(HNM) - Thị xã Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên mới lên thành phố. Giữa những công sở, quảng trường, kiến trúc bề thế, nhiều chỗ còn giữ nét thuần hậu bình dị của một làng chài.
Đi tìm Hồ Đắc Thạnh vòng vèo nhưng khá dễ. Đường Chu Văn An đến chỗ đó thắt lại, chốc chốc lại chia nhánh nhỏ hơn, mấy bà tạp hóa, chè cháo nghe "Ông già xưa đi tàu không số" đều chỉ ra ngay. Một đô thị nhỏ nhắn hợp lại từ mươi căn làng, có lẽ ai cũng biết nhau, đầu này vợ chồng to tiếng đầu kia nghe tường, huống hồ sắp tới dịp kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh trên biển.
Di tích tàu không số tại Vũng Rô - Phú Yên. |
Ông Thạnh 77 tuổi, thương binh hạng 4/4 nhưng lưng còn thẳng, trí nhớ tinh tường. Dưới đôi mày bạc, đôi mắt ông cảm nhận rõ những phản ứng của người đối thoại. Mở đầu câu chuyện là những cái chung, thân phận người này người nọ trong lực lượng tàu không số:
- Có rất nhiều cái thiệt thòi. "Không số" tức là "không được nói". Tỉnh ủy Phú Yên gần đây còn nghĩ chúng tôi chở vũ khí vào bằng tàu ngầm. Nhiệm vụ đặc biệt, đâu có nói "đi bê", nên cả nghìn anh em ngoài Bắc không được chế độ 10 đồng một tháng cho gia đình. Phó Thủ tướng Phạm Hùng khi đó nói "đi một chuyến thành công thưởng huân chương, ba chuyến thành công thưởng anh hùng". Nhưng rồi cuộc tổng tấn công mùa Xuân 1975 phát triển nhanh quá, lữ 125 phải cấp người cho các đơn vị đi nhiều mũi, như ra Trường Sa, rốt cục là kết thúc chiến tranh không tập họp bình công rốt ráo được. Những người đã được phong tặng đều rất xứng đáng, nhưng số thiệt thòi thật nhiều. Mãi tới 2001, tức là kỷ niệm 40 năm lực lượng, Chính ủy 125 Nguyễn Văn Lắm mới nói trên truyền hình "Người đương thời" là "giờ thì được mở miệng rồi". Tôi trong ban liên lạc những người cũ, vừa rồi họp bảo nhau cố thỏa đáng vụ bình công, dù muộn còn hơn không. 50 nhà tình nghĩa đã được huy động làm rồi, chủ yếu cho thân nhân liệt sĩ, tử sĩ đi trước năm 1975. Cũng còn nhiều anh em chưa tìm được, như Nguyễn Xuân Dục, Ngô Văn Tạo ở Bình Thuận, từ khi Anh hùng Đặng Văn Thanh ở Cà Ná chết thì bặt. Mà mình thì già quá rồi…
Hồ Đắc Thạnh là thuyền trưởng dày dạn, đi 12 chuyến, vào loại nhiều của lữ đoàn 125. 7 lần vào Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh, 4 chuyến vào Phú Yên, Quảng Ngãi đều trót lọt. Lần cuối đi Cà Mau thì địch phát hiện, cấp trên cho quay lại. Tàu 41 của ông cũng vào loại có số vòng quay nhanh nhất của đoàn. Câu chuyện ông kể, không nhiều thời gian, chỉ liên quan đến những gì "có sự kiện" nhất.
"Chuyến thứ 7 đi tháng 10 năm 1964, lần đầu tiên có lính nghĩa vụ miền Bắc. Anh em non, thuyền trưởng đều người Nam, có người từ chối, nhưng tôi nhận cả. Ra Hoàng Sa, lái mới không thấy sóng chồm, đang tiến ba thì "ịch", mắc cạn. Rất hoang mang. Anh em bàn nhau thả neo phụ sau để gió không đẩy tàu tiến thêm, đằng trước dùng xà beng đục đá san hô. Ngâm nắng nước hai ngày đêm như thế thì lùi ra được, đi vô Cà Mau tiếp, giao được 63 tấn vũ khí".
