(HNM) - Ngày 27-11-2009, Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Nhiều người cho rằng, đây là cơ hội "vàng" để lao động khu vực nông thôn có thể vươn lên làm giàu. Thế nhưng, qua hơn 1 năm thực hiện, nông dân ở nhiều địa phương vẫn chưa thực sự được hưởng lợi từ đề án này.
Tìm mô hình phù hợp…
Tôi vẫn nhớ như in buổi họp báo trực tuyến giới thiệu về Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Bữa đó trời mưa, lạnh nhưng không khí tại các đầu cầu trực tuyến nóng ran bởi mục tiêu mà đề án đưa ra: Bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho 100.000 lượt cán bộ, công chức xã. Quyết tâm chính của dự án là, nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn…
Thế nhưng đến bây giờ, đã hơn 1 năm triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27-11-2009 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng ngay tại những huyện ngoại thành Hà Nội, nhiều nông dân nói rằng: Chưa được biết đến chuyện Nhà nước sẽ dạy nghề cho lao động nông thôn. Thậm chí, ở một huyện ngay sát trung tâm thành phố và được coi là phát triển "nóng" như Từ Liêm, nhiều nông dân cũng không hiểu mấy về đề án đào tạo nghề và tạo việc làm cho chính bản thân họ.
|
Đào tạo nghề là hết sức cần thiết giúp người nông dân có thu nhập để ổn định cuộc sống. |
Để bạn đọc dễ hình dung, chúng tôi sơ lược vài nét của đề án lớn này như sau: Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khởi xướng từ năm 2008. Sau nhiều lần dự thảo và xin ý kiến các bộ, ban, ngành liên quan, đến tháng 11-2009, Chính phủ chính thức phê duyệt và giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì hoạt động dạy nghề; Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH tổ chức xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy các nghề nông nghiệp trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên. Mục tiêu tổng quát của đề án là bình quân hằng năm đào tạo nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn, trong đó đào tạo, bồi dưỡng 100.000 lượt cán bộ, công chức xã; nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Mục tiêu chung của đề án đến năm 2020 là thế và đã được cụ thể hóa cho từng giai đoạn. Riêng giai đoạn 2010, mục tiêu là dạy nghề cho khoảng 400.000 lao động nông thôn theo 7 dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giáo dục, đào tạo; thí điểm các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn với khoảng 18.000 người và đặt hàng dạy nghề cho khoảng 12.000 người. Kinh phí cho năm 2010 được phân bổ 1.827 tỷ đồng trong tổng số hơn 25.900 tỷ đồng của cả đề án. Tương tự, giai đoạn 2011-2015, sẽ có 5.200.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề; tỷ lệ lao động có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 70%. Đến giai đoạn kết thúc 2016-2020, sẽ có 6.000.000 lao động nông thôn được đào tạo nghề và tỷ lệ có việc làm sau khi học nghề trong giai đoạn này tối thiểu đạt 80%.
Điểm những nét chính của đề án như vậy để thấy đây là một đề án lớn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội gắn với điều kiện cụ thể của từng địa phương. Song có một thực tế là hiện nay, một số nơi vẫn còn loay hoay tìm mô hình đào tạo nghề phù hợp cũng như tìm ra một thứ nghề có thể tạo được việc làm cho người dân.
... và chuyện "cần câu" hay "con cá"
Những ngày đi thực tế ở các huyện ngoại thành, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều hộ nông dân. Khi được hỏi về chuyện học nghề, hầu hết người dân đều lắc đầu. Có người lắc đầu vì chưa biết gì về đề án. Có người lại lắc đầu vì không mấy mặn mà với những gì được đào tạo. Chị Nguyễn Thị Hằng ở huyện Thanh Trì cho biết: "Chúng em quanh năm chân lấm tay bùn, nếu cho học nghề nấu ăn hoặc may công nghiệp thì khó quá. Với lại, nếu học may 3 tháng, cũng có thể vào làm việc trong các công ty may, nhưng lương thấp quá, lại phải đi làm xa. Còn nếu học nấu ăn 3 tháng cũng chỉ đủ biết nấu ăn cho chồng cho con thôi. Chứ xin việc ở đâu được". Cùng quan điểm với chị Hằng, anh Nguyễn Văn Thuận, ở huyện Thanh Trì cho biết đã được gợi ý học một số nghề như sửa xe máy, điện lạnh, hàn… nhưng thời gian học nghề quá ít, khó có thể thành nghề để tự làm. Còn nếu đi làm thuê thì có thể vừa học vừa làm tại các cơ sở kinh doanh, vừa được nghề, vừa phụ giúp được gia đình.
