(HNM) - Đã xế chiều, nhưng đường vào di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ tại xã Mường Phăng, huyện Điện Biên vẫn đông kín người. Cán bộ xã Mường Phăng cho người dẫn chúng tôi đi tìm các nhân chứng.
Sự thể là cán bộ xã nói cụ bà Lù Thị Đôi năm nay 100 tuổi - người duy nhất còn sống ở Mường Phăng được Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao làm Trưởng ban Dân vận địa phương, đi quyên góp lương thực cho bộ đội, làm nhiệm vụ dẫn đơn vị công binh đi khảo sát địa hình để xây dựng Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ - ốm lắm, ngồi cũng không vững đâu, nặng tai, không trả lời phỏng vấn được. Vậy mà khi chúng tôi đến nhà cụ Đôi đứa cháu nội của cụ phải tìm mãi mới thấy cụ đang… cuốc đất sau nhà. Cháu cụ Đôi khoe, mỗi ngày cụ ăn được 3 bát xôi nếp, thỉnh thoảng cụ vẫn trốn con cháu ra sau vườn để vun xới mấy luống rau.
Cụ Lù Thị Đôi kể về bức ảnh chụp chung với Đại tướng Võ Nguyễn Giáp. |
Trước khi đến nhà cụ Lù Thị Đôi, chúng tôi tìm đến nhà ông Cà Văn Yêu, năm nay 90 tuổi, một trong 6 đảng viên đầu tiên của xã Mường Phăng - người biết rất rõ về những ngày quân và dân trong xã giúp bộ đội xây dựng, bảo vệ Sở Chỉ huy. Tiếc nỗi khi đến nơi, người nhà cho biết ông vừa xuống thành phố để chữa bệnh. Ngỡ là sẽ mất đứt một buổi chiều "xôi hỏng bỏng không" vì đã tới nhiều gia đình tìm nhân chứng, nhưng đều nhận được tin "đã nhập viện", thế nhưng sau khi nán lại uống chén nước do bà Cà Thị Đôi năm nay cũng gần 90 tuổi, vợ của ông Yêu mời, chuyện qua lại, dần dà chúng tôi góp nhặt được rất nhiều tư liệu quý. Bà Đôi (vợ ông Yêu) kể: Mặc dù đời sống nhân dân trong vùng địch tạm chiếm vô cùng gian khổ, nhưng trước khi bị địch dồn đến các nơi tập trung, đồng bào đã đuổi gia súc, gia cầm vào rừng và báo cho bộ đội lấy để nuôi quân, không để cho địch cướp. Khi cán bộ đến mua thóc cho Chính phủ, nhiều nhà đã đồng ý cho cán bộ muốn lấy bao nhiêu thì lấy để cho bộ đội ăn no đánh giặc, nhờ vậy mà có ngày, bộ phận hậu cần đã huy động được hàng trăm tấn gạo. Đồng bào Mông vùng cao không quản vất vả, hiểm nguy đi bộ cả ngày qua nhiều chốt chặn của địch, mang lợn về cho bộ đội. Nghe bà Đôi kể, chúng tôi chợt nhớ đến nhận xét của một nhà báo nước ngoài khi phân tích về nguyên nhân thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ rằng, có được chiến thắng ấy, một phần quan trọng là nhờ vào việc Việt Minh đã huy động được một sức mạnh to lớn sức người, sức của phục vụ hậu cần cho chiến dịch, trong đó phần đóng góp không nhỏ của đồng bào dân tộc các tỉnh thuộc Liên khu Việt Bắc. Trong hồi ký "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử", Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết: "Trên những chiếc cầu tre mảnh khảnh, hoặc những cầu gỗ ghép bằng thân cây của công trình mới bắc qua suối, những chị dân công đòn gánh cong oằn vì gạo, đạn, cười nói vui vẻ vượt qua. Những anh dân công xe thồ lầm lũi điều khiển chú "voi con" đi thoăn thoắt trên đường. Vận tải xe thồ đã trở thành binh chủng vận tải quan trọng thứ hai, đứng sau xe cơ giới. Những đoàn ngựa thồ của đồng bào Mông từ rẻo cao xuống, những chị dân công người Tày, người Nùng, người Thái, người Dao…, chấm phá thêm màu sắc cho bức tranh liên hoàn dài vô tận. Lại có cả những đàn bò nghênh ngang, những chú lợn chạy lon ton dưới sự dẫn dắt kiên nhẫn của những chiến sĩ cung cấp, cũng đi ra mặt trận".
