LTS: Ngay khi tiếp nhận thông tin về những vụ xuất khẩu trái phép quặng kim loại màu qua ngả Lào Cai, nhóm phóng viên Hànộimới lập tức lên đường nắm bắt tình hình thực tế. Sau gần một tháng lăn lộn tại Lào Cai và các địa phương liên quan, thực tế đã khẳng định thông tin trên là có thật...
Bài 1: Rầm rập cướp tài nguyên quốc gia
Trời nóng như đổ lửa. Những dòng người du lịch ùn ùn kéo lên Sa Pa để tránh nóng. Họ chỉ dừng lại thành phố Lào Cai trong thời gian ngắn. Trưa nắng đến mức đường phố vắng hoe. Nhưng ít ai biết rằng, bất chấp nắng nóng, không kể ngày đêm, những kẻ buôn lậu đã biến Lào Cai trở thành một điểm xuất lậu nhiều loại hàng hóa sang Trung Quốc, đặc biệt là mặt hàng quặng kim loại màu.
Khai thác và xuất lậu quặng diễn ra công khai, nhộn nhịp tại Lào Cai. Ảnh: Trường Yên |
Chui lủi xuất lậu đêm…
"Cái rốn" xuất quặng sang bên kia biên giới là khu vực nằm dọc sông Nậm Thi, ngay đoạn cuối của quốc lộ 70 (nếu tính từ dưới xuôi đi lên) và qua ngã ba rẽ đi Mường Khương. Đoạn này sông Nậm Thi ăn sát vào đường 70 và chỉ qua bên kia sông là thuộc đất Trung Quốc, lại là vùng giáp ranh giữa Bản Phiệt của huyện Bảo Thắng với vùng ven của thành phố Lào Cai. Ở đây, nhiều căn nhà, kho xưởng mặt hướng ra đường 70, lưng nhà ngay sát mép sông và được nối thẳng xuống sông Nậm Thi bằng những ống, máng trượt. Dù hàng gì đi nữa, chỉ cần xe lùi vào kho, đóng cửa kho lại, rồi trút thẳng hàng xuống hệ thống ống, máng trượt và đón ở dưới là những chiếc thuyền máy dài. Mất khoảng từ 15 đến 45 phút cho công đoạn này tùy thuộc vào lượng hàng có trên xe. Khi đầy hàng, những chiếc thuyền này chỉ mất khoảng 3 phút là sang được bãi sông bên kia nơi xe tải hạng nặng có thể xuống sát mép sông ăn hàng. Những ngày đầu, khi quan sát điểm xuất hàng này, chúng tôi nhận định nếu những kẻ buôn lậu mà xuất ở đây vào ban ngày thì quá ngang nhiên, trắng trợn và coi thường các lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai.
Một đêm trung tuần tháng 4, qua lúc 0 giờ, khu vực cửa khẩu quốc tế Lào Cai vắng lặng. Ban ngày đông đúc là thế mà lúc này chỉ còn vài người xe ôm, hàng ăn, hàng nước chè bán muộn đang rục rịch dọn hàng. Đoạn dốc từ ngã ba đường Sơn Hà (tên đoạn cuối đường 70 khi vào tới địa giới TP Lào Cai) với phố Hoàng Diệu (chạy gần như song song với đường sắt) qua cầu vượt đường sắt đến đường Nguyễn Huệ vắng ngắt. Thi thoảng có vài chiếc xe máy biển số không rõ hoặc không có biển, không mang biển Lào Cai lượn qua lượn lại lúc đi một, lúc đi hai, có lúc lại đèo ba người. Theo phán đoán của chúng tôi, đó là đám "cửu vạn" làm nhiệm vụ trinh sát - hay còn gọi là "chim lợn". Sau mỗi lần "chim lợn" xuất hiện, lại có đoàn xe ô tô tải ì ạch bò ra từ phía khu vực các kho hàng trên đường Triệu Quang Phục hoặc phố Hoàng Diệu. Vì nhận định rằng lô hàng này sẽ được xuất tại khu vực cây 6 Bản Phiệt, gần cây xăng Na Mo nên chúng tôi đã bố trí người theo dõi ở đầu dốc. Nhưng càng chờ đợi, càng không thấy loại xe tải cỡ nhỏ trọng tải dưới 2,5 tấn như những người cung cấp thông tin mô tả cho chúng tôi biết, đi qua. Nửa tiếng, một tiếng rồi tiếng rưỡi trôi qua. Đám "Chim lợn" như đánh hơi thấy động, ngày càng lượn sát và hỏi chúng tôi nhiều câu vu vơ. Đợi mãi không thấy mục tiêu xuất hiện. Hơn 2 rưỡi sáng, chúng tôi phải lặng lẽ rút.
