Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: “Vì lợi nước, quên lợi nhà...”

Hà Trang| 16/05/2011 06:24

LTS: Ngày 22 tháng 5 tới đây, cả nước ta sẽ náo nức trong ngày hội của toàn dân - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII nhằm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong sạch, vững mạnh - của dân, do dân và vì dân.

LTS: Ngày 22 tháng 5 tới đây, cả nước ta sẽ náo nức trong ngày hội của toàn dân - ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII nhằm phát huy mạnh mẽ quyền làm chủ của nhân dân trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN trong sạch, vững mạnh - của dân, do dân và vì dân.

Nhân sự kiện trọng đại này, Báo Hànộimới có loạt bài ôn lại hoạt động của những đại biểu Quốc hội trúng cử tại Hà Nội. 65 năm đã trôi qua, nhưng những tấm gương vì nước, vì dân của những đại biểu Quốc hội khóa I trúng cử tại Hà Nội khẳng định cử tri Thủ đô đã sáng suốt lựa chọn những người có đức, có tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của mình vào cơ quan quyền lực cao nhất.

Người dân nhận phiếu bầu tại một đơn vị bầu cử Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946). Ảnh Tư Liệu


Cuộc bầu cử Quốc hội khóa I tiến hành trong tình hình nước ta đang gặp nhiều khó khăn, giặc Pháp gây chiến tranh xâm lược ở miền Nam, quân đội Tưởng Giới Thạch và tay sai của chúng mưu tính lật đổ chính quyền nhân dân ở miền Bắc. Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, vì kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công dân số một của đất nước, nhiều người đã viết thư đề nghị Bác không phải ra ứng cử, mọi người sẽ suy tôn Bác là đại biểu Quốc hội, là Chủ tịch nước, người thì đề nghị Bác ra ứng cử ở địa phương mình… Bác Hồ rất trân trọng tình cảm của nhân dân, Người thân ái viết thư trả lời: "Tôi rất cảm động trước tình cảm của đồng bào… nhưng tôi là một công dân của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa nên tôi không thể vượt ra khỏi thể lệ của tổng tuyển cử đã định. Tôi ra ứng cử ở Hà Nội nên không thể ra ứng cử ở nơi nào nữa. Xin cảm tạ đồng bào đã có lòng yêu tôi và yêu cầu toàn thể đồng bào hãy làm tròn nhiệm vụ của người dân trong cuộc tổng tuyển cử".

15 giờ ngày 5-1-1946, tại khu Việt Nam học xá (nay là khu vực Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh dự mít tinh của hơn hai vạn đồng bào Hà Nội ủng hộ cuộc bầu cử Quốc hội. Tại cuộc mít tinh, Người nói: "Làm việc nước bây giờ là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi riêng mà nghĩ lợi chung. Những ai muốn làm quan cách mạng thì nhất định không nên bầu. Ngày mai không ai ép, không ai mua, toàn dân sẽ thực hiện cái quyền dân chủ ấy". Người cùng đồng bào hô to các khẩu hiệu: Ủng hộ Tổng tuyển cử! Hoan hô Quốc hội! Ủng hộ kháng chiến miền Nam! Ủng hộ Chính phủ lâm thời liên hiệp!

Chiều cùng ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm chùa Bà Đá, Hà Nội. Người thăm hỏi, nói chuyện thân mật với các thượng tọa, tăng ni. Người tới trụ sở Hội Phật giáo Cứu quốc (chùa Quán Sứ, Hà Nội) để dự lễ "Mừng Liên hiệp quốc gia".  Phát biểu tại buổi lễ, Người nói: "... Đối với dân, ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì, ta phải làm nấy. Nói hy sinh phấn đấu thì dễ, nhưng làm thì khó. Trước Phật đài tôn nghiêm, trước quốc dân đồng bào có mặt tại đây, tôi xin thề hy sinh đem thân phấn đấu để giữ vững nền độc lập cho Tổ quốc. Hy sinh, nếu cần đến hy sinh cả tính mạng, tôi cũng không từ". Sau buổi lễ, Người dự bữa cơm chay cùng các Phật tử. Cũng trong ngày 5-1, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Yên Thái (Bưởi) - làng có nghề làm giấy thủ công cổ truyền của Hà Nội. Người tới xem địa điểm chuẩn bị cho Tổng tuyển cử và nhắc nhở mọi người hãy phát triển mạnh nghề sản xuất giấy để phục vụ cách mạng.

