Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Những bất cập sau dồn điền, đổi thửa

Nguyễn Mai| 18/08/2014 05:41

LTS: Vẫn còn hàng loạt vấn đề nổi cộm đặt ra sau dồn điền, đổi thửa đang đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương cũng như người dân tập trung giải quyết...

LTS: Thành phố Hà Nội đã cơ bản hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT) với gần 97% diện tích. Sau dồn đổi, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu thực hiện theo quy hoạch, gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy vậy, vẫn còn hàng loạt vấn đề nổi cộm đặt ra sau DĐĐT đang đòi hỏi các ngành chức năng, các địa phương cũng như người dân tập trung giải quyết, để thực sự phát huy hiệu quả những giá trị thiết thực của công tác DĐĐT, tạo động lực để nông nghiệp Thủ đô bứt phá.

Bài 1: Những bất cập sau dồn điền, đổi thửa

Mặc dù việc triển khai DĐĐT trên địa bàn thành phố nơi sớm đã được 3 năm, muộn cũng đã qua 1, 2 vụ sản xuất… nhưng hầu hết hộ dân đều chưa được cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), khiến họ chưa thực sự yên tâm đầu tư vào sản xuất và gây nhiều khó khăn, phức tạp cho công tác quản lý đất đai ở các địa phương. Trong khi đó, cơ chế, chính sách của thành phố hỗ trợ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng còn nhiều rào cản, chưa phù hợp với thực tiễn.

Áp dụng tiến bộ KHKT là hết sức cần thiết trong việc xây dựng nền nông nghiệp vững mạnh. Ảnh: Thái Hiền


Ruộng mới nhưng sổ vẫn cũ

Ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Cẩm Hà, xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) cho biết: Việc DĐĐT ở thôn hoàn thành đã lâu, nguyện vọng của gia đình muốn lập đề án chuyển đổi đất lúa sang các mô hình mới không thực hiện được do chưa có GCNQSDĐ. Tương tự, nhiều hộ dân khác muốn cho các hộ có điều kiện làm nông nghiệp theo hướng trang trại thuê lại ruộng cũng vướng vì lý do tương tự. Việc quản lý đất nông nghiệp của chính quyền cơ sở do vậy cũng rất khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng Đỗ Văn Nghị cho biết, địa phương đang quản lý đất nông nghiệp không theo giấy chứng nhận. Tình trạng này đã dẫn đến một số tranh chấp đất đai. Rắc rối hơn, tại thôn Bắc Thượng, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, sau DĐĐT, 24 hộ dân đã tự ý lấn chiếm hơn 4.400m2đất đường giao thông, đất mương và đất công. Nguyên nhân do sau khi giao ruộng, chính quyền chỉ cắm cọc mốc nên 24 hộ dân đã tự dịch mốc giới, lấn chiếm bờ mương và đường giao thông nội đồng chưa được cứng hóa…

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc, huyện đã thực hiện DĐĐT được hơn 10.000ha nhưng đến nay vẫn chưa cấp GCNQSDĐ cho hộ dân nào bởi thiếu kinh phí. Theo tính toán, để cấp, đổi lại giấy chứng nhận phải đo đạc, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính của từng xã, thị trấn và riêng kinh phí thực hiện việc này hết khoảng 130 tỷ đồng nên phải chờ dự án của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Còn theo ông Đinh Văn Dũng, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Mỹ Đức, huyện đã thuê 6 công ty tư vấn đo đạc đạt trên 90% diện tích với tổng kinh phí 23 tỷ đồng (vẫn còn nợ doanh nghiệp) song phải dừng lại từ 3 tháng nay do chưa bố trí được kinh phí.

