Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Hiệu quả không như mong đợi

Nguyễn Mai - Bạch Thanh| 24/05/2016 06:19

(HNM) - Việc dạy nghề cho lao động nông thôn đã bộc lộ không ít hạn chế: Số lao động sau học nghề tìm được việc làm thấp, lao động chưa đáp ứng nhà tuyển dụng, nông dân không mặn mà với nghề… Rất nhiều nút thắt gây lãng phí cho một chương trình lớn của Nhà nước.

Bài 1: Hiệu quả không như mong đợi

Dạy nghề cho LĐNT gồm 2 nhóm nghề: Nông nghiệp và phi nông nghiệp. Thời gian cho mỗi khóa học là 3 tháng, kết thúc khóa học, học viên đủ điều kiện sẽ được cấp chứng chỉ nghề… Sau 5 năm triển khai, đã có hàng triệu nông dân được học nghề. Tuy nhiên, hiệu quả không như mong đợi. Bên cạnh những lợi ích mang đến từ chương trình có nhiều lao động không tìm được việc làm sau đào tạo, nhiều nông dân không mặn mà với học nghề…

Sau khi được học nghề, nhiều lao động xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ đã có việc làm ổn định. Ảnh: Bá Hoạt


Nông dân chưa sống được bằng nghề

Theo Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, triển khai Đề án dạy nghề theo Quyết định 1956 trên địa bàn thành phố, nông dân học nghề được hưởng nhiều hỗ trợ như: Miễn học phí, giới thiệu việc làm sau khi học xong nghề; đối với các nghề cơ khí, may, mây giang đan… được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm. Người học nghề còn được tiếp cận với nguồn vốn vay từ Ngân hàng CSXH để giải quyết việc làm. Đối tượng chính sách, được hỗ trợ tiền ăn và chi phí đi lại, được cung cấp giáo trình và nguyên vật liệu thực hành miễn phí…

Tuy nhiên, chị Ngô Thị Ngọc, nông dân xã Di Trạch cho biết, đã tham gia lớp học nghề chăn nuôi gà năm 2014, nhưng đến nay vẫn không thể phát triển được do thiếu đất sản xuất, ngành chăn nuôi lại đang phải đối mặt với dịch bệnh và đầu ra khó khăn. Còn Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hoài Đức Nguyễn Thị Kim Thư nhận định: Với thời gian đào tạo 3 tháng, người lao động rất khó kiếm được việc làm. Chưa kể, vận động người dân đi học nghề tại địa bàn huyện không hề dễ do người dân lo ngại học xong không tìm được việc làm.

Theo Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Ba Vì Đỗ Quang Trung, mỗi năm, huyện tổ chức trên dưới 100 lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Với nhóm nghề nông nghiệp, nông dân khá hăng hái với nghề trồng nấm nhưng do không có kỹ năng về thị trường, thiếu đầu ra cho sản phẩm nên chỉ được một thời gian là "chết yểu". Bà Vũ Thị Dự ở thôn Vân Xa, xã Tản Hồng cho biết: Đã tham gia lớp học nghề trồng nấm cách đây 2 năm, thời gian đầu, 4 hộ tập hợp thành một nhóm sản xuất nấm khá hiệu quả. Nhưng 2 năm trở lại đây do kinh phí đầu tư lò hấp, lò sấy, phòng lạnh bảo quản giống khá cao, vùng nguyên liệu khó khăn nên mô hình này đã tan rã. Còn với nhóm nghề phi nông nghiệp như may mặc, mây tre giang đan, nấu ăn, việc duy trì nghề sau đào tạo phụ thuộc rất nhiều vào việc các DN trên địa bàn có tuyển dụng hoặc có việc làm hỗ trợ nông dân hay không nên cũng nan giải.

Dạy và học nghề đều… chưa nghiêm túc

Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội, hạn chế trong công tác dạy nghề thời gian qua có nhiều nguyên nhân. Nhiều học viên không tuân thủ kỷ luật của lớp, nghỉ học không thông báo, đến học muộn, không ghi chép bài... Các cơ sở đào tạo còn hạn chế trong chuẩn bị giáo trình, chương trình giảng dạy, trong khi trang thiết bị dạy học lạc hậu… Đã thế, mỗi khóa học chỉ kéo dài 3 tháng nên tay nghề chưa sâu, đặc biệt đối với người học nghề nông nghiệp, học xong chủ yếu phục vụ phát triển kinh tế gia đình, thực tế không có nơi tiếp nhận. Các nghề phi nông nghiệp như nấu ăn, trang điểm cũng chỉ để phục vụ bản thân, rất khó đứng ra mở cửa hàng.

Ông Nguyễn Ngọc Lương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Trị, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ nông dân Quảng Trị chỉ ra không ít điểm yếu trong công tác dạy nghề: Giáo viên được mời đến dạy chỉ biết về lý thuyết còn thực hành không làm được; chương trình không phù hợp với đồng bào dân tộc, giáo viên không biết tiếng dân tộc; nhiều thuật ngữ kỹ thuật khó hiểu trong khi giáo viên không đủ khả năng ngôn ngữ cũng như thực hành để hướng dẫn nông dân...

Ông Phạm Văn Thiện, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Hội Nông dân Việt Nam nhận định: Hiện nay vẫn chưa khuyến khích được người dân tham gia vào các khâu trong quá trình đào tạo. Việc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân hầu hết do cán bộ cơ quan chuyên môn thực hiện, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan. Đặc biệt, thiếu giáo viên dạy nghề nông nghiệp cho LĐNT… Chưa kể việc cán bộ lãnh đạo cấp cơ sở chưa thực sự coi trọng công tác đào tạo nghề nên khi triển khai mở lớp, các huyện, thị xã đều xây dựng kế hoạch, khảo sát nhu cầu người học nhưng chưa sát với nhu cầu thực tế.

Theo Đề án 1956, trong giai đoạn 2016-2020, cả nước sẽ đào tạo nghề cho 5,5 triệu LĐNT. Bình quân mỗi năm 1,1 triệu lao động. Yêu cầu cũng đặt ra là 80% có việc làm mới và thu nhập cao hơn. Ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề chỉ ra 3 bất cập lớn nhất của nông dân, nông nghiệp, nông thôn hiện nay: Năng suất LĐ, quy mô sản xuất nhỏ; mô hình sản xuất không hiệu quả, chi phí cao; tính ổn định không cao, được mùa thì mất giá, được giá thì mất mùa. Nguyên nhân của những bất cập trên một phần do trình độ chuyên môn kỹ thuật, tay nghề của nông dân chưa đáp ứng được yêu cầu.

Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Thanh Nhàn, UBND TP Hà Nội đã ban hành danh mục 49 nghề, trong đó, nghề thấp nhất chi phí cho 1 người học là 1,6 triệu đồng; nghề cao nhất là 3 triệu đồng. Năm 2015, toàn thành phố đã đào tạo nghề cho 23.400 lao động nhưng chỉ có 2.360 người được tuyển dụng vào làm việc trong các DN. Một số nghề như lái xe, quản trị nhà trọ, quản trị doanh nghiệp, phát triển thương mại không có trong danh mục. Trong thời gian tới, Sở LĐ-TB&XH sẽ kiến nghị thành phố bổ sung thêm các nghề mới đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Hiệu quả không như mong đợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.