LTS: Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin bản gốc Tượng đài Thánh Gióng đặt tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị đập vỡ. Đại diện cơ quan quản lý văn hóa, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực điêu khắc, hội họa đã đồng loạt lên tiếng...
LTS: Gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin bản gốc Tượng đài Thánh Gióng đặt tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị đập vỡ. Đại diện cơ quan quản lý văn hóa, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực điêu khắc, hội họa đã đồng loạt lên tiếng khẳng định thông tin trên chỉ là "lập lờ, gây nhiễu", hoàn toàn không có chuyện bản gốc Tượng đài Thánh Gióng bị đập phá. Tìm hiểu sự việc, PV Hànộimới phát hiện phía sau đó là vụ việc vi phạm trật tự quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Xuất phát từ việc Học viện Phật giáo Việt Nam không chấp hành các quy định trong lĩnh vực trật tự xây dựng; từ cách xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền xã Phù Linh và UBND huyện Sóc Sơn, vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp. Và "giọt nước tràn ly" khi những mâu thuẫn, tranh chấp tại đây không được giải quyết dứt điểm mà đỉnh điểm là "hoang tin" bản gốc Tượng đài Thánh Gióng bị đập phá...
Chủ đất hợp pháp kêu cứu
Ngày 1-4-2012, Công ty cổ phần Đầu tư dịch vụ vui chơi, giải trí, thể thao Hà Nội (gọi tắt là Công ty CPĐTHN) có công văn số 091/CV-2012 gửi tới các cơ quan chức năng của trung ương và Hà Nội, phản ánh tình trạng đất dự án của công ty đang bị một đơn vị khác chiếm dụng và xây dựng công trình trái phép. Nội dung công văn nêu: "Công ty chúng tôi được UBND thành phố Hà Nội giao cho 68ha đất tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, để thực hiện dự án khu du lịch văn hóa, nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc. Đây là một trong các dự án trọng điểm chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong quá trình nhận bàn giao và giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý (BQL) xây dựng - Học viện Phật giáo Việt Nam (đơn vị có vị trí đất liền kề với đất thực hiện dự án) đã tự ý chặt phá cây rừng trên diện tích rộng lớn, xây dựng công trình không phép trên đất lâm nghiệp và chiếm giữ khoảng 4,3ha (gồm các lô 377, 361 và 363) là diện tích đất đã được UBND thành phố Hà Nội giao cho Công ty CPĐTHN thực hiện dự án khu du lịch văn hóa nghỉ ngơi cuối tuần Đền Sóc. Khoảng đầu tháng 1 năm 2011, BQL xây dựng - Học viện Phật giáo Việt Nam đã xây dựng một công trình 6 tầng đồ sộ có diện tích mặt sàn gần 1.300m2 cắt ngang ranh giới phần đất giữa Học viện Phật giáo Việt Nam với Công ty CPĐTHN. Công trình xây dựng không phép này lấn sâu vào 690m2 trong tổng số 4,3ha mà Học viện Phật giáo đang chiếm giữ đất thuộc phạm vi dự án. Ngay sau khi phát hiện, Công ty CPĐTHN đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội, huyện Sóc Sơn và chính quyền xã Phù Linh có biện pháp ngăn chặn hành vi xây dựng không phép trên phần đất hiện đang tranh chấp. Mặc dù UBND xã Phù Linh đã ban hành rất nhiều quyết định yêu cầu chủ đầu tư đình chỉ thi công, thậm chí cả quyết định cưỡng chế tháo dỡ công trình nhưng Học viện Phật giáo Việt Nam vẫn không chấp hành. Cho tới nay, công trình 6 tầng đồ sộ trên đã cơ bản hoàn thiện, gây bức xúc dư luận và làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ thực hiện dự án do Công ty CPĐTHN làm chủ đầu tư".
Về phản ánh của Công ty CPĐTHN, ông Nguyễn Văn Nguyệt - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn, khẳng định là có cơ sở. Về nguồn gốc đất, ngày 9-7-2010, UBND thành phố Hà Nội có Quyết định số 3381/QĐ-UBND thu hồi 688.563m2 đất tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, giao cho Công ty CPĐTHN thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí - khu biệt thự để bán. Toàn bộ diện tích này trước kia thuộc quyền quản lý của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn. Ngay sau khi có quyết định của UBND thành phố, UBND huyện Sóc Sơn đã tiến hành bồi thường GPMB, bàn giao một phần mốc giới cho chủ đầu tư là Công ty CPĐTHN. Trong số 6,5ha đất thuộc phạm vi dự án còn thiếu, có 4,3ha hiện đang xảy ra tranh chấp ranh giới giữa Học viện Phật giáo Việt Nam, 2,2ha đất nông nghiệp thuộc quyền quản lý của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn cho BQL dự án Tượng đài Thánh Gióng (Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam) mượn tạm để đúc tượng. Ngày 16-1-2012, UBND huyện Sóc Sơn, chính quyền xã Phù Linh đã tiến hành thu hồi phần diện tích 2,2ha này bàn giao cho Công ty CPĐTHN. Trong khi diện tích đất tranh chấp 4,3ha chưa giải quyết xong thì Học viện Phật giáo Việt Nam đã tiến hành xây dựng công trình 6 tầng không phép khiến vụ việc càng thêm phức tạp.
