Hệ thống ao hồ là một nét đặc thù không thể thiếu của Hà Nội - Thành phố nghìn năm tuổi. Thế nhưng, trong nhiều năm qua, hàng loạt ao hồ trên địa bàn thành phố đã và đang bị lấn chiếm hoặc rơi vào tình trạng ô nhiễm trầm trọng. Nhận thức rõ sự cấp thiết của việc cứu các ao hồ, những ngày cuối năm 2009, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã có chủ trương huy động mọi nguồn lực của xã hội để cùng với các cấp chính quyền quyết liệt vào cuộc.
>Hà Nội mở chiến dịch cứu các hồ nội thành
Mặc dù có một vai trò khó có thể thay thế trong cuộc sống thường ngày của đời sống đô thị, song ao hồ nội thành Hà Nội đã bị bức tử liên tục trong nhiều năm.
Những hoạt động kiến tạo địa chất hàng nghìn năm trước cùng những cuộc đổi dòng của sông Hồng đã tạo nên một vùng đất có rất nhiều hồ, ao, đầm lầy mà sau này vua Lý Thái Tổ đã lựa chọn làm kinh đô của nước Đại Việt. Điều này còn thấy rất rõ trên các bản đồ TP Hà Nội được xuất bản vào cuối thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX.
Nhạt phai một nét đặc thù của Hà Nội
Các đơn vị thi công cải tạo hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất. Ảnh: Đàm Duy
Trong Đề án cải tạo môi trường các hồ ở nội thành Hà Nội của Sở Xây dựng có nhận định: "Đặc điểm nổi bật của Hà Nội là thủ đô có nhiều hồ, ao nhất trên thế giới". Chắc chắn rằng nếu so với các đô thị ở Việt Nam, Hà Nội là đô thị nhiều hồ nhất. Ngoài ao, hồ tự nhiên, Hà Nội còn có một số hồ được xây dựng theo quy hoạch, nhưng không nhiều.
Tuy nhiên, quá trình phát triển, đặc biệt là quá trình đô thị hóa, diện tích mặt hồ, đầm đã giảm rất nhiều, thậm chí có hồ, đầm đã biến mất. Ở làng Khương Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội), trước đây, ngoài chiếc ao đình như bao ngôi làng khác trên đồng bằng Bắc bộ, trong làng có rất nhiều ao. Có những gia đình có tới 2 hoặc 3 ao, khi đó vừa được dùng để thả rau, bèo, vừa nuôi cá, tắm, giặt. Nhưng vào những năm 70, 80 của thế kỷ trước, hầu hết những cái ao nho nhỏ đó trong làng đều bị lấp để lấy đất xây nhà. Giờ thì làng đã trong phố, còn độc một cái ao đình được kè lại, diện tích cũng khá khiêm tốn so với không gian tự nhiên trước đây. Đó là chuyện ở một ngôi làng nhỏ trong hàng trăm ngôi làng thuộc Hà Nội. Những chiếc ao, đầm trong các ngôi làng khác cũng đều chung số phận như chuyện đã nêu. Có thể nói, tốc độ diện tích mặt ao, hồ tại Hà Nội giảm mạnh nhất từ những năm 90 của thế kỷ trước tới nay.
Với con số hàng trăm hồi đầu thế kỷ XX, ao, hồ ở Hà Nội ngày nay phần lớn đã biến mất chủ yếu do nạn san lấp thay đổi mục đích sử dụng và lấn chiếm. Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn địa bàn Thủ đô chỉ còn 111 hồ với tổng diện tích 1.165ha, riêng hồ Tây đã chiếm hơn 500 ha (gần 50% diện tích ao hồ). Người Hà Nội vừa là thủ phạm cũng lại chính là nạn nhân của thực trạng ao, hồ mất dần.
Đủ mọi hình thức lấn chiếm ao hồTại nhiều khu vực ở hồ Tây vẫn tràn ngập rác thải.
Hiện tượng lấn chiếm đổ đất, phế thải xây dựng, vứt rác thường diễn ra ở các hồ chưa được kè, trong khu vực dân cư như: Linh Quang, Rẻ Quạt, Tai Trâu, Tứ Liên... Rác thải xả trực tiếp xuống hồ là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường nước mặt. Việc đổ phế thải bừa bãi xuống hồ không chỉ gây mất mỹ quan đô thị mà còn làm lòng hồ bị bồi lắng, thu hẹp diện tích sử dụng, giảm khả năng điều hòa thoát nước. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây tình trạng úng ngập cục bộ ở những khu dân cư xung quanh ao hồ. Ở một số hồ chưa được cải tạo, người ta còn đặt đăng, đó, cửa phai để dâng nước nuôi cá làm ảnh hưởng đến thoát nước, như hồ Tam Trinh, Tư Đình, Phương Liệt 1... Những việc làm tương tự đã làm suy thoái điều kiện vệ sinh trên mặt nước và xung quanh hồ.
Theo Sở Xây dựng, nội thành Hà Nội có 111 hồ với tổng diện tích 1.165ha. Sau nhiều năm nỗ lực, thành phố mới cải tạo, kè bờ được 46 hồ. Ao, hồ chưa được cải tạo chính là nơi tiếp nhận, xử lý sơ bộ nước thải đô thị. Thế nhưng, hằng ngày nước thải được xả trực tiếp vào, không qua xử lý với nồng độ các chất hữu cơ, chất lơ lửng, muối dinh dưỡng cao đã làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng nước. Do không được thường xuyên nạo vét nên lượng bùn tích lũy ở đáy hồ lớn, chiều sâu cột nước thấp làm ảnh hưởng đến khả năng tự làm sạch của hồ. Ao, hồ ô nhiễm không chỉ gây ảnh hưởng tới môi trường mà còn tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng.
Kết quả quan trắc chất nước ao, hồ trong nội thành của Công ty Thoát nước Hà Nội cho thấy, các hồ chưa cải tạo tách nước thải đang ở tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng thuộc mức 4, hàm lượng COD dao động từ 100 đến 580mg/l (hơn tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến 10 lần), các chỉ tiêu phú dưỡng, như nitơ, phốt pho đều vượt tiêu chuẩn từ 2 đến 4 lần, nồng độ ôxy hòa tan trong nước hồ ở mức thấp, dao động từ 1 đến 3mg/l. Lưu lượng nước thải chảy vào hồ vượt quá khả năng tự làm sạch của hầu hết các hồ, dẫn đến sự suy thoái chất lượng, thiếu hụt ôxy và làm tăng trầm tích trong hồ…