(HNM) - Khi Đảng ta xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ lớn đối với đất nước, thì tệ nạn này đã thực sự là quốc nạn.
Bên cạnh những nhiệm vụ nặng nề khác, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ có thể hoàn thành sứ mệnh trọng đại, vẻ vang trước lịch sử và dân tộc một khi triển khai một cách quyết liệt, có hiệu quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng - một cuộc chiến có tính chất sinh tử cả trước mắt cũng như lâu dài.
Tham nhũng đang là trọng bệnh. Bè lũ tham nhũng là những con "siêu vi trùng" ngày đêm gặm nhấm, đục khoét cơ thể quốc gia. Tác hại của tệ nạn này không chỉ dừng lại ở việc làm suy giảm kho của cải còn nghèo, những nguồn lực vừa mới được khơi mở của đất nước; nghiêm trọng hơn, nó làm tổn hại uy tín của Đảng, thanh danh của Nhà nước, làm xói mòn niềm tin của nhân dân vào chế độ XHCN. Tham nhũng không đơn thuần là hiện tượng thuộc phạm trù kinh tế. Nó đang phát triển thành một hiện tượng chính trị - xã hội có một sức tác động đáng sợ đến thói quen ứng xử, có thể thay đổi cả nếp nghĩ, lối sống, làm đảo lộn các giá trị. Ghê gớm hơn, nó có thể làm lung lay cốt cách của một nền văn hóa.
Tham nhũng không phải là một hiện tượng xã hội đơn lẻ, chỉ bó hẹp trong một vùng miền, cộng đồng xã hội, một quốc gia; nó đang thành hiện tượng có tính toàn cầu. Khi khẳng định tham nhũng thành hiện tượng khá phổ biến trong đời sống xã hội, chúng ta cũng không thể đánh đồng bản chất, quy mô, tác hại các vụ tham nhũng lớn của kẻ nắm giữ quyền lực với loạt vụ ăn chặn lặt vặt - thói quen xấu hằng ngày nơi công sở của bộ phận công chức kém tu dưỡng, đôi khi lý do sai phạm cũng được hiểu chỉ vì sự thúc bách của miếng cơm manh áo.
Cốt lõi của vấn đề là ở chỗ: Tham nhũng luôn gắn liền với quyền lực. Nói như vậy không có nghĩa là bất cứ ai có quyền lực cũng đều tham nhũng, nhưng quyền lực trong tay những kẻ hám lợi, thoái hóa biến chất sẽ là mảnh đất màu mỡ gieo mầm tham nhũng. Rất ít khi tham nhũng chỉ là hành động của một cá nhân riêng biệt, nhất là với các vụ tham nhũng lớn. Nó thường dắt díu kẻ quyền lực có máu tham câu kết thành bè, thành cánh. Muốn phá một vụ tham nhũng lớn, phải triệt hạ cả một đường dây những kẻ tham nhũng câu kết với nhau chẳng khác loài bạch tuộc trong cơ thể xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy mối họa lớn từ tham nhũng. Người coi tham ô, lãng phí, quan liêu là "giặc nội xâm", thứ "giặc ở trong lòng", đám giặc này còn nguy hiểm hơn giặc ngoại xâm, vì giặc ngoại xâm còn rõ hình thù, có thể dùng súng đạn tiêu diệt. Từ nhiều năm nay, Đảng ta luôn coi cuộc đấu tranh chống tham nhũng là một nhiệm vụ nóng bỏng, cấp bách có ý nghĩa sống còn. Quốc hội đã ra nghị quyết chống tham nhũng từ những năm 1990; rồi Bộ luật Hình sự về các tội tham nhũng; Pháp lệnh Chống tham nhũng trước đây đã quy định về kê khai tài sản; Luật Giám sát, Luật Khiếu nại tố cáo, Pháp lệnh Cán bộ, công chức và nhiều văn bản pháp luật liên quan khác đã được thông qua nhằm ngăn chặn và diệt trừ tham nhũng. Quốc hội đã thông qua Bộ luật Chống tham nhũng, khẳng định sự cần thiết phải thành lập cơ quan chuyên trách chống tham nhũng.
Thời gian qua, hàng loạt vụ tham nhũng lớn mà tội phạm là những kẻ có chức, có quyền, trong đó có những kẻ vốn là cán bộ cao cấp, bị đưa ra xét xử nghiêm minh trước pháp luật bằng các bản án trừng phạt thích đáng, đã chứng tỏ quyết tâm lớn của Đảng đẩy lùi, tiến tới tiêu diệt nạn tham nhũng. Thực tế này hoàn toàn bác bỏ luận điệu xấu độc, nham hiểm của các thế lực thù địch rằng bộ máy quyền lực của Đảng và những kẻ tham nhũng là một, rằng Đảng chỉ tìm cách bao che cán bộ, đảng viên phạm tội tham nhũng, rằng Đảng buộc phải chống tham nhũng chỉ để mị dân nhưng "chỉ chống từ vai trở xuống"...