Vi phạm nghiêm trọng về trật tự xây dựng
Ông Lê Văn Quy - Chủ tịch UBND xã Phù Linh, không giấu nổi bức xúc khi nói về công trình xây dựng không phép của Học viện Phật giáo Việt Nam. Ngày 13-1-2011, UBND xã Phù Linh nhận được thông tin Học viện Phật giáo Việt Nam đang tiến hành đào móng, đổ bê tông xây dựng công trình kiên cố trên. Ngay lập tức, UBND xã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra. Tại đây, ông Nguyễn Văn Thành, Tổ trưởng tổ bảo vệ Học viện Phật giáo Việt Nam cho biết công trình này là nhà khách do Học viện Phật giáo Việt Nam làm chủ đầu tư. Trong biên bản kiểm tra hoạt động xây dựng, công trình có diện tích sàn là 1.149,5m2. Tại thời điểm đoàn công tác của UBND xã Phù Linh kiểm tra, chủ đầu tư không xuất trình được bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì liên quan tới công trình. Ngày 15-1-2011, UBND xã đã lập Biên bản số 32/BB-VPHC và Quyết định số 33/QĐ-UBND yêu cầu Học viện Phật giáo Việt Nam đình chỉ công trình xây dựng không phép trên đất lâm nghiệp, trong thời hạn 3 ngày nếu chủ đầu tư không tự phá dỡ công trình vi phạm thì sẽ bị cưỡng chế. Quyết định như vậy nhưng trên thực tế, Học viện Phật giáo vẫn tiếp tục cho thi công. Ngày 17-1-2011, UBND xã Phù Linh buộc phải ban hành Quyết định số 36/QĐ-UBND về việc cưỡng chế công trình vi phạm. Quyết định đã ban hành nhưng cả chính quyền xã Phù Linh và UBND huyện Sóc Sơn không thể thực hiện vì trong suốt quá trình giải quyết, đại diện chủ đầu tư đều vắng mặt hoặc tỏ thái độ bất hợp tác. Thậm chí, ngày 21-1-2011, tổ công tác của UBND xã Phù Linh đã vào tận Học viện Phật giáo để chuyển hồ sơ liên quan tới việc xử lý công trình nhưng cũng không có kết quả.
Tính từ khi công trình của Học viện Phật giáo Việt Nam khởi công đến nay đã có hàng chục biên bản, quyết định xử phạt vi phạm hành chính, quyết định cưỡng chế phá dỡ nhưng không hiểu vì lý do gì công trình vi phạm này vẫn mặc nhiên tồn tại và đến nay đã cơ bản hoàn thành.
Có lẽ, chưa có vụ vi phạm trật tự xây dựng nào trên địa bàn mà UBND thành phố Hà Nội phải liên tục có công văn đôn đốc xử lý như tại xã Phù Linh. Cụ thể, ngày 26-1-2011, UBND thành phố Hà Nội có văn bản số 643/UBND-XD giao Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn căn cứ thẩm quyền và quy định của pháp luật, kiểm tra xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng của Học viện Phật giáo Việt Nam. Cũng trong văn bản này, UBND thành phố giao Giám đốc Sở Xây dựng chỉ đạo Thanh tra Xây dựng đôn đốc huyện Sóc Sơn thực hiện. Trong trường hợp huyện Sóc Sơn chậm xử lý, Thanh tra Sở Xây dựng xử lý theo thẩm quyền.
Tiếp đến ngày 10-3-2011, UBND thành phố Hà Nội lại có văn bản số 1592/UBND-XD đôn đốc việc xử lý vi phạm nêu trên, nêu rõ: "Sở Xây dựng kiểm tra, đôn đốc huyện Sóc Sơn thực hiện công tác quản lý trật tự xây dựng và xử lý vi phạm tại khu I của dự án. Sở Nội vụ (Ban Tôn giáo) làm việc với UBND huyện Sóc Sơn và chủ đầu tư để có ý kiến với Giáo hội và Học viện Phật giáo thống nhất chấp hành các quy định về quản lý, sử dụng đất và xây dựng công trình theo đúng pháp luật và phù hợp với quy hoạch được duyệt".
Không chấp hành bất cứ quyết định đình chỉ nào của các cấp có thẩm quyền, Học viện Phật giáo Việt Nam tiếp tục xây dựng công trình trên. Ngày 28-9-2011, UBND thành phố Hà Nội một lần nữa có công văn số 8284/UBND-BTCD yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của UBND thành phố theo nội dung công văn số 1592/UBND-XD. Trong văn bản này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh nhấn mạnh: "Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn quyết định xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, quyết định đình chỉ và có biện pháp xử lý nghiêm đối với công trình xây dựng trái phép, lấn chiếm vào đất mà UBND thành phố đã giao cho Công ty CPĐTHN".
Xuất phát từ việc Học viện Phật giáo Việt Nam không chấp hành các quy định trong lĩnh vực trật tự xây dựng, xuất phát từ cách xử lý thiếu kiên quyết của chính quyền xã Phù Linh và UBND huyện Sóc Sơn, vụ việc diễn biến ngày càng phức tạp và không hiểu sao sau đó lại xuất hiện "hoang tin" bản gốc Tượng đài Thánh Gióng bị đập phá...!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.