Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Trao lại tuổi thanh xuân

Tuệ Diễm| 05/11/2015 06:57

Tại các quốc gia phương Tây, việc hiến tạng nhân đạo cứu người đã xuất hiện từ nửa thế kỷ trước. Nhưng ở Việt Nam và các nước Châu Á, dù đã tích cực tuyên truyền song nhiều người vẫn còn giữ nguyên quan niệm

N tại Bệnh viện Chợ Rẫy sau ca ghép tạng thành công.


Vì vậy thời gian gần đây, một số người tiên phong hiến tặng một phần thân thể để đem lại cuộc sống mới cho người khác đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Ngày 4-9-2015, Q (31 tuổi) chẳng may qua đời vì tai nạn lao động, trước đó anh và gia đình đã đồng ý hiến tạng cho Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy). Tim và gan của người hiến lập tức được vận chuyển bằng máy bay ra Hà Nội để thực hiện ca ghép tại Bệnh viện Việt - Đức. Cũng trong đêm ấy, 2 quả thận của Q cũng được Bệnh viện Chợ Rẫy ghép thành công cho 2 bệnh nhân bị suy thận nhiều năm.

8h30 đêm 4-9 anh T (quận Tân Phú) nhận được điện thoại của Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người vào Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) mời đến xét nghiệm kiểm tra sự hòa hợp với người hiến. Cũng khoảng thời gian ấy, chị N cũng hớt hải từ Bình Dương về Bệnh viện Chợ Rẫy theo triệu tập của bác sĩ. Cùng có cơ hội như anh T, chị N là H, mới 20 tuổi, nhưng bị suy thận nhiều năm, nước da bạc phếch, khuôn mặt gầy xanh xao. Ngồi nép bên mẹ, H được các bác sĩ ưu tiên lựa chọn làm xét nghiệm HLA trước.

Mọi việc diễn ra thật nhanh chóng, gần 100 nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ Rẫy, như một dây chuyền công nghiệp, thức trắng đêm làm các xét nghiệm sự hòa hợp của người cho lẫn người nhận tạng và sẵn sàng cho ca ghép. Một giờ đồng hồ trôi qua, bác sĩ bước đến trước mặt T và N thông báo cơ thể của họ hợp với thận của người hiến tạng. Điều đó cũng có nghĩa cơ hội được ghép thận của H đã vuột qua. Đã khuya, mẹ con H lặng lẽ rời bệnh viện với sự an ủi, động viên của các bác sĩ về đợt hiến tạng sau. T và N được đưa vào bàn mổ để ghép thận ngay trong đêm. Khoa Tiết niệu bệnh viện Chợ Rẫy lập tức chia 2 kíp mổ triển khai cấy ghép. Bác sĩ Thái Minh Sâm Trưởng khoa

Tiết niệu làm trưởng kíp mổ, ông phân 10 bác sĩ ra 2 kíp thực hiện ghép thận cho T và N. Đúng 24h, họ bắt đầu công việc.

Được đưa vào phòng mổ, T thiếp đi và khi tỉnh lại, anh có cảm giác như cuộc đời đã sang một trang mới. T sinh năm 1979, làm kế toán cho một công ty tại TP Hồ Chí Minh. Năm 2005, trong một lần đi khám, anh được các bác sĩ thông báo có dấu hiệu bệnh thận. Sau hai năm điều trị, thuốc thang, nhưng anh vẫn suy giảm hơn 60% sức lực, từ chỗ cao to lực lưỡng, T sụt xuống còn 47kg. Năm 2008, anh chính thức phải nhập viện chạy thận. Chạy thận được cỡ 3 năm, do bị rối loạn chuyển hóa trong quá trình chạy thận, một bên mắt T đã hỏng, chân bị đau khớp đi lại khó khăn.

7 năm trời ròng rã, anh coi bệnh viện là nhà, cho đến khi tỉnh dậy sau ca ghép thận. Khi cô y tá bước vào phòng, T lập tức giơ tay để lấy ven vì theo lịch, hôm đó T phải chạy thận, lọc máu. Tuy nhiên, cô y tá mỉm cười thông báo "anh không phải chạy thận nữa". Sau ghép thận một ngày, T thấy thèm cơm. 10 năm rồi, đây là bữa cơm ngon nhất của T. Mới cách đây 2 ngày, sau 4-5 giờ chạy thận, nhìn đĩa cơm, cơ thể T bủn nhủn, chỉ cần ngửi thấy mùi thịt, cá đã có thể nôn thốc tháo. 10 năm bệnh, 7 năm chạy thận... cứ nhắm mắt là anh thấy nhớ cố hương.