Với bản lĩnh của một đảng cách mạng, với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, dũng cảm vạch ra những sai lầm, yếu kém, Đảng ta đã thẳng thắn chỉ rõ cuộc vận động chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là cuộc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu. Tham nhũng, lãng phí vẫn tiếp tục là khối u nhức nhối trong cơ thể xã hội ta, có sức khuynh đảo không thể coi thường. Trước kia, những vụ tham nhũng lớn chỉ xảy ra trong lĩnh vực kinh tế, gần đây lại lan sang y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội... thậm chí lộ diện cả một số vụ tham ô, ăn chặn cả tiền chế độ, chính sách của thương binh, gia đình liệt sĩ, tiền cứu trợ đồng bào thiên tai, lũ lụt, xóa đói giảm nghèo... Nghiêm trọng hơn, tham nhũng, tiêu cực lại xảy ra ở nhiều khâu trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, dấu hiệu móc nối rõ ràng giữa bọn tội phạm ngoài xã hội với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền của bộ máy công quyền, cơ quan bảo vệ pháp luật.
Mặc dù Đảng đã xác định chống tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt trong cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng, song ở nhiều cấp, ngành, đơn vị, cuộc đấu tranh này vẫn chưa được coi trọng đúng mức, chưa được triển khai đồng bộ, vẫn còn tình trạng nể nang, né tránh, thậm chí dung túng cho kẻ tham nhũng, tiêu cực. Một thực tế là các vụ tham nhũng lớn thời gian qua hầu hết đều xảy ra ở các ngành, các địa phương, lại không phải do người của ngành hoặc các cơ quan địa phương đó phát hiện được, càng không phải thông qua sinh hoạt Đảng mà phát hiện. Thời gian ngắn vừa qua, các nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước ta đã liên tiếp đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ chống tham nhũng - chính là thái độ tuyên chiến không khoan nhượng của Đảng đối với nguy cơ lớn đang hãm hại công cuộc đổi mới, đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Cái khó của chống tham nhũng là phải chống hành vi lợi dụng chức quyền của một bộ phận cán bộ, đảng viên hám lợi, thoái hóa, biến chất nằm ngay trong bộ máy quyền lực của Đảng và Nhà nước. Chống tham nhũng không thể chỉ bằng việc tổ chức các phiên tòa xét xử, bởi vì nhìn tổng thể, những sai phạm đưa ra xử lý tại các vụ án có thể chỉ mới là phần nổi của tảng băng chìm. Điều nguy hại chính là một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên có lối sống thực dụng bị hút theo những món lợi cá nhân, bất chấp lợi ích của cộng đồng, xã hội, đất nước. Sai phạm của họ thường không dễ phát hiện, không dễ vạch mặt, chỉ tên, vì chúng biến tướng hết sức tinh vi và chưa đến mức đưa ra xét xử trước pháp luật, dẫn tới một điều rất nguy hại: nhân dân mất niềm tin vào Đảng, và không ít người ngoài Đảng sẽ theo gương xấu của đảng viên thoái hóa biến chất mà thực hiện các hành vi tham nhũng, tiêu cực tùy theo vị trí và khả năng của họ. Thực tế, một người gác cổng, một nhân viên văn thư... cũng có hành vi tham nhũng bằng việc đòi những khoản lót tay nào đó. "Thượng bất chính, hạ tắc loạn" - một quy luật của muôn đời. Xã hội nhiễu nhương, đây đó mất kỷ cương là vì vậy.
Hiện nay, khi đời sống kinh tế - xã hội đang chịu nhiều tác động phức tạp từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường, của xu thế hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa mạnh mẽ, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ càng gay go, quyết liệt. Nó đòi hỏi một ý chí chính trị của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: Chống tham nhũng mà bỏ bê, đánh trống bỏ dùi thì chẳng những không diệt được mà còn làm nó lây lan thêm. Người cũng nhấn mạnh: Nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống tham nhũng là sức mạnh hùng hậu của quần chúng.
Cùng với việc khẩn trương hoàn thiện các văn bản pháp luật, xây dựng cơ chế và củng cố bộ máy chống tham nhũng, cần đẩy mạnh hơn nữa cuộc vận động, chỉnh đốn Đảng mà nhiệm vụ trọng tâm là chống tham nhũng bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp. Việc tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý kinh tế đóng vai trò cơ yếu. Thời gian qua, sự sơ hở của cơ chế, chính sách, luật pháp liên quan trực tiếp đến lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai; quản lý đầu tư xây dựng; đấu thầu, sử dụng thầu; cơ chế xin - cho đã tạo điều kiện cho tiêu cực, tham nhũng, lãng phí sinh sôi.
