(HNM) - Theo chuẩn nghèo TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập dưới 1,1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là dưới 1,4 triệu đồng/người/tháng.
Bài 1: Khi số hộ nghèo tăng đột biến
Theo chuẩn nghèo TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020, hộ nghèo khu vực nông thôn có mức thu nhập dưới 1,1 triệu đồng/người/tháng; khu vực thành thị là dưới 1,4 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều của TP Hà Nội còn đòi hỏi mức thu nhập cao hơn, đồng thời đánh giá mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, nhà ở, nước sinh hoạt hợp vệ sinh, thông tin... Điều này giúp cho việc đánh giá hộ nghèo, hộ cận nghèo rõ ràng, toàn diện hơn. Tuy nhiên, sẽ là một thách thức cực lớn với quá trình phát triển khi số hộ nghèo tăng đột biến...
Nhân cấy nghề mới, tạo việc làm ổn định là một trong những giải pháp giúp người dân thoát nghèo. Ảnh: Bá Hoạt |
Muôn dạng... nghèo
Tại thôn Thụy Khuê, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội, gia đình bà Nguyễn Thị Lan (61 tuổi) thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Mẹ con bà Lan trước đây không có nhà, phải ở nhờ nhà của người em trai. Nơi ở được che tạm bằng bạt, đời sống sinh hoạt vô cùng khó khăn. Đến nay tuổi đã già, sức khỏe giảm sút, bà Lan phải sống nhờ vào con trai vốn cũng đang vất vả mưu sinh bằng nghề nhặt phế thải. Gia đình bà Lan có nguyện vọng được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống và đã được huyện Quốc Oai hỗ trợ.
Thực tế không thiếu những hoàn cảnh như gia đình bà Lan. Bà Bùi Thị Chuyên (thôn Đồng Chay, xã Vân Hòa, huyện Ba Vì) cũng có cái khó riêng: Trước kia, dựa vào tiêu chuẩn thu nhập thì gia đình bà đã thoát nghèo khi hai vợ chồng còn sức lao động. Nhưng nay đánh giá theo tiêu chí mới, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo, bởi thiếu vốn sản xuất, thiếu đất canh tác, có thành viên bị mắc bệnh hiểm nghèo. Do đó, gia đình cũng mong muốn được hỗ trợ không chỉ về vốn mà còn cả việc tiếp cận các dịch vụ y tế. “Có sức lao động, giờ tôi chỉ mong có thêm vốn, thêm đất đai để sản xuất, người bệnh hiểm nghèo trong gia đình được sẻ chia, giúp đỡ, nhất định gia đình sẽ vươn lên thoát nghèo trong thời gian tới”, bà Chuyên bày tỏ mong ước.
Còn với gia đình chị Đỗ Thị Hương (thôn Phú Xuyên 3, xã Phú Châu, huyện Ba Vì), với tài sản hiện có gồm 3 con bò sữa, 10 con lợn nái thì khó có thể khẳng định gia đình chị nghèo, nhưng thực tế thu nhập lại hết sức bấp bênh. Trước đây chị mua giống bò sữa với giá cao, nay giá con giống giảm một nửa nên chăn nuôi 2 năm qua coi như lỗ, may trông vào đàn lợn. Hai vợ chồng làm cật lực, trừ chi phí chỉ còn 50.000 đồng tiền công/ngày. Chị Hương hiện đang bị một khối u trong người, nên chị rất muốn đi điều trị ở bệnh viện chuyên khoa nhưng chưa có điều kiện vì nghèo.
Loại dần “quyết tâm bám trụ” hộ nghèo
Theo báo cáo của Sở LĐ, TB&XH TP Hà Nội có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ và 34.005 hộ cận nghèo, chiếm 1,89% tổng số hộ. Trong đó, khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo chiếm 5,6%. Theo chuẩn nghèo mới, Ba Vì là huyện có số hộ nghèo cao nhất thành phố với trên 11.000 hộ, chiếm 13%. Tiếp đến là huyện Chương Mỹ có 7.846 hộ (10,4%); huyện Ứng Hòa có 3.693 hộ (6,54%); huyện Mê Linh có 2.926 hộ (5,96%). Đáng chú ý, 2 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là Ba Vì (huyện Ba Vì) chiếm 48,5% và An Phú (huyện Mỹ Đức) chiếm 38,4%. Cũng theo Sở LĐ, TB&XH thành phố, đánh giá về mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo cho thấy có 8% số hộ nghèo có người bị ốm đau nhưng không đi khám chữa trong vòng 12 tháng qua; 37% số hộ nghèo đang ở trong những ngôi nhà thiếu kiên cố hoặc đơn sơ, 18% hộ nghèo có diện tích chỗ ở dưới 0,8m2/người; 13% hộ nghèo không được tiếp cận với nguồn nước hợp vệ sinh; 22% hộ nghèo không có thành viên được sử dụng thuê bao điện thoại và internet, 9% hộ nghèo không có ti vi, radio, máy tính và không nghe được hệ thống loa truyền thanh xã…
Trưởng phòng LĐ, TB&XH huyện Quốc Oai Phạm Thị Thanh Huyền cho biết: Với cách đánh giá mới, tình trạng “xin được nghèo” hoặc “quyết tâm bám trụ” hộ nghèo sẽ bị loại dần. Hơn nữa, khi xác định rõ nguyên nhân sẽ có giải pháp hỗ trợ kịp thời hơn. Đây là cơ hội để các hộ nghèo được tiếp cận với những hỗ trợ của Nhà nước, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Đặng Quyết Thắng, Phó phòng LĐ, TB&XH huyện Ba Vì cho hay: Các tiêu chí mới đã thực chất hơn và cũng dễ hơn cho cán bộ cơ sở thực hiện điều tra đánh giá. Tuy nhiên, những tiêu chí có thể “mắt thấy” như việc người dân tham gia giáo dục, bảo hiểm, nhà ở, nước sạch… thì dễ dàng đánh giá, nhưng với tiêu chí thu nhập việc điều tra, bình xét khó khăn vì người dân thường né tránh việc điều tra, hoặc kê khai đầy đủ do có tâm lý “muốn” nghèo. Thực tế cho thấy, có những hộ nhìn bề ngoài có vẻ khá giả nhưng nếu đo lường 5 dịch vụ cơ bản thì lại rơi vào hộ nghèo, hoặc có hộ dù nuôi tới 3 con ăn học đại học, con cái tham gia bảo hiểm y tế... rõ ràng đạt chỉ tiêu giáo dục nhưng lại vẫn nghèo về thu nhập vì kiếm được 1 đồng phải chi đến 2, 3 đồng cho con cái ăn học. Do đó, việc đánh giá chuẩn hộ nghèo mới cần có giải pháp căn cơ và biện pháp hỗ trợ đúng và trúng.
(Còn nữa)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.