Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Tạo sức ép dư luận

Nguyên Minh| 12/11/2014 06:21

(HNM) - Mới đây, ông Huỳnh Uy Dũng đã lên tiếng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương o ép doanh nghiệp rồi tuyên bố đóng cửa Khu du lịch Đại Nam gây làn sóng dư luận không tốt về môi trường đầu tư...

(HNM) - Mới đây, ông Huỳnh Uy Dũng (chủ Khu du lịch Đại Nam, chủ đầu tư KCN Sóng Thần 1, 2, 3) đã lên tiếng tố cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương o ép doanh nghiệp rồi tuyên bố đóng cửa Khu du lịch (KDL) Đại Nam gây làn sóng dư luận không tốt về môi trường đầu tư ở Bình Dương nói riêng, cả nước nói chung. Lật lại vụ việc, làm rõ căn nguyên để rút ra bài học cho cả doanh nghiệp lẫn các cấp chính quyền là hết sức cần thiết.

Bài 1: Tạo sức ép dư luận

Tung "chiêu" miễn phí trước khi tạm đóng cửa KDL Đại Nam và "hé lộ" sẽ ảnh hưởng đến việc thiện nguyện mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo cả nước, phần nào mục đích tạo sức ép dư luận đối với chính quyền Bình Dương của ông Huỳnh Uy Dũng (Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đại Nam) đã đạt được. Nhưng đến lúc phải sòng phẳng, tách bạch vấn đề.

Khu du lịch Đại Nam.


Lối hành xử cảm tính

Nhiều ngày qua, đại lộ Bình Dương đoạn đến KDL Đại Nam (phường Hiệp An, TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) rơi cảnh tắc nghẽn, giao thông hỗn loạn bởi hàng vạn người dân từ khắp nơi kéo tới vì hai từ "miễn phí" trước khi KDL Đại Nam tạm đóng cửa (thông tin do đại diện Công ty cổ phần Đại Nam tung ra). Ngày nghỉ cuối tuần, hàng trăm chiến sĩ CSGT, cơ động, dân phòng Bình Dương phải "phơi nắng" điều phối xe cộ, giữ gìn an ninh trật tự. Và mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Nguyễn Xuân Phúc phải ra công điện yêu cầu UBND tỉnh Bình Dương có phương án bảo đảm an ninh, an toàn tuyệt đối cho du khách và nhân dân đến tham quan, du lịch thuận tiện, an toàn; bảo vệ tài sản của người dân và doanh nghiệp; công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về tình hình trật tự, ATGT; kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố…

Trả lời báo chí, ông Huỳnh Uy Dũng cho rằng: "hành vi o ép doanh nghiệp của chính quyền và cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã và đang đẩy doanh nghiệp đến chỗ tột cùng của khó khăn… Nếu tình hình này vẫn không thay đổi, tôi sẽ quyết định đóng cửa hoàn toàn KDL Đại Nam và các hoạt động khác của Công ty CP Đại Nam để chờ đợi chỉ đạo giải quyết của Thủ tướng Chính phủ…". Đại diện Công ty CP Đại Nam còn cho biết, ông Huỳnh Uy Dũng đã công bố sẽ mang toàn bộ lợi nhuận có được từ KDL, cùng phối hợp với Bệnh viện Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh mổ tim miễn phí cho trẻ em nghèo trên cả nước (Bệnh viện Đại học Y dược thành phố xác nhận có việc làm này).

Với việc làm như vậy, ông Huỳnh Uy Dũng đã thành công bước đầu trong việc tạo sức ép dư luận, đặc biệt trong bối cảnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đang là vấn đề "nóng" được xã hội rất quan tâm. Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP Hồ Chí Minh phải kiến nghị: "Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan trung ương cần sớm vào cuộc, có biện pháp chấn chỉnh đối với các hành vi không phù hợp với pháp luật để bảo vệ quyền lợi, chính đáng của các bên đặc biệt các nhà đầu tư - bên yếu thế trong mối quan hệ với chính quyền địa phương".

Tuy nhiên, cần phải tách bạch vụ việc để có cái nhìn thấu đáo. Việc "o ép" của chính quyền như lời ông Dũng nói là vấn đề liên quan tới khu đất hơn 61ha nằm trong KCN Sóng Thần 3, không liên quan đến KDL Đại Nam. Tức là việc đóng hay không đóng cửa KDL Đại Nam hoàn toàn thuộc về ý chí của ông Dũng, chứ không phải do cơ quan chức năng ép buộc. Do vậy, không thể bắt chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm vì hành động của cá nhân đối với những "ảnh hưởng" xã hội khi đóng cửa KDL Đại Nam.

Mặt khác, dù là việc riêng của doanh nghiệp nhưng nếu tạm ngưng hay đóng cửa KDL Đại Nam, theo luật, doanh nghiệp phải tuân thủ trình tự pháp luật (nộp công văn xin tạm ngưng, quyết định tạm ngưng, công văn xác nhận nợ hay không nợ thuế... đến cơ quan chức năng như Cục Thuế, Sở KHĐT) chứ không thể cứ công bố tạm ngưng đóng mở như cách làm của Công ty CP Đại Nam. Hơn thế nữa, lấy việc làm từ thiện của mình để gây áp lực và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận là điều không nên. Bởi, cái gốc của từ thiện chính là sự thiện tâm.

