(HNM) - Không chỉ có đu đủ, hồng xiêm, sầu riêng, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện quả dừa cũng được nông dân sử dụng thuốc thúc chín để tạo mẫu mã đẹp và bảo quản được lâu.
LTS: Mới đây, ngày 13-11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49 - CATP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) bắt giữ 20 thùng thuốc lạ, nhãn mác, bao bì được in bằng tiếng Trung Quốc, trong đó có khoảng 80.000 tuýp ở dạng lỏng trong suốt, được nghi là thuốc kích thích cây trồng tăng trưởng. Đây chỉ là một trong số hàng trăm vụ vi phạm về kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc kích thích tăng trưởng bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Vụ việc cho thấy, công tác quản lý các loại thuốc này dường như đã vượt quá tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng!
Bài 1: Nguy hại khôn lường
Không chỉ có đu đủ, hồng xiêm, sầu riêng, mới đây cơ quan chức năng đã phát hiện quả dừa cũng được nông dân sử dụng thuốc thúc chín để tạo mẫu mã đẹp và bảo quản được lâu. Ngoài ra trước đó các cơ quan chức năng phát hiện nhiều loại thuốc BVTV có tính năng kích thích tăng trưởng trên rau mầm, giá đỗ. Tình trạng này đang gây hoang mang cho người tiêu dùng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của những doanh nghiệp, nông dân làm ăn chân chính.
Các cơ quan chức năng cần hướng dẫn người sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng đúng quy định. Ảnh: Lê Tuấn |
Không chỉ kích thích giá đỗ
Đầu tháng 10-2013, lực lượng thanh tra chuyên ngành Sở NN&PTNT Hà Nội tiến hành kiểm tra các cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ở thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, phát hiện, tịch thu 13 loại thuốc đã hết hạn và một bao tải đựng thuốc thúc chín hoa quả (xuất xứ Trung Quốc), với số lượng lên tới 1.500 ống. Ngày 13-11, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về môi trường (PC49-Công an TP Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 11 (Hà Nội) tạm giữ chiếc xe tải mang BKS 29C-215.28 tại ga Yên Viên. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trong xe có chứa 20 thùng thuốc lạ, nhãn mác, bao bì được in bằng tiếng Trung Quốc, trong đó có khoảng 80.000 tuýp ở dạng lỏng trong suốt, được nghi là thuốc kích thích cây trồng tăng trưởng. Theo thông tin hướng dẫn sử dụng được in trên bao bì, thuốc có thể làm cho một cây rau mầm lớn thêm 2-3cm trong vòng 4-5 tiếng đồng hồ. Lái xe khai nhận, số hàng nêu trên được đưa vào qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) về Hà Nội, rồi phân phối đi một số tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ngãi, Phú Yên và TP Hồ Chí Minh. Không chỉ riêng Hà Nội, đầu tháng 10-2013 vừa qua, Thanh tra chuyên ngành Sở NN&PTNT Quảng Bình cũng đã kiểm tra và phát hiện hai cơ sở sản xuất giá đỗ ở huyện Lệ Thủy sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc để kích thích giá phát triển. Còn tại TP Hồ Chí Minh lực lượng chức năng cũng đã phát hiện một số cơ sở sản xuất giá đỗ sử dụng các loại thuốc, hóa chất tăng trưởng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Tại hội nghị về quản lý, sử dụng thuốc BVTV do Bộ NN&PTNT tổ chức, đại diện tỉnh Đắc Lắc cho biết, ở các vườn sầu riêng trên địa bàn tỉnh, sau khi thu hoạch hàng loạt trái sầu riêng xanh, nông dân đem nhúng vào một loại dung dịch màu vàng đựng trong thùng nhựa. Sau đó, họ lấy ra, để cho ráo nước và ngấm thuốc, chờ thương lái đến mua. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục BVTV Đắc Lắc đã tiến hành kiểm tra và xác định loại thuốc "Trái chín" mà nông dân nơi đây sử dụng là phân bón lá, không nằm trong danh mục được Bộ NN&PTNT cho phép lưu hành. Không dừng lại ở giá đỗ, trái cây, thời gian qua, tại vùng sản xuất rau su su lớn nhất cả nước là Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cơ quan chức năng cũng phát hiện tình trạng nông dân sử dụng chất kích thích cho rau nhanh phát triển. Kết quả kiểm tra cho thấy, các loại thuốc kích thích đó có hoạt chất trong nhóm lân hữu cơ. Những hoạt chất này được khuyến cáo hạn chế sử dụng trên rau, bởi thời gian cách ly từ 10 đến 15 ngày mới được thu hoạch.
Nguy hại nhưng vẫn bán, vẫn mua
Với 1.500 ống thuốc thúc chín hoa quả được phát hiện tại huyện Ba Vì, trên nhãn mác thuốc có ghi: "Loại thuốc này có khả năng ăn mòn kim loại, có chất kích thích đối với mắt và da". Thực tế, hầu hết các loại hóa chất có tính năng kích thích tăng trưởng được nông dân sử dụng là những loại thuốc nằm ngoài danh mục, không được lưu hành sử dụng theo quy định của Bộ NN&PTNT và chưa được kiểm nghiệm về mức độ độc hại. Việc sử dụng tràn lan hóa chất không trong danh mục, không được khuyến cáo và hướng dẫn sử dụng sẽ gây nguy hại khôn lường đến môi trường và sức khỏe con người. Theo Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Hồng, qua kiểm tra, phân tích các mẫu thuốc thúc chín cho thấy, thành phần chủ yếu trong đó là chất ethephon, tinh thể màu trắng, rắn, tỷ lệ hòa tan tốt. Đây là chất diệt côn trùng, gây cay mắt, được Tổ chức Y tế thế giới xếp vào nhóm D và giới hạn cho phép sử dụng là 0,05mg/1kg trọng lượng cơ thể.
Tuy kết quả kiểm nghiệm như vậy, nhưng theo ông Phùng Hữu Hào, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT), ethephon về bản chất không gây nguy hại cao với sức khỏe con người, song ở nước ta chưa được đăng ký sử dụng trong nông nghiệp, nên việc khuyến cáo dùng như thế nào vẫn chưa có hướng dẫn; mức độ an toàn sản phẩm và liều dùng thế nào là an toàn chưa được xác định rõ. Trên thực tế, tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, họ cho phép sử dụng các chất kích thích sinh trưởng và thuốc thúc chín trái cây, rau, nhưng việc quản lý và sử dụng thuốc được kiểm soát chặt chẽ. Hiện tại, Cục BVTV đang tổng hợp các chất điều hòa sinh trưởng và chất bảo quản với nông sản.
Nhiều tiểu thương được hỏi cho biết, việc mua, bán hóa chất có tính năng kích thích sinh trưởng, thúc chín hoa quả hiện nay quá dễ dàng. Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Nguyễn Duy Hồng cho rằng, nếu không sử dụng đúng liều lượng và đúng thời gian cách ly sau khi sử dụng thuốc trong danh mục cho phép cũng gây nguy hại đến sức khỏe con người, chưa nói đến thuốc ngoài danh mục, không có hướng dẫn sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.