LTS: Mới đây, hai ngành giao thông vận tải và tài chính đã thống nhất trình UBND TP Hà Nội phương án điều chỉnh giá vé xe buýt. Vé lượt sẽ tăng khoảng 2.000 đồng, vé tháng tăng từ 20.000 đến 65.000 đồng.
Giá vé xe buýt hiện nay theo Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội là quá "lỗi thời" và cơ quan này vừa đưa ra đề xuất với thành phố tăng mức cao nhất đến 80% giá vé. Xét ở góc độ nào đó, tăng giá vé là cần thiết. Nhưng tăng như thế nào, tăng bao nhiêu và chất lượng xe, chất lượng dịch vụ của xe buýt tới đây ra sao mới là điều được những người đi xe buýt quan tâm nhiều nhất.
Xe buýt vẫn đang trong tình trạng quá tải vì cung không đủ cầu. Ảnh: Khánh Nguyên |
Nhồi nhét, bỏ bến... là chuyện thường ngày
Theo đề xuất của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, giá vé xe buýt dưới 25km điều chỉnh là 5.000 đồng, các tuyến trên 25km là 7.000 đồng. Đối với vé tháng, mức vé cho học sinh, sinh viên tăng lên 45.000 đồng, các đối tượng khác là 90.000 đồng. Mức vé liên tuyến với học sinh, sinh viên là 90.000 đồng, còn lại là 145.000 đồng. Hiện giá vé xe buýt đang được áp dụng tại Hà Nội là 3.000 đồng đối với tuyến dưới 25km, 4.000 đồng với các tuyến 25-30km và 5.000 đồng với các tuyến dài hơn. Mức vé tháng một tuyến dành cho học sinh, sinh viên là 25.000 đồng, liên tuyến là 50.000 đồng, những người khác lần lượt là 50.000 đồng và 80.000 đồng.
Trên tuyến xe từ Hà Đông đi Bác Cổ, câu chuyện tăng giá vé xe buýt được hành khách bàn tán khá sôi nổi. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, tăng giá vé xe buýt ở thời điểm này là hợp lý. Chị Lê Thanh Nhàn, ở Kim Giang cho rằng, chị đi làm bằng xe buýt gần 5 năm nay, từ hồi 3.000 đồng/lượt xe buýt có thể mua được 5, 6 mớ rau thì đến bây giờ số tiền đó không thể mua nổi một mớ. Trong khi đó, theo anh Lương Anh Minh, ở Thanh Xuân Bắc thì, một tháng đi xe buýt của con anh chỉ bằng vài tô phở sáng. Theo anh Minh thì tăng vé xe buýt là cần thiết, phù hợp tình hình chung.
Anh Lục Quốc Linh, phụ xe số 30H-5986, tuyến 9 chạy Giáp Bát - Yên Nghĩa cho rằng, mức giá cước 3.000 đồng/vé xe buýt là quá thấp. Tuy nhiên, theo anh Linh thì việc tăng giá cũng không thể cải thiện nhiều về chất lượng khi mà tình trạng quá tải vẫn diễn ra. Ví dụ tuyến anh đang chạy, xe có sức chứa tối đa là 80 chỗ ngồi nhưng lúc cao điểm, trên xe thường có hơn 100 hành khách. Với số lượng hành khách như thế, phục vụ tốt là điều khó có thể.
Nhìn nhận vấn đề này, chị Trần Thị Hiền, sinh viên Đại học Hà Nội Khoa Ngoại ngữ cho rằng, đành rằng giá vé đã đến lúc phải điều chỉnh là hợp lý, tuy nhiên, điều chỉnh giá vé ở mức cao hơn đến 80% nhưng chất lượng vẫn vậy, thậm chí là tệ hơn thì là điều cần cân nhắc.
Trao đổi với HNM, một cán bộ của Công ty Xe điện Hà Nội cho biết, tăng giá vé một phần để bù lỗ, phần nữa nhằm nâng cao đời sống cho cán bộ nhân viên. Hiện nay, thu nhập của các lái, phụ xe quá thấp. Một nhân viên phụ xe mức lương không quá 3 triệu đồng/tháng. Tăng thu nhập chắc chắn nhân viên sẽ toàn tâm toàn ý hơn cho công việc và điều khách hàng hưởng ở đây nếu chưa là chất lượng cơ sở vật chất thì cũng là chất lượng phục vụ, cụ thể là thái độ phục vụ.
