Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Nguyễn Ngọc Hải| 19/11/2012 06:28

Tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Trên thế giới mỗi ngày có hơn 3.500 người chết và hơn 100.000 người bị thương do TNGT. Riêng tại Việt Nam, con số này là hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương…

LTS: Tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề nhức nhối của toàn cầu. Trên thế giới mỗi ngày có hơn 3.500 người chết và hơn 100.000 người bị thương do TNGT. Riêng tại Việt Nam, con số này là hơn 30 người chết và hàng trăm người bị thương…

Để rung lên tiếng chuông cảnh báo về một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất cho con người, từ năm nay, Liên hợp quốc đã lấy ngày chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 làm Ngày Tưởng niệm các nạn nhân bị thiệt mạng do TNGT. Tại Việt Nam, lễ tưởng niệm sẽ được thực hiện từ 20h đến 21h30 tối nay (19-11) tại Hà Nội. Hưởng ứng sự kiện này, sáng 19-11, nhóm PV Báo Hànộimới đã có mặt ở KM0 tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) - điểm đầu của quốc lộ 1A - bắt đầu thực hiện chuyến đi xuyên Việt để ghi lại những thông tin, hình ảnh chân thực nhất về tình hình TTATGT trên dọc con đường huyết mạch quan trọng nhất quốc gia, góp một tiếng nói cảnh tỉnh với cộng đồng.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Ảnh: Như Ý


Bài 1: Nỗi ám ảnh kinh hoàng

Những con số đau lòng

Trong công văn thông báo tình hình TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng 8 tháng đầu năm 2012 gửi trưởng phòng CSGT các tỉnh trong cả nước, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt nhấn mạnh: Những tháng đầu năm 2012, tình hình trật tự an toàn giao thông tuy có những chuyển biến tích cực nhưng thời gian gần đây TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra gây bức xúc trong nhân dân. Vì vậy, Cục CSGT đường bộ - đường sắt yêu cầu những địa phương đã xảy ra những vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng hoặc TNGT tăng cả về số vụ, số người chết, người bị thương phải phân tích đầy đủ, chính xác nguyên nhân gây TNGT. Bên cạnh đó, các đơn vị này cần khảo sát, kiến nghị với ngành giao thông về những bất cập trong tổ chức giao thông kết hợp với xử lý nghiêm các vi phạm giao thông.

Lật lại hồ sơ các vụ TNGT mới thấy, những con số tưởng chừng hết sức khô khan lại đang chứa đựng đầy nỗi đau, nỗi oan nghiệt cho các gia đình có người thân tử vong do TNGT. Lúc 21h ngày 4-8-2012 tại km 119+700 trên quốc lộ 1A thuộc địa phận thôn Yên Khê, xã Song Khê, thành phố Bắc Giang, chiếc xe ô tô đầu kéo 34C-022.58 do Triệu Đức Thảo, SN 1981, trú tại Ân Thi, Hưng Yên điều khiển theo hướng Hà Nội - Lạng Sơn đã va chạm với 2 chiếc mô tô đi ngược chiều. Chiếc xe máy đầu tiên va chạm với ô tô do Thân Văn Thống, trú tại xã Đồng Sơn, thành phố Bắc Giang điều khiển, phía sau chở hai người. Sau cú va chạm, chiếc xe đầu kéo tiếp tục chồm lên và lao vào chiếc xe máy do anh Dương Ngọc Lâm, trú tại thôn Nội Hoàng, Yên Dũng, Bắc Giang điều khiển hướng ngược chiều có chở thêm một người phía sau. Vụ tai nạn kinh hoàng đã cướp đi mạng sống của 4 người và khiến 1 người bị thương. Cơ quan công an kết luận: Xe ô tô đầu kéo đi không đúng phần đường.

Trước đó, vụ tai nạn kinh hoàng xảy ra vào khoảng 5h45 sáng 21-7 trên QL1A đoạn qua khối 5, thị trấn Núi Thành, Quảng Nam khiến nhiều người dân nơi đây vẫn còn "rùng mình" khi nhớ lại. Theo hồ sơ của cơ quan công an, Trần Xuân Đông, trú tại huyện Núi Thành và Lê Văn Tuấn, trú tại huyện Thăng Bình điều khiển xe ô tô đi mua tôm giống ở Bình Định. Trên đường quay trở về Quảng Nam, đến km 1019+600 quốc lộ 1A, chiếc xe bất ngờ chồm lên vỉa hè đâm gãy cột điện bê tông rồi tiếp tục lao vào tủ bánh mỳ, bàn ghế nơi hành khách đang ngồi ăn sáng. Sau cú lao điên cuồng của chiếc xe, 8 người xấu số đã tử vong. Đau xót hơn, trong số những người tử vong đó có tới 5 cháu nhỏ từ 3 đến 13 tuổi. Kết luận nguyên nhân vụ tai nạn, cơ quan chức năng cũng chỉ một dòng chữ hết sức đơn giản, ngắn gọn: Do lái xe ngủ gật!

