(HNM) - Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp âm mưu quay lại xâm lược nước ta một lần nữa. Để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến, quân đội ta quyết định thành lập lực lượng pháo binh làm hỏa lực chủ yếu trên các chiến trường. Pháo đài Xuân Canh được xây dựng để thực hiện sứ mệnh đó.
Giáo dục truyền thống cho học sinh ở Pháo đài Xuân Canh (Đông Anh). |
Trước đó, ngày 29-6-1946, tại Trại Vệ quốc đoàn Trung ương (40 Hàng Bài), Tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái đọc quyết định thành lập Đoàn Pháo binh Thủ đô với ba trung đội ở ba pháo đài Láng, Xuân Tảo, Xuân Canh. Tháng 9-1946, thành lập thêm Trung đội Pháo đài Thủ Khối; đồng thời thành lập Đại đội Pháo binh Thủ đô. Thống nhất chỉ huy 4 trung đội pháo đài là đồng chí Phạm Văn Đôn.
Theo tư liệu của địa phương và các nhân chứng lịch sử kể lại, tháng 4-1946, đồng chí Lê Đình Thiệp, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Đông Anh về xã, trực tiếp giao nhiệm vụ phối hợp và giúp bộ đội xây dựng pháo đài để bảo vệ Thủ đô. Địa điểm chọn đặt trận địa pháo là gò đất cao sát chân đê sông Hồng thuộc địa bàn làng Vân Hoạch. Tự vệ, Thanh niên, Phụ nữ... hăng hái tham gia xây trận địa. Nhiều gia đình đã ủng hộ tre, gỗ để xây dựng công sự và làm hầm cho pháo, tiêu biểu là cụ Hàn Tuân, cụ Trương Hữu Lễ, cụ Trịnh Bá Cát… Sau đó, kế hoạch chuyển pháo từ nội thành sang đã được thực hiện nhanh gọn bằng sức dân. Ông Lê Văn Dậu, chủ thuyền cùng con trai, con rể sang bến đò của bãi An Dương chở pháo và 200 viên đạn pháo, 13 hòm đạn của súng bộ binh, qua sông Hồng, về Xuân Canh an toàn.
Trung đội Pháo đài Xuân Canh do đồng chí Doãn Tuế là Trung đội trưởng, đồng chí Trương Thành Phao làm Chính trị viên. Trung đội có ba tiểu đội bố trí trận địa ở ba vị trí. Một tiểu đội ở trận địa pháo đài tại Vân Hoạch. Một tiểu đội đưa quân sang Bắc Cầu Thượng (nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), nhằm chặn tàu chiến của địch ngược sông Hồng tấn công pháo đài. Một tiểu đội bố trí trận địa từ bến đò Xuân Canh đến gần Vân Hoạch để bảo vệ pháo đài. Tự vệ Xuân Canh nô nức xung phong gia nhập bộ đội, bổ sung ngay 15 chiến sĩ cho Trung đội Pháo. Đặc biệt, gia đình cụ Trương Hữu Bắc không chỉ nhường cả ngôi nhà hai tầng cho Ban chỉ huy Trung đội mà còn động viên cả hai con là Trương Hữu Giảng và Trương Hữu Đông gia nhập Trung đội Pháo. Chùa Vân Hoạch trở thành nơi đóng quân và vườn chùa là nơi bộ đội đào công sự...
Hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đêm 19-12-1946, cùng với pháo đài Láng, Xuân Tảo, Thủ Khối - từ ngoại thành, đạn lửa của Pháo đài Xuân Canh giội xuống đầu quân địch ở Thành Hà Nội, làm hiệu lệnh mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Sau đó, phát hiện ra pháo đài, quân Pháp cho máy bay bắn phá trận địa dữ dội. Bộ đội và quân dân Xuân Canh kiên cường bám trụ trận địa. Cuối tháng 12, quân Pháp dùng tàu chiến đánh phá pháo đài, nhưng do chủ động phương án từ trước - khi tàu đến Bắc Cầu Thượng (nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) đã bị đạn pháo và súng các cỡ của lực lượng bảo vệ pháo đài đánh trả ác liệt, buộc chúng phải rút lui. “Voi” thép sừng sững ở vị trí Vân Hoạch, án ngữ vùng ngã ba sông Hồng - sông Đuống, chĩa nòng pháo về phía Bắc thành phố, chia lửa với quân dân Tứ Tổng, Nhật Tân, là nỗi kinh hãi của quân đội Pháp.
Hơn một tháng kiên cường chiến đấu, nhiều cán bộ chiến sĩ của pháo đài đã hy sinh ngay trên trận địa. Trong lửa đạn, tình quân dân thắm thiết thêm quyện chặt. Bà Nguyễn Thị Uyển, ở thôn Vân Tinh, vốn là nữ cứu thương thời đó, năm nay đã ngoài 90 tuổi, vẫn nhớ như in: “Lúc đó, tôi còn trẻ, chẳng biết sợ là gì. Đi họp đêm, học chữ quốc ngữ…, lên chùa nắm cơm, tiếp tế cho bộ đội”.
Đúng đêm Giao thừa Tết Đinh Hợi (21-1-1947), cán bộ, chiến sĩ pháo đài thực hiện lệnh của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội - đồng chí Vương Thừa Vũ, rời khỏi Xuân Canh để bảo toàn lực lượng, lên Việt Bắc tiếp tục kháng chiến. Pháo đài Xuân Canh đã góp phần vào chiến công anh hùng của binh chủng Pháo binh Việt Nam trong những ngày đầu chống Pháp xâm lược tại mặt trận Hà Nội. Tự hào về truyền thống anh hùng, nhân dân Xuân Canh tự nguyện đóng góp xây dựng lại pháo đài làm nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Ngày 10-8-2004, Pháo đài Xuân Canh đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia.
Hôm nay, Pháo đài Xuân Canh, một chứng tích lịch sử vô giá vẫn đang đồng hành cùng quân dân Hà Nội trong công cuộc xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại, thanh lịch.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.