Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Nghịch lý thiếu và thừa

Quỳnh Dung - Bạch Thanh| 09/05/2011 06:41

LTS: Từ nhiều năm nay, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm (GSGC) hiện đại, với mục tiêu đến năm 2020, giết mổ công nghiệp phải chiếm thị phần khoảng 80%, giết mổ thủ công tập trung còn 15% và các hộ giết mổ nhỏ lẻ chỉ còn chiếm 5%.

Trung bình mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 600 tấn GSGC. Để đáp ứng nhu cầu đó, hàng loạt lò giết mổ nhỏ lẻ hình thành tự phát và hoạt động hết công suất. Trong khi đó, các lò giết mổ công nghiệp chỉ đếm trên đầu ngón tay, lại trong cảnh "dở khóc, dở  mếu".

Những dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm hiện đại góp phần bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Ảnh: Ngọc Linh


Các lò giết mổ nhỏ lẻ tràn lan

Hoạt động giết mổ  GSGC trên địa bàn Hà Nội hình thành cùng sự phát triển của thành phố và đến nay phần nhiều vẫn là tự phát với công nghệ thủ công là chính. Hiện nay, Hà Nội có 3.725 hộ giết mổ GSGC nhỏ lẻ với khối lượng giết mổ gần 300 tấn/ngày, đáp ứng gần 50% nhu cầu thịt trâu, bò, 33,22% nhu cầu thịt lợn và 56,7% nhu cầu thịt gia cầm. Tất cả các hộ này đều giết mổ thủ công, không có kho bảo quản thịt trước khi xuất bán... Ngành thú y chưa quản lý được hoạt động giết mổ nhỏ lẻ, chỉ quản lý kiểm dịch sau giết mổ tại các chợ chính. Điều đáng nói hơn, Hà Nội có năm cơ sở giết mổ công nghiệp nhưng hoạt động chỉ đạt 10% công suất giết mổ lợn và 35,71% công suất giết mổ gia cầm - chỉ đáp ứng được 1,23% nhu cầu thịt lợn, 6,99% nhu cầu thịt gia cầm. Các lò giết mổ nhỏ lẻ hoạt động hết công suất, còn các lò mổ hiện đại, đầu tư hàng tỷ đồng lại hoạt động cầm chừng, thua lỗ nặng.

Ông Cấn Xuân Bình, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, hầu hết các điểm giết mổ nhỏ lẻ đều nằm ở nhà dân, mỗi hộ chỉ giết từ 2-3 con lợn, 10-30 con gia cầm nên gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong vấn đề kiểm soát sản phẩm. Hiện nay, ngành chỉ kiểm tra được phần ngọn khi họ mang sản phẩm ra chợ bán, còn nguồn gốc xuất xứ không thể kiểm soát nổi! Một thực tế hiện nay là việc tổ chức và quản lý giết mổ sản phẩm GSGC của nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng không theo kịp với sự phát triển của sản xuất, chăn nuôi và nhu cầu tiêu dùng của xã hội. Hiện nay, tại hầu hết các tỉnh phía Nam, việc xây dựng các lò mổ công nghiệp đã đạt được những kết quả khả quan, trong khi ở nhiều tỉnh phía Bắc, ngay cả Thủ đô Hà Nội, việc xây dựng các lò giết mổ công nghiệp vẫn còn rất gian nan.

Vì sao lò mổ hiện đại phải hoạt động cầm chừng?

Có một nghịch lý là các lò giết mổ tập trung luôn trong tình trạng "ế ẩm" trong khi giết mổ "chui" vẫn ngang nhiên tồn tại và thường hoạt động hết công suất. Thực tế, không phải Hà Nội chưa có dây chuyền giết mổ GSGC hiện đại. Trong năm 2005-2006, khi dịch cúm gia cầm bùng phát mạnh, Công ty TNHH nhà nước một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội (Hadico) đã đầu tư xây dựng một cơ sở giết mổ hiện đại với công suất từ 700-1.000 con gia cầm, tổng kinh phí đầu tư trên một tỷ đồng ở xã Minh Khai, huyện Từ Liêm. Nhưng khi xây dựng xong, cơ sở này chỉ hoạt động được sáu tháng và số tiền thua lỗ cũng bằng đúng số tiền đầu tư xây dựng. Ông Phan Minh Nguyệt, Tổng Giám đốc Hadico cho biết, toàn bộ số tiền thua lỗ, DN hoàn toàn tự chịu, để thoát khỏi tình trạng thua lỗ nặng DN phải cho dừng và đóng cửa nhà máy. Hiện nhà máy chuyển sang làm thương mại, nhập khẩu thịt gia cầm về bán. Nguyên nhân của tình trạng trên, theo ông Phan Minh Nguyệt, phí giết mổ mỗi con gia cầm tại đây tăng khoảng 5.000 đồng so với giết mổ thủ công, mà lại phải đi xa.

Trên địa bàn Hà Nội vẫn tồn tại nhiều lò giết mổ tự phát. Ảnh: Ngọc Linh


Trong khi đó, ngay tại lề đường, ngoài chợ, không mất phí giết mổ, chỉ cần ba - năm phút là có thực phẩm mang ra chợ bán. Vì vậy, tâm lý các hộ đều ngại đưa gia súc gia cầm vào các cơ sở giết mổ công nghiệp. Ngay như việc di chuyển lò mổ Thịnh Liệt về cơ sở giết mổ Minh Hiền (Thanh Oai) cũng chưa được như mong muốn. Mặc dù TP đã có cơ chế hỗ trợ các hộ giết mổ nhưng kể từ khi buộc phải di chuyển (ngày 1-12-2010) đến nay, chỉ có 14/26 hộ chuyển về giết mổ ở cơ sở Minh Hiền, còn một số hộ khác vẫn giết mổ "chui" ở các huyện Thanh Trì, Từ Liêm...

Ông Lê Đình Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Xuất khẩu thực phẩm (Foodex) ở huyện Đan Phượng cho biết, công ty đã đầu tư 25 tỷ đồng xây dựng khu giết mổ tập trung công suất 9.000 tấn/năm, dây chuyền chế biến đồng bộ, đạt tiêu chuẩn châu Âu. Năm 2008, dây chuyền hoàn thành và đi vào hoạt động nhưng đến nay khu giết mổ này chỉ hoạt động cầm chừng đạt khoảng 20% -30% công suất. Hiện nay, công ty chỉ duy trì hoạt động từ các hợp đồng bán cho siêu thị.

Trước thực trạng, hầu hết các lò giết mổ tập trung đều hoạt động cầm chừng. Mặc dù, TP cũng đã có những cơ chế khuyến khích cho DN hoạt động trong lĩnh vực này, tuy nhiên với số tiền bỏ ra hàng tỷ đồng mà lợi nhuận thu về không đủ bù chi, thì rõ ràng việc quản lý giết mổ GSGC vẫn là bài toán nan giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Nghịch lý thiếu và thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.