"Từ ngày 28-11-1964 đến 1-2-1965, thời gian rất ngắn, mà tàu 41 đi 3 chuyến vào Vũng Rô - Phú Yên, giao trót lọt 200 tấn hàng và 6 cán bộ bổ sung cho chiến trường. Cái vịnh này ba bề núi đá, lặng sóng, thời bình làm cảng nước sâu lý tưởng, nhưng thời chiến mình vào mà nó chặn cửa là "xong". Đây là lần đầu tàu sắt vào Khu Năm, loại 100 tấn, thù lù dài 75 mét, rộng 5 mét. Chúng tôi đi ngang Đà Nẵng thì máy bay nó theo, kèm hai tàu "hộ tống" chừng một giờ, bèn treo cờ "ba sọc" lên, thủy thủ mặc bà ba cầm xô cá, chai rượu, con mực "chào", đằng sau B40 chuẩn bị, hễ bị đánh rát thì cho nổ tàu. Rồi nó bỏ, không khí như bình khí nén được mở van xả".
"Từ vùng quốc tế, tàu đâm vào, nhìn sao và vật chuẩn mà nương. 24 giờ ngày 28-11-1964 vô đúng chỗ rồi, nhưng đơn vị bến không thấy liên lạc. Thả xuồng ba lá "tăm", hóa ra họ đang nướng sắn sau mấy ngày ăn trái sung. Ôm nhau thì giở khóc giở cười, vì bến bảo đến 3 giờ sáng, giờ quay ra, chỉ bốc được dăm tấn trong số 63 tấn vũ khí, thuốc men thôi. Tình huống rất gấp, nên bốc tạm rồi quay ra vùng quốc tế, sáng mai quay lại? Nhưng quay lại liệu có được? Đụng địch, tàu mất không bằng lộ cả tuyến đường. Thuyền trưởng chịu trách nhiệm cao nhất, tôi quyết định náu lại. Tàu chạy về bãi Chùa mắc lưới pháo binh cài lá đùng đình. 4 giờ sáng kiểm tra, thấy tàu và đảo "dính" nhau thành một khối rồi, cho tất cả lên bờ, tôi và anh Phan Nhạn thợ máy ở lại. Tối hôm sau tàu trở ra bãi Chính bốc dỡ, dân công tò mò lên tàu xem, mình lo thắt ruột mà các bà mải trầm trồ "sang quá, có cây quạt". Khổ cho chàng thủy thủ Nguyễn Thanh Xuân thấy vợ trong đám đó mà phải trốn dưới hầm ngó. Lúc xong, xúc cát đổ lên tàu cho đầm, chạy ra đỡ hớt mũi. Lúc về Bắc mới hay hai đêm đó sở chỉ huy lo sốt vó".
"Chuyến thứ hai cũng trú lại qua đêm, nhưng lúc đi có tình huống khác. Tôi đề nghị bớt lại vũ khí để chở gạo cho đơn vị bến đang đói. Nhiều người không đồng ý, nhưng rút cục 3 tấn tám thơm đã được bốc lên. Khỏi kể sự xúc động của người ra đón. Lần này họ xẻ ván làm cầu tàu, dài hơn 10 mét, dỡ hàng và đổ cát dằn tàu nhanh hơn nhiều".
