Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Thực tế kinh hoàng

Nhóm PV NN-NT| 10/05/2010 06:43

LTS: Rác thải nông thôn từ lâu đã gây nhiều bức xúc trong dư luận nhưng chưa bao giờ trở thành vấn đề nóng như hiện nay. Rác đổ bừa bãi tràn ngập đường làng, bờ kênh, bờ ao, trường học... gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường và kéo theo vô vàn hệ lụy. Mùa hè đã đến, nếu không có những giải pháp cấp bách những nguồn bệnh sẽ bùng phát và lây lan.

Bài 1: Thực tế kinh hoàng

Tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt của Hà Nội hiện nay ước khoảng 5.000 tấn/ngày, trong đó khoảng 3.500 tấn là chất thải sinh hoạt đô thị, còn lại là chất thải sinh hoạt khu vực nông thôn. Điều đáng nói là việc phân loại, thu gom và xử lý rác thải nông thôn quá sơ sài, thậm chí không xử lý, khiến nhiều nơi tràn ngập rác.

Thôn quê: Rác tràn ngõ xóm

Ở nhiều khu vực ngoại thành Hà Nội thường thấy những đống rác lộ thiên bốc mùi xú uế ở đầu làng, cuối xóm, bờ đê, lòng kênh mương, thậm chí ngay sát nhà dân, trường mầm non, nhà văn hóa với đủ các loại rác như túi ni lông, chai lọ, lông gà, lông vịt, xác động vật…

Rác tại xã Cao Viên, huyện Thanh Oai. Ảnh: Đức Nghiêm

Trước cửa nhà văn hóa thôn Ngự Câu, xã An Thượng, huyện Hoài Đức hiện đang tồn tại một bãi rác rộng khoảng 700-800m2. Rác tràn ra cả đường đi. Tất cả các chất thải đều được đổ ra đây với khối lượng có đến cả trăm tấn. Vừa thấy chúng tôi dừng lại chụp ảnh, chị T. nhà gần đó than thở: "Kinh khủng quá chị ạ. Mới chỉ từ tết đến giờ mà đống rác đã đầy thế đấy. Khổ nhất mấy hộ sống gần đây, mỗi khi trời nổi gió thì cả xóm "lãnh đủ". Kiến nghị mãi về việc chuyển bãi rác ra xa khu dân cư nhưng vẫn không thấy động tĩnh gì". Dạo một vòng quanh xã An Thượng, không chỉ có bãi rác lộ thiên nói trên mà ở rìa làng, đường ra đồng, kênh mương đâu cũng thấy rác chất thành đống. Chủ tịch xã An Thượng Lê Văn Vinh cho biết, từ nhiều năm nay xã đã thành lập các tổ thu gom rác, tuy nhiên rác vẫn cứ đổ gần khu dân cư. Nguyên nhân là do xã chưa quy hoạch được bãi tập kết rác. Nếu đổ rác xa khu dân cư thì không tiện đường giao thông, xe rác không tiếp cận được những khu vực chật hẹp. Vì vậy, tiện đâu tổ thu gom đổ ở đó, chính quyền không thể kiểm soát. Xã An Thượng hiện có 3.300 hộ dân với trên 13.000 nhân khẩu. Bình quân mỗi ngày dân xả rác thải ra môi trường gần 8 tấn rác.

Không chỉ An Thượng mà rất nhiều xã, thị trấn trên địa bàn các huyện như Phúc Thọ, Thạch Thất, Ba Vì, Chương Mỹ… đều có chung tình trạng như vậy.

Làng nghề: Làng ô nhiễm

Bãi rác khổng lồ chiếm phần lớn diện tích trước cổng làng văn hóa - làng nghề Đồng Nhân, xã Đông La, huyện Hoài Đức. Ảnh: Thái Hiền

Chất thải ở các làng nghề cũng là vấn đề "nóng" cần tháo gỡ. Theo thống kê của Sở Công thương, Hà Nội hiện có 1.310 làng có nghề, trong đó 310 làng được công nhận làng nghề. Tại một số làng nghề, mặc dù chính quyền địa phương đã tổ chức các tổ thu gom rác đến tận ngõ ngách, thôn xóm nhưng tình trạng rác lấn đường, lấn kênh mương, ruộng, ao hồ… vẫn chưa được giải quyết triệt để. Đặc biệt, các xã có nghề chế biến nông sản như Hữu Hòa (Thanh Trì), Dương Liễu, Minh Khai (Hoài Đức); xã Tân Hòa (Quốc Oai)... Vấn nạn môi trường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Chỉ tính riêng 3 làng nghề lớn của huyện Hoài Đức là Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai đã có hơn 1.000 hộ chế biến tinh bột. Mỗi ngày các hộ này thải trực tiếp ra môi trường khoảng 300 tấn bã, hơn 15.000m3 nước chưa qua xử lý, làm ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sản xuất của người dân trong xã mà lan đến nhiều xã xung quanh.


Cùng với rác thải làng nghề, người dân nông thôn còn phải "gánh" thêm cả chất thải từ chăn nuôi. Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, các huyện ngoại thành có hơn 17 triệu gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo mô hình hộ gia đình và trang trại chăn nuôi tập trung. Trung bình mỗi ngày lượng chất thải phát sinh trong chăn nuôi là 50.000 tấn. Kết quả điều tra của TP Hà Nội năm 2009 cho thấy, số chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh tại các địa phương chỉ chiếm 51%. Hiện tại, phương pháp xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi còn đơn giản, chủ yếu tận dụng làm thức ăn cho cá, ủ phân hoai mục để bón cho lúa, hoa màu... Còn chất thải lỏng trong chăn nuôi ở Hà Nội đang bị bỏ ngỏ.

Xác định rõ mối hiểm họa đằng sau những bãi rác tự phát, từ đó có biện pháp xử lý triệt để, tránh những hệ lụy đáng tiếc là việc cần làm ngay.
Theo Viện Nước tưới tiêu và môi trường, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, đến năm 2010, khối lượng chất thải nông thôn Việt Nam khoảng hơn 145.000.000 tấn. Đó là chất thải chăn nuôi, chất thải sinh hoạt, chất thải làng nghề, chất thải y tế... Bên cạnh đó, bao bì thuốc bảo vệ thực vật là nguồn chất thải nguy hại đang là mối lo của nông thôn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Thực tế kinh hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.