Bà Đôi kể, ngày ấy khắp núi rừng Tây Bắc, từ vùng cao đến vùng thấp, đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Hà Nhì, Mảng Ư... đều thi đua phục vụ chiến dịch. Phụ nữ người dân tộc vốn không đi xa nhà, chỉ quay sợi dệt vải, lo nội trợ gia đình, nay theo tiếng gọi của Đảng cũng nô nức lên đường, chẳng quản bom đạn, khó khăn đã cùng với nam giới làm đường, gánh gạo, tải thương. Nhiều gia đình mang cả ngựa thồ, thuyền, mảng của nhà mình đi chở vũ khí, lương thực phục vụ vài ba tháng, nhiều người đã hết thời gian quy định vẫn tình nguyện phục vụ lâu thêm…
Cụ Lù Thị Đôi thì kể cho chúng tôi nghe về ba lần trực tiếp nhận lệnh Đại tướng: "Ba lần Đại tướng gọi tôi đến trực tiếp giao nhiệm vụ. Có lần Đại tướng căn dặn kỹ: "Cô là Trưởng ban Dân vận của địa phương, phải tích cực tuyên truyền bà con ủng hộ cho chiến dịch, nhưng phải tuyệt đối bí mật việc quân ta xây dựng căn cứ chỉ huy để bảo đảm cho chiến dịch toàn thắng". Ngày ấy, tôi vận động người dân trong xã đóng góp được 9 tấn lúa, gạo và 5 con trâu. Sau khi chiến dịch kết thúc, Đại tướng cho mổ 3 con trâu để khao quân"…
Qua những câu chuyện như vậy, chúng tôi còn tìm thêm được nhiều tư liệu quý về một đội quân ít được nhắc đến, nhưng có những đóng góp vô cùng to lớn cho ngày chiến thắng - đó là "Đội quân Phó cối". Chuyện là thế này, đồng bào Tây Bắc bao đời nay quen giã gạo bằng tay, một vài nơi có cối giã gạo bằng sức nước để ngoài sông suối, giã ngày nào ăn ngày ấy. Khi chuẩn bị chiến dịch, đồng bào đóng góp được trên 10.000 tấn thóc nếp, để kịp thời xay thóc thành gạo cung cấp cho chiến trường, Tổng cục Hậu cần quyết định thành lập "Đội quân Phó cối" ngay tại chiến trường Điện Biên. Lính Phó cối được tuyển mộ từ các "phó cối" cứng cựa ở các đơn vị, từ dân công, thậm chí điều từ hậu phương lên. Họ nhanh chóng vào rừng chặt tre, bện dây làm áo cối, chẻ nan tre đóng nêm, dùng cây tre làm cần…chỉ trong thời gian ngắn hàng trăm chiếc cối xay lúa được xuất xưởng. Vô số các điểm xay, giã gạo mọc lên và được gọi là "Công trường diệt giặc". "Chiến đấu" suốt ngày đêm, "Đội quân Phó cối" đã kịp thời cho "ra xưởng" hàng nghìn tấn gạo, chi viện cho tiền tuyến. Để có đủ gạo cho bộ đội ăn no đánh giặc, đồng bào các dân tộc đã giã gạo cả vào ban đêm - việc mà trước đây bà con thường kiêng cữ, thậm chí cả nam giới cũng tham gia giã gạo - họ đã phá lệ từ bao đời là việc giã gạo chỉ có phụ nữ làm. Có thể nói sự đóng góp lương thực, thực phẩm tại chỗ của nhân dân địa phương cho chiến dịch là vô giá. Nôm na mà tính thì dùng dân công gánh gạo từ Yên Bái (chưa kể các tỉnh khác xa hơn như Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa…) sang Điện Biên Phủ thì trung bình mỗi người gánh được 25kg gạo, đi mất 20 ngày, đến nơi chỉ còn 5kg, việc vận chuyển trâu, bò, lợn, rau xanh…còn khó khăn hơn nhiều, đó là chưa tính đến những hiểm nguy, hy sinh, hao hụt do bom đạn địch, do thác sâu, vực sâu. Lương thực, đạn dược đầy đủ, không bị ẩm mốc. Trong chiến hào đánh lấn, lửa đạn mịt mù, chiến sĩ ta vẫn có cơm nóng để ăn, nước sôi để uống.
Sau này, nói về công lao của "Đội quân Phó cối" trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: "Nhân dân ta lập nên một kỳ công hoàn toàn ngoài sự ước lượng của địch, chúng ta đã bảo đảm việc cung cấp, tiếp tế cho một lượng bộ đội lớn chiến đấu trên một mặt trận rất xa hậu phương, trong một thời gian dài, một việc mà quân địch cho là chúng ta không thể làm được trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã đóng góp một lượng lương thực bằng khoảng 27% tổng nhu cầu lương thực của toàn chiến dịch. Đội quân Phó cối đã cùng đồng bào Tây Bắc góp phần không nhỏ làm nên chiến thắng lịch sử chấn động địa cầu".