Không thể chống được tham nhũng nếu việc phê bình và tự phê bình không đủ sức hỗ trợ, làm chỗ dựa đáng tin cậy cho những tư tưởng lành mạnh, con người quả cảm dám đấu tranh với những kẻ tham nhũng có chức, có quyền. Sẽ không thoát khỏi tình trạng ấm ách, bùng nhùng "đánh bùn sang ao" nếu không khẩn trương giải quyết, xử lý những vụ việc nổi cộm, bức xúc bao gồm những vụ việc đã phát hiện nhưng chưa xử lý, hoặc xử lý chưa tốt cùng không ít vụ việc chưa được xác minh nhưng có nhiều dư luận nghi ngờ, thắc mắc; các vụ án liên quan đến cán bộ lãnh đạo dù cán bộ đó ở cấp nào.
Việc tiến hành kê khai nhà đất, cơ sở sản xuất, kinh doanh của cán bộ, đảng viên sẽ giúp làm rõ ràng, minh bạch về tài sản của cán bộ, công chức, tạo điều kiện để tổ chức và quần chúng quản lý và giám sát việc hình thành những tài sản mới. Vậy mà, công việc này ở nhiều nơi hiện vẫn còn thực hiện một cách hình thức, qua quýt, chiếu lệ. Không hiếm hiện tượng người có chức, có quyền ẩn giấu tài sản, cơ sở kinh doanh của mình dưới tên vợ, tên con. Chỉ thị số 37-CT/TƯ ngày 4-8-2009 của Bộ Chính trị chỉ đạo: Không giới thiệu vào cấp ủy những cán bộ có dấu hiệu tham nhũng, giàu nhanh mà không rõ nguồn gốc. Điều này phải được quán triệt đầy đủ và phải được thực hiện một cách nghiêm túc ở mọi địa phương, ngành, cấp. Mặt khác, cuộc đấu tranh chống tham nhũng sẽ khó tiến triển nếu không xem xét xử lý trách nhiệm hoặc đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý cơ quan để xảy ra những vụ việc tiêu cực, tham nhũng lớn; cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan bảo vệ cơ quan pháp luật để tồn tại oan sai.
Nếu cấp ủy chỉ đạo sâu sát, chính quyền kiên quyết tổ chức thực hiện bằng các biện pháp có hiệu quả, cán bộ, đảng viên gương mẫu, nhân dân đồng tình ủng hộ, cả hệ thống chính trị đồng loạt vào cuộc, thì dù việc khó đến mấy cũng làm được.
Hiện nay, nước ta tham gia vào tiến trình hội nhập khu vực và toàn cầu. Đó là một xu hướng tất yếu, vừa tạo cho nước ta những cơ hội lớn, vừa đặt chúng ta trước các thách thức nặng nề. Phát triển kinh tế thị trường và đẩy mạnh hội nhập, mở cửa là những nhiệm vụ trọng yếu và mới mẻ. Nhưng, khi phát triển kinh tế thị trường, tính tự phát của khuynh hướng tư bản chủ nghĩa càng mạnh; nếu không có một dây cương tốt thì rất khó kiểm soát. Trong chiến lược diễn biến hòa bình đối với Việt Nam, các thế lực thù địch bên ngoài đang mơ tưởng rằng, một khi nền kinh tế đã phát triển mạnh, cùng với quá trình tư nhân hóa và tư bản hóa nhanh, thì "vùng cương tỏa" hiện thời sẽ mất dần hiệu lực. Lúc đó, "chiếc áo chính trị chật hẹp" sẽ bị cơ thể cường tráng của nền kinh tế thị trường xé toạc. Đấy chính là lúc sự ổn định (hay sự cân bằng tạm thời) giữa kinh tế thị trường và thể chế chính trị XHCN sẽ bị phá vỡ. Nghĩa là họ cho rằng, lúc đó không có chiếc gậy thần nào lại có thể điều khiển tạo nên sự chung sống hòa bình giữa thể chế chính trị XHCN với nền kinh tế thị trường đã được tư nhân hóa và tư bản hóa một cách sâu rộng. Họ mơ tưởng, trên nền tảng của một nền kinh tế thị trường không còn hoạt động theo định hướng XHCN, do Nhà nước đã mất khả năng khống chế và điều tiết, những "nhân tố mới" do họ cài nắm, nuôi dưỡng sẽ xuất hiện, tạo nên một thế trận mới, một sự sắp xếp lực lượng mới, và tất nhiên, từ đó một thể chế chính trị mới sẽ ra đời (!). Theo đề án của "chiến lược chuyển hóa", một nền kinh tế thị trường tự do ắt sẽ dẫn đến một "nền tự do chính trị" hệt một hệ quả tự nhiên, tất yếu. Nghĩa là trên đôi cánh của nền kinh tế thị trường, quá trình dân chủ hóa sẽ được bay bổng để đạt tới "nền tự do chính trị". Trong mưu đồ thâm hiểm này, các thế lực thù địch và các phần tử cơ hội chính trị ra sức khai thác, lợi dụng các vụ việc tham nhũng liên quan đến cán bộ có chức, có quyền nhằm bôi nhọ, hạ thấp uy tín, tiến tới đòi xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng.
