Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Muôn hình vạn trạng

Thu Hằng - Nguyễn Mai| 05/05/2011 05:56

LTS: "Cơn lốc" đô thị hóa tại Hà Nội nói riêng và trên khắp mọi miền của cả nước nói chung đang diễn ra với tốc độ chóng mặt. Do đó khu vực nông thôn không tránh khỏi những ảnh hưởng khá nặng nề.

Vùng quê ngoại thành Hà Nội hôm nay đã khác lạ rất nhiều, đã hiếm dần những cánh đồng thẳng cánh cò bay; những cây đa, bến nước, sân đình, những ngôi nhà mái ngói thấp thoáng bên vườn cây ăn quả, những lũy tre xanh bao bọc quanh làng... Thay vào đó là các khu công nghiệp, khu chế xuất, đô thị mới… xuất hiện ngày càng nhiều, những ngôi nhà cao tầng đủ kiểu mọc lên san sát không tuân thủ bất cứ quy hoạch nào, tạo nên một diện mạo nông thôn xô bồ, nghịch lý như người "mặc quần tây, đội khăn xếp"... làm mất đi vẻ đẹp vốn có của những vùng nông thôn truyền thống.

Quang cảnh “cây đa, bến nước, sân đình” thời hiện đại. Trong ảnh: Làng Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: Bá Hoạt


Khoảng chục năm trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bộ mặt nông thôn cũng có nhiều thay đổi, nhất là hệ thống kiến trúc nhà ở. Những ngôi nhà bê tông cốt thép cao, thấp xuất hiện ngày càng nhiều xen lẫn nhà truyền thống tạo nên một bức tranh kiến trúc xô bồ, muôn màu sắc.

Lộn xộn nhà ở nông thôn

Khi đời sống kinh tế xã hội không ngừng được cải thiện, ý tưởng xây dựng "nhà cao, cửa rộng" đáp ứng nhu cầu cuộc sống của người dân là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, việc xây dựng nhà ở nông thôn hiện nay phần lớn vẫn theo kiểu tự phát "mạnh ai người ấy làm" dẫn đến cảnh nhà thò, nhà thụt, cái cao, cái thấp. Sự thanh bình hài hòa của những làng quê với cây đa, bến nước, sân đình cùng một không gian văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc bộ đang dần mai một theo thời gian. Đi trên đoạn đê tả Đáy qua các xã Song Phương, Tiền Yên, Đắc Sở, Yên Sở, Cát Quế của huyện ven đô Hoài Đức mới thấy rõ điều này. Những ngôi nhà ngói với kiến trúc đặc thù của vùng Đồng bằng Bắc bộ 3 gian hoặc 5 gian, xen lẫn những rặng cau, hàng dừa, ao làng, bến nước tạo cảnh đẹp hữu tình dường như không còn. Thay vào đó là những ngôi biệt thự, nhà ống bê tông, cốt thép cao tầng với lối kiến trúc tây, ta kết hợp, cao, thấp lộn nhộn, đủ các loại màu sắc... Ông Nguyễn Đình Long, Chủ tịch UBND xã Yên Sở thừa nhận: "Trước đây, làng Yên Sở vốn được coi là làng dừa nhưng giờ đây dừa còn rất ít. Đời sống kinh tế của người dân ngày một khá giả, mỗi năm xã có khoảng trên 100 ngôi nhà xây mới với số tiền khoảng trên 40 tỷ đồng, chủ yếu do người dân tự xây, chính quyền cũng chưa có hướng dẫn gì".

Không chỉ ở những huyện ven đô như Hoài Đức, Từ Liêm, Thanh Trì thay đổi nhanh chóng mà ở những huyện vùng sâu, vùng xa như Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, thậm chí ngay ở các làng cổ, kiến trúc nhà ở nông thôn truyền thống cũng đang bị phá vỡ. Bà Lã Thị Du, Trưởng thôn Cốc Thôn (Cam Thượng, Ba Vì) cho hay: "Trước đây ở Cốc Thôn có khoảng 200 nóc nhà cổ thì nay chỉ còn lại 60. Mới đây, ngôi nhà cổ hơn 200 năm tuổi của gia đình ông Đặng Văn Chinh bị phá bỏ và thay vào đó là một ngôi nhà cao tầng, được xây khá hoành tráng".

Nhà cao tầng mọc lên san sát tại xã Vân Tảo, huyện Thường Tín. Ảnh: Bá Hoạt

Ai quản, ai chịu trách nhiệm?

Nguyên nhân khiến kiến trúc nhà ở nông thôn bị phá vỡ có nhiều, song chung quy lại vẫn do tốc độ đô thị hóa, do quá bức xúc về chỗ ở, đất đai có giá. Chứng kiến cảnh làng quê đang ngày một thay đổi, nhiều người mừng nhưng cũng không ít người băn khoăn. "Kiến trúc nhà ở nông thôn tùy tiện, đa dạng về mẫu mã, tình trạng bê tông hóa len lỏi khắp các ngõ ngách khiến làng quê ngột ngạt, nóng bức, nhưng đến nay vẫn không có một cơ quan nào, một tài liệu nào hướng dẫn nông dân xây nhà sao cho phù hợp với điều kiện kinh tế, không phá vỡ cảnh quan yên tĩnh vốn có của làng quê"- bà Quách Thị Hồng, cán bộ văn hóa xã Cam Thượng, huyện Ba Vì chia sẻ. Trong khi đó, hầu hết các vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội chưa có quy hoạch. Theo ông Vũ Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc: "Trước đây chỉ một số ít xã thuộc khu vực Hà Nội cũ có quy hoạch. Tuy nhiên đây chỉ là các quy hoạch nông thôn đơn thuần, so với các quy hoạch về NTM hiện nay không còn phù hợp, hoặc chỉ đạt một phần của tiêu chí". Xu hướng phát triển đi lên là tất yếu, vẫn biết không thể giữ được toàn bộ cảnh quan, kiến trúc truyền thống, nhưng cũng không thể vì thế mà phá bỏ đi mọi giá trị mà các thế hệ đi trước để lại. Đặc biệt, đối với khu vực nông thôn, không thể áp đặt một kiểu kiến trúc cho mọi ngôi nhà và không gian làng truyền thống bởi mỗi vùng sẽ có sắc thái riêng nhờ địa thế, tập quán sống khác nhau. Điều quan trọng là trên cơ sở những nét riêng về đời sống văn hóa, về kinh tế - xã hội của mỗi vùng, cơ quan chức năng cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể để nhà ở nông thôn vừa đáp ứng tốt nhu cầu cuộc sống vừa tạo nên những nét đặc trưng cho kiến trúc, văn hóa làng quê Việt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Muôn hình vạn trạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.