Đặc biệt, trong ngày 5-1-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu. Người viết: "Ngày mai, mồng 6 tháng 1 năm 1946. Ngày mai, là một ngày sẽ đưa quốc dân ta lên con đường mới mẻ. Ngày mai, là một ngày vui sướng của đồng bào ta, vì ngày mai là ngày tổng tuyển cử, vì ngày mai là một ngày đầu tiên trong lịch sử Việt Nam mà nhân dân ta bắt đầu hưởng dụng quyền dân chủ của mình. Ngày mai, dân ta sẽ tỏ cho các chiến sĩ ở miền Nam rằng: Về mặt quân sự thì các chiến sĩ dùng súng đạn mà chống quân thù. Về mặt chính trị thì nhân dân dùng lá phiếu mà chống với quân địch. Một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn. Ngày mai, dân ta sẽ tự do lựa chọn và bầu ra những người xứng đáng thay mặt cho mình và gánh vác việc nước. Ngày mai, người ra ứng cử thì đông, nhưng số đại biểu thì ít, lẽ tất nhiên có người được cử, có người không được cử. Những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu sự hạnh phúc cho đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thành thực câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà; vì lợi chung, quên lợi riêng. Phải xứng đáng với đồng bào, xứng đáng với Tổ quốc".

Sáng 6-1-1946, Báo Cứu Quốc ra số đặc biệt, long trọng đưa lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta hãy nghỉ việc, để đến trước thùng phiếu. Chúng ta hãy thúc những người lừng khừng đến trước thùng phiếu, chúng ta hãy tỉnh táo để kiểm điểm công tác của ủy ban khu mình, đấy là một cách bảo vệ quyền hạn của mình. Đến khi đóng hoặc mở thùng phiếu, chúng ta hãy đòi cho được sự phân minh. Ngay cả ở lần viết hộ, chúng ta cũng nên có mặt để xem xét. Có quyền mà không tìm cách dùng quyền cho sáng suốt, ấy là tự mình hủy quyền của mình. Hỡi các bạn cử tri, ta chớ quên điều ấy".

Thấm nhuần lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cử tri cả nước đã hưởng ứng mạnh mẽ, đến các thùng phiếu để thực hiện quyền công dân. Ngày 6-1-1946 thực sự là ngày hội của toàn dân, bất chấp sự đe dọa và những hành động phá hoại, có nơi hòm phiếu phải di chuyển từ nơi này đến nơi khác để tránh sự khủng bố của kẻ thù. Nhiều hình ảnh cảm động đã diễn ra trong ngày bầu cử, ban tổ chức đưa hòm phiếu đến bệnh viện để phục vụ cử tri, có cụ già mù lòa đã bảo con cháu đưa đi bầu cử. Cuộc bầu cử tại Nam bộ và Nam Trung bộ diễn ra dưới mưa bom bão đạn của kẻ thù nhưng vẫn không ngăn cản được ý chí và nguyện vọng của nhân dân ta. Kết quả là có 89% cử tri đi bầu cử, bầu được 333 đại biểu từ 3 miền Bắc, Trung, Nam đại diện cho sức mạnh của toàn dân tộc, trong đó 57% số đại biểu thuộc các đảng phái khác nhau, 87% số đại biểu là công nhân, nông dân, chiến sĩ cách mạng, 10 đại biểu là nữ, 34 đại biểu dân tộc thiểu số.

Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, để ứng phó kịp thời với tình hình mới, Bác Hồ đã chủ trương triệu tập cuộc họp Quốc hội. Ngày 2-3-1946, kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã diễn ra tại Thủ đô Hà Nội. Gần 300 đại biểu Quốc hội đã về dự kì họp. Kì họp đã được tiến hành một cách khẩn trương và có kết quả... Thành công của cuộc Tổng tuyển cử và thắng lợi của kì họp thứ nhất, Quốc hội khóa I là thành công lớn của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lãnh đạo nhân dân ta xây dựng và củng cố chính quyền, đưa đất nước ta vượt qua những thử thách to lớn.

Trong suốt thời gian hoạt động với tư cách là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng, xứng đáng là người đại biểu ưu tú nhất của nhân dân, thay mặt nhân dân đứng ra gánh vác việc nước, giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc cho đồng bào. Suốt đời Người luôn luôn nhớ và thực hành câu: Vì lợi nước, quên lợi nhà. Vì lợi chung, quên lợi riêng.

(Còn tiếp)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: “Vì lợi nước, quên lợi nhà...”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.