Đất nước ta đang ở vào thời điểm mà mỗi cơ hội đều tiềm ẩn thách thức và ngược lại. Chính vì vậy, khi nắm bắt cơ hội cũng như khi đối mặt với thách thức, chúng ta đều phải kết hợp hài hòa giữa ý chí chính trị và trí tuệ. Đây là lúc chúng ta phải biết phát huy thế nước vừa mở ra trong quá trình hội nhập để tăng thêm những nguồn lực cần thiết cho đất nước. Thế nước ta đang lên mà lực ta chưa đủ mạnh. Vẫn còn đó biết bao chướng ngại, bất cập đang làm tắc nghẽn nhiều nguồn lực quý giá của đất nước, nguy hại nhất là tệ quan liêu, tham nhũng. Nếu chúng ta không chặt đứt được tệ quan liêu, tham nhũng thì hội nhập sẽ không có kết quả, công cuộc đổi mới sẽ khó bề thành công. Không thể không vạch ra nhiều bất cập, căn bệnh trầm kha, tệ hại nhất là nạn tham nhũng, hối lộ, quan liêu, đặc quyền, đặc lợi đang hủy hoại, làm tắc nghẽn những nguồn lực quý giá của đất nước.
Trong quá trình đổi mới, đáng chú ý có một chiều hướng là một số người chỉ thấy hạn chế, tiêu cực, chỉ biết chê bai, phê phán như người ngoài cuộc, không hề đề xuất ra những giải pháp có hiệu quả. Thêm một hiện tượng không còn là đơn lẻ nữa: Gần đây, có không ít người cầm bút chỉ cảm thấy "hứng thú" khi viết về mặt trái, các vụ tiêu cực, tham nhũng, các tệ nạn xã hội mà không chú trọng đúng mức tới việc phát hiện những nhân tố mới, những mặt tốt vẫn là một hiện thực không thể bác bỏ ở nước ta thời đổi mới.
Đành rằng, nếu chỉ viết theo lối "tô hồng" một chiều không còn sức thuyết phục, làm thui chột tính chiến đấu của báo chí. Song cuộc sống cần có hai mặt: vạch mặt, phê phán, loại trừ cái xấu và nhen nhóm, phát huy cái tốt. Nói như thế không phải đồng tình ý kiến: phanh phui các vụ tiêu cực, tham nhũng trên mặt báo là tự bôi nhọ mình, "giơ lưng cho địch đấm" hoặc "tiếp đạn cho kẻ xấu từ bên ngoài bắn vào chúng ta". Phải thấy rằng, quần chúng ở cơ sở không mất niềm tin vào đường lối, không mất niềm tin vào Đảng mà chỉ mất lòng tin vào một số đảng viên, cán bộ tham nhũng, suy thoái đạo đức, lối sống. Hơn nữa, không phải chỉ biểu dương, ca ngợi mới là củng cố niềm tin của quần chúng. Phê phán, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí một cách đúng đắn bằng tinh thần xây dựng (theo nghĩa bao quát nhất là đối với xã hội, đất nước, chế độ XHCN) cũng là một phương pháp, một con đường củng cố niềm tin sâu sắc và đích thực với quần chúng nhân dân.
Chống tham nhũng đang thử thách bản lĩnh chính trị, khả năng chỉ đạo thực tiễn của Đảng ta. Cuộc sát hạch này nghiêm khắc và vô cùng khốc liệt đối với tính cách mạng, tính cộng sản của một đảng giữ vị trí, vai trò độc tôn cầm quyền, là người lãnh đạo của toàn dân tộc. Đây trước hết là một cuộc đấu tranh cực kỳ gay go trong nội bộ Đảng. Nó sẽ tác động mạnh mẽ và có tính quyết định đối với cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực của toàn xã hội. Đây là biểu hiện sống động của ý Đảng - lòng dân.
Trận chiến "chống nội xâm" này mang tầm vóc của một trận đánh lớn của toàn Đảng và toàn dân tộc, âm thầm nhưng rất quyết liệt. Uy tín của Đảng, sức sống của công cuộc đổi mới, sức mạnh của chế độ xã hội chủ nghĩa, tương lai của đất nước phụ thuộc lớn vào kết quả của trận chiến không khoan nhượng này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.