(HNM) - Những ngày gần đây, Báo Hànộimới liên tục nhận được tin của người dân vùng mỏ phản ánh bức xúc trước nạn
(HNM) - Những ngày gần đây, Báo Hànộimới liên tục nhận được tin của người dân vùng mỏ phản ánh bức xúc trước nạn "than thổ phỉ" vẫn ngang nhiên hoành hành. Máy xúc, xe chuyên dụng cỡ lớn đào bới than trái phép giữa ban ngày, đào cả vào nhà dân.
Hễ ai có ý kiến liền bị đe dọa hành hung, trả thù. Rõ ràng thời gian qua, mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp để chấn chỉnh, lập lại trật tự trong lĩnh vực khai thác than, tuy nhiên, một thực tế hiển nhiên là nạn "than thổ phỉ" vẫn lộng hành. Và vì thế, PV Hànộimới trong vai người đi thu mua than đã về vùng mỏ…
Nạn “than thổ phỉ” ở Quảng Ninh thời điểm này không tấp nập, nhưng có phần phức tạp hơn. Ảnh: Yến Ngọc |
Nghỉ cùng… HĐND
Những ngày trước khi thành phố Hạ Long họp HĐND, các lò than hoạt động ngang nhiên cả ngày lẫn đêm. Việc khai thác than trái phép đã khiến nhân dân bức xúc vì nứt nhà, sụt đổ cả cột điện và báo chí đã phải lên tiếng. Chỉ đến khi lãnh đạo thành phố trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo dẹp lò, tình hình mới tạm yên. Nhưng đó chỉ là sự tạm ngưng nghỉ chờ dịp ngóc đầu dậy của một thứ tệ nạn đã tồn tại hàng chục năm nay ở vùng mỏ - nạn "than thổ phỉ".
Trong vai người đi đặt mối thu mua than từ nguồn khai thác trái phép, chúng tôi tìm đến phường Hà Tu, thành phố Hạ Long. Trời lất phất mưa khiến con đường lầy lội, đen đúa. Ông xe ôm thấy có khách thì mừng rỡ, nhiệt tình đưa tôi vào khu phố 7 của phường Hà Tu, xăng xái gõ cửa hết bãi than này đến bãi than khác. Khổ nỗi, chẳng hiểu do đúng ngày mưa hay đang có sự kiện quan trọng là kỳ họp HĐND thành phố Hạ Long mà nhiều lò tạm nghỉ. Các bãi than đều vắng hoe. Những đội quân hằng ngày làm than giờ đây túm năm, tụm ba đánh bài giết thời gian hoặc ngủ vùi sau những giờ làm việc cật lực. Họ bỏ mặc những tời, những máy nổ, máy xúc giữa những khu vườn vừa được xới tung để tìm than mà chẳng cần che chắn.
Thấy tôi có vẻ sốt ruột vì đã đi vài bãi than mà không gặp được chủ, ông xe ôm nói như giãi bày: "Giờ người ta (ý nói chính quyền) làm gắt lắm. Chú mua nhiều thế phải gom từ nhiều lò mới đủ". Dừng xe trước một quán nước hỏi thăm, chưa dứt câu, chị chủ quán đã nói: "Nếu muốn mua nhiều, bác phải hỏi vào nhà ông Huy Tý may ra mới có".
Tiếp tục đội mưa, chúng tôi tìm vào nhà ông Huy Tý ở cuối con ngõ. Cửa mở, nhưng tịnh không một bóng người. Chị hàng xóm thấy chó sủa chạy ra ngó rồi bảo: "Ông ấy đi vắng rồi, chú hỏi gì thế?". Nghe tôi bảo có ý định gom than đưa về Hải Phòng, chị hàng xóm hỏi ngay: "Chú định mua bao nhiêu?". Tôi đáp: "Chừng 20-30 tấn/đêm. Chị biết ai có đủ mách giúp". Nghe vậy, chị lắc đầu quầy quậy: "Ở đây nhiều nhà làm than lắm, nhưng mỗi đêm cũng chỉ 1-2 tấn thôi. Chú mua nhiều thế chỉ có sang Cẩm Phả". Được đà, tôi nói với ông xe ôm: "Thôi bác cho em về để hỏi ý kiến sếp xem có mua than Cẩm Phả không".
Chở tôi quay trở lại chỗ trọ, ông xe ôm không trở về chỗ cũ mà ghé qua một người bạn khác cũng chạy xe ôm. Thì ra, sau một hồi thử xem tôi đích xác có phải là người mua than không, ông xe ôm cho xe chạy lòng vòng hết lò này đến lò khác rồi mới đưa tôi về điểm xuất phát. Cuối cùng, ông nói: "Tôi định đưa chú vào lò thằng Quân. Mua khối lượng lớn thế ở khu vực này chỉ có nó cung cấp đủ thôi. Nhưng tôi chưa báo được cho nó nên không dám đưa chú vào lò, sợ nó lại trách ai cho phép đưa khách lạ vào?".
