Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Tân dược giả - cái chết thật

Quỳnh Trang| 25/12/2015 06:42

(HNM) - LTS: Không chỉ gây thiệt hại cho người tiêu dùng, tác động xấu đến các doanh nghiệp (DN) trong nước, hàng lậu, hàng giả, hàng nhái còn làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế. Vì sao cuộc chiến chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái vẫn cứ gian nan?

Lực lượng Quản lý thị trường thu giữ tân dược giả.


Nhìn lại thực trạng chống hàng giả qua 3 tháng cao điểm thực hiện Công điện 90/CĐ-BCĐ389 của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chúng ta có thể nhận diện rõ hơn nguyên nhân cũng như những giải pháp trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu...

Hà Nội là một trong những thị trường lớn tiêu thụ tân dược giả. Theo báo cáo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chỉ trong 3 tháng cao điểm (từ 15-7 đến 15-10-2015), các cơ quan chức năng đã xử lý 3.823 vụ liên quan tới sản xuất kinh doanh thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, tân dược giả, thu nộp ngân sách hơn 22 tỷ đồng, khởi tố 4 vụ án hình sự với 5 đối tượng. Thế nhưng, những "tảng băng chìm" về sản xuất tân dược giả vẫn chưa bị công an triệt phá bởi vẫn còn đó những lỗ hổng trong quản lý và kiểm soát mặt hàng này.

Những vụ việc nhức nhối

Liên tục trong 3 tháng thực hiện đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh tân dược, thực phẩm chức năng giả, lực lượng quản lý thị trường (QLTT) các địa phương đã triệt phá nhiều đối tượng nguy hiểm với nhiều thủ đoạn tinh vi. Đáng lo ngại, Hà Nội cũng là một thị trường lớn để tội phạm tiêu thụ tân dược giả.

Ngày 23-7-2015, Phòng PC46 - Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện đối tượng Nguyễn Hồng Nhiên điều khiển xe gắn máy vận chuyển 50 lọ thuốc Asmacort không hóa đơn chứng từ đi giao cho khách hàng. Khám xét tại địa chỉ 80 Nguyễn Thanh Tuyền, quận Tân Bình, lực lượng chức năng tiếp tục phát hiện 8 thùng carton, 2 bao tải tân dược nghi vấn là hàng giả.

Mở rộng điều tra, lực lượng chức năng bắt giữ Kiệt Hoàng Vũ đang vận chuyển 140 hộp tân dược hiệu Bromalex không có hóa đơn chứng từ, trị giá hàng hóa thu giữ khoảng 110 triệu đồng. Vụ việc đang được củng cố chứng cứ để xử lý hình sự. Hai đối tượng nêu trên đều thừa nhận không những phân phối hàng tới các đại lý bán thuốc tại TP Hồ Chí Minh mà còn vận chuyển ra phía Bắc, trong đó có Hà Nội.

Trước đó, ngày 15-7-2015, Hải quan TP Hồ Chí Minh đã lập Biên bản vi phạm số 130/BB-HC1 đối với Công ty TNHH Đầu tư dịch vụ sản xuất Nguyên Ngọc về hành vi nhập khẩu hàng hóa không khai báo, hàng hóa thuộc loại cần phải có giấy phép nhưng đối tượng nhập khẩu không có giấy phép. Sản phẩm vi phạm gồm 7.775 hộp và 367.280 viên thuốc, trị giá khoảng hơn 2 tỷ đồng. Lượng hàng hóa này cũng dự tính được phân phối ra phía Bắc, trong đó có Hà Nội.

Theo đánh giá của Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (CATP Hà Nội) tình hình buôn bán tân dược giả, kém chất lượng và vi phạm sở hữu trí tuệ đang diễn ra phức tạp bởi lẽ Hà Nội là một thị trường tiêu thụ lớn, nhu cầu sử dụng thuốc giá rẻ của người dân rất nhiều. Tân dược giả, kém chất lượng lại có lợi nhuận "siêu khủng" nên các cửa hàng bán lẻ sẵn sàng nhập từ các đơn vị, cá nhân không được phép sản xuất, kinh doanh tân dược.

Một ví dụ điển hình là vụ việc do Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, CATP Hà Nội phối hợp với Đội QLTT số 14, Chi cục QLTT Hà Nội phát hiện hàng trăm hộp thuốc có nhãn hiệu Acnotin 10, sản xuất tại Thái Lan có tác dụng điều trị mụn xác định là tân dược giả tại gian hàng 242, Trung tâm Phân phối dược phẩm Hapulico, số 85 Vũ Trọng Phụng.

