Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Mãi mãi tuổi 20…

Bảo Nga - Văn Ngọc Thủy| 14/03/2013 06:10

LTS: Sáng 14-3-1988, trong trận hải chiến để bảo vệ toàn vẹn biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, 64 chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã ngã xuống trên đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, máu của họ nhuộm đỏ nước Biển Đông, viết tiếp trang sử anh hùng của dân tộc.

Trong số 64 liệt sĩ hy sinh anh dũng trong trận hải chiến tại đảo Gạc Ma, có 9 người con của thành phố biển Đà Nẵng. Không ai có thể ngờ, những chàng trai tuổi xuân còn phơi phới, xung phong lên đường nhập ngũ giữa thời bình, lại có một ngày vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả, dệt nên huyền thoại nơi vùng đảo thiêng mang tên Gạc Ma. 25 năm trôi qua, thời gian đủ dài để nhuộm trắng những mái đầu xanh, những người mẹ đã không thể chờ đợi để tìm thấy con mình nơi sóng nước, những người cha đã lặng lẽ ra đi về thế giới bên kia, song trong tâm khảm của những người thân và đồng đội, các anh vẫn sống mãi ở tuổi hai mươi...

Chiến sĩ hải quân tuần tra trên đảo Trường Sa Lớn.


Yêu quê hương và làn điệu dân ca

Chúng tôi tìm đến cửa hàng phụ tùng xe máy Tấn Sơn ở số 215 Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng vào một buổi chiều muộn. Nguyễn Văn Tấn - Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh Trường Sa giai đoạn 1984-1988 tay lem dầu mỡ, gương mặt sạm nắng cười hiền khô khi nghe nhắc đến trận chiến đảo Gạc Ma - Trường Sa. Mời các nhà báo Thủ đô chén trà nóng, anh trầm ngâm: "Chỉ còn vài ngày nữa là đến ngày giỗ của đồng đội tôi. Hôm rồi tôi đã đến từng nhà, thắp nén hương cho anh em, các mẹ lại ôm mình khóc. Năm nào cũng vậy, cứ đến những ngày này là mình lại không ngủ được".

Thành phố Đà Nẵng có 9 liệt sĩ trong trận chiến đảo Gạc Ma thì có đến 7 người ở phường Hòa Cường (nay tách ra thành hai phường Hòa Cường Nam và Hòa Cường Bắc), đều là bạn từ thuở nhỏ của Tấn. Nhập ngũ, các anh lại ở cùng một đơn vị, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 83 Công binh, Quân chủng Hải quân. Những người lính công binh tuổi hai mươi phơi phới, nhiều anh lên đường nhập ngũ còn chưa kịp bày tỏ tình cảm với người con gái mình thầm thương trộm nhớ. Anh Tấn ngồi bần thần nhắc tên từng liệt sĩ, Trần Văn Tài, Phan Văn Sự, Trương Quốc Hùng, Nguyễn Phú Đoàn, Phạm Văn Lợi, Trần Mạnh Việt, Lê Thế, Lê Văn Xanh - những người bạn, người đồng đội có chung một ngày giỗ 14-3-1988. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại với biển. Những ngôi mộ gió ở nghĩa trang thành phố Đà Nẵng chỉ là nơi tưởng nhớ chứ chưa một người lính nào thực sự được trở về nằm trong lòng đất quê hương.

Trong số 9 liệt sĩ, anh Tấn nhớ nhất là Trần Văn Tài, người bạn nhà cùng xóm, học cùng trường, nhập ngũ cùng ngày, ra Trường Sa trên cùng chuyến tàu với Tấn. "Trần Văn Tài người mập đen, lúc nào cũng cười, kể chuyện tiếu lâm hóm hết biết, chơi ghi ta cực hay mà ca cải lương thì cực đỉnh luôn. Tài biết nhiều làn điệu dân ca lắm, chiều nào cơm nước xong anh em cũng vây quanh hắn hò hát đến khuya. Chiều ngày 12-3-1988 cũng thế, ăn cơm xong, trước khi tàu nhổ neo ra các đảo, Tài lại ôm ghi ta ngồi hát, vui lắm. Ai cũng nghĩ mình là lính công binh, đến xây dựng đảo thôi".

