Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 10: Điều gì làm nên giá trị của Nghị quyết 12-NQ/TƯ ?

PGS,TS Phạm Xuân Hằng| 08/02/2012 06:55

Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, hy sinh, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những kỳ tích lịch sử trong sự nghiệp cách mạng.

1. Trải qua hơn 80 năm phấn đấu, hy sinh, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức toàn Đảng, toàn dân, toàn quân làm nên những kỳ tích lịch sử trong sự nghiệp cách mạng. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng. Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng.

Nghị quyết 12-NQ/TƯ ra đời trong hoàn cảnh thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và nhất là trước thực tế "nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng" đã ban hành, nhưng "những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm vẫn chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm" (Nghị quyết 12). Tình trạng này không thể và không được kéo dài mãi, nếu không được sửa chữa kịp thời sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ.

Nghị quyết 12 chưa phải là tất cả công tác xây dựng Đảng, nhưng là Nghị quyết cốt lõi, đề cập yếu tố con người, mà chủ yếu là con người - đảng viên, trước hết là con người - cấp ủy các cấp. Tổ chức thực hiện Nghị quyết này như thế nào, chắc chắn các ban tham mưu của Đảng cấp Trung ương có hướng dẫn cụ thể. Trong bài viết ngắn này, tôi thử trả lời điều gì làm nên giá trị của nghị quyết?

2. Mục tiêu đã đề cập rõ trong Nghị quyết: Xây dựng Đảng ta thật sự là đảng cách mạng chân chính, ngày càng trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng và củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Phương châm hành động là nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, khách quan, không nể nang, né tránh.

Xử lý ba vấn đề cấp bách là công việc cơ bản, lâu dài và thường xuyên, nó đòi hỏi tính quyết liệt mà xây dựng, thẳng thắn mà chân thành, đem cái riêng tốt đẹp cống hiến cho cái chung vì dân, vì Đảng. Đây vừa là yêu cầu, vừa là điều kiện thực hiện thắng lợi Nghị quyết và cũng là điều góp phần làm nên giá trị của Nghị quyết 12.

3. Thực hiện Nghị quyết này, Đảng ta đứng trước những thử thách rất lớn trong tình hình xây dựng Đảng như Nghị quyết đã nhận định. Phải chăng, đó là thách thức với tôn chỉ, mục đích của một đảng chân chính, dày dạn kinh nghiệm trong sự nghiệp cách mạng như Đảng ta; thách thức trước niềm tin của nhân dân, lực lượng làm nên lịch sử cách mạng, được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Đảng hơn tám mươi năm qua; thách thức trước đạo đức cách mạng mà người cộng sản chân chính phải có.

Đảng ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ. Rất nhiều đảng viên đã đem trí tuệ, bản lĩnh, không ít người cống hiến máu, xương và cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng, làm vẻ vang sự nghiệp của Đảng trước nhân dân, trước dân tộc. Đã biết bao thế hệ đồng bào, đồng chí ngã xuống vì độc lập dân tộc, vì tự do và hạnh phúc của nhân dân. Trong đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, ý Đảng lòng dân sắt son như một, tạo sức mạnh toàn dân tộc để làm nên những kỳ tích lịch sử.

Nhưng nay, trong sự nghiệp đổi mới, tính sắt son chân chất ấy đã "bay đi ít nhiều", chỉ vì "một bộ phận không nhỏ" suy thoái xa Đảng, xa dân. Không từng bước, tiến tới hoàn toàn đẩy lùi được những lực cản là mầm mống nội xâm, "tự diễn biến" của "một bộ phận không nhỏ" theo tinh thần khẩn trương mà hiệu quả, thì làm sao Đảng ta củng cố được niềm tin của đảng viên và nhân dân. Sức mạnh toàn dân tộc sinh ra từ niềm tin ấy.

Đây là cuộc chỉnh đốn Đảng đòi hỏi phải tạo ra một bước chuyển biến mạnh và căn bản và lớn hơn, có thể coi đây là cuộc cách mạng về công tác cán bộ đảng, là giải quyết nguyên nhân của mọi nguyên nhân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói, cán bộ là cái gốc của công việc. Đây là thử thách đối với Nghị quyết, cũng là thử thách đối với Đảng ta thời đổi mới và hội nhập quốc tế về "cái gốc của công việc".

4. Bốn nhóm giải pháp đã được chỉ ra trong Nghị quyết cũng chỉ là những giải pháp định hướng. Thử thách nêu trên vượt qua được hay không tùy thuộc vào sự ứng xử nghiêm túc của tổ chức đảng, của những cán bộ đảng các cấp, của toàn thể đảng viên và trách nhiệm của nhân dân với tư cách bệ đỡ - xã hội. Phải chăng, những cách ứng xử này là những giải pháp trong nhiều giải pháp cụ thể khác, góp phần tạo ra giá trị của Nghị quyết 12.

Trong nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên, thì hai trong ba giải pháp, trước hết thuộc về cơ quan và cán bộ cấp cao của Đảng. Đó là:

- Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương tập trung kiểm điểm, đánh giá làm rõ tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm; làm rõ nguyên nhân trở ngại trong việc lãnh đạo thực hiện các nghị quyết của Trung ương về xây dựng Đảng.

- Các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương tiến hành kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan đến một số vấn đề cấp bách nêu trong Nghị quyết này, đề ra biện pháp khắc phục. Tập trung làm rõ trách nhiệm cá nhân, gương mẫu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, tự phê bình và phê bình, nói đi đôi với làm, nêu gương về đạo đức, lối sống.