Từ góc nhìn trên, không phải bỗng nhiên có luồng dư luận cho rằng, thay vì tôn trọng pháp luật, đi đúng hành lang pháp lý ông Dũng đã hành xử một cách cảm tính. Thậm chí ở vụ việc này, có luật sư cho rằng, nếu thấy cá nhân hay chính quyền địa phương sai, gây thiệt hại cho doanh nghiệp có thể khởi kiện ra tòa chứ không chỉ dừng ở tố cáo (ông Dũng mới chỉ dừng ở việc tố cáo Chủ tịch tỉnh Bình Dương với Thủ tướng Chính phủ). Điều đáng nói, chính hành động nêu trên sẽ dẫn tới "tai tiếng" không tốt cho môi trường đầu tư Bình Dương nói riêng và cả nước nói chung, trong bối cảnh kinh tế khó khăn.

Tiền hậu bất nhất

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp hành xử một cách cảm tính như vậy cũng không thể không xem xét tới việc làm của cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương. Bởi lẽ "không có lửa làm sao có khói". Vấn đề chính của vụ việc là diện tích hơn 61ha khu đất ở nằm trong KCN Sóng Thần 3. Cụ thể, từ ngày 1-8-2006, với quyết định số 3505/QĐ-UBND, UBND tỉnh Bình Dương đã cho phép Công ty CP Sóng Thần (tức Công ty CP Đại Nam hiện nay) sử dụng hơn 61 ha đất làm khu ở trong KCN Sóng Thần 3. Ngày 7-7-2008, UBND tỉnh Bình Dương ra quyết định 2089/QĐ-UBND, xác định thêm lần nữa khu đất ở 61,4ha đã cấp sổ đỏ cho Công ty CP Đại Nam có mục đích sử dụng là "đất ở", "thời hạn sử dụng là lâu dài". Cần lưu ý rằng, thời điểm này, ngành chức năng Bình Dương tính nghĩa vụ tài chính thuế đất diện tích trên là ở mức "đất ở lâu dài" 46.966 đồng/m2, còn đất ở 50 năm chỉ 28.180 đồng/m2. UBND tỉnh Bình Dương còn cho phép Công ty CP Đại Nam "ứng vốn trước từ khách hàng". Đến tháng 8-2009, đoàn công tác gồm nhiều cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đã có cuộc họp và Sở TNMT Bình Dương kết luận về khu đất trên: "Theo Điều 110, Luật Đất đai thì chủ đầu tư có các quyền góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với hoàn thành hạ tầng kỹ thuật. Do đó, chủ đầu tư kêu gọi góp vốn từ khách hàng là đúng quy định của pháp luật (theo Luật Đất đai và Nghị quyết số 33/2008/NQ-CP ngày 31-12-2008 của Chính phủ). Đề nghị chủ đầu tư lập quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500 cho khu ở thuộc KCN Sóng Thần 3". Ngày 4-9-2009, Sở Xây dựng Bình Dương ra báo cáo số 2021/BC-SXD, báo cáo "kết quả kiểm tra tình hình thực hiện dự án KCN Sóng Thần 3". Trong báo cáo này, "Đoàn kiểm tra thống nhất việc thỏa thuận góp vốn của chủ đầu tư là phù hợp với quy định của pháp luật".

Hướng dẫn, xác định, kết luận như vậy cũng là cơ sở để Công ty CP Đại Nam 3 lần ra văn bản xin điều chỉnh quy hoạch. Nhưng khi ông Lê Thanh Cung lên làm lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, đã không cho phép ông Huỳnh Uy Dũng thực hiện kế hoạch trên. Và mọi chuyện xuất phát từ đây.

Liên quan vụ việc này, kết luận thanh tra số 1549/KL-TTCP ngày 4-7-2014 của Thanh tra Chính phủ xác định việc đồng ý cho phép chuyển mục đích sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận "khu ở" trong KCN Sóng Thần 3 từ thời hạn 50 năm sang "lâu dài" là trái với Luật Đất đai nên đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Dương xem xét xử lý trách nhiệm các cá nhân, tổ chức vi phạm.

Như vậy có thể thấy, cách hiểu và vận dụng của các cấp chính quyền đã dẫn tới tình trạng "tiền hậu bất nhất" gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Và từ cách hiểu như vậy để có hướng giải quyết phù hợp.

Bên cạnh đó, việc phát ngôn của cơ quan chức năng Bình Dương tại cuộc họp báo ngày 4-11-2014, tức chỉ 1 ngày sau khi ông Huỳnh Uy Dũng tuyên bố sẽ đóng cửa KDL Đại Nam, cũng là một trong những nguyên nhân khiến dư luận "nổi sóng". Cụ thể, tại họp báo này, đại diện Cục Thuế Bình Dương phát biểu "rất lấy làm tiếc" về việc KDL Đại Nam đóng cửa, tuy nhiên cũng "không ảnh hưởng đến thu ngân sách của tỉnh". Một doanh nghiệp (xin giấu tên) cho rằng, phát biểu này thiếu cái tâm trong việc điều hành, nặng tính hơn thua.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tạo sức ép dư luận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.