Trước đó, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ cũng đã bắt Bùi Văn Hiệp (SN 1985) là Giám đốc Công ty CP Thương mại và Thiết bị y tế HT Hoa Kỳ và Nguyễn Anh Văn (SN 1982) là Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Đầu tư LV France về hành vi buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thu giữ 150 hộp Lumbrotine dùng để chữa trị di chứng tai biến mạch máu não, tê nhức mỏi chân tay và 80 hộp Zinc-Kid điều trị bệnh thiếu kẽm ở trẻ em còi xương, phụ nữ mang thai… Số lượng thuốc giả mà đối tượng khai nhận đã sản xuất, tung ra thị trường tiêu thụ lên đến hơn 3.000 sản phẩm.

1.001 chiêu làm giả

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tội phạm về sản xuất tân dược giả hoạt động ngày càng tinh vi. "Nhu cầu cần thuốc chữa bệnh của người dân rất lớn, trong khi đó kiến thức còn hạn chế, ý thức cảnh giác với thuốc giả chưa cao nên tội phạm dễ dàng hoạt động. Chúng nắm được tâm lý của người dân là hễ có thuốc là mua, thậm chí sính hàng ngoại, bán với giá càng đắt thì càng làm người mua dễ tin là thuốc tốt. Vậy nên tội phạm in bao bì nhãn mác rất "xịn", bán với giá không rẻ, tính chất hoạt động của các đối tượng làm thuốc giả ngày càng nguy hiểm hơn".

Tại thị trường nội địa, các đối tượng sản xuất tân dược giả thường không tổ chức cơ sở sản xuất tập trung có quy mô mà nhập nguyên liệu về chia nhỏ từng công đoạn sản xuất rồi tiêu thụ. Chúng không cho người đặt hàng đến nơi sản xuất để nhận hàng mà hẹn điểm giao hàng thường là quán cà phê, những đoạn đường vắng hoặc nhận chở hàng đến điểm người mua nhằm che giấu sự phát hiện của cơ quan chức năng.

Do các loại tân dược mang lại lợi nhuận cao nên các đối tượng sẵn sàng làm giả bất kỳ loại thuốc nào từ thuốc trị mụn, thuốc điều trị giun sán, thuốc chống béo phì, đặc trị khớp, bổ gan hay thuốc chữa bệnh giảm mỡ trong máu, ngừa tai biến cho người huyết áp cao, thuốc bổ cho trẻ em suy dinh dưỡng…

Tội phạm làm tân dược giả thường sử dụng kỹ thuật gia công nhãn mác mới, đặt in tờ hướng dẫn sử dụng cho vào hộp, hoặc thay đổi nhãn mác biến thuốc nội thành thuốc ngoại, bán ra thị trường với giá cao như thuốc thật. Chưa hết, các đối tượng còn thành lập "công ty" để hoạt động kinh doanh mua bán thuốc nhằm che đậy hoặc hợp thức hóa đường dây buôn bán thuốc giả.

Hoạt động kinh doanh dược phẩm giả đang tiến tới một bước cao hơn đó là đặt thuốc giả từ nước ngoài. Ví dụ như vụ việc kiểm tra trên toa tàu từ Trung Quốc về do công an phối hợp với Chi cục QLTT Hà Nội đã phát hiện trên 100 hộp thuốc kháng sinh Zinar, giả mạo từ vỏ đến ruột, khi giám định không có hoạt chất chính, cho thấy thuốc được đặt hàng từ Trung Quốc thẩm lậu vào Việt Nam.

Tác hại của thuốc giả là rất lớn. TS. BS Nguyễn Danh Tuyên, Khoa Huyết học, Bệnh viện Quân y 103 cho biết: "Khi sử dụng thuốc giả là người bệnh gặp thất bại trong điều trị, vô hiệu các giải pháp điều trị để cứu sống người bệnh, dẫn đến kháng thuốc, tăng độc tính, nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc hoặc dị ứng thuốc, nhiễm độc kim loại, thậm chí gây tử vong.

Các loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng đôi khi được "sản xuất" ra từ bột gạo có sử dụng chất bảo quản, phấn viết bảng, bê tông nghiền, thạch cao… còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh khi sử dụng. Những chất và hợp chất này không chỉ gây ra các phản ứng dị ứng, kháng thuốc mà còn gây nên nhiều bệnh nguy hiểm khác.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm trên thế giới có khoảng 200.000 người chết do sử dụng tân dược giả. Tại Việt Nam chưa có con số thống kê chính thức nhưng hệ lụy chắc chắn là không thể lường hết. Đáng nói ở Việt Nam, có hơn 2.300 doanh nghiệp đăng ký chức năng kinh doanh dược phẩm nhưng chỉ 1/10 trong số đó là sản xuất thuốc còn lại là nhập khẩu từ nhiều nguồn.

Doanh số của thị trường này hằng năm lên đến gần 3 tỷ USD và được WTO dự báo sẽ tăng khoảng 20% vào năm 2017. Với quy mô thị trường lớn như vậy, Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đã và sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ để các đối tượng sản xuất, buôn bán tân dược giả hoành hành. Điều đó có nghĩa, cuộc chiến chống tân dược giả còn vô vùng cam go, quyết liệt.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Tân dược giả - cái chết thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.