Cái mừng là Nghị quyết chỉ đường đi từ trên xuống dưới. Nóc ngôi nhà cách mạng sừng sững hơn tám mươi năm qua là điểm xuất phát cho hành trình tìm lại chính mình, chấn chỉnh cho ngay ngắn hơn.

Phải bằng những tố chất bản lĩnh, trí tuệ, dũng cảm, trung thực, khách quan, thẳng thắn, xây dựng và văn hóa để thể hiện trách nhiệm trước Đảng, trước dân mới làm rõ được "tại sao những hạn chế, khuyết điểm đã chỉ ra nhiều năm nhưng chậm được khắc phục, có mặt còn yếu kém, phức tạp thêm"; mới "kiểm điểm, đánh giá liên hệ bản thân", "làm rõ trách nhiệm cá nhân…"; mới trả lời được vì sao trong đội ngũ cán bộ cấp chiến lược lại có "một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ chưa thật công tâm, khách quan, không vì yêu cầu công việc, bố trí không đúng sở trường, năng lực, ảnh hưởng đến uy tín cơ quan lãnh đạo, sự phát triển của ngành, địa phương và cả nước".

Đảng viên, nhân dân hỏi tại sao một số trường hợp đánh giá, bố trí cán bộ cấp chiến lược lại như thế? Tại sao "bố trí cán bộ còn nể nang, cục bộ"? Thế là tùy tiện, vô nguyên tắc, đúng như Nghị quyết chỉ rõ. Tại sao lại thế? Động cơ nào dẫn đến tình trạng ấy? Phải chăng trung thực là tố chất có ý nghĩa quan trọng trong đợt chỉnh đốn Đảng lần này. Trung thực với chính mình để trung thực với Đảng, với dân. Hôm nay, đảng viên và nhân dân rất mong đợi các đồng chí lãnh đạo cao cấp trả lời thật cụ thể những câu hỏi cấp bách về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Vì những yếu kém, tùy tiện, vô nguyên tắc nêu trên ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, đến sự phát triển của đất nước, thì sớm muộn lịch sử cũng sẽ trả lời những câu hỏi đó.

Chẳng hạn, phải làm rõ cái gì, ở đâu biểu hiện tư duy nhiệm kỳ? nhóm lợi ích biểu hiện như thế nào, ở đâu và cán bộ lãnh đạo, quản lý nào trong đó? Nghị quyết nhận định thực trạng yếu kém quá rõ, nhưng qua kiểm điểm lần này chẳng chỉ ra cụ thể ở đâu, mức độ biểu hiện, trách nhiệm cá nhân, thì Nghị quyết lại chung số phận với những nghị quyết đã ban hành về xây dựng Đảng.

Nhân dân ta đã một lòng, một dạ đi theo Đảng để làm nên những kỳ tích lịch sử trong hơn tám mươi năm qua, nhân dân sẽ không đứng ngoài cuộc chỉnh đốn Đảng lần này. Trong quan hệ Đảng - dân, dân mong Đảng phải là đạo đức, là văn minh trên thực tế. Đảng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, nên dân luôn sẵn lòng giúp Đảng trở nên trong sạch, vững mạnh. Giám sát và phản biện xã hội là một kênh nhân dân thể hiện tấm lòng, trách nhiệm của mình với Đảng. Vấn đề phụ thuộc vào Đảng lắng nghe lòng dân đến đâu và như thế nào. Lòng dân không thể bán mua, lòng dân là do niềm tin mà có. Thực hiện Nghị quyết này, chẳng những để Đảng trong sạch, vững mạnh hơn, mà còn là đem lại lòng tin cho nhân dân.

5. Đôi điều kiến nghị của người viết bài này xin mạnh dạn gửi Trung ương:

- Kiên quyết không để Nghị quyết 12 chung số phận "với nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng" mà các cấp ủy đã ban hành trước đây.
- Kiên quyết không chấp nhận tình trạng đánh giá, liên hệ chung chung, cuối cùng chẳng ai có trách nhiệm, khuyết điểm là cấp dưới hay của ai đó mà mình như vô can.
- Cấp nào làm chưa đạt yêu cầu, cấp trên liền kề chỉ đạo phải làm lại.
- Đảng sớm luật hóa trách nhiệm của lãnh đạo đảng các cấp. Thượng tôn pháp luật XHCN là không loại trừ hoạt động của cán bộ đảng, vì Đảng ta là đảng cầm quyền, phải gắn quyền lực lãnh đạo của cấp ủy với trách nhiệm pháp luật.

Phải chăng, những tố chất: bản lĩnh, trí tuệ, dũng cảm, trung thực, khách quan, thẳng thắn, xây dựng, văn hóa của toàn Đảng, trước hết là của những cán bộ lãnh đạo của Đảng là nhân tố tăng cường niềm tin của đảng viên và nhân dân đối với Đảng. Chính niềm tin ấy là điều làm nên giá trị của Nghị quyết 12-NQ/TƯ. Cũng phải thẳng thắn mà nói rằng, nếu Nghị quyết này không đi vào cuộc sống, chung số phận với "nhiều chủ trương, nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng" đã ban hành thì lòng tin nơi đảng viên và nhân dân lại thêm một lần nữa giảm sút, đó sẽ là một tổn thất khôn lường. Điều đó đảng viên và nhân dân không mong muốn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 10: Điều gì làm nên giá trị của Nghị quyết 12-NQ/TƯ ?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.