(HNM) - Loạt bài
LTS: Ngày trước, những cuộc chia tay thường được xã hội nhìn nhận với thái độ mặc cảm, nhưng giờ người ta có thể công khai chuyện không vui này về đời tư của mình giữa nơi đông người, không chút ngượng ngập, tự ti. Điều đó cho thấy, hiện nay sau hôn nhân, việc phải chia tay hay ly hôn không còn là lạ. Song nhìn nhận ở một khía cạnh khác, nếu số vụ việc ly hôn hằng năm là một con số nhất định thì sẽ có ít nhất gấp đôi con số đó là những người sống không hạnh phúc. Và nguy hiểm hơn, từ đó dẫn đến nhiều trẻ thiệt thòi, lớn lên trong tình trạng thiếu thốn sự chăm sóc đủ đầy của cha mẹ, rất dễ sa ngã, bỏ bê học hành. Có thống kê cho thấy, hơn 20% người phạm tội và rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra liên quan đến việc ly hôn là điều đáng suy ngẫm. Loạt bài "Ly hôn gia tăng: Hệ lụy khó lường" của Báo Hànộimới hy vọng phần nào giúp bạn đọc nhìn nhận vấn đề xã hội đầy nhạy cảm này.
Bài 1: Mong manh sợi dây gắn kết
Nhiều năm ngồi ghế thẩm phán, Chánh tòa Lao động TAND TP Hà Nội Lại Vĩnh Trung đúc kết một thực tế không lấy gì làm vui. Đó là, số vụ ly hôn chiếm tới 40% công việc tòa án các cấp đang phải giải quyết hằng năm. Và cũng có một chuyện đầy bất ngờ, người ta thường ví mùa xuân là mùa của đôi lứa khi cây cối đâm chồi nảy lộc, tình yêu đâm hoa kết trái thì đây cũng là khoảng thời gian có tỷ lệ số vụ ly hôn cao nhất trong năm. Rõ ràng sự gắn kết giữa người chồng và người vợ sau hôn nhân trong nhiều trường hợp hiện đang có vấn đề.
Minh họa: Lê tiến Vượng |
Án ly hôn tăng từ 5% đến 10% mỗi năm
Ông Lại Vĩnh Trung bắt đầu câu chuyện bằng cái giọng trầm trầm: "Thời của tôi, ông bà, ba mẹ sống rất vất vả, lo làm cật lực để nuôi cả đàn con mà họ vẫn hạnh phúc, rất ít cặp chia tay nhau. Cỡ trưởng phòng cấp sở ly hôn gần như không có. Giờ mỗi cặp vợ chồng nhiều nhất hai con, cuộc sống đầy đủ và sung túc hơn, thế mà số vụ ly hôn tăng đến mức báo động. Chưa thấy cấp hàm bộ trưởng ly hôn nhưng thứ trưởng, theo tôi biết thì đã có vài trường hợp".
Vị thẩm phán này so sánh, nếu trước đây, nguyên nhân ly hôn vì lý do kinh tế chiếm số lượng chủ yếu, thì nay phần lớn các vụ ly hôn là do vợ chồng tự nguyện và cái cớ chia tay thường thấy trong đơn là vì tính tình không hòa hợp. "Tôi mới được bổ nhiệm cương vị mới là Chánh tòa Lao động TAND TP Hà Nội khoảng một năm nay và đã tham gia xét xử phúc thẩm hàng chục vụ án ly hôn. Có cặp mới đăng ký kết hôn, chưa kịp tổ chức đám cưới đã dắt nhau ra tòa đòi ly hôn. Có cặp có cháu chắt đã đề huề vẫn bỏ nhau chỉ vì chồng chê vợ già…" - ông Trung xót xa kể lại và cho biết, trung bình mỗi năm, số vụ án ly hôn trên địa bàn Hà Nội tăng 5%, có năm tăng đến 10%. Trong đó, riêng năm 2015, TAND hai cấp của TP Hà Nội đã thụ lý 12.093 vụ, tăng 462 vụ so với năm 2014.
Từ cung cấp của Chánh tòa Lao động TAND TP Hà Nội Lại Vĩnh Trung rằng tỷ lệ ly hôn ở khu vực nội thành luôn cao hơn khu vực ngoại thành, chúng tôi tìm gặp Phó Chánh án TAND quận Hoàn Kiếm Trần Thị Hồng Ngọc để tìm hiểu thêm về vấn đề này. Bà Ngọc cho biết, phần lớn những cuộc chia tay ở địa bàn quận đều là những cặp vợ chồng có trình độ học thức chứ không phải đa số thuộc nhóm người lao động, thiếu hiểu biết và kỹ năng sống như trước kia. Một điều khác biệt nữa là ngày xưa người phụ nữ thường rất ái ngại khi nói tới ly hôn do phải đối mặt với sự soi mói của dư luận thì nay chuyện đã khác, không ít người vợ đã tìm gặp bà, khẩn khoản xin được nhanh chóng làm thủ tục ly hôn và đề nghị tòa cho phép được nuôi con tới khi trưởng thành. Cũng vấn đề này, các hội thẩm nhân dân quận Nam Từ Liêm đề cập tới một cụm từ rất lạ: "ly hôn xanh". Như giải thích thì nhiều cuộc hôn nhân bây giờ thật chóng vánh, là kết quả của những mối tình "sét đánh" và cuối cùng là "sớm nở tối tàn", đường ai nấy đi chỉ sau vài tháng hoặc vài năm chung sống. Một điều nữa được những người làm công tác xét xử đúc kết, đó là khi đã đưa nhau ra tòa, hầu hết các cặp vợ chồng đều tự nguyện thống nhất chuyện ly hôn, chỉ mong được chia tay càng nhanh càng tốt, dường như họ không còn một chút tình cảm nào dành cho nhau như những ngày đầu khi tình yêu nảy nở, trách nhiệm đối với nhau, trách nhiệm đối với con cái cũng đã được tính toán, sắp đặt… Chuyện ly hôn giờ không còn là hiếm, thậm chí người ta thản nhiên kể về chuyện này bên bàn trà, bên tách cà phê hay quán ăn… như một chút dư vị không thể thiếu của cuộc sống.
Có ai đó nói rằng, hôn nhân là sợi dây gắn kết giữa hai "người dưng" thành một gia đình, một tổ ấm thì giờ đây thật đau lòng khi trong nhiều trường hợp, sợi dây đó trở nên quá mong manh.
Và những hệ lụy…
Là nhà tâm lý học hàng đầu Việt Nam, ông Trịnh Trung Hòa cho hay, cách đây hơn 20 năm, khi Trung tâm Tư vấn - tâm lý - tình cảm đầu tiên của Tổng đài 1080 mới thành lập, ai cũng nghĩ mấy ngày tết sẽ được sum họp cùng gia đình vì không có "khách". Không ngờ, tết đến, xuân về lại là thời gian vô cùng nhạy cảm đối với những cặp vợ chồng vì những lý do khác nhau buộc phải làm ăn xa nhà. Những tưởng khi đó họ có cơ hội gần nhau, quan tâm đến nhau, nhìn lại mình sau chặng đường chung sống. Vậy mà số cuộc gọi trong những tháng đầu năm luôn tăng đột biến, riêng đêm giao thừa năm nào cũng vậy, Trung tâm thường xuyên rơi vào cảnh "cháy máy" với những đề nghị được tư vấn, hoặc chia sẻ, trong đó có không ít trường hợp cần đến lời khuyên làm thế nào để giải quyết chuyện ly hôn nhanh nhất. Từ đó, nhân viên tư vấn tâm lý được liệt vào đội ngũ những người không có tết. Những người làm công việc này cho rằng, nghề của họ chịu thêm vất vả cũng là do hệ lụy của chuyện ly hôn.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện Cảnh sát nhân dân) cho biết, nghiên cứu số phạm nhân phạm tội giết người đang thụ án tại các trại giam cho thấy, tội phạm giết người, đặc biệt là số vụ án giết người có tính chất dã man có một phần xuất phát từ sự gia tăng của yếu tố bạo lực trong xã hội và các yếu tố tiêu cực từ gia đình. Trong đó, có 18% người phạm tội có căn nguyên từ việc bố mẹ ly hôn, phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ. Ông Đức cung cấp thêm, các nghiên cứu khác cũng cho thấy, sau khi bố mẹ ly hôn, con cái của họ cũng rất thiệt thòi. Đối với trẻ nhỏ, cấp tiểu học, chúng gặp nhiều khó khăn trong học tập như: phát âm không chuẩn, viết sai chính tả nhiều, không thể tập trung sự chú ý trong giờ học… Còn với những cháu lớn hơn thì tỏ ra chán học, hay quậy phá trong lớp, mặc cảm, tự ti, ngại tiếp xúc, có xu hướng co mình. Từ đó, nhiều trường hợp trượt dài trên con đường hư hỏng. Theo thống kê, mỗi năm nước ta có khoảng 10.000 vụ án, với hơn 15.000 đối tượng phạm tội ở lứa tuổi vị thành niên. Tình trạng trẻ hóa tội phạm đã được báo động mà nguyên nhân từ phía gia đình đã được chỉ rõ, đặc biệt, tình trạng "thiếu cha" hoặc "vắng mẹ" đã dẫn đến sự mất cân đối trong tiến trình phát triển tâm lý của trẻ.
Vẫn biết áp lực trong cuộc sống giờ đây là rất lớn, hệ lụy đằng sau những cuộc chia tay đã được công luận phân tích, mổ xẻ rất nhiều nhưng dường như những con số biết nói, những câu chuyện đau lòng chưa đủ trọng lượng cảnh tỉnh để người ta cân nhắc, suy ngẫm được - mất trước khi đưa ra quyết định ly hôn. Là người nhiều năm trong nghề "cầm cân nảy mực", ông Lại Vĩnh Trung giãi bày, thẩm phán không chỉ có việc ngồi tòa và tuyên án mà đằng sau đó còn có những phút tâm tư, trải lòng, không phải ai cũng biết, cũng hiểu; đặc biệt là những lúc phải giải quyết tranh chấp về những đứa con với giọt nước mắt cầu xin của bọn trẻ về một tổ ấm đủ đầy những người đã sinh ra chúng… Nỗi đau con trẻ nhưng là trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ, chỉ tiếc nhiều khi những nỗi đau ấy không phải ông bố, bà mẹ nào cũng có thể cảm nhận được.
Án ly hôn gia tăng cũng đồng nghĩa với việc xã hội gia tăng những người… "khuyết tật" về tình cảm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.