Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Thật giả lẫn lộn

Nhóm PV NN-NT| 24/12/2013 06:01

(HNM) - Tình trạng rau không an toàn

LTS: Câu chuyện sản xuất và tiêu thụ rau an toàn (RAT) của Hà Nội không phải vấn đề mới nhưng cho đến thời điểm này vẫn là bài toán làm đau đầu các nhà quản lý, làm phiền lòng người tiêu dùng và gây nên sự chán nản cho người sản xuất. Bài học đắt giá chính là câu chuyện quản lý RAT bị buông lỏng nhiều năm, dẫn đến "khủng hoảng niềm tin" từ mọi phía. Giờ đây muốn lấy lại niềm tin cho người tiêu dùng và cả người sản xuất cần một "nhạc trưởng" quản lý tài ba, đủ tầm.

Bài 1: Thật giả lẫn lộn

Sở NN&PTNT Hà Nội đang triển khai kế hoạch phối hợp với các đơn vị chức năng quản lý nguồn rau sạch trên thị trường. Tuy nhiên, tình trạng rau không an toàn "đội lốt" RAT vẫn diễn ra thường xuyên khiến câu chuyện về RAT chưa bao giờ hết "nóng". Đáng lưu ý, nhiều tiểu thương, doanh nghiệp đã biến rau không an toàn thành RAT với các chiêu trò khác nhau. Do đó, RAT vẫn chưa đủ sức hút, chưa tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.

Mơ hồ xuất xứ của RAT

3 giờ sáng có mặt tại chợ rau đầu mối Văn Quán, xe thồ, ô tô, xe máy ùn ùn chở hàng về. Tại chợ này, đủ chủng loại rau từ các vùng của Hà Nội đến rau ở các nơi khác nhập về. Khi chúng tôi hỏi về nguồn gốc xuất xứ của các loại rau, các tiểu thương đã có nhiều câu trả lời khác nhau. Người cho biết từ vùng rau Phúc Thọ, người thì nói từ Thường Tín, Đông Anh… Theo đại diện các BQL chợ đầu mối rau Văn Quán, lượng cung ứng RAT thực tế tại chợ rất khó xác định bởi tiểu thương không khai báo. Đây cũng là thực trạng khá phổ biến ở các chợ rau đầu mối của Hà Nội vì không có khu bán buôn dành riêng cho RAT.

Chăm sóc rau an toàn tại xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ.


Nơi tiêu thụ là vậy, còn nơi sản xuất, thu mua và bếp ăn của người nội trợ thì sao? Có thể nói RAT chưa tìm được chỗ đứng từ sản xuất đến bàn ăn. 7 giờ sáng có mặt tại vùng rau Yên Mỹ huyện Thanh Trì, bà con nông dân đã tất bật cho một ngày thu hoạch mới. Anh Đặng Văn Quảng, một tiểu thương chuyên buôn rau ở các chợ đầu mối, đánh hàng từ Yên Mỹ nói: "Mình về tận ruộng mua rau của bà con, nghe nói vùng rau này đã được cơ quan chức năng chứng thực RAT. Biết là biết vậy thôi chứ giá cả các vùng rau một chín một mười, an toàn hay không thì cũng thu mua với giá như nhau vì "mớ rau đâu có biết nói", anh Quảng cho biết. Rời chợ đầu mối, về nhà bà Nguyễn Thị Trường, Tổ dân phố 1 Văn Phú, chúng tôi thấy bà đang tất bật cho bữa cơm trưa của đại gia đình. Khi hỏi về thói quen mua rau hằng ngày, bà Trường cho biết: Tiện đâu mua đó và ít quan tâm tới việc mua RAT tại cửa hàng cũng như siêu thị bởi không biết thật giả thế nào!

Từ sản xuất đến bàn ăn

Giáp Tết là thời điểm nhu cầu rau xanh tăng cao. Đặc biệt, dự báo rét đậm kéo dài như hiện nay đang ảnh hưởng đến một số vùng sản xuất RAT khiến nguồn cung có khả năng thiếu hụt. Đây là cơ hội để rau không rõ nguồn gốc hoành hành trên thị trường. Vùng RAT Vân Nội, huyện Đông Anh vốn nổi tiếng là "vựa" RAT của Hà Nội. Tuy nhiên, sự việc xảy ra tháng 7 vừa qua tại siêu thị Unimart (số 8 đường Phạm Ngọc Thạch - quận Đống Đa - Hà Nội) đã khiến người tiêu dùng bức xúc. Đó cũng là hồi chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan quản lý nhà nước. Theo đại diện siêu thị Unimart, đơn vị có hợp đồng mua bán RAT với HTX RAT số 5 Vân Nội (thuộc HTX RAT Vân Nội). Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện số cà rốt, khoai tây được gắn nhãn mác RAT Vân Nội chính là rau, củ được nhập khẩu từ Trung Quốc. Chủ nhiệm HTX RAT Vân Nội, ông Trần Văn Mây cho biết: Vân Nội không trồng cà rốt hay khoai tây, do trái vụ nên rất khó gieo trồng và chăm sóc. Các loại cà rốt bán ngoài chợ rau Vân Nội đều là hàng Trung Quốc. Khi làm việc trực tiếp với HTX RAT số 5 Vân Nội được biết ông Trần Văn Hải, xã viên HTX RAT số 5 chính là người chịu trách nhiệm giao dịch với siêu thị Unimart. Ông Hải thừa nhận số hàng trên là của Trung Quốc do quá trình vận chuyển, "bao bì bị rách nên đành phải đóng bao bì của HTX nhưng đều có giấy tờ kiểm định và nhập khẩu". Dù khẳng định là vậy nhưng khi được yêu cầu cung cấp những loại giấy tờ trên thì ông Hải lần khân và thất hẹn. Sự việc trên đã làm mất uy tín cả một vùng RAT của Thủ đô, ảnh hưởng tiêu cực đến những nông dân sản xuất và buôn bán chân chính.

Tại hội thảo về quản lý và sản xuất RAT theo chuỗi tại Hà Nội vừa diễn ra, TS Trần Công Thắng, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Ipsard) cho biết: Qua điều tra của Ipsard, lượng RAT tại Hà Nội hiện chỉ đáp ứng được 15-20% nhu cầu. Kết quả giám sát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên rau muống, rau cải, đậu đỗ... đều cho thấy tỷ lệ vượt ngưỡng cho phép vẫn trên 10%, trong khi một số nước trong khu vực như Singapore chỉ khoảng 2-3%. Đặc biệt, sau khi phát hiện sai phạm về RAT, việc xử lý chỉ mang tính răn đe nên việc tái phạm vẫn diễn ra. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho biết: Ở các nước EU, chỉ cần xảy ra một vụ ngộ độc dưa chuột là lập tức 27 nước quay lưng với sản phẩm đó. Còn ở Việt Nam, câu chuyện các bếp ăn công nghiệp bị ngộ độc, các nhà hàng, siêu thị bán rau không an toàn được phát hiện nhưng rồi nhanh chóng bị quên lãng và rồi lại tái diễn ở nhiều nơi khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Thật giả lẫn lộn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.