(HNM) - LTS: Ngày 30-10-2016, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TƯ về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”.
Hội nghị cán bộ chủ chốt Đảng ủy Khối Các cơ quan TP Hà Nội quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) tổ chức ngày 23-12. Ảnh: Đức Toàn |
Ngay sau đó, Đảng bộ TP Hà Nội đã triển khai Nghị quyết với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc; thực hiện đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm nhằm từng bước làm chuyển biến tích cực, thực chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh... Góp phần thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng bộ thành phố cũng như những nhiệm vụ đặt ra trong thực hiện Nghị quyết, Báo Hànộimới trân trọng giới thiệu đến bạn đọc loạt bài viết xung quanh vấn đề này.
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã ký ban hành Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 9-12-2016 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Nội dung chương trình cho thấy quyết tâm chính trị cao và cách tiếp cận vấn đề khoa học, bài bản, bám sát thực tiễn của Đảng bộ Hà Nội.
Kiên quyết loại bỏ cán bộ không đủ tiêu chuẩn
Thành ủy Hà Nội xác định, yêu cầu trước tiên khi thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TƯ là phải thống nhất tư tưởng và hành động trong toàn Đảng bộ thành phố về tình hình, nguyên nhân, nhận diện những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Từng cấp ủy, tổ chức Đảng và mỗi cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của Đảng bộ Thủ đô, trách nhiệm của mình và tự giác, gương mẫu thực hiện Nghị quyết. Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết, Chương trình hành động phải đồng bộ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, kiên trì, thường xuyên với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị. Cấp ủy các cấp phải có sự thống nhất cao trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Người đứng đầu các cấp phải thực sự đoàn kết, gương mẫu, đồng thời có những giải pháp hiệu quả để khắc phục hạn chế tồn tại đã được chỉ ra.
Chương trình hành động gồm 5 nhóm nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trước đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 26-KH/TU ngày 5-12-2016 chỉ đạo cụ thể việc phổ biến, quán triệt Nghị quyết gắn với chuyên đề toàn khóa “Những nội dung cơ bản của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Thành ủy chỉ đạo phải cụ thể hóa và thực hiện việc nêu gương của cán bộ, đảng viên trong thực hiện, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các cấp trong việc rèn luyện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm với công việc được giao. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải coi trọng việc đối thoại, tiếp nhận và xử lý những kiến nghị, phản ánh của nhân dân, trong đó có phản ánh về những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị mình phụ trách.
Nhằm nâng cao chất lượng kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Hà Nội xác định, phải đổi mới, mở rộng dân chủ, đa dạng các kênh thông tin trong việc kiểm điểm, đánh giá, phân loại tổ chức, cá nhân. Sau kiểm điểm, từng tập thể, cá nhân phải xây dựng kế hoạch khắc phục khuyết điểm báo cáo với cấp ủy trực tiếp quản lý. Cấp ủy, tổ chức Đảng phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc khắc phục, sửa chữa khuyết điểm của cấp dưới và cán bộ, đảng viên; xử lý kịp thời, nghiêm minh những trường hợp vi phạm.
Thực hiện các giải pháp về công tác tổ chức bộ máy và công tác cán bộ, Hà Nội khẳng định sẽ rà soát, hoàn thiện các quy định nhằm tăng cường quản lý chặt chẽ cán bộ, đảng viên; khắc phục những bất hợp lý trong công tác cán bộ. Quan điểm của Thành ủy Hà Nội là kiên quyết xử lý, thay thế cán bộ suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về phẩm chất đạo đức, năng lực, tín nhiệm thấp sẽ bị thay thế mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết tuổi công tác. Những trường hợp cán bộ vi phạm hoặc để cơ quan, đơn vị yếu kém, xảy ra vấn đề phức tạp, dư luận bức xúc sẽ bị xử lý. Khi cán bộ, công chức có dấu hiệu vi phạm hoặc trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ được giao sẽ bị tạm đình chỉ công tác để kiểm tra, kiểm điểm. Thành ủy Hà Nội sẽ lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc tổ chức thực hiện Nghị quyết và Chương trình hành động.
Những nhiệm vụ cụ thể
Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Ban Cán sự đảng UBND thành phố quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch. Trong ảnh: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại bộ phận “một cửa” quận Thanh Xuân.Ảnh: Viết Thành |
Thành ủy Hà Nội đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho 12 cơ quan, nhóm cơ quan, đơn vị, nhấn mạnh những việc cần làm ngay. Trong đó, đáng chú ý, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nội dung, tiến độ về tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Sau khi Chính phủ, các bộ, ngành trung ương ban hành, Ban Cán sự đảng UBND thành phố có trách nhiệm chỉ đạo xây dựng, hướng dẫn hoàn thiện quy định về kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức, có quyền trong các cơ quan hành chính nhà nước; xây dựng đề án thực hiện việc lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đối với cơ quan, cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc của dân, doanh nghiệp.
Ban Cán sự đảng UBND thành phố đồng thời phải chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thủ tục hành chính theo hướng cụ thể, rõ ràng, minh bạch; xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, “duyệt - cấp”; đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…, nhất là trong các lĩnh vực quản lý sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, đất đai, tài nguyên, thuế, quản lý sử dụng biên chế… Đồng thời, UBND thành phố phải chỉ đạo tăng cường thanh tra công vụ, nâng cao ý thức, trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương, chuẩn mực trong giao tiếp và chất lượng phục vụ nhân dân.
Đảng đoàn HĐND thành phố có nhiệm vụ chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện có hiệu quả việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất theo quy định. Đảng đoàn Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố chủ trì chỉ đạo cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả Quyết định 217-QĐ/TƯ, Quyết định 218-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội và góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Ban Tổ chức Thành ủy chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng tham mưu xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá cán bộ hằng năm hoặc khi chuẩn bị đề bạt, luân chuyển, điều động; nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên; đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Ban Tổ chức Thành ủy cũng là cơ quan có trách nhiệm tham mưu cho Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm định kỳ hoặc đột xuất theo quy định; đặc biệt là chủ trì phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Thành ủy, các cơ quan liên quan gợi ý kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân.
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy có nhiệm vụ nghiên cứu tham mưu cho Thành ủy ban hành quy định về thẩm định, xác minh, đánh giá tính trung thực của việc kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ và công khai theo quy định khi đề bạt, bổ nhiệm. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy là cơ quan chủ trì xây dựng quy định về thẩm quyền và đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong việc tạm đình chỉ công tác cán bộ dưới quyền để kiểm điểm khi có dấu hiệu vi phạm hoặc trì trệ, kém hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao...
Những chỉ đạo cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm của Thành ủy Hà Nội trong Chương trình hành động số 15-CTr/TU đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng bộ Thủ đô nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), từng bước làm chuyển biến tích cực, thực chất về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, xây dựng Đảng bộ ngày càng trong sạch, vững mạnh.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.