Đây chỉ là 2 trong số hàng trăm vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra từ đầu năm đến nay, để lại nỗi xót xa cho hàng trăm gia đình có người thiệt mạng, để lại nỗi đau đớn, day dứt cho chính những người điều khiển phương tiện gây tai nạn và gia đình họ.

Lực lượng CSGT (CATP Hà Nội) lập biên bản hành chính, xử phạt một trường hợp vi phạm Luật Giao thông. Ảnh: Bá Hoạt


Tai nạn đều bắt đầu từ ý thức

Đưa ra một vài con số, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Thường trực UB An toàn giao thông quốc gia cho biết, trên thế giới mỗi ngày có 3.500 người chết vì TNGT và khoảng 100.000 người bị thương. Riêng tại Việt Nam, con số này là 30 người chết cùng hàng trăm người bị thương. Nếu tính trên đơn vị năm thì mỗi năm có khoảng gần 10.000 người chết vì TNGT. Tính riêng 9 tháng năm 2012, cả nước đã xảy ra 23.619 vụ TNGT, làm chết 6.908 người và 25.002 người bị thương. "Nhìn những con số ngắn gọn, khô khan, nhưng những đau thương, mất mát mà các gia đình đang phải gánh chịu là rất lớn. Những di chứng mà mỗi TNGT để lại luôn kéo dài và không thể lường hết được khiến xã hội bị tổn thương nghiêm trọng. Đã đến lúc người Việt cần phải nhìn thẳng vào sự thật, cần nhận thức đến tác hại khôn lường của TNGT, về sự thật sau mỗi vụ TNGT đều có một phần trách nhiệm của từng cá nhân, của cả cộng đồng và Nhà nước" - ông Nguyễn Hoàng Hiệp đau xót nói.

Còn nhìn nhận ở góc độ chuyên môn, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt cho rằng, các vụ TNGT nghiêm trọng chủ yếu xảy ra trên các tuyến quốc lộ (chiếm tới 69%), trong đó quốc lộ 1A chiếm tới hơn 40% trong tổng số các vụ tai nạn nghiêm trọng. Phương tiện gây tai nạn được phân tích là do ô tô, trong đó phần lớn là ô tô khách với các nguyên nhân: đi sai làn đường, phần đường, vi phạm tốc độ, vượt sai quy định, thiếu chú ý quan sát, ngủ gật, chuyển hướng không an toàn… Theo Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, để giảm được TNGT xuống đến mức thấp nhất cần phải xây dựng được ý thức tham gia giao thông, văn hóa giao thông trong toàn cộng đồng. Để làm được điều đó, ngoài việc tuyên truyền, cơ quan cảnh sát điều tra cần phối hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án nhân dân kiên quyết xử lý các vụ TNGT có dấu hiệu phạm tội. Đồng thời xét xử điểm, xét xử công khai một số vụ TNGT điển hình gây hậu quả nghiêm trọng tại nơi cư trú, bến xe hoặc các đơn vị vận tải nhằm phòng ngừa chung.

Nhìn nhận một cách công bằng, ngăn chặn sự gia tăng của TNGT không còn là trách nhiệm của các cơ quan chức năng nhà nước. Nói như ông Nguyễn Hoàng Hiệp, mỗi ngày có hàng trăm gia đình phải chịu sự mất mát, đau đớn khủng khiếp là điều không thể chấp nhận được trong một đất nước hòa bình. Quốc gia không thể mỗi năm phải chi hàng nghìn tỷ đồng để khắc phục hậu quả của các vụ TNGT. Và để đạt được mục tiêu này, không gì khác là mỗi người, mỗi cá nhân phải chủ động góp phần tạo ra môi trường an toàn giao thông cho chính người thân của mình bằng những hành động thiết thực, tuân thủ pháp luật. Mỗi gia đình, nhà trường cần phải giáo dục con em mình về trách nhiệm của bản thân khi tham gia giao thông.

Mỗi ngày có 30 gia đình mất người thân, 200 gia đình chịu những tổn thất về vật chất và tinh thần do TNGT để lại đồng thời những người gây tai nạn và người gánh hậu quả tai nạn sẽ phải chịu những dằn vặt tinh thần suốt cuộc đời. Bên cạnh đó, TNGT cũng gây tổn thất về vật chất kinh tế. Bình quân mỗi năm, nước ta mất 2 tỷ USD (tương đương 40.000 tỷ đồng) để khắc phục hậu quả TNGT. Số tiền trên tính ra có thể xây dựng được 10 bệnh viện đạt cấp tỉnh, 1.123 trường học, 640.000 căn nhà tình nghĩa trên cả nước. Từ năm 2011 đến năm 2020 được chọn là Thập kỷ an toàn giao thông đường bộ, Việt Nam sẽ phấn đấu giảm 50% số người chết vào năm 2020 tương đương với 6.000 người chết mỗi năm, giảm từ 5% đến 10% số vụ TNGT/năm. Nhưng mục tiêu ấy chỉ có thể thành hiện thực khi có quyết tâm cao, sự đồng lòng của cả hệ thống chính trị từ trung ương tới địa phương cùng mỗi người dân khi tham gia giao thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nỗi ám ảnh kinh hoàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.