Thuê đất để khoét tài nguyên
Chỉ sau Kỳ họp thứ 2 HĐND TP Hạ Long khóa XI đúng một ngày, chúng tôi lọ mọ vào phường Cao Xanh, một trong những điểm nóng về khai thác "than thổ phỉ" của Hạ Long. Hầu hết những điểm khai thác than trái phép vẫn đóng cửa nằm yên như nghe ngóng. Nhưng ở một số điểm có chủ lò "cứng", tiếng máy xúc, máy thông hơi, máy tời đã vang lên.
Trên mảnh đất nhà bà Loan ở tận cùng tổ 67, khu 5 phường Cao Xanh, một đám thanh niên cởi trần trùng trục, kẻ thì đứng rải rác, người thì nằm trong một chiếc lán tạm. Ngay cạnh đó, sát một bụi tre xơ xác, hai thanh niên đang loay hoay, hì hụi đẩy chiếc gầu xuống một miệng lò sâu cỡ 20m. Thấy chúng tôi đến, một cậu thanh niên rút điện thoại gọi đi đâu đó, mấy người cởi trần đang đứng mặt gườm gườm hỏi: "Có việc gì thế?" Không trả lời, chúng tôi rút máy ảnh ra chụp lia lịa. Hai thanh niên đang đẩy gầu xuống lò mặt còn nhọ màu than liền dừng tay nhoẻn miệng cười, hồn nhiên hỏi: "Các bác cho chúng em lên truyền hình đấy à!". Hỏi dứt câu họ lại tập trung vào việc của mình. Còn đám thanh niên kia tản dần ra, có người lẻn ra phía sau.
Thấy người lạ đến, mấy người ở trong nhà túa ra, có thanh niên bế theo một đứa trẻ khoảng 1 tuổi. Bà Loan, vừa đi đến gần chúng tôi vừa nói: "Có gì đâu! Các bác xem máy móc hiện đại thế này thì nhà tôi làm sao đầu tư được. Có một cô đến thuê lại vườn nhà tôi rồi đưa máy móc đến ấy chứ". Hỏi dăm câu ba điều, chúng tôi rút dần. Hai chiếc gầu lại loay hoay được đưa hẳn xuống lò, bất chấp có người lạ ghé thăm.
Chỉ cách điểm lò trên cỡ khoảng cây số, một lò khác cũng đang hoạt động với sự góp mặt của một chiếc máy xúc. Trên đường sang lò này liên tục có những chiếc xe máy lượn trước mặt chúng tôi. Người trên xe một tay cầm lái, một tay cầm điện thoại, mắt liên tục theo dõi từng cử chỉ của chúng tôi. Từ xa nhìn lại, một đám người đang vây quanh một miệng lò, tiếng máy hút lan xa trên quả đồi trơ trọi. Thấy có người đến, đám người liền tản ra, kẻ lên điểm cao đứng, kẻ đi xuống dốc, người phóng xe máy đi đâu đó… Dù được báo trước, nhưng họ chỉ kịp dừng chiếc máy tời, còn chiếc máy thông gió vẫn chạy ro ro. Một đống than đen nhánh đã được múc lên đổ ngay gần miệng lò. Xung quanh miệng lò là dây điện, bóng đèn, gỗ chống lò, xà beng… nằm chỏng chơ.
Bất chấp người lạ đến, chiếc máy xúc vẫn thản nhiên cào, múc đất. Phải đợi đến khi có người đến tận nơi hỏi: "Ai cho mày đưa máy vào đây?", người lái máy xúc mới dừng máy rồi thò cổ ra ngoài trả lời: "Cô Lý bảo cháu vào múc". Trả lời xong, người lái máy lại định cho máy hoạt động, một người trong đoàn giật giọng nói: "Dừng ngay! Xuống đây! Cô mày chứ cô tao à?" Đến lúc này người lái máy xúc mới dừng tay, nhảy xuống đất, đút chiếc chìa khóa vào túi quần, rồi gườm gườm đi mất.
Trời dần tối. Những bóng người lúc nãy tản ra dần dần mờ ảo. Những chiếc đèn trên cầu Bãi Cháy đã sáng lên nhưng ánh sáng của nó không thể lan tới những góc khuất này. Những chiếc bóng đèn nằm trên miệng lò lúc này có thể không sáng trong đêm nay. Nhưng đêm mai thì sao?
* *
*
Khai thác "than thổ phỉ" dạo này không ồn ào, không tấp nập ngược xuôi như dịp 2008, nhưng vẫn âm thầm và xem ra có phần quyết liệt hơn. Những người dân Quảng Ninh luôn cảm nhận một không khí ngột ngạt bao trùm. Người biết thì không dám nói. Người bị nứt nhà, sụt đất thì chỉ dám "rón rén có kiến nghị" dù trong lòng vô cùng bức xúc. Những người tham gia vào những công đoạn của "than thổ phỉ" từ cho thuê đất, chiêu mộ người, chỉ chỏ, bảo kê đến vận chuyển… thì im lặng là đương nhiên, bởi đó không chỉ còn là lẽ mưu sinh mà còn là mạng sống. Đã có hàng chục vụ thanh toán lẫn nhau vì than và cũng đã có nhiều cán bộ bị kỷ luật, bị buộc phải chuyển đi nơi khác cũng chỉ vì đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp "tích cực" tham gia "đánh" than.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.