Tối 12-3 anh em lên đường cùng với cuốc xẻng, vật liệu xây dựng đảo. Anh Tấn theo tàu Đại Lãnh kéo hai khung đến đảo Tốc Tan, Tài và những anh em khác lên tàu HQ 604 nhằm hướng đảo Gạc Ma thẳng tiến. Hai đảo này cách nhau chừng 30 hải lý. Một ngày một đêm tàu cập đảo, các chiến sĩ nhanh chóng vào việc. Mắt ngấn lệ, thoáng rùng mình, anh Tấn lặng đi giây lát rồi nghẹn ngào: "Lúc đó là buổi trưa ngày 14-3, anh em trên tàu Đại Lãnh vừa ăn cơm vừa nghe bản tin của Đài Tiếng nói Việt Nam. Đột nhiên tiếng nói cười im bặt, ai cũng lặng đi khi nghe tin đảo Gạc Ma bị địch chiếm đánh, tàu HQ 604 bị đánh chìm. Bản danh sách 74 chiến sĩ hy sinh và mất tích dài dằng dặc. Tất cả đều bỏ dở bữa cơm, không thể nào tả nổi cảm giác lúc đó. Giữa lênh đênh muôn trùng sóng nước, mỗi cái tên quen thuộc của bạn mình được phát thanh viên xướng lên, tôi lại lạnh cả người. Vừa tối qua thôi, tôi vẫn còn ngồi hát với họ, nghe thấy tiếng cười vô tư của Tài, giọng dân ca mượt mà của nó vẫn còn như văng vẳng bên tai. Vậy mà… Ngay buổi chiều, anh em xin nghỉ làm để tang cho các đồng đội đã ngã xuống. Đó là những giờ khắc ám ảnh tôi cho đến tận hôm nay, không thể quên được".

Mãi là những đứa con bé bỏng

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang tại số 45 đường Nguyễn Thành Ý (quận Hải Châu, Đà Nẵng), ông Lê Văn Xuân, cha liệt sĩ Lê Văn Xanh ngậm ngùi: "Nó hy sinh rồi vẫn thương bố mẹ vất vả mà phù hộ cho tui. Năm 2005, đồng đội cũ của nó ở Quân chủng Hải quân giúp 30 triệu để tui xây được căn nhà hai tầng này, giờ thì mưa gió chẳng sợ nữa. Hồi còn ở nhà nó cũng chịu thương chịu khó, suốt ngày đi chèo đò đánh cá với tôi, chẳng nề hà việc chi". Dẫn khách lên bàn thờ liệt sĩ Xanh, ông chỉ cho chúng tôi chiếc yếm quân phục hải quân được xếp phẳng phiu. Chiếc yếm đã bạc màu, sờn rách qua năm tháng vì ngấm muối mặn biển đảo Trường Sa giờ nằm lặng lẽ dưới di ảnh của Lê Văn Xanh - Anh chiến sĩ trẻ măng có khuôn mặt rất điển trai với đôi mắt sáng và khóe miệng lúc nào cũng như cười. Ông Xuân bảo, ngay đêm 14-3, nằm ngủ dưới ghe đánh cá trên sông Hàn, tôi đã linh tính có chuyện chẳng lành. Sáng 15-3, tôi nóng ruột tính chạy về nhà nói cho mẹ nó thì nghe được tin trên đài. Bà nhà tôi ngất xỉu, còn mình vẫn kiềm lòng lập bàn thờ cho con. Mất con ai chẳng xót nhưng con tôi hy sinh vẻ vang vì nhiệm vụ, gia đình tự hào lắm". Còn trong trí nhớ của anh Lê Văn - Em trai út của liệt sĩ Xanh khi đó mới 10 tuổi, anh trai mình là một người rất đẹp trai, hát hay, nhiều bạn bè, đặc biệt các chị trong xóm rất quý, nhà có việc gì cũng đến làm giúp. Khi lên đường, anh đã hứa hẹn với một chị tên là Võ Thị Minh Loan. Sau ngày anh hy sinh, chị Loan cũng đến nhà nhiều lần thắp hương cho anh.

