Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Loay hoay giải bài toán khó

Nhóm PV Ban NNNT| 12/04/2010 06:04

(HNM) - Lời Tòa Soạn: Phát triển điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (ĐCN-TTCN) làng nghề là hướng đi tất yếu trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Không chỉ giải quyết những bức xúc về mặt bằng sản xuất, xử lý ô nhiễm môi trường ĐCN-TTCN làng nghề còn góp phần thu hút lao động, giải quyết việc làm cho nông dân...

Tiến độ triển khai xây dựng các ĐCN-TTCN làng nghề quá chậm, nhiều nơi thiếu các hạng mục cơ bản như xử lý nước thải, chất thải, cây xanh, nhà điều hành, trạm cấp nước tập trung... Việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng gặp không ít khó khăn. Loay hoay giải bài toán nguồn vốn và hạ tầng, không ít bức xúc đã nảy sinh.

Khi có điểm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, các làng nghề có thể phát huy tối đa nguồn lực của mình. Trong ảnh: Vận hành dây chuyền dệt tại làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông). Ảnh: Bá Hoạt


Hai vấn đề nóng: quy hoạch và nguồn vốn đầu tư
Theo thống kê của Sở Công thương, trong tổng số 176 ĐCN-TTCN làng nghề nằm trong danh mục quy hoạch (diện tích 1.295ha), mới có 49 điểm (diện tích 470ha) xây dựng được hạ tầng kỹ thuật. Song điều đáng nói nhất cũng gây nhiều bức xúc nhất là chất lượng các quy hoạch các ĐCN-TTCN làng nghề. Chưa được nghiên cứu kỹ, quy hoạch manh mún, nhỏ lẻ, một số ĐCN-TTCN chưa xác định được nhu cầu thuê đất dẫn đến không có khả năng lấp đầy. Cũng có điểm xây dựng hạ tầng xong nhưng không có tổ chức, cá nhân thuê đất, dẫn tới tình trạng đất "bỏ hoang"...

Qua khảo sát cho thấy nhu cầu mở rộng mặt bằng sản xuất tại các làng nghề là vô cùng cấp bách nhưng quá trình triển khai xây dựng ĐCN-TTCN tại hầu hết địa phương của Hà Nội đều gặp khó khăn, nhất là việc huy động vốn đầu tư xây dựng. Ông Ngô Quốc Ca, Phó Trưởng ban Quản lý đầu tư phát triển cụm, ĐCN-TTCN làng nghề (Sở Công thương) cho biết, thời gian qua, một số địa phương đứng ra xây dựng hạ tầng ĐCN-TTCN làng nghề, sau đó giao cho các hộ đăng ký thuê đất, nhưng hiệu quả chưa đạt được như mong muốn vì nguồn vốn đầu tư còn bị bó hẹp, nên thiếu các hạng mục xử lý môi trường. Cũng có nơi mời được doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng ĐCN-TTCN làng nghề, nhưng số lượng này không nhiều. Thực tế, doanh nghiệp thường e ngại đầu tư vào lĩnh vực này vì thời gian hoàn vốn chậm, lợi nhuận thấp, trong khi thành phố chưa có cơ chế hỗ trợ cụ thể. Một thực tế nữa, nhiều làng nghề phát triển nhưng tiềm lực kinh tế của các hộ sản xuất chưa đồng đều, đa phần là hộ sản xuất nhỏ nên ít có khả năng thuê đất ở các ĐCN-TTCN.

Sản phẩm mây tre đan xuất khẩu của làng nghề Phú Vinh (huyện Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt


Cũng theo ông Ngô Quốc Ca, với suất đầu tư vào ĐCN-TTCN làng nghề hiện nay (từ 1-1,5 triệu đồng/m2, cao gấp 5-7 lần so với 2 năm trước), việc vào đầu tư mở rộng sản xuất và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường đối với các hộ sản xuất nhỏ là rất khó. Ngoài ra, một số địa phương có nhu cầu bức thiết về mặt bằng sản xuất nhưng chưa thể triển khai ĐCN-TTCN làng nghề do chưa phê duyệt được quy hoạch như Liên Trung, Đan Phượng (Đan Phượng), thị trấn Quốc Oai, Sài Sơn (Quốc Oai), Dị Nậu (Thạch Thất)… Một số điểm đã có chủ trương triển khai nhưng lại gặp khó khăn trong phê duyệt quy hoạch chi tiết vì phụ thuộc quy hoạch chung của thành phố như các làng nghề Tân Hội, Tân Lập (Đan Phượng).

Chuyển ô nhiễm từ nơi này sang nơi khác
Do huy động vốn gặp nhiều khó khăn nên hệ thống hạ tầng kỹ thuật các ĐCN-TTCN làng nghề đều thiếu và yếu, thiếu nhất là hạng mục xử lý về ô nhiễm môi trường. Trong số các ĐCN-TTCN làng nghề đã và đang xây dựng, duy nhất điểm Phùng Xá (Thạch Thất) có hệ thống xử lý nước thải tập trung. Tuy nhiên, việc xử lý chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù ĐCN này đã thu hút được 364 cơ sở và hộ chuyên sản xuất, gia công ngành nghề cơ kim khí, nhưng chỉ có 36 hộ chuyên mạ kim loại đóng góp kinh phí xử lý nước thải. Đáng nói hơn, do thiếu kinh phí nên hệ thống xử lý nước thải này lúc hoạt động lúc không.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc ĐCN-TTCN làng nghề thiếu các hạng mục kỹ thuật, nhất là hệ thống xử lý nước thải và cấp nước tập trung là do chi phí xây dựng các hạng mục này khá lớn. Nếu hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, suất đầu tư bị đẩy cao khó thu hút đầu tư. Do đó, trong quá trình triển khai xây dựng ĐCN-TTCN, một số doanh nghiệp và địa phương chỉ làm đường giao thông nội bộ, cống rãnh thoát nước bề mặt, đường điện và tường rào xung quanh... rồi tiếp nhận các hộ vào xây dựng nhà xưởng. Cũng không ít ĐCN-TTCN làng nghề xây dựng theo kiểu cuốn chiếu hoặc quy mô quá nhỏ nên không có khả năng bố trí quỹ đất để xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật theo quy định gây khó khăn cho công tác quản lý.

Loay hoay trong bài toán quy hoạch, nguồn vốn, cơ sở hạ tầng mà không tìm được lời giải đã dẫn đến một thực trạng đáng buồn. Việc xây dựng các ĐCN-TTCN làng nghề hiện nay chưa đáp ứng được mục tiêu giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, thực chất là di chuyển nguồn gây ô nhiễm từ trong khu dân cư sang khu vực khác ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân làng nghề mà còn ảnh hưởng đến người dân sống ở vùng lân cận, làm nảy sinh các xung đột xã hội gay gắt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Loay hoay giải bài toán khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.