Nói về sức mạnh đoàn kết quân dân cũng không thể không nhắc đến đánh giá của Cục trưởng Cục Hậu cần Trần Đăng Ninh: "Có tổng cộng 34.931 dân công phục vụ trực tiếp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ (28.619 dân công đi bộ, 6.312 dân công đi cùng với xe đạp thồ, tương ứng với 6.312 xe đạp thồ), trong đó gần một nửa là đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh vùng Đông Bắc và Tây Bắc. Họ đã góp phần xương máu làm nên kỳ tích bảo đảm hậu cần cho 87.000 bộ đội trực tiếp tham gia chiến đấu. Sau này, khi cả hai bên tiến hành tổng kết chiến tranh, về phía Pháp đã kết luận: Quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ cơ bản là do không đánh giá được hết sức mạnh tinh thần của Việt Minh. Quân Pháp cho rằng, họ sẽ chiếm ưu thế tuyệt đối về phương tiện, vũ khí và kinh nghiệm chiến tranh, trong đó, đặc biệt là vận chuyển bằng đường không. Thực tế, khi cả hai bên cùng chuẩn bị cho chiến dịch, cầu hàng không của quân Pháp đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc vận chuyển cung cấp hậu cần và lực lượng cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng khi bắt đầu chiến dịch, các sân bay của quân Pháp bị Việt Minh đánh chia cắt khống chế, pháo phòng không của Việt Minh lần đầu xung trận đã ngăn cản đắc lực, không cho máy bay của quân Pháp thả dù tiếp tế, nên đã gây khốn đốn cho quân Pháp. Quân Pháp cũng không thể tưởng tượng Việt Minh lại có thể huy động được sức người, sức của to lớn đến như vậy, chỉ bằng những đôi chân, đôi tay và đôi vai, những chiếc xe đạp thồ, những chiếc bè mảng, những con vật kéo… hết sức thô sơ trên những con đường mòn hiểm trở, nhưng đã vận chuyển được một khối lượng hàng hóa, lương thực, đạn dược khổng lồ phục vụ cho tiền tuyến. Chính nhờ sức mạnh to lớn ấy, trong đó có phần đóng góp rất quan trọng và trực tiếp của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Liên khu Việt Bắc, nên chúng ta đã làm nên một Chiến thắng Điện Biên Phủ vô cùng oanh liệt".
Giọng nghẹn lại, tay run run lấy khăn Piêu chấm những giọt nước mắt, cụ Lò Thị Đôi gọi cháu đem ảnh cụ chụp chung với Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra cho chúng tôi xem. "Tôi đứng đây này (cụ chỉ hình mình trong ảnh). Hôm nghe tin Đại tướng mất, tôi muốn lên hầm Đại tướng để thắp hương, nhưng chân yếu không đi được. Bây giờ mỗi lần nhớ Đại tướng tôi lại đem ảnh ra xem. Rồi lại khóc". Quây quanh cụ Đôi đã có bao khách tham quan đứng yên lặng nghe cụ kể, cũng khóc theo.
Lúc quay về qua Nghĩa trang Điện Biên Phủ, chúng tôi gặp tốp cựu chiến binh vừa vào thắp hương cho đồng đội. Một người râu tóc bạc phơ, huân chương kín ngực, giọng đầy suy tư: "Trong số gần nghìn mộ tại nghĩa trang này, chỉ thấy có vài ngôi là của người dân Điện Biên, Lai Châu, còn là người của các địa phương khác, là sao nhỉ?". Không ai trả lời. Mỗi người theo đuổi một dòng suy tưởng. Rồi bất chợt có ai đó khẽ ngâm đoạn trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu: "Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/Đèo Lũng Lô, anh hò chị hát/Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh... Hỡi các chị, các anh/Trên chiến trường ngã xuống/Máu của anh chị, của chúng ta không uổng/Sẽ xanh tươi đồng ruộng Việt Nam/Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng". Đúng rồi. Các chiến sĩ dù từ miền quê nào đến đây, đều được núi rừng, được đồng bào các dân tộc Điện Biên đùm bọc, chở che, nuôi dưỡng. Khi hy sinh, các anh lại được núi rừng Tây Bắc ôm vào lòng. Đất nước mình đâu cũng là quê hương... Thoáng thấy một vài cặp mắt già nhăn nheo, tưởng đã khô lệ khi đi qua bao cuộc chiến, chứng kiến không ít sự hy sinh của đồng đội... nay lại ngân ngấn nước. Không gian bỗng yên ắng đến lạ kỳ. Nghe rõ tiếng chuông chiều nghĩa trang ngân mãi trong thinh không. Đôi nhành hoa ban cuối mùa sót lại khẽ rung trong gió…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.