một tích tắc suy nghĩ, rồi nhanh chóng đẩy người đồng đội đã bị thương xuống xuồng. Nhưng sau khi gài xong bộc phá, chuẩn bị điểm hỏa, anh cũng đã được thuyền trưởng Phan Vinh đẩy xuống biển. Chiếc tàu 235 đã hóa thân mãi mãi thành những ngọn sóng giữa biển khơi, nhưng nó đã để lại dấu ấn không bao giờ phai trong lịch sử hào hùng, đóng góp quan trọng vào những chiến công oanh liệt của đường Hồ Chí Minh trên biển…

Trung tá Lê Duy Mai (trái) bên đồng đội và bức ảnh về những người sống sót trở về.  Ảnh: Dương Hiệp

Những người con anh hùng của biển cả

Năm 1964, sau nhiều chuyến vận tải vũ khí vào Nam, ta đã rút ra được nhiều kinh nghiệm để sắm thêm nhiều con tàu lớn có khả năng hành trình dài ngày và chiến đấu độc lập trong mọi tình huống. Tàu 235 và 246 là những chiếc tàu vận tải tốc độ cao, được trang bị nhiều thiết bị hiện đại. Phải là những sỹ quan và chiến sỹ giàu kinh nghiệm và quả cảm mới được lựa chọn làm nhiệm vụ trên những chiếc tàu này. Cũng vào giai đoạn này, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Hàng hải, tháng 2-1964, chàng trai xứ Thanh Lê Duy Mai gia nhập Quân chủng Hải quân. Mùa hè năm 1966, Lê Duy Mai vinh dự cùng một số đồng chí khác được điều động đi nhận hai tàu ở nước ngoài có phiên hiệu 235 và 246 do hai đồng chí Nguyễn Phan Vinh và Võ Hán làm thuyền trưởng. Sau một thời gian huấn luyện tại cảng Di Linh (nước bạn), mùa hè năm 1967, hai tàu nhận lệnh về nước và chở chuyến hàng đầu tiên vào Khánh Hòa.

 Nhiệm vụ thợ máy trên tàu 235 đã được Lê Duy Mai xác định không hề giản đơn khi luôn phải bảo đảm cho máy duy trì trạng thái lúc nào cũng có thể hoạt động như nhịp đập trái tim. Và cũng xác định một đi không trở về, sau khi rời chặng dừng chân đầu tiên là sông Gianh (Quảng Bình), tàu 235 tiếp tục lên đường dịp giáp Tết Mậu Thân 1968. Lúc này thời tiết xấu và hoạt động của địch trên biển giảm, Lê Duy Mai được lệnh cho 4 máy chính hoạt động hết công suất và thẳng tiến vào bờ biển Khánh Hòa như đã định. Nhưng khi tàu áp sát gần bờ, nhận được tin tình báo bất lợi nên tàu phải chuyển hướng quay về. Vừa ăn Tết xong, tháng 2-1968 tàu nhận lệnh tiếp tục tiến vào bến Hòn Hèo (Khánh Hòa).

Chiến thắng vang dội của quân và dân ta trên khắp các đô thị miền Nam đã làm địch hoang mang nhưng cũng điên cuồng cực độ. Tàu 235 trong suốt hành trình ngoài hải phận quốc tế luôn bị máy bay và tàu chiến địch bám theo ráo riết. Nhưng các chiến sỹ ta đã mưu trí đánh lạc hướng địch bằng cách treo cờ nước ngoài, vờ đổi hướng tiến thẳng sang hải phận nước bạn. Qua nhiều ngày đêm đấu trí trên biển, quãng 0 giờ ngày 1-3-1968, tàu vào bến Hòn Hèo và phát tín hiệu liên lạc nhiều lần, nhưng không có tín hiệu đón nhận. Lúc này trời cũng sắp sáng, không còn nhiều thời gian, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh cho tàu thả neo và thực hiện phương án thả hàng. Nhiệm vụ thả hàng vừa xong, tàu địch ập đến, trên trời máy bay địch quần thảo, ra rả tiếng loa gọi chiêu hồi. Hàng chục nòng súng và đèn cao áp chĩa thẳng vào tàu 235. Xác định tàu đã bị lộ, trong giờ phút cái chết cận kề, thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh và thủy thủ đoàn vẫn bình tĩnh thống nhất phương án hành động. Quyết định nổ súng chiến đấu. Được trang bị vũ khí hiện đại và tính chiến đấu độc lập nên tàu 235 chiến đấu rất hiệu quả, sau nhiều loạt đạn chính xác, một số tàu địch đã bị trúng đạn và chìm. Bị thiệt hại nặng, tàu địch không dám tiến thêm, chúng rút ra thật xa. Tận dụng cơ hội, thợ máy Lê Duy Mai được giao nhiệm vụ thực hiện phương án 3 khi phần lớn cán bộ, chiến sỹ đã bị thương nặng, tàu sắp bị địch đánh tan. "Tôi nhận lệnh mở van khí ép bơm xuồng cao su để số đồng chí bị thương nặng rời tàu vào bờ. Trên tàu chỉ còn thuyền trưởng Phan Vinh, đồng chí Hàng Hải, hai đồng chí điều khiển 2 máy bơm trước, hai đồng chí điều khiển 2 máy bơm sau, hai đồng chí pháo thủ 14,5 ly, một đồng chí sử dụng súng ĐKZ và tôi tiếp tục chiến đấu" - Trung tá Mai hồi tưởng lại giây phút sống còn với địch.

 Ra đi làm nhiệm vụ cao cả Tổ quốc giao phó, các chiến sỹ tàu không số luôn xác định nếu đầu hàng hoặc bị địch đột nhập lên tàu có nghĩa là toàn bộ số hàng, vũ khí, tài liệu mật sẽ rơi vào tay địch. Nguy hiểm hơn là khi địch phát hiện ra tàu 235 chuyên chở vũ khí từ Bắc vào Nam theo đường biển thì từ đây chúng sẽ lần ra con đường Hồ Chí Minh trên biển, nên bằng bất cứ giá nào cũng không thể để tàu rơi vào tay địch. Đánh bộc phá phá hủy con tàu là phương án thứ 3 mà cả đội thống nhất, có nghĩa là chấp nhận hy sinh tại tàu cùng khối lượng thuốc nổ. Thấy đồng chí đánh bộc phá đã bị thương nặng, dù không phải nhiệm vụ của mình trong tích tắc, Lê Duy Mai đã đẩy đồng chí của mình xuống xuồng để đồng đội đưa vào bờ, để anh đảm đương nhiệm vụ sinh tử này. Lượng thuốc nổ TNT đã được tính toán và đặt ở các vị trí trọng yếu. Trung tá Mai kể lại: "Sau khi yểm trợ để một số anh em lên bờ an toàn, đồng chí An, Thật và tôi ngồi vào vị trí, bình tĩnh sắp xếp các loại kíp nổ số 8, kíp hóa học, kíp điện dây chuyền nổ theo thứ tự, không thể nhầm lẫn. Chờ tín hiệu là điểm hỏa". Chờ đèn tín hiệu điểm hỏa vừa bật sáng, Lê Duy Mai và đồng đội thực hiện tuần tự: nối dây cháy chậm chuyền nổ vào kíp số 8, dùng kìm bóp kíp hóa học, gạt kim đồng hồ về vị trí hẹn giờ... Điểm hỏa xong, thuyền trưởng Phan Vinh hỏi lại: "Chắc ăn chưa". "Chắc" - Mai trả lời. Ngay sau đó, nhận lệnh của thuyền trưởng tất cả các chiến sỹ cùng lao xuống biển để bơi vào bờ. Riêng Lê Duy Mai còn lưỡng lự bên cạnh Phan Vinh xin được ở lại cùng người thuyền trưởng sống chết cùng con tàu.  Không trả lời, thuyền trưởng Phan Vinh môi bặm chặt, buộc áo phao cho Mai và lạnh lùng đẩy ông xuống biển. Bơi theo đồng đội được vài chục mét, Lê Duy Mai nghe tiếng nổ lớn từ phía sau, ngoái đầu lại thì chỉ thấy một cột lửa bốc cao đỏ cả một vùng trời. Hàng nghìn mảnh vụn bay qua đầu các chiến sỹ, còn mũi tàu thì bay tận lên chân núi thuộc xã Ninh Vân (Ninh Hòa - Khánh Hòa) - địa điểm này giờ đây trở thành nhà bia tưởng niệm 14 chiến sỹ tàu 235 đã hy sinh.

Đi trong ánh lửa từ trái tim mình…

Khi đã an toàn lên bờ, các chiến sỹ tàu 235 chia làm hai tốp chạy vào rừng. Sau này, khi đã về đến miền Bắc rồi, ông Mai và những người đồng chí còn sống mới được biết, ngay hôm sau, tốp chiến sỹ do thuyền trưởng Phan Vinh chỉ huy bị địch phục kích, cả 7 chiến sỹ chiến đấu anh dũng và tất cả đều hy sinh. Tốp thứ hai (trong đó có ông Mai), bảy ngày ẩn nấp trong rừng rậm bị giặc bao vây bốn bề. Không lương thực, không nước uống các chiến sỹ ta vừa chiến đấu với địch vừa chống chọi với cơn đói khát. Trong rừng rậm, hai anh em không chịu được khát nên đã lội xuống suối uống nước và không may bị địch phát hiện. Hai bên nổ súng, Đoàn Văn Nhì hy sinh anh dũng, sau đó Mai Văn Khung bị bắt, mãi tới khi miền Nam hoàn toàn giải phóng mới được tự do.
 Lê Duy Mai và người còn lại động viên nhau chịu đựng đói, khát để băng rừng, vượt suối. Đến ngày thứ 13, hầu hết anh em đều trong tình trạng cận kề cái chết vì đói và khát. "Thiếu thốn mọi thứ đã khiến chúng tôi sức cùng, lực kiệt. Trời về đêm, dưới ánh trăng mờ lấp lánh qua khe lá rừng, chúng tôi tiếp tục bò men theo bờ biển. Phát hiện có người lội bì bõm dưới nước, tôi phân công đồng chí Tuyến, Phong chọn địa điểm ẩn nấp, theo dõi và yểm trợ; còn tôi và đồng chí An bí mật tiếp cận và khống chế" - ông Mai bùi ngùi kể. Sau khi xét hỏi mới biết người đàn ông đó là một du kích địa phương đóng vai dân chài để đón các thủy thủ tàu không số. Được đồng đội đưa vào căn cứ tập kết, đãi cho món cháo gà rừng cả 5 anh em như sống lại. Lại được sống trong tình yêu thương đùm bọc được bà con chăm sóc, điều trị tận tình nên 5 chiến sỹ đã nhanh chóng vượt qua cơn nguy kịch sẵn sàng đi bộ vượt Trường Sơn ra Bắc. Từ cõi chết trở về, 5 chàng trai tàu không số lại tiếp tục đi bộ 6 tháng liên tục vượt dãy Trường Sơn gặp lại Binh đoàn 125 - những con tàu không số để tiếp tục nhiệm vụ chiến đấu.

Cũng như bao đồng đội khác, trở về với đời thường, Trung tá Lê Duy Mai luôn trăn trở với quá khứ. Ông đã viết như thế này trong cuốn kỷ yếu của đoàn tàu không số anh hùng: "Nhớ lại 13 ngày chiến đấu với địch, chui lủi trong rừng không lương thực, không nước uống, chịu đói, chịu khát vô cùng cực nhọc khốn khó mới hiểu hơn về ý nghĩa, giá trị cuộc sống. Chúng tôi ăn rau, lá, quả dại trên rừng, ăn sống kiến chúa, ốc sên… và uống những giọt nước đọng lại trong gốc cây mục lâu ngày, nhằn nhai cọng lá thiên tuế coi như thân cây mía để đỡ khô khát… Sự sống, nỗi vui mừng và niềm tin chiến thắng là động lực nâng nhẹ bước chân chúng tôi vượt Trường Sơn hùng vĩ về với đồng đội, với gia đình, với những con tàu không số…".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 18: Ra đi với niềm tin tất thắng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.