Nghe chuyện của chị Hằng, anh Thuận, tôi lại nhớ đến gương mặt đầy suy tính của anh Đinh Văn Thắng, ở huyện Đan Phượng. Đi xuất khẩu lao động về, anh Thắng có chút vốn liếng nhưng cũng chỉ đủ xây cái nhà cho tử tế. An cư rồi mới lạc nghiệp. Anh Thắng muốn học một nghề gì đó để ổn định cuộc sống nhưng băn khoăn vì không chọn được nghề phù hợp với khả năng: Học cơ khí thì không theo được, học nghề làm nông nghiệp cũng không xong. Thế là ở nhà chơi dài. Cũng như anh Thắng, hàng nghìn lao động của huyện Từ Liêm cùng rơi vào cảnh đất nông nghiệp không còn, không thể học nghề nông, học các nghề phi nông nghiệp thì không đủ thành nghề… Vì thế họ đành tự thân vận động.
Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Thế Hùng, các quận, huyện triển khai đề án quá chậm. Thực tế hiện nay, Hà Nội mới chỉ có Ba Vì, Đan Phượng tổ chức được một số lớp dạy cho nông dân các nghề kỹ thuật trồng trọt, thú y, may mặc, nuôi trồng thủy sản với hơn 500 lao động tham gia. Ông Nguyễn Sóng Hồng, Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì cho rằng, rất khó đánh giá mức độ thành nghề của những lao động sau khi được đào tạo. Một số nghề đơn giản như kỹ thuật trồng chè, nuôi trồng thủy sản… người lao động có thể nắm bắt được. Song để đạt được mục tiêu 70-80% số lao động sau khi hoàn thành khóa học có được việc làm là điều tương đối khó.
Tổng Thư ký Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần nhận định, thực hiện mục tiêu mỗi năm dạy nghề cho khoảng 1 triệu lao động nông thôn không dễ nếu không có cách làm hợp lý. Theo ông Lưu Duy Dần, chỉ riêng khu vực làng nghề, việc hoàn thiện chính sách, hệ thống pháp luật, thể chế phát triển đã vô cùng nan giải, chưa nói đến đào tạo lao động. Hiện nay, cả nước có hơn 2.000 làng nghề, nhiều làng thu hút trên 60% tổng số lao động của địa phương. Tuy nhiên, sản xuất ở các làng nghề chủ yếu là quy mô nhỏ, trong đó trên 80% các cơ sở sản xuất không đủ vốn để đổi mới kỹ thuật, mở rộng quy mô. Hầu hết các cơ sở sản xuất ở làng nghề đều sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, năng suất lao động, chất lượng sản phẩm thấp, thiếu sự đa dạng về mẫu mã... nên sức cạnh tranh yếu.
Trong khi đó, Bộ LĐ-TB&XH, đơn vị chủ trì hoạt động đào tạo nghề cũng mới chỉ xác định chung chung việc triển khai mô hình thí điểm dạy nghề cho lao động nông thôn với các nhóm chính gồm: nhóm lao động vẫn gắn bó với nông nghiệp; nhóm lao động trong các làng nghề; nhóm lao động chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp. Còn Bộ NN&PTNT, cơ quan khởi xướng đề án và là đơn vị gắn bó, gần gũi với nhà nông nhất cũng chỉ xác định 4 lĩnh vực cần đào tạo là kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, lâm sinh, ngư nghiệp, diêm nghiệp; chế biến nông, lâm, thủy sản; quản lý tưới tiêu, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường nông thôn; quản lý và dịch vụ nông nghiệp. Và đương nhiên, nếu xác định nghề một cách quá chung chung sẽ lại dẫn tới tình trạng "cái cần không dạy, cái dạy không cần". Như vậy, mục tiêu nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập của lao động nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn sẽ khó thành hiện thực. Điều này cũng có thể gây lãng phí từ một chính sách lớn dành cho nông dân.
|