"Về tưởng được nghỉ, ai dè lệnh đi chuyến 3 ngay. Giáp Tết Ất Tỵ rồi, tích cóp gạo nếp, thịt, chè, bia, thuốc lá loại không nhãn, nhặt thêm cành đào Nhật Tân ngoài chợ Sắt nụ đơm mum múp. Đêm vô Vũng Rô, đồn Đèo Cả bắn pháo sáng trưng. Lộ chắc? Báo vụ nghe đài ta thấy chúc Tết, hóa ra nó mừng giao thừa. Kịch bản cũ lại tái diễn. Sáng mồng Một liên hoan trên tàu, bến mang theo cành mai vàng bày cạnh đào Nhật Tân, anh em ăn bánh tét, chúc nhau yên lành. Buổi tối bốc hàng xong chuẩn bị chia tay, cô dân công Nguyễn Thị Tảng bọc nắm đất Vũng Rô trong khăn tay trao thuyền trưởng "mảnh đất này bị dày xéo vẫn kiên trung. Có vũ khí của các anh, chúng em có chiến công". Giờ đó là một hiện vật trong bảo tàng Hải quân ở Cửa Rào".
"Sự kiện Vũng Rô" là câu chuyện được bộ máy tuyên truyền của chính quyền Sài Gòn tung hô hết cỡ: "Vụ Vũng Rô khẳng định điều đã ngờ trong một thời gian dài nhưng chưa có bằng chứng. Số lượng chiến cụ lớn bị phát hiện chỉ ra rằng nhiều lô hàng lớn hơn đã được chở đến bằng tàu trước đó. Sự xuất hiện đồng thời loại vũ khí mới cỡ 7,62mm của địch ở những vùng ven biển khác nói lên một điều chắc chắn là, địch còn sử dụng các vị trí khác nữa để nhận hàng chuyển bằng đường biển".
Bản thân Hồ Đắc Thạnh cũng đánh giá đó là một "tổn thất chiến lược" của ta. Bến lộ, nó bịt chặt, đã đành. Nhưng mất mát lớn hơn là tuyến lộ, phải dừng, tìm đường khác, bến khác. Giọng kể của người lính biển già nặng nề hẳn…
"Ba chuyến vào Vũng Rô trót lọt. Đường vận tải vào Khu Năm đang ngon trớn. Ngày 1-2-1965, tàu 143 của anh Lê Văn Thêm xuống 60 tấn hàng vào Lộ Diêu - Bình Định. Thủy triều xuống, không vào được, trên lệnh vào Vũng Rô. 1 giờ sáng đến nơi, quá muộn, bến tổ chức bốc hết để tàu ra ngay. Nhưng tời neo hỏng, đành về bãi Chùa náu như 141 vẫn làm. Vì ít kinh nghiệm ngụy trang, tàu và bờ không dính một khối. Sáng ra, trực thăng tải thương của địch từ Bình Định vào Nha Trang, viên phi công, đâu tên Power, phát hiện ra. Nó quây, ta cho nổ tàu mà không được, chỉ chìm dần. Việc bị lộ đặt ra những nghi vấn khá nặng nề, liệu có ai làm phản…? Rồi tài liệu địch thu được sau này cho thấy là không có ai cả".
Nhắc lại quá khứ, nhìn sang hiện tại, có những lúc Hồ Đắc Thạnh thật trầm tư. Là thuyền trưởng dày dạn, nhiều thành công, trong dịp kỷ niệm 50 năm này, chắc ông sẽ được tuyên dương. Chiến tranh đã qua với thắng lợi của ta, thất bại của địch. Nhưng dường như bên lẽ lớn còn ngổn ngang những số phận đơn lẻ làm "ông già tàu không số" thấp thỏm. Ông nhắc tới ông Huỳnh Ba đi chuyến đầu tiên tính vào Hố Chuối nhưng không thành, đang bệnh ngoài Đà Nẵng, ông Vũ Tấn Ích thành tích nhiều, rủi để tàu mắc cạn, "anh em ngoài Quảng Bình cùng gia đình còn khổ quá". Tâm trạng vị phó ban liên lạc tàu không số phụ trách miền Trung, như thế, không thể gọi là thảnh thơi…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.