Khó tiếp cận cơ giới hóa

Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, mức độ trang bị động lực cho nông nghiệp của Hà Nội mới đạt 0,81 HP (mã lực)/ha canh tác, thấp hơn nhiều chỉ số bình quân chung của cả nước là 1,12 HP. Cụ thể, tỷ lệ cơ giới hóa trong làm đất của Hà Nội chỉ đạt 69,2% (cả nước đạt 89,5%), gieo cấy đạt 7,1% (cả nước đạt 25%), thu hoạch đạt 7,8% (cả nước đạt 20%). Thực tế, với định hướng phát triển nông nghiệp chất lượng cao, quy mô lớn thì việc áp dụng cơ giới hóa là việc tất yếu phải làm. Giải quyết vấn đề này, từ tháng 6-2012, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND (QĐ 16) về quy định thí điểm một số chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012-2016. Về cơ giới hóa, ngân sách thành phố hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện thông qua hợp đồng tín dụng vay vốn của các ngân hàng thương mại, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách thành phố.

Chính sách ra đời, người nông dân rất phấn khởi. Thế nhưng khi bắt tay vào vay vốn mới thấy vô cùng khó khăn. Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) Đỗ Văn Nghị cho biết, để được hỗ trợ theo QĐ 16, người dân phải vay vốn ngân hàng để mua máy móc. Tuy nhiên, để được vay vốn phải đáp ứng rất nhiều loại giấy tờ: hợp đồng tín dụng, thế chấp tài sản vay nợ, bản kê tính lãi của ngân hàng thương mại, hóa đơn mua máy móc, thiết bị, nhất là phải có hóa đơn VAT (10%)… Do đó, không người dân nào trên địa bàn mặn mà với hình thức hỗ trợ này.

Trong khi việc hỗ trợ cơ giới hóa theo QĐ 16 chưa phát huy hiệu quả thì tại nhiều huyện, với những hỗ trợ riêng, cụ thể, sát với nhu cầu thực tế lại cho hiệu quả rõ rệt. Theo Chủ tịch UBND xã Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Nguyễn Trung Tình, từ cuối năm 2013, xã đã hoàn thành DĐĐT 315/317ha tại 10 cụm dân cư. Sau DĐĐT, với sự hỗ trợ kinh phí của huyện, HTX đã mua 2 máy làm đất, 3 máy cấy, cuối vụ xuân 2014 mua thêm 1 máy gặt đập liên hợp. Đến nay, HTX đã phục vụ cả 3 khâu: Làm đất, cấy máy và gặt cho người dân với giá trọn gói 380 nghìn đồng/sào, giảm ½ so với cách làm truyền thống và giảm hơn 20% so với giá thuê cơ giới của tư nhân. Còn tại huyện Phú Xuyên, đã có 455 máy làm đất, 2 máy gieo mạ khay tự động, 134 máy cấy và 10 máy gặt đập liên hoàn. "Chúng tôi hỗ trợ người dân, nếu mua máy cấy của Nhật Bản hết 90 triệu đồng sẽ được huyện hỗ trợ 45 triệu, xã hỗ trợ 15 triệu, HTX hỗ trợ 10 triệu, người dân chỉ phải bỏ ra 20 triệu đồng. Do được hỗ trợ lớn nên những hộ làm 1 mẫu ruộng trở lên thường đầu tư mua máy để phục vụ sản xuất cho chính gia đình mình" - Phó phòng Kinh kế huyện Nguyễn Văn Cương cho biết.

Rõ ràng, nếu hỗ trợ sau đầu tư theo QĐ 16, việc triển khai cơ giới hóa khó có thể thực hiện thì những hỗ trợ trực tiếp của các huyện đã và đang tiếp sức cho phát triển nông nghiệp ở các địa phương lại rất hiệu quả. Nó cần được các cơ quan chức năng của thành phố xem xét để sớm có điều chỉnh chính sách cho phù hợp.

Báo cáo của BCĐ Chương trình 02 Hà Nội, đến thời điểm hiện nay, mới có 3 huyện thực hiện cấp lại GCNQSDĐ được 162.393 hộ, cụ thể: Ứng Hòa cấp được 106.274 hộ, Đan Phượng 42.025 hộ và Quốc Oai 14.094 hộ. Sự chậm trễ này đã dẫn đến những hệ lụy như người dân chưa yên tâm phát triển sản xuất, không có cơ sở để thế chấp vay vốn; đặc biệt là việc quản lý đất đai ở địa phương rất khó khăn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Những bất cập sau dồn điền, đổi thửa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.