LTS: Ngày 24-6, Thành ủy Hà Nội sẽ tổng kết Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 9-9-2011 về
LTS: Ngày 24-6, Thành ủy Hà Nội sẽ tổng kết Chương trình số 03-CTr/TU, ngày 9-9-2011 về "Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh và bền vững". Thực hiện trong bối cảnh hết sức khó khăn, nhưng chương trình đã huy động và sử dụng các nguồn lực cho phát triển hiệu quả hơn, đạt kết quả khá, góp phần đưa cơ cấu kinh tế Thủ đô chuyển dịch theo hướng tích cực.
Bài 1: Nỗ lực thay đổi cả chất và lượng
Chương trình số 03-CTr/TU có thể coi là bộ giải pháp nhằm thay đổi về chất cho nền kinh tế Thủ đô. Dẫu biết rằng, để thay đổi về chất của nền kinh tế đòi hỏi một quá trình lâu dài. Nhưng sau 5 năm đi vào cuộc sống, Chương trình 03 đã cho thấy tính hiệu quả rất cao.
Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam |
1. Có thể nói, với việc ban hành Chương trình 03, Thành ủy đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Đến nay, 12/12 chương trình nhánh, đề án do Ban Chỉ đạo (BCĐ) Chương trình 03 trực tiếp chỉ đạo và 31/31 chương trình nhánh và đề án phối hợp với các chương trình, kế hoạch, đề án khác đã được ban hành, triển khai thực hiện đã góp phần tạo ra những chuyển biến về chất của nền kinh tế Thủ đô trong những năm qua. Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực sự đem đến xung lực mới, trước hết là việc khai thác tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của Thủ đô trong phát triển kinh tế.
Lợi thế của Hà Nội là ngành dịch vụ nên ưu tiên đặt ra trong Chương trình 03 là thúc đẩy phát triển các ngành dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. Hơn 4 năm qua, ngành dịch vụ tiếp tục có mức tăng trưởng cao (bình quân là 9,97%/năm), trong đó các ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, thông tin và truyền thông có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả ngành. Trong đó, dẫn chứng điển hình là ngành ngân hàng có sự chuyển mình liên tục trong những năm qua. Thanh toán điện tử liên ngân hàng, chuyển tiền điện tử, dịch vụ ngân hàng tự động, dịch vụ thẻ, đặc biệt là thẻ quốc tế và các điểm ATM, điểm chấp nhận thẻ thanh toán (POS) tăng lên rất nhanh… Trên địa bàn thành phố hiện có 2.764 máy ATM, trên 19.308 điểm chấp nhận thẻ POS. Lĩnh vực có vai trò quan trọng là thương mại tiếp tục duy trì tốc độ phát triển cao. Hà Nội còn là địa phương đi đầu về phát triển thương mại điện tử.
Sự tập trung thúc đẩy các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ chất lượng cao, trình độ cao từ Chương trình 03 đã góp phần quan trọng tạo nên sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế Thủ đô đúng hướng đã định: Tăng tỷ trọng ngành dịch vụ, công nghiệp - xây dựng, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp. Năm 2010, cơ cấu các ngành tương ứng là 52,4%; 41,8% và 5,8%. Năm 2015, dự kiến cơ cấu các ngành chuyển dịch như sau: 54%; 41,5% và 4,5%. Trong cơ cấu trên, kinh tế nông nghiệp Thủ đô được phát triển theo hướng sinh thái, từng bước ứng dụng công nghệ, kỹ thuật cao. Hiện nay, thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh, xuất hiện nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế rất cao được các tỉnh, thành trong nước và bạn bè quốc tế đến tham quan, học hỏi. Giá trị sản xuất nông nghiệp đến nay đạt 231 triệu đồng/ha đất canh tác, tăng 1,24 lần so với năm 2010; trong đó có không ít mô hình cho thu nhập từ 500 triệu đồng đến trên 1,5 tỷ đồng/ha.
2. Chương trình 03 cũng đặt ra một trong những nhiệm vụ quan trọng là "bảo đảm an sinh và duy trì ổn định xã hội". Bốn năm qua, đây là một trong những lĩnh vực thành công nhất của Thủ đô, được Trung ương đánh giá cao.
