Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những con số nhiều ý nghĩa

Vân Vũ| 22/06/2010 06:40

LTS: Ngày 21-6, các địa phương đã hoàn thành việc báo cáo kết quả thi tốt nghiệp về Bộ GD - ĐT: 92,57% học sinh đỗ tốt nghiệp, cao hơn năm 2009 là 8,96%. Sẽ không bất ngờ và cũng không khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi đến thế nếu phân tích kết quả thi này trong đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh mà ngành GD-ĐT đã rất nỗ lực triển khai trong nhiều năm qua, nay đang ở ngưỡng "phá sản".


Bài 1: Những con số nhiều ý nghĩa

Những con số thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, trên phạm vi toàn quốc, tỷ lệ tốt nghiệp trong 4 năm thực hiện cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” tăng dần nhưng cũng có sự đột biến ở một số địa phương. Một số tỉnh, thành có truyền thống dạy tốt, học tốt vẫn ở tốp đầu nhưng đã có sự "đổi ngôi" ở tốp cuối. Những điều này liệu có gì bất thường?

Học sinh Trường THPT Việt - Đức phấn khởi với kết quả kỳ thi tốt nghiệp. Ảnh: Viết Thành

Kết quả đã được dự tính

Ngay sau khi công bố môn thi tốt nghiệp với 4 môn tự luận, 2 môn trắc nghiệm, đặc biệt có 2 môn địa lý và lịch sử, những thầy giáo nhiều kinh nghiệm đã dự đoán rằng, tỷ lệ thi tốt nghiệp năm nay sẽ cao hơn dầu lúc đó ít ai nghĩ đến chuyện năm 2010 là năm phải "tổng kết" cuộc vận động "Hai không". Lý do đơn giản, dẫu có nhiều đổi mới trong cách ra đề nhưng đề thi môn lịch sử và địa lý vẫn kiểm tra trí nhớ của học sinh là chủ yếu. Với học sinh thuộc diện "chấp chới" thì việc 2 tháng cuối trước kỳ thi tập trung ôn 2 môn này sẽ dễ đạt điểm trung bình hơn so với các môn khác như vật lý hay sinh học. Khi kỳ thi diễn ra, nhận định về kết quả thi sẽ cao lại thêm một lần được củng cố, vì đề thi cơ bản, bám sát chương trình và dễ hơn so với mọi năm, nhất là ở môn địa lý và toán. Trong quá trình chấm bài thi, không ít giáo viên đã đánh giá rằng, với đáp án yêu cầu không cao như năm nay, học sinh dễ đạt điểm trung bình.

Kết quả thực tế đã chứng minh những dự báo trên là đúng. Theo số liệu ban đầu, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm nay là 92,57%, tăng 8,96% so với năm 2009.

Liệu có bất thường?

Bốn năm qua, tỷ lệ tốt nghiệp THPT tăng trong bối cảnh các cuộc thi được triển khai ngày càng nghiêm túc hơn: năm 2007 tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông và bổ túc trung học phổ thông (lần 1) chỉ đạt 66,7%, có nhiều địa phương đạt dưới 50%; năm 2008 (lần 1) tỷ lệ tốt nghiệp là 76% (tăng hơn 9% so với năm 2007); năm 2009 tỷ lệ tốt nghiệp là 83,8% (không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2), tăng 7,8% so với năm 2008. Năm nay, tỷ lệ tốt nghiệp tăng 8,96%, cao hơn năm 2009 nhưng lại thấp hơn năm 2008. Trong xu hướng tăng chung vẫn có 7 tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp thấp hơn năm ngoái. Số địa phương có mức độ tăng cao hơn so với mức bình quân toàn quốc là 25 tỉnh, chiếm khoảng 45% tổng số tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp cao hơn năm 2009.

Một điều không đột biến nữa là những địa phương có truyền thống dạy tốt, học tốt vẫn ở tốp đầu và có mức tăng hợp lý. Trong số 7 địa phương đạt tỷ lệ tốt nghiệp trên 99% thì Nam Định dẫn đầu với 99,78% tốt nghiệp, tăng 1,56%; Hà Nam 99,73%, tăng 2,37%; Thái Bình 99,72%, tăng 2,87%; Bắc Ninh 99,4%, tăng 5,18%; Hải Dương 99,39%, tăng 7,69%; Phú Thọ 99,52%, tăng 9,66%; Hưng Yên 99,44%, tăng 12,62%.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã khẳng định, không có bất thường ở kết quả thi năm nay và càng không có chuyện buông lỏng để các địa phương nâng tỷ lệ theo ý muốn. Lý giải cho sự khẳng định này, những người có trách nhiệm cho rằng, sau 4 năm chống tiêu cực trong thi cử, chống ngồi nhầm chỗ nên chất lượng lứa học sinh tốt nghiệp năm nay tốt hơn. Thêm nữa, như Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời trên báo chí: Nguyên nhân quan trọng dẫn đến kết quả thi cao là các nhà trường đã quan tâm nhiều hơn đến việc phụ đạo học sinh học lực yếu trong suốt quá trình dạy học, đặc biệt là trong giai đoạn "nước rút" các thầy cô đã kèm cặp ôn tập, bồi dưỡng cho những đối tượng có nhiều "nguy cơ trượt tốt nghiệp". Với yêu cầu tốt nghiệp đạt 30 điểm, điểm liệt là 0 thì không phải quá khó để tập trung ôn tập cho học sinh đỗ tốt nghiệp. Tỷ lệ tốt nghiệp năm nay tăng ở loại đỗ trung bình và giảm ở loại khá giỏi đã chứng minh điều này. Cụ thể, tỷ lệ đỗ loại khá giỏi thấp hơn năm 2009 với 10,82% (năm 2009 là 11,3%), nghĩa là tỷ lệ đỗ trung bình tăng với 89,18% so với năm 2009 là 88,82%.

Dẫu trên phạm vi toàn quốc không có bất thường nhưng ở một số nơi đã có dấu hiệu của sự "đột biến" về chất lượng. Một vài tỉnh có tỷ lệ tốt nghiệp tăng quá nhanh gồm Hậu Giang (26,62%), Yên Bái (25,39%), Cao Bằng (25,36%), Hà Tĩnh (25,07%), Quảng Ngãi (23,3%); thậm chí có trường tăng đến 90% tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp sau một năm học. Như GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề: Giáo dục là lĩnh vực mà chất lượng không thể tăng đột biến, không thể có một phép màu để chất lượng có thể thay đổi quá nhanh sau một năm học. Nhưng để có câu trả lời chính xác về nguyên nhân tỷ lệ tốt nghiệp tăng cao ở một số tỉnh này, Bộ GD-ĐT chắc chắn sẽ phải "hậu kiểm", dù đã có thể "nhận diện" được "thủ phạm" là công tác coi thi.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những con số nhiều ý nghĩa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.