Về phía Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco), đơn vị quản lý phương tiện xe buýt, ông Nguyễn Phi Thường, Tổng Giám đốc cho biết: Giá vé xe buýt ở Hà Nội hiện nay đang thực hiện theo Quyết định số 35/2005/QĐ - UB ngày 15-5-2005. Nghĩa là, đã qua 7 năm, Hà Nội vẫn chưa điều chỉnh giá vé xe buýt trong khi giá đầu vào tất cả các nguyên, vật liệu, chi phí vận hành, quản lý đều tăng cao. Việc điều chỉnh tăng giá vé xe buýt là cần thiết để bảo đảm trợ giá cho xe buýt của thành phố ở mức hợp lý và có điều kiện mở rộng vùng phục vụ cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, việc điều chỉnh tăng giá vé ở thời điểm này ít ảnh hưởng đến vấn đề an sinh xã hội. GDP bình quân đầu người của Hà Nội năm 2011 đã tăng 1,7 lần so với năm 2005 nên khả năng chi trả của hành khách đi xe buýt cao hơn cũng là điều hợp lý. Ông Thường cũng đưa ra dự tính, sau khi điều chỉnh tăng giá vé, nếu lượng khách đi xe buýt không bị giảm sẽ tiết kiệm được trợ giá trên 280 tỷ đồng/năm.
Còn quá nhiều yếu kém
Số liệu từ Transerco, hiện tại mỗi ngày vận hành trên 10.000 lượt xe buýt và vận chuyển được trên 1 triệu lượt khách, từ đó hạn chế được trên 700.000 lượt xe máy tham gia giao thông.
Kết quả khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy, xe buýt chiếm dụng đường trên một số tuyến phố chính chỉ từ 4-12% nhưng vận chuyển 12-25% lượng khách (trục Cầu Giấy xe buýt chiếm dụng đường 11% đáp ứng 23% nhu cầu đi lại; trục Kim Mã, Nguyễn Văn Cừ xe buýt chiếm dụng đường 8% đáp ứng trên 20% nhu cầu đi lại…). Nếu tính toán theo số liệu này, xe buýt đã giải quyết được một lưu lượng người tham gia giao thông đáng kể, giảm bớt lưu lượng phương tiện, giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của phần lớn hành khách, bên cạnh duy nhất một ưu điểm là giá rẻ thì hiện nay mạng lưới xe buýt của thành phố còn rất nhiều hạn chế, yếu kém. Tại nhiều khu vực, người dân khó tiếp cận với xe buýt, thậm chí có khu vực gần như không có xe buýt hoạt động, dẫn đến tình trạng hành khách phải mất rất nhiều thời gian cho mỗi lần di chuyển. Cùng với đó, nạn trộm cắp, móc túi ở các tuyến buýt vẫn thường xuyên xảy ra. Đặc biệt là tình trạng quá tải và thái độ phục vụ kém của một số lái xe, phụ xe là điều đang gây nhiều bức xúc.
Hiện nay, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã kiến nghị thành phố tiếp tục mở rộng mạng lưới, cải thiện tình trạng quá tải và chen lấn xảy ra trong giờ cao điểm, đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách để đạt được mục tiêu hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. "Nếu một tuyến buýt sạch đẹp, lại thêm thái độ phục vụ lịch sự, vui vẻ thì tăng 80% giá vé không phải là điều gì đáng nói. Khi người dân "thích" xe buýt thì việc hạn chế phương tiện cá nhân là điều tất yếu" - một cán bộ Sở Giao thông - Vận tải nhận định.
Nhìn nhận lại thực trạng hệ thống xe buýt hiện nay, nhiều người cũng cho rằng, hiện nay các nhà xe tư nhân vẫn đầu tư xe để chạy tuyến với các loại xe khác nhau, chất lượng dịch vụ khác nhau. Có những tuyến đường với khoảng cách như nhau nhưng giá vé có thể chênh nhau đến cả 50%. Nếu xe buýt cũng được xã hội hóa hoặc đầu tư thành 2 luồng khác nhau, một luồng bình dân cho học sinh, sinh viên, một luồng cao cấp cho cán bộ, công nhân viên chắc chắn sẽ giảm tải cho hệ thống xe buýt hiện nay mà vẫn đáp ứng được nhu cầu của người tham gia giao thông. Chị Nguyễn Kim Anh, ở Việt Hưng, Long Biên, đang làm ở một ngân hàng trên đường Phạm Hùng chia sẻ: "Nếu xe buýt có chỗ ngồi lịch sự, sạch sẽ giống như xe khách chất lượng cao thì thậm chí giá vé 10 nghìn hay 15 nghìn cũng có thể chấp nhận được". Theo chị Kim Anh, tính chi li cả tháng đi làm chị vẫn có thể giảm được chi phí di chuyển khoảng 50% so với hiện tại.
Rõ ràng, bài toán tăng giá xe buýt hiện nay là hoàn toàn phù hợp. Song, băn khoăn của người dân nằm ở chỗ, những khoản tăng giá như thế được đầu tư vào đâu? Chất lượng dịch vụ có được cải thiện? Hay vẫn còn hiện tượng lái xe bỏ bến, lái phụ xe hành hung hành khách, quá tải đến mức không còn chỗ đứng khi tham gia giao thông bằng phương tiện công cộng này?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.