Một trong những dẫn chứng về vai trò lãnh đạo của cấp ủy đối với vấn đề này là khi Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trên vùng biển Việt Nam. Sự ổn định, an toàn ở Hà Nội không chỉ giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm mở rộng sản xuất, kinh doanh mà còn giúp thành phố thu hút thêm các nguồn lực khác cho phát triển. Trong giai đoạn 2011-2015, tổng vốn đầu tư xã hội của thành phố đạt trên 1.400 tỷ đồng, tăng trung bình 15,7%/năm (tính theo giá hiện hành), gấp gần 2 lần giai đoạn 2006-2010. Với việc tạo cơ chế thông thoáng của thành phố, giai đoạn này cũng đánh dấu sự tham gia tích cực của yếu tố "xã hội hóa" trong đầu tư phát triển các lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế Thủ đô.
Bằng việc thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ của Chương trình 03, các cấp, ngành đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp đổi mới, khắc phục những bất cập; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên, đất đai, ứng dụng công nghệ; phát triển giáo dục, đào tạo... Hà Nội đặc biệt quan tâm và đã hoàn thành một khối lượng công việc rất lớn, góp phần phát triển những yếu tố nền tảng cho nền kinh tế như quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, công nghệ thông tin... Thành phố đã hoàn thành mở rộng KCN Nội Bài (14,1ha); triển khai xây dựng KCN hỗ trợ Nam Hà Nội (440ha). Năm 2015, thành phố khởi công xây dựng: KCN sạch Sóc Sơn (340ha), KCN sinh học Từ Liêm (200ha), KCN Quang Minh II (266ha) và mở rộng KCN Quang Minh I (63ha). Hà Nội đang có 8 KCN đang hoạt động ổn định với tỷ lệ lấp đầy 90%, 42 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy 80%. Hà Nội cũng đã hình thành khu CNTT và truyền thông đa phương tiện hiện đại trên địa bàn quận Cầu Giấy; đang triển khai xây dựng Khu công viên công nghệ phần mềm Hanel và Khu công viên công nghệ thông tin tại Long Biên.
Thực hiện Chương trình 03, lãnh đạo thành phố đã thực hiện hàng chục chuyến công tác tới các tỉnh, thành trên cả nước để trao đổi kinh nghiệm, mở rộng hợp tác, phối hợp và tạo điều kiện cho các cơ quan, ban, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp của Hà Nội và các địa phương hợp tác, phát triển kinh tế. Không chỉ tăng cường hiểu biết, tạo mối quan tâm chung, kết quả liên kết, hợp tác giữa Hà Nội và các địa phương đã và đang thúc đẩy các dự án hợp tác cụ thể như cung cấp thực phẩm sạch cho thị trường Hà Nội, phát triển thương mại hiện đại tại các tỉnh, thành phố khác... Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với gần 100 Thủ đô, thành phố của 50 nước và vùng lãnh thổ, trong đó thiết lập quan hệ hợp tác chặt chẽ, thường xuyên và có hiệu quả với 35 thủ đô, thành phố, duy trì mối quan hệ thân thiết với thủ đô hai nước bạn Lào, Campuchia. Hà Nội là thành viên chính thức của nhiều tổ chức quốc tế lớn, quan trọng như Hiệp hội các thành phố lớn trên thế giới, Mạng lưới các thành phố lớn Châu Á thế kỷ XXI (ANMC21), Mạng lưới chính quyền địa phương Citynet…
3. Chương trình 03 được xây dựng trong bối cảnh kinh tế Thủ đô tăng trưởng nhanh, kinh tế trong nước đang phát triển lạc quan và dự báo kinh tế thế giới phục hồi mạnh. Thực tế những năm qua, bối cảnh kinh tế diễn biến hết sức phức tạp, khiến cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu của chương trình gặp rất nhiều khó khăn mà điển hình là việc không thể hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế trung bình 11-12%/năm. Mặc dù vậy, dưới sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, kinh tế Thủ đô tiếp tục có bước phát triển vững chắc. Tổng sản phẩm trên địa bàn có mức tăng trưởng khá, bình quân 5 năm 2011-2015 dự kiến tăng 9,23%, gấp 1,58 lần mức tăng bình quân chung của cả nước. Quy mô GRDP năm 2015 theo giá hiện hành đạt khoảng 27,6 tỷ USD, bình quân đầu người đạt kế hoạch với khoảng 3.600 USD (72 triệu đồng), gấp 1,8 lần so với năm 2010. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá hàng tiêu dùng giảm nhanh từ 17,1% năm 2011 xuống còn khoảng 6,3% vào năm 2015. Nền kinh tế Thủ đô thực sự đã có sự thay đổi về chất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.