(HNM) - LTS: Giữa nhiệt độ mùa hè có lúc lên tới 39-40 độ C, không thể tưởng tượng được hơn 3 vạn công nhân KCN Bắc Thăng Long đang sinh sống tại xã Kim Chung, Đông Anh lại có thể nhịn tắm nước sạch...
Theo thống kê, ở KCN Kim Chung, Đông Anh và các vùng phụ cận khác như Hải Bối, Uy Nỗ... một người công nhân lao động với mức lương khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng đang phải trả tới 50 - 60.000 đồng nếu sử dụng nước sạch.
Số tiền này bằng với mức thu nước sạch trung bình của một gia đình thành phố, thế nên nhu cầu sử dụng nước sạch ở đây đang được coi là xa xỉ và "xài sang", người công nhân đành ngậm ngùi từ chối dùng nước sạch - điều được Liên hợp quốc xếp là một quyền cơ bản của con người.
Sống chung với nước bẩn
Hằng ngày, công nhân vẫn phải dùng nước giếng khoan tại xã Kim Chung, Đông Anh. Ảnh: Dương Hiệp
Chìa phần cổ tay lấm tấm những nốt không màu, nhày nhày nước đang bong tróc nham nhở, Sơn, quê ở Thanh Hóa đang trú tại Đội 5, thôn Bàu, xã Kim Chung cho biết, đó là kết quả của những ngày tắm thứ nước giếng khoan. Phòng trọ nhỏ của Sơn có 4 người cùng quê thì tay chân ai cũng xuất hiện hiện tượng trên. Những cô bạn gái cùng ở trong dãy phòng trọ lúp xúp thì đùa nhau: "Càng tắm giếng khoan thì càng đen. Mời nhà báo trèo lên bể nước hay ra nhìn mảng tường phòng trọ mà xem…". Nói rồi, những người công nhân này dẫn chúng tôi xem mảng tường khu nhà tắm công cộng của dãy phòng trọ, bên trên là bể chứa nước giếng khoan. Bức tường, theo giới thiệu, mới được sơn lại cách đây vài tháng, nhưng với mức độ ngày nào cũng phải bơm nước giếng khoan lên 2 lần sáng và chiều, không biết do trong nước chứa chất gì mà từng mảng vôi đã bong tróc loang lổ, chỗ nào nước chảy tràn xuống cả mảng tường đổi màu đen kịt. Theo các công nhân, trước đây, gia chủ dùng ống dẫn nước bằng sắt, nhưng được một thời gian ngắn bản thân ống nước này cũng đổi màu ố vàng và bám gỉ phải thay bằng ống nhựa để giảm chi phí thường xuyên bảo dưỡng, sửa chữa. Quá bức xúc, nên hình như chẳng cần ý tứ, tế nhị, mấy bạn nữ công nhân còn nhanh nhảu vào tận nhà và lấy sào dài khều mớ quần áo màu trắng vừa giặt xong treo lơ lửng trên cao cho cánh báo chí tận mắt thấy những vết ố vàng vì thường xuyên giặt giũ trong thứ nước mà họ phải dùng để sinh sống hằng ngày.
Bữa cơm cuối ngày, ở Kim Chung dù chỉ đơn sơ rau đậu nhưng cũng "nóng hầm hập" xung quanh câu chuyện nước sạch. Hoàng Thị Xiên, quê ở Kim Bôi (Hòa Bình), công nhân Công ty Canon, đang thuê trọ ở đội 7, thôn Bầu, xã Kim Chung cho biết, tôi đến thuê trọ ở đây được 6 tháng, nhà trọ có nước máy, nên chúng tôi có đăng ký sử dụng. Nhưng mỗi tháng chủ nhà trọ thu 50 nghìn đồng/người/ tháng. Số tiền này theo chủ nhà giải thích là phải trả cho ngành nước theo giá dịch vụ. Vì không "chịu" được mức giá đó, tôi và các bạn thuê trọ bàn nhau nói chủ nhà cho dùng nước giếng khoan để giảm 20 nghìnđồng/người/tháng. Nguyễn Thúy Hà, quê ở Lạc Thủy (Hòa Bình), công nhân Công ty NISEI tính toán, với mức lương chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng, trả tiền thuê trọ "mất" 250 nghìn đồng/tháng, nước 50 nghìn đồng/tháng là quá sức. Vì thế em và các bạn phải "sáng tạo" ra cách, chỉ dùng nước máy để nấu cơm, canh, đun uống, còn tắm giặt bằng nước giếng khoan. Với cách này, mỗi tháng em tiết kiệm được 20-30 nghìn đồng.
Ông Phan Văn Biên, Chủ tịch xã Kim Chung cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã Kim Chung hiện có khoảng 2,6 vạn công nhân đang ở trọ trong khu nhà dân và khoảng 7.000 người ở trong các dãy nhà cao tầng tập thể do Nhà nước tạo điều kiện xây dựng trên địa bàn xã. Để phục vụ nhu cầu nước sạch cho từng đấy con người, hiện tại xã Kim Chung mới tạm thống kê được có khoảng 2.500 giếng khoan. Hầu hết số giếng khoan này đều tự phát do người dân tự đào, khoan. Cũng theo ông Biên, hiện tại ở những khu vực trũng của xã Kim Chung như thôn Hậu và khu vực phía Bắc xã, nước giếng khoan đã xuất hiện hiện tượng ô nhiễm. Khi pha chè thì có màu xanh lét, khi giặt giũ thì quần áo có hiện tượng ố vàng, nước có cặn... Ở những khu vực cao hơn trong xã như thôn Đông Bàu và Tây Bàu nhiều nhà đã phải khoan sâu thêm để với tới được mạch nước ngầm đang ngày càng có nguy cơ tụt độ cao. Ông Biên cũng bức xúc cho biết: "Mới đây, một số cơ quan thông tấn báo chí, trung ương và Hà Nội, đã cử đoàn phóng viên đến địa phương phản ánh về tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Cứ tưởng sau khi hình ảnh về những gáo nước bám cặn, ố vàng khi được phát trên sóng truyền hình, bức xúc bấy lâu của xã và của người công nhân lao động sẽ được Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Đông Anh giải quyết tắp lự. Nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được động thái tích cực nào!"
Qua đợt khảo sát thực tế tại khu trọ của công nhân ở xã Kim Chung, để chuẩn bị thành lập tổ công nhân tự quản trên địa bàn xã cách đây vài tuần, ông Đặng Minh Thuần, Phó Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết: Chúng tôi nhận được nhiều kiến nghị từ chính quyền xã bức xúc trước thực trạng người công nhân lao động phải trả tiền nước với giá cao hơn 12.000 đồng/1m3. Ngay lập tức, LĐLĐ thành phố đã kiểm tra các khu trọ của công nhân xác minh thông tin và ghi nhận thực trạng đúng như vậy. Hiện nay, LĐLĐ thành phố đã chỉ đạo LĐLĐ huyện Đông Anh rà soát, lập danh sách những công nhân đã được dùng nước sạch (đang phải trả tiền với giá kinh doanh 12.000 đồng/1m3) và những công nhân đang phải dùng nước giếng khoan. Trên cơ sở đó, LĐLĐ sẽ kiến nghị với UBND thành phố để giải quyết bức xúc của công nhân. Ngành điện đã thực hiện phương án ưu đãi cho công nhân cứ 4 người được tách một công tơ riêng, để được hưởng mức giá như hộ gia đình sử dụng, chúng tôi mong ngành nước cũng quan tâm thực hiện như ngành điện, để công nhân không phải trả tiền nước theo mức giá kinh doanh như hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.