Khi sức khỏe ổn định T sẽ về Nam Định thăm quê cho thỏa. Nhớ những ngày xuân, gia đình nhà nhà sum họp, còn mình phải vào bệnh viện chạy thận T lại trào nước mắt. T tâm sự: "Nhờ ơn cậu thanh niên, cơ thể tôi được tiếp thêm sức mạnh. Tôi thấy mình trẻ ra, khỏe lại. Tôi sẽ làm việc hết mình để trả ơn công ty bởi các đồng nghiệp đã không bỏ rơi tôi. Họ tạo điều kiện cho tôi đi chữa bệnh, cứ một ngày làm, một ngày đi chạy thận. 7 năm như thế, cái ơn này lớn lắm...". Hôm nay, niềm vui của T dường như nhân lên bội phần, khi bác sĩ thông báo, nhờ ghép thận, mọi cơ quan trong cơ thể T có thể sinh hoạt gần như bình thường và anh có thể lập gia đình.

Ở phòng cách ly bên cạnh, chị N cũng vui vẻ, khỏe mạnh hơn hẳn sau ca phẫu thuật ghép thận. Tay áp lên thận trái, chị kể: "Mình tưởng tượng ra cảnh tiếp tục làm việc, tiếp tục bày trò chơi và dạy dỗ các con… Mình có tới 600 đứa con đang đợi". N sinh năm 1978, là hiệu trưởng của trường mầm non tư thục ở TP Bình Dương. Năm 2010, N định đăng ký học thạc sĩ để nâng cao nghiệp vụ đào tạo và quản lý thì bệnh thận tìm đến chị. Do yếu, mỗi tuần 3 lần, N phải bỏ trường, bỏ lớp bắt xe buýt tới TP Hồ Chí Minh chạy thận. Bác sĩ thông báo sẽ phải chạy thận suốt đời. Bố mẹ N sợ con buồn, nghĩ quẩn đành gom góp tiền bạc cho N đi du lịch.

Chuyến đi Campuchia kéo dài cả tuần lễ, nhưng lòng N vẫn như lửa đốt. "Nhiều lúc tôi không biết tại sao bệnh lại tìm đến với mình, tôi còn quá trẻ, còn quá nhiều dự định chưa làm được". Những ngày chạy thận, không thể lọc hết độc tố, da N xỉn màu, có khi khô nẻ. Có người khuyên, ăn cam vào trước khi chạy thận thì da sẽ đỡ xấu hơn. Thương con gái chưa chồng, bố N không an tâm mua cam ngoài chợ có thể có độc tố, hóa chất nên đã tự trồng cam chăm con. Cam trổ bông, cho N ăn quả đã 2 năm mà con gái không hết bệnh. Nhìn con càng hao gầy, bố N lặng lẽ đến bệnh viện nhờ bác sĩ xét nghiệm để cho con thận, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu từ bác sĩ vì ông bị yếu tim. Mẹ N khóc hết nước mắt. Đến lượt bà muốn nhường một quả thận cho con nhưng cả N và bác sĩ đều lắc đầu. Bác sĩ bảo bà đã lớn tuổi. Còn N nằng nặc chối bỏ, vì mẹ nay ốm mai đau, nhỡ có bề gì...

Cho đến bây giờ N vẫn chưa tin may mắn đến với mình bất ngờ như vậy. Quả thận của thanh niên hiến tặng hoàn toàn hợp với cơ thể chị. "Lúc ghép tôi cũng lo lắng, thận nam giới liệu có hợp với mình không?", nhưng sau khi phẫu thuật, N không có biểu hiện khác lạ trong cơ thể. Người chị nhẹ bẫng, đi lại dễ dàng. Giường bệnh bên cạnh, chị D được phẫu thuật với chị cùng ngày với quả thận của chồng hiến. Sau khi ghép, D sốt li bì, nằm một chỗ. Ngày N và T sắp được bác sĩ cho ra viện, chị D vẫn nằm miên man...

Thấy cảnh đó, N nhắm mắt, nghĩ đến người thanh niên xa lạ, thầm cảm ơn đã tặng món quà vô giá, giúp chị hồi sinh. Tôi hỏi, xuất viện chị sẽ làm gì? N mỉm cười đáp: "Mình sẽ nghỉ dưỡng ở nhà theo yêu cầu của bác sĩ, đợi sức khỏe hồi phục thì đi học cao học bởi việc học hành, nâng cao nghiệp vụ đã bị đình trệ 5 năm". Chị không lập gia đình ư? N lắc đầu: "Sau khi được cứu sống, tôi nghĩ mình phải cho đi nhiều hơn. Lập gia đình riêng, tôi không thể lo cho nhiều người. Tôi sẽ tiếp tục dạy các em mầm non, đẩy mạnh hoạt động từ thiện, giúp đỡ trẻ em nghèo... Mai này nếu tôi mất đi, tôi sẽ đăng ký hiến tạng. Quả thận của tôi không dùng được nhưng tôi còn đôi mắt, trái tim...".

Chiều 11-9, T và N đã được bác sĩ cho xuất viện sau 6 ngày phẫu thuật ghép thận. Rời xa cánh cổng bệnh viện, họ thực sự bắt đầu cho một hành trình tương lai, cho một cuộc sống mới...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Trao lại tuổi thanh xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.