Vậy là lần đầu chúng tôi "cất vó" hụt. Hàng loạt câu hỏi đặt ra: Họ thấy động nên đã nằm im ở đâu đó? Hay là có một điểm tập kết trung gian? Hay là có một điểm xuất hàng nào khác mà chúng tôi đã bỏ qua? Tại sao họ không chuyển hàng bằng xe lớn mà lại chỉ chuyển bằng xe 2,5 tấn?
Sáng ra, sau khi tìm cách tiếp cận, thấy trong kho vẫn còn nhiều hàng, chúng tôi nhận định chắc chắn họ sẽ xuất tiếp trong đêm nay. Vấn đề là xuất đi đường nào? Nghiên cứu lại bản đồ TP Lào Cai, chúng tôi quyết định để cho chắc sẽ có người chốt ở các ngã rẽ.
Đêm tiếp theo, sau 0 giờ, xe bắt đầu rục rịch ra khỏi kho. Sau một hồi "chim lợn" lượn trước lượn sau thăm dò, chiếc xe tải nhẹ trọng tải 2,5 tấn, trên xe chất đầy hàng đi hết phố Hoàng Diệu, không rẽ phải lên dốc để ra phía Bản Phiệt mà đâm thẳng qua bên kia đường vào đường Nguyễn Công Hoan chạy song song với đường sắt. Tiếp đó mấy chiếc xe rẽ vào đường Lê Lợi và đi vòng qua lối phía sau đền Thượng để ra phố Phan Bội Châu. Đoạn này sông Nậm Thi chảy sát bờ và đang có một công trường thi công kè. Đây cũng là điểm hàng ngày những người vượt biên theo đường tiểu ngạch vẫn đi thuyền qua lại. Chỉ sau khoảng nửa tiếng chiếc xe đầu tiên đã quay trở ra, thùng xe trống không nhưng không đi đường cũ mà chạy thẳng đường Phan Bội Châu, qua cổng đền Thượng rồi rẽ trái ra đường Nguyễn Huệ. Cả đêm đó, bằng con đường này, chúng tôi đếm có tất thảy 24 xe chuyển hàng từ kho tới điểm xuất lậu. Lúc này, ngay sát đền Thượng trên phố Phan Bội Châu, chốt kiểm tra của biên phòng, công an vẫn có người trực.
Sau 4 đêm xuất hàng tại điểm gần đền Thượng trên đường Phan Bội Châu, lượng hàng khoảng 200 tấn quặng chì trong kho đã được "nuốt" sạch sẽ. Nếu tạm tính giá mỗi tấn quặng chì (được chế biến sâu đạt 60%) là 30 triệu đồng thì lô hàng này có tổng trị giá hơn 6 tỷ đồng.
Và ngang nhiên xuất lậu ban ngày
Chiều một ngày đầu tháng 5, khi mặt trời chưa dứt nắng, mặt đường vẫn nóng hầm hập, lần lượt từng xe ben vào kho ăn hàng. Thấy có chuyển biến, chúng tôi đi xe máy tiếp cận nhưng các xe ăn hàng chưa chạy ngay mà đợi đến khi trời nhá nhem mới đi. Rút kinh nghiệm từ những lần phục kích trước, chúng tôi lại chia nhau ra chốt ở những ngã rẽ. Vẫn như vậy, sau khi "chim lợn" lượn qua lượn lại vài lượt, các xe bắt đầu rời kho. Lần này, đoàn xe chạy hết phố Hoàng Diệu thì rẽ phải để đi ra hướng Bản Phiệt mà không chạy về hướng đền Thượng như lần xuất trước. Rõ ràng chúng lại thay đổi địa điểm giao hàng, thời gian giao hàng và loại xe chở hàng. Thay vì xuất vào giữa đêm, lần này các xe chạy ngay khi trời chưa tối hẳn. Chúng tôi chạy quá lên phía Bản Phiệt rồi quay lại và đã xác định được điểm đổ của lô hàng này. Nhưng vì trời đã tối, "chim lợn" lượn lờ cả bằng xe máy lẫn ô tô nên chúng tôi tạm rút.
Chiều hôm sau, không rõ là do mấy ngày nghỉ nên phía bên kia cần hàng hay do không phải lo lắng đến lực lượng chức năng, xe vào kho ăn hàng từ sớm. Trời nắng như đổ lửa. Đoạn đường từ ngã ba gần cầu chui đường sắt về phía Bản Phiệt bụi mù mịt. Đợi gần đến hơn 5 giờ chiều, sau khi vài xe ăn hàng đã rời kho, chúng tôi đã bám theo một xe chạy đúng về địa điểm đổ hàng hôm trước gần cây xăng Na Mo. May là trời còn nắng nên chúng tôi đã chụp ảnh được toàn bộ hoạt động xuất lậu quặng chì từ Việt Nam qua sông Nậm Thi để sang bên Trung Quốc. Lúc này, mấy xe xuất kho trước đã rẽ vào một công trường bên ngoài có tấm biển: "Không phận sự miễn vào" rồi chạy xuống sát bờ sông. Hàng chục "cửu vạn" đã chờ sẵn để bốc hàng xuống mấy chiếc thuyền dài đang nổ máy sẵn sàng phóng vọt đi khi đã ăn đủ hàng. Bên kia sông đã có thuyền cập bến. Hai chiếc xe tải cỡ lớn mang biển Trung Quốc đã đỗ sẵn ngay mép nước. Trên sông, một chiếc thuyền đang chuyển hàng từ bờ bên này sang bờ bên kia. Thậm chí lần xuất lậu chì này còn không vào kho ven sông mà diễn ra ngay giữa thanh thiên bạch nhật.
Chỉ tính riêng đợt xuất này, với số quặng trong kho khoảng 400 tấn, chủ hàng xuất lậu đã thu về ít nhất là hơn 12 tỷ đồng. Đặt giả thiết, lô quặng này được xuất theo đường chính ngạch, chủ hàng sẽ phải có nghĩa vụ nộp cho nhà nước những khoản sau: thuế tài nguyên (10% tổng giá trị lô hàng); thuế giá trị gia tăng (10% trên tổng giá trị lô hàng); phí môi trường (3% tổng giá trị lô hàng) và thuế thu nhập doanh nghiệp (25% tổng lãi sau khi đã khấu trừ mọi chi phí hợp lý). Như vậy, chỉ tính riêng lô hàng này, sau khi xuất lậu được, ít nhất chủ hàng đã bỏ vào túi riêng khoảng 1/3 tổng giá trị lô hàng, tương đương khoảng 4 tỷ đồng thay vì phải có trách nhiệm nộp vào ngân sách nhà nước. Lợi nhuận khổng lồ từ những phi vụ này đã khiến cho các chủ hàng bất chấp những quy định của pháp luật để tìm mọi cách xuất được quặng kim loại màu sang bên kia biên giới. 4 tỷ mới chỉ là con số lãi tạm tính của một lô hàng của một loại quặng là chì. Con số thất thoát cho ngân sách nhà nước sẽ rất lớn nếu tính của các loại quặng quý hiếm khác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.