(HNM) - Bảy thập kỷ đã trôi qua kể từ ngày Toàn quốc kháng chiến, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thành quả đó bắt nguồn từ nhiều nhân tố; trong đó có những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến là nhân tố đặc biệt quan trọng, hàm chứa giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc quý báu đối với sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn hiện nay.
Thứ nhất, sớm hoạch định đường lối kháng chiến và kiến quốc đúng đắn, sáng tạo. Vận dụng bài học này vào quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân hiện nay, chúng ta cần sớm chủ động hoạch định đường lối đúng đắn, sáng tạo; tiếp tục hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, điều hành đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; kịp thời chuyển hóa thế trận quốc phòng toàn dân thành thế trận chiến tranh nhân dân, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Với vai trò là chủ thể lãnh đạo, mặt khác xuất phát từ tính đặc thù của lĩnh vực quân sự, quốc phòng, Đảng phải tiếp tục thực hiện nguyên tắc lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với xây dựng nền quốc phòng toàn dân; trong đó, trực tiếp quyết định chủ trương, đường lối và lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong mọi hoạt động. Những chủ trương, quan điểm, đường lối của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân phải được quán triệt sâu sắc đến mọi cấp, mọi ngành, cả hệ thống chính trị và toàn dân, toàn quân. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc quản lý, điều hành xây dựng nền quốc phòng toàn dân. Sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước nói chung, đối với quản lý nhà nước về quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc nói riêng là vấn đề có tính nguyên tắc, cần được củng cố và tăng cường.
Thứ hai, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chống lại kẻ thù xâm lược. Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng, ngày nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng bài học kinh nghiệm về phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận chiến tranh nhân dân; trong đó tập trung xây dựng và phát huy mọi tiềm lực chính trị, tinh thần, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội và khoa học - công nghệ của nền quốc phòng toàn dân.
Để xây dựng tiềm lực chính trị, tinh thần, trước hết, cần chú trọng xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ trung ương đến cơ sở. Trong đó, vấn đề cốt lõi là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, nhằm không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức cho nhân dân về âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch trong chiến lược “diễn biến hòa bình”. Thông qua đó, bồi đắp tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, củng cố lòng tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.
Cùng với đó là xây dựng tiềm lực quân sự vững mạnh. Đồng thời xây dựng tiềm lực kinh tế gắn với tăng cường, củng cố quốc phòng trên từng khu vực, địa bàn và cả nước. Đây là nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong tăng cường sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng kinh tế không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế của từng vùng, khu vực, địa phương mà còn cần được gắn với nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh trên các địa bàn, nhất là ở địa bàn chiến lược trọng yếu. Đây cũng chính là điều kiện tiên quyết, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững tạo điều kiện vật chất cho nền quốc phòng. Ngoài ra cần coi trọng xây dựng tiềm lực văn hóa, khoa học - công nghệ theo hướng tự chủ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, đẩy mạnh phát triển khoa học kỹ thuật - công nghệ quân sự theo hướng phục vụ kịp thời, hiệu quả những yêu cầu về bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng để có thể sản xuất, chế tạo nhiều loại vũ khí, trang bị hiện đại, trực tiếp góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.
Thứ ba, tạo lập và xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân vững chắc. Trước yêu cầu của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, chúng ta phải coi trọng xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân sẵn sàng chuyển thành thế trận chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc, trước hết là xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở, từng địa phương và trên phạm vi cả nước. Các cấp, các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị khóa X về Tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc và Nghị định số 152/2007/NĐ/CP ngày 10-10-2007 của Chính phủ về Khu vực phòng thủ...
Thứ tư, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến. Trong giai đoạn cách mạng mới, bài học về xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân vững mạnh, làm nòng cốt cho cuộc kháng chiến càng có ý nghĩa sâu sắc. Trên tinh thần đó, chúng ta cần xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, nhất là Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, nhiệm kỳ (2015-2020), toàn quân cần tiếp tục thực hiện tốt Đề án tổ chức lực lượng, bảo đảm tinh, gọn, mạnh, phù hợp với nghệ thuật quân sự và vũ khí, trang bị; phát triển cân đối giữa các lực lượng, phù hợp với thế trận phòng thủ trên các vùng, miền của đất nước…
Toàn quốc kháng chiến đã đi vào lịch sử dân tộc như một mốc son chói lọi về tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường của nhân dân Việt Nam trong thế kỷ XX. Những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến, đặc biệt là những kinh nghiệm về việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, bảo vệ Tổ quốc đến nay vẫn vẹn nguyên giá trị. Hơn lúc nào hết, cùng với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước, kết hợp sức mạnh nội lực và ngoại lực, thì việc vận dụng sáng tạo những bài học kinh nghiệm được đúc kết từ Toàn quốc kháng chiến để xây dựng nền quốc phòng toàn dân là hết sức cần thiết; góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong thời kỳ mới.
Trung tướng Lê Chiêm
Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.