"Các em lặn lội vô đây thì gắng gặp mẹ Muộn. Thằng Sự mất đã mấy chục năm nhưng đêm nào mẹ cũng ôm áo nó gối đầu giường. Chao ôi, tội lắm..." - Câu nói của anh Tấn - Trưởng ban liên lạc bộ đội Trường Sa TP Đà Nẵng thôi thúc chúng tôi tìm về với mẹ Lê Thị Muộn, thân sinh liệt sĩ Phan Văn Sự. Lần tìm mãi rồi cuối cùng chúng tôi cũng có được số điện thoại nhà con trai mẹ, đầu dây bên kia, tiếng mẹ êm như gió thoảng: "Các con cứ đến, mẹ chờ...". Đúng hẹn, chúng tôi tìm đến căn nhà xinh xắn, thư thái nép mình dưới những tán cây rợp bóng mát trên phố Hàn Thuyên. Mẹ Muộn đã ngồi trước hiên nhà tự bao giờ. Nhìn thấy chúng tôi, mẹ ôm chầm như đón những đứa con đi xa lâu ngày nay gặp lại. Bước sang tuổi 81, tóc mẹ đã bạc trắng, làn da đã nhăn nheo, duy chỉ có khuôn mặt vẫn in dấu một thời xuân sắc. Ký ức về đứa con thân yêu, liệt sĩ Phan Văn Sự, vẫn tươi nguyên trong mẹ như mới thuở nào... Mẹ kể, anh Sự sinh năm 1968, là con trai áp út trong số 8 người con gồm 5 gái, 3 trai của mẹ. Nhà đông con, thu nhập từ nghề bốc vác nhọc nhằn tại bến cảng Đà Nẵng chẳng đủ dư dả để mẹ nuôi các con ăn học đến nơi, đến chốn. Năm 1986, con trai đầu của mẹ - Anh Phan Văn Dân lên đường nhập ngũ, tham gia huấn luyện tại Trung đoàn pháo binh, anh Sự học THPT tại Trường cấp 3 Tây Sơn - TP Đà Nẵng. Một ngày đầu năm 1987, anh Sự về nhà thông báo với mẹ: "Con và mấy thằng nớ đã đăng ký đi lính hải quân, ba mẹ cho con đi!". Biết không thể ngăn con, mẹ đe: "Bây đã đi thì phải cho đàng hoàng, nếu trốn về nửa chừng, tau đập chết!". Tháng 2-1987, anh Sự nối bước anh trai, lên đường làm nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 83 công binh, Quân chủng Hải quân, đóng tại bán đảo Sơn Trà. Đơn vị gần nhà nên cuối tuần anh thường tranh thủ về thăm ba, mẹ. "Hắn chăm chỉ lắm, đi thì thôi, cứ hễ thò mặt về là hắn ở rịt nhà, giành làm hết việc cho mẹ nghỉ..." - Mắt mẹ Muộn long lanh khi nói về người con đã khuất. Anh Phan Văn Dân không giấu nổi nỗi buồn khi nhớ về người em trai: "Ngày ở nhà, thằng Sự nổi tiếng hiền lành, lại giỏi đá banh nên nhiều bạn lắm. Trước khi đi bộ đội, nó kịp yêu một cô bạn học cùng khối. Sau khi Sự mất, ngày giỗ cô nớ vẫn đến thắp hương...".

Tết năm 1988, trong một lần về thăm nhà, anh Sự hào hứng khoe đợt tới Trung đoàn sẽ tổ chức cho anh em đi xây đảo tại Len Đao, Cô Lin và Gạc Ma, tuy chỉ là lính trông kho, nhưng anh xung phong đi xây đảo cùng đồng đội và được cấp trên chấp thuận. Thấy con hào hứng khi lần đầu ra đảo làm nhiệm vụ, lòng mẹ cũng vui lây. Nào ngờ, lần đó anh đi rồi vĩnh viễn không về với mẹ...

Đầu tháng 3-1988, chồng mẹ Muộn trở bệnh đau nặng, phải mổ cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng. Sau 9 ngày nằm viện, sức khỏe của ông hồi phục dần. Sáng ngày 14-3-1988, mẹ bật radio cho chồng nghe tin tức qua làn sóng phát thanh như thường lệ. Bản tin về trận hải chiến ở Gạc Ma và danh sách các chiến sĩ hải quân hy sinh và mất tích có tên anh Phan Văn Sự khiến mẹ ngất xỉu. Không chịu nổi cú sốc quá lớn, vết mổ tưởng như sắp lành của chồng mẹ bỗng nhiên bục máu, ông ra đi theo con trai vào lúc 17h chiều ngày 14-3-1988. Hai tin dữ ập xuống cùng lúc, hai vành khăn trắng chồng lên nhau, cõi lòng mẹ như tan nát. Sau ngày anh Sự mất, đơn vị cử người đến trao giấy báo tử và chiếc áo lính hải quân - kỷ vật duy nhất anh để lại. Nhớ thương con, mẹ lần hồi dỡ chiếc áo lính, cặm cụi may lại thành chiếc áo cánh khoác trên người. Suốt 25 năm nay, đêm nào mẹ cũng đặt áo dưới gối ngủ, hễ đi đâu rời nhà mẹ cũng khư khư chiếc áo mang theo bên người. "Thằng Sự mất khi tròn tuổi 20. Mẹ giữ áo để thấy nó luôn bên mẹ..." - Khóe mắt già nua của mẹ ngân ngấn nước, đôi tay nhăn nheo vuốt ve mãi cánh áo trắng tinh khôi, tựa như anh đang trong vòng tay mẹ...

Chiều muộn. Mặt trời yếu ớt phủ những tia nắng cuối cùng lên những ngôi mộ chí, Nghĩa trang Liệt sĩ thành phố Đà Nẵng như rộng hơn trong sự tĩnh mịch đến mênh mông. Chúng tôi lặng lẽ nghiêng mình thắp những nén nhang lên những ngôi mộ gió của 9 liệt sĩ anh dũng hy sinh trong trận hải chiến Gạc Ma năm nào. Các anh đã vĩnh viễn nằm lại lòng biển cả khi mái tóc còn xanh, khi tuổi đời mới vừa đôi tám, nhưng mãi mãi với lịch sử, sự hy sinh của các anh đã khắc ghi Gạc Ma trở thành một địa danh bất tử trong tâm hồn mỗi con dân đất Việt, để nhắc nhở thế hệ sau về hai tiếng Tổ quốc thiêng liêng